Chuyển đến nội dung chính

Infodump - các "cục" thông tin ngồn ngộn


Tiện trong bài nhân khẩu hồi nãy có nhắc đến thương hiệu Sci Fi trong tâm trí thiên hạ, mình lại nhớ đến một trong những điểm khét tiếng đi liền với nó, khiến cái dòng này rất dễ làm người đời cảm thấy hãi. Điểm đấy là nó có nồng độ Infodump cao vl.

Trong trường hợp anh em chưa biết, Infodump là sự kết hợp giữa “Information” (Thông tin) và “Dumping” (Trút đổ), dùng để chỉ một lượng thông tin khổng lồ tự nhiên xuất hiện trong tác phẩm, chẳng khác nào một thác chữ bị tác giả trút xuống đầu người thưởng thức. Thông tin bị trút xuống có thể là các tình tiết liên quan đến cốt câu chuyện hoặc bối cảnh nền gì đó, hoặc có thể là các thông tin kỹ thuật liên quan đến một tình tiết hoặc yếu tố nhất định, hoặc là qua một cái cớ gì đấy (chẳng hạn như dưới dạng các cuộc hội thoại giữa những nhân vật, một bài giảng, một buổi tóm lược thông tin,…), hoặc chỉ đơn thuần là một “cục” thông tin được nhồi vào lời dẫn thôi, chẳng cần lốt ngụy trang nào hết.

Vì bản chất của mọi tác phẩm nghệ thuật trên cái cõi đời này đều là truyền tải thông tin, đặc biệt những tác phẩm ra đời với mục đích truyền tải một câu chuyện, thế nên gần như chẳng thứ gì lại có sức đề kháng với Infodump cả. Mọi dòng văn đều có thể bị dính Infodump nếu như phần thông tin nó đưa ra bị quá ngồn ngộn, tạo thành những tảng dông dài và đặc nghẹt.

Tuy nhiên, trong số các dòng ấy, không thằng nào có nguy cơ chết vì Infodump cao bằng Sci Fi. Đám này thường lấy bối cảnh ở những thế giới hoặc khung thời gian rất khác biệt so với những gì chúng ta biết, với vô thiên lủng yếu tố quái dị cần phải giải thích. Bên cạnh đó, cái đống này lại còn phải giải thích thật sớm nữa cơ, chứ chờ nước đến chân mới nhảy thì sẽ dễ thành Deus ex Machina hoặc Ass Pull lắm (anh em đọc thêm về 2 thằng này ở đây nếu chưa nghe đến chúng nó bao giờ: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/07/deus-ex-machina-khi-nut-that-uoc-giai.html). Chính thế nên Sci Fi thường phải “xả hàng” ra rất kinh và rất sớm, tạo thành những khối Infodump lắm khi to như núi Thái Sơn.

Ngay cả Fantasy, người anh em cũng chém rất tởm và thường xuyên có những tảng Infodump về thế giới và chính trị các kiểu, cũng khó lòng bì nổi với thằng Sci Fi về độ ngứa thịt của cái Infodump nhà nó. Nguyên nhân là bởi ngoài các quy chuẩn của xã hội và tình hình thế giới ra, Sci Fi còn liên quan đến khoa học công nghệ nữa. Mặc dù Fantasy cũng có một cái tương đương là hệ thống phép thuật, món đấy khó lòng khô được đến như kiến thức khoa học quy củ. Thế nên nếu lấy một thằng Fantasy với hệ thống phép thuật xây dựng hết sức kỹ tã (tức Hard Fantasy, anh em đọc ở đây nếu chưa biết về nó: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/06/sff-101-hard-fantasy.html) ra so với một thằng xây dựng chuẩn về khoa học (tức Hard Sci Fi, anh em tìm hiểu thêm ở đây: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/06/sff-101-hard-soft-sci-fi.html) , mọi người sẽ vẫn thấy các cục Infodump của thằng Sci Fi khó nuốt hơn thằng Fantasy, kể cả nếu cả hai được viết một cách hấp dẫn ngang nhau.

Ví dụ về Infodump trong Sci Fi thì như đã nói ở trên đấy, nhiều vô cùng. Tiêu biểu nhất sẽ là những thằng thuộc mảng Hard Sci Fi, chẳng hạn cái bộ truyện Tam Thể của Lưu Từ Hân. Bộ này có sự xuất hiện của cực kỳ nhiều các kiến thức thiên văn với vật lý, được bro Lưu tương vào theo một kiểu mà hoàn toàn có thể quăng nguyên văn lên Wikipedia không cần chỉnh sửa, tạo thành những cục Infodump dài mấy trang giấy liền. Về sau, khi thanh niên Lưu bắt đầu đi sâu vào những thứ khái niệm và giả thuyết cao siêu, cái Infodump của ông anh lại còn trở nên khó thở nữa, vì nó vừa cần đưa kiến thức công nghệ thật, vừa cần giải thích rất nhiều thứ trừu tượng.

Arthur C. Clarke cũng nhiễm rất nặng cái bệnh đấy, với tiêu biểu là cuốn 2001: A Space Odyssey của ông. Như mình đã nói trong bài review về nó (anh em có thể đọc ở đây https://scifivietnam.blogspot.com/2022/06/review-2001-space-odyssey-cua-arthur-c.html), thanh niên viết truyện như làm kịch bản phim tài liệu. Mọi tình tiết, bất kể vặt vãnh đến đâu, đều bị đem ra phân tích và mổ xẻ rất tường tận, với gần như chẳng một cái cớ nào giúp ngụy trang sự nhồi nhét đấy hết. Hài một chỗ là những lần nỗ lực che đậy Infodump bị ông anh làm vụng đến nỗi còn khiến sự tình tệ hơn cả khi cứ tằng tằng mà phun chữ, với một đoạn còn cho nhân vật nói thẳng thừng luôn là kiến thức này thực chất cơ bản lắm, nhưng cứ nói lại từ đầu hết đi để “người ta” còn hiểu. Anh em soi gương để biết “người ta” là ai nhé 🐧.

Đến cả những thằng không phải Hard Sci Fi cũng có thể dính Infodump rất nặng, chẳng hạn như cuốn Flatland của Edwin Abbott Abbott. Quyển này mỏng dính, đâu tầm trăm trang gì đó thôi, nhưng cũng phải gần một nửa ban đầu không làm gì ngoài thả một cục Infodump khổng lồ, giải thích về hình học cơ bản cũng như cách các thể loại hình khối đại diện cho những tầng lớp và giai cấp khác nhau, và các quy tắc trong cái xã hội đấy. Nó còn bổ sung cả mấy cái hình minh họa, nhìn như kiểu sách giáo khoa toán luôn chứ chẳng đùa.

Thậm chí đến một thằng với nồng độ Sci Fi loãng tới mức chỉ cần nhích mông lệch đi một tí thôi là đã chui tọt ra ngoài thành tác phẩm thường rồi, ấy là Never Let Me Go của Kazuo Ishiguro, cũng có một cục Infodump to tổ chảng. Đến tít phần cuối, dường như cảm thấy hơi tội lỗi vì không chịu khám phá sâu vào cái thế giới Sci Fi mình tạo ra, Ishiguro tương nguyên một đoạn dài dằng dặc về lịch sử các kiểu của cái thế giới này, tạo thành cả một chương cấu thành từ Infodump. Trên thực tế, tùy cách nhìn nhận, cục Infodump này có phần lại còn ngứa thịt hơn Infodump của các cuốn Hard Sci Fi cơ, bởi vì nó cho độc giả thấy mình đã bỏ lỡ những gì trong quá trình theo chân nhóm nhân vật chính của truyện.

Trong mảng Fantasy, ứng viên đầu tiên có thể lôi ra làm ví dụ cho Infodump là series Harry Potter. Vì bộ truyện này lấy bối cảnh là một cái trường học phép thuật, thế nên gần như tất thảy mọi khung cảnh giảng dạy trong trường hoặc lên thư viện tra cứu đều là Infodump hết, chạy từ cách bùa phép hoạt động cho đến cơ cấu giải phẫu của các loài cây cỏ lạ và các đặc tính của những loài quái thú trong thế giới đấy. Buồn cười một chỗ là vì series gốc dành cho lứa tuổi độc giả nhỏ, thế nên lắm khi Rowling còn giải thích cả những thứ khá hiển nhiên vì sợ bọn trẻ con đọc không hiểu gì cả, cho nhân vật đưa những cụm thông tin mà sau đó sẽ được lặp lại bằng ngôn ngữ dễ hiểu hơn.

Một thanh niên khác không thể không kể đến là bộ truyện Wheel of Time của Robert Jordan. Bên cạnh những quả Infodump tiêu chuẩn của Epic Fantasy, với việc giảng giải cách hệ thống phép thuật vận hành và lịch sử thế giới cùng bàn cờ chính trị nọ kia, Wheel of Time còn khét tiếng là cực kỳ hay lặp đi lặp lại những tảng Infodump mình đã nói trong các tác phẩm trước rồi. Robert Jordan làm vậy cũng là có cái lý của mình, bởi vì truyện của ông ra hơi thưa, với khá nhiều mạch cốt loạn xạ xị ngậu, thế nên cứ khi truyện mới ra là phải nói lại mấy thứ để đỡ ai bị quên. Khổ cái lúc series kết thúc rồi, và chúng ta có thể đọc liền tù tì từ đầu đến cuối, cái mớ Infodump đấy trở nên khó chịu kinh khủng khiếp.

Series The Witcher của Andrzej Sapkowski cũng rất nặng mảng Infodump. Hồi nó còn là tuyển tập truyện ngắn, bởi vì cứ mỗi một mẩu truyện là lại xoay quanh một con quái với một mảnh đất có tình hình chính trị khác, truyện cứ thế tương một đống Infodump vào, đến mức có những truyện tầm 90% chỉ có Infodump nối tiếp Infodump, và với thỉnh thoảng có tí hành động rải rắc vào giữa. Sang đến mấy cuốn tiểu thuyết dài hẳn thì phần Infodump còn nát nữa, bởi vì Sapkowski bấy giờ đang gồng mình vặn series đi theo một hướng hơi khác, thế nên về cơ bản cần xây một cái nền mới từ đầu, và cứ thế tương Infodump về lịch sử với chính trị khá là ê a.

Lẽ đương nhiên, Infodump không mặc nhiên là xấu. Nếu tác giả biết làm thật khéo, lồng vào câu chuyện một cách tự nhiên hay dẫn dắt nó theo một kiểu hấp dẫn nào đó (viết thật hài hoặc đưa thông tin thật thú vị), đảm bảo những thông tin ấy đóng góp nhiều cho việc thúc đẩy câu chuyện sau này, thì cũng sẽ phần nào bù trừ được cho hạn chế của chúng nó. Bản thân những ví dụ mình đã nêu ra ở trên cũng đều làm khá tốt phần Infodump, với chỉ thỉnh thoảng mới có chỗ bị làm vụng, gây ảnh hưởng chất lượng tác phẩm tí. Cơ mà vì quá nhiều người làm vụng khoản Infodump, chưa kể Infodump về bản chất vẫn là một tảng chữ rất đặc. thế nên cái từ này thường bị đem ra để nói với nghĩa tiêu cực. Và với một cái dòng cứ tối ngày bị gán với Infodump theo chiều hướng tiêu cực như Sci Fi, có gì là lạ không nếu thiên hạ nghe đến tên nó là chạy mất dép 🐧?

Bất chấp việc Infodump chỗ nào cũng có 🐧.

Cứ nhìn cái clip bên dưới thì biết 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.