Trong bài bàn về Trận Somme và Trận Verdun cũng như cách chúng nó tác động đến J. R. R. Tolkien ngày hôm qua, mình có đăng kèm một MV fanmade cho bài hát Great War của ban nhạc Sabation để minh họa. Nhờ cái này mà mình mới sực nhớ hồi trước có định biên một bài về một tình tiết khá thú vị trong Witcher, cơ mà sau đấy Apple thả cái trailer H̵y̵p̵e̵r̵i̵o̵n̵ Foundation, thế nên mê mải chém về nó quá mà quên béng mất ý định ban đầu. Cái đấy là một trận đánh cảm tử của dân tộc tiên trong thế giới Witcher.
Trước tiên, xin điểm qua tí thông tin nền.
Trong series Witcher, con người thực chất là một “loài xâm lấn.” Cụ thể, con người vốn sinh sống ở một thế giới khác, nhưng sau một sự kiện mang tên Conjunction of the Spheres, thế giới ấy bị hủy hoại và loài người đã xuất hiện tại thế giới nơi các câu chuyện trong series diễn ra. Nhờ khả năng sinh sản nhanh đến chóng mặt của mình, đặc biệt là sau khi đã xoay xở tìm cách sử dụng được phép thuật, con người dần dần bành trướng được lãnh thổ, tạo ra các vương quốc riêng của mình. Trong quá trình đấy, những cư dân bản địa, đặc biệt là đám tiên, cứ thế bị đẩy lùi dần về phía Đông, mất hết đất đai vào tay con người.
Mới ban đầu, đôi bên cũng tìm cách thỏa hiệp với nhau, và thậm chí còn ký kết hiệp ước hòa bình các kiểu. Nhưng với lòng tham vô đáy của mình, chỉ được một thời gian thì con người đã phá vỡ hiệp ước, và chiến tranh giữa tiên và con người một lần nữa bùng nổ. Cuộc chiến khiến dân số tiên suy giảm mạnh, và tiếp tục bị đẩy lùi thêm nữa. Nhận thấy nếu cứ tiếp diễn thế này thì chắc chắn giống loài mình sẽ tuyệt chủng, phe tiên quyết định chọn một con đường khác. Thay vì trâu chó chiến đấu một cuộc chiến với kết cục nhãn tiền, họ quyết định phá hủy hết mọi thành phố của mình, sau đó rút lên núi ở ẩn. Họ nghĩ con người cũng chỉ như hạn hán hay bệnh dịch gì đó, tức chỉ là một đại nạn thoáng qua thôi. Nếu lánh đi, họ sẽ có thể trông cậy vào tuổi thọ cao phi thường của mình để tái xây dựng sau khi con người đã diệt vong.
Tuy nhiên, không phải ai cũng chấp nhận được cái giải pháp như thế. Dân tiên có một lòng kiêu hãnh rất cao, và bỏ chạy như chuột kiểu vậy bị khá nhiều người cho là hèn nhát, đặc biệt là các tiên trẻ tuổi. Trong số này, máu nóng nhất là Aelirenn. Aelirenn dứt khoát không chịu nhún nhường, và bất chấp mọi lời can gián cũng như cấm đoán của các bậc trưởng lão, cô đã kêu gọi dân tiên hãy làm một trận quyết tử với con người, chọn cho mình một cái chết thật vinh quang, để từ đấy bảo toàn niềm tự hào dân tộc.
Lời kêu gọi của Aelirenn đã được các tiên trẻ hưởng ứng hết sức nhiệt liệt, và gần như tất cả mọi nam thanh nữ tú của dân tộc tiên đều đã tập kết lại dưới ngọn cờ của Aelirenn. Cùng nhau, bọn họ cầm vũ khí lên, rời khỏi những ngọn núi và xông xuống vùng đồng bằng, tham gia vào một trận chiến hoàn toàn vô vọng.
Và lẽ đương nhiên, trong một tác phẩm deconstruct truyện cổ tích như thế này, kết cục của nó chẳng lấy gì làm hạnh phúc cả.
Toàn bộ lực lượng của Aelirenn đã bị tàn sát một cách không thương tiếc, và chết cùng với họ là tương lai của dân tộc tiên. Quả đúng như Aelirenn đã hứa, cái chết của những tiên nhân đấy đã đi vào lịch sử. Họ chết một cách đầy anh dũng và vinh hiển, tẩy bỏ phần nào sự nhục nhã cho dân tộc. Tuy nhiên, hành động của họ đã tuyên án tử cho chính giống loài của mình. Bây giờ chỉ những tiên già là còn sống, và dù rằng họ có thể sống thêm hàng mấy trăm năm nữa, những vị tiên này không thể sinh sản được. Chỉ các tiên trẻ mới có thể sinh con đẻ cái, nhưng họ đã theo chân Aelirenn, theo chân Bông Hồng Trắng của Rừng Shaerrawedd xuống âm thế mất rồi.
Ok, vậy cái sự kiện này liên quan gì đến Sabaton?
Thực ra không liên quan gì đâu 🐧.
Câu chuyện chỉ là Sabaton từng thực hiện một bài hát rất hay về một sự kiện lịch sử mang khá nhiều nét tương đồng với trận chiến cuối cùng của Aelirenn, ấy là Trận Shiroyama. Và chính cái trận này mới là thứ mình muốn mang ra so sánh.
Trước khi bàn về cái trận này, mình cần điểm lại một tí về lịch sử Nhật.
Trong khoảng thế kỷ 19, chế độ Mạc phủ Tokugawa ngày một trở nên suy yếu, càng lúc càng bị phương Tây lấn lướt. Rất nhiều samurai cảm thấy bất bình trước việc này, và coi sự nhu nhược của nhà Tokugawa như một sự sỉ nhục đối với niềm tự hào của đất nước Nhật Bản. Chính bởi vậy, các samurai thuộc miền Satsuma và Choshu đã liên kết với nhau và lật đổ Mạc phủ, khôi phục quyền lực đế quốc, mở ra Kỷ nguyên Minh Trị. Cánh samurai hy vọng rằng kỷ nguyên mới sẽ giúp Nhật Bản phát triển thịnh vượng, lấy lại oai nghi thời trước.
Bất ngờ thay, Kỷ nguyên Minh Trị lại là lúc tầng lớp samurai ngày một trở nên sa sút. Chính phủ Minh Trị triển khai rất nhiều chính sách nhằm Tây hóa Nhật Bản, và các samurai, hiện thân của văn hóa Nhật truyền thống, ngày một bị o ép. Họ không còn được trọng vọng như xưa nữa, mất luôn kế sinh nhai vì chính phủ đã bãi bỏ hệ thống lãnh chúa phong kiến, thậm chí còn bị tước đoạt cả những thứ mang tính văn hóa như kiểu tóc búi truyền thống và các thanh gươm của mình.
Một số người xoay xở thích ứng với xã hội mới, bỏ nghiệp samurai và quay sang làm các nghề khác để kiếm sống, nhưng hầu hết các samurai đều trở nên hết sức lạc lõng. Họ chẳng biết làm gì với đời mình, và cảm thấy như người thừa. Tệ hơn nữa, họ còn chứng kiến nhiều quan chức trong chính phủ, những người vốn cũng là samurai, sa đọa tham nhũng, trong khi vị Hoàng đế chính tay họ đã lập nên cứ tiếp tục cúi đầu trước các yêu sách của ngoại bang, khiến họ càng thêm cay đắng.
Tuy nhiên, không phải toàn bộ chính phủ mới đều ngoảnh mặt với tầng lớp samurai. Saigo Takamori, một một quan chức cấp cao trong Chính phủ Minh Trị, đồng thời cũng là một samurai nốt, vẫn nỗ lực tìm cách khôi phục cả hào quang cho Nhật Bản lẫn tầng lớp samurai cũ của mình. Năm 1873, khi bên Hàn từ chối công nhận chủ quyền và thẩm quyền của Chính phủ Minh Trị mới, Saigo đề xuất với Hoàng đế hãy tiến hành xâm lược trừng phạt Hàn Quốc. Một mặt, cuộc xâm lược đấy sẽ giúp tăng uy cho quốc gia và Hoàng đế; mặt khác, nó sẽ còn giúp các cựu samurai có cơ hội việc làm. Tuy nhiên, hầu hết các quan chức khác đều phản đối đề xuất của ông, cho rằng Nhật Bản không đủ mạnh và trước tiên phải tập trung vào việc củng cố quyền lực của Thiên hoàng tại địa phương cũng như công nghiệp hóa, hiện đại hóa Nhật Bản cái đã.
Thất vọng, Saigo cùng vài samurai khác từ chức, bỏ về phiên Satsuma. Tại đây, ông xây dựng một hệ thống trường học chuyên giảng dạy những giá trị samurai truyền thống, trong đó bao gồm cả nghệ thuật quân sự. Ông đã lập được hơn trăm trường, và kéo được rất nhiều người quy tụ về, trong đó có cả các samurai. Saigo hoàn toàn chẳng có ý định gì ác hiểm cả, mà ông chỉ thuần túy muốn duy trì truyền thống samurai, cũng như thành lập một mạng lưới hỗ trợ xã hội cho các samurai không thích nghi được với xã hội hiện đại mà thôi.
Khốn nỗi chính phủ ngày một có những chính sách khắt khe, khiến cánh samurai cứ bị dồn dần vào đường cùng. Gần như tuyệt đường sống, nhiều cuộc nổi dậy samurai đã bùng nổ trên khắp Nhật Bản, khiến chính phủ trở nên rất hoang mang, nhìn đâu cũng thấy giặc. Một trong những người làm chính phủ thấy e ngại nhất chính là Saigo, bởi lẽ họ thấy ông được nhiều samurai theo quá, chưa kể lại còn dạy đủ thứ về quân sự nữa (công bằng mà nói, thanh niên mở cả trường dạy pháo binh thì chính phủ không hoang tưởng sao được 🐧 ).
Khoảng cuối năm 1886, chính phủ Nhật lén cho người đến Kagoshima. Nhóm người này đã bị các samurai bắt được, và sau khi bị họ tra tấn thì đã khai rằng họ đến để ám sát Saigo. Thế là các samurai ở Kagoshima trở nên tức giận vô cùng, và họ nhao nhao kêu gọi làm phản để bảo vệ Saigo. E sợ viễn cảnh nội chiến bùng nổ, chính phủ đã phái tàu chiến đến Kagoshima, cũng như có rất nhiều động thái quân sự đáng ngờ gần Kagoshima. Điều này đã kích động một số môn đệ của Saigo trực tiếp tấn công quân triều đình, và châm ngòi cho phản loạn bùng nổ.
Mặc dù không muốn làm phản tí nào, nhưng cảm thấy tình hình hiện tại quả thực rất không ổn, Saigo miễn cưỡng chấp nhận vai trò lãnh đạo. Ông quyết định thực hiện một cuộc hành quân đến Tokyo để yêu cầu chính phủ giải thích về các hành động gây hấn của mình, đồng thời đòi hỏi chính phủ có những chính sách đối xử tốt hơn với các samurai.
Trên đường hành quân, Saigo liên tục đụng độ quân triều đình, và dù có dành được một số thắng lợi nho nhỏ, lực lượng của ông chịu thiệt hại khá nhiều. Ông năm lần bảy lượt tìm cách trình bày với triều đình rằng mình không thực tâm muốn nổi dậy gì hết, mà muốn tìm một giải pháp hòa bình cho tình huống hiện tại, nhưng chính phủ bỏ sạch ngoài tai.
Trong mấy tháng sau đó, quân chính phủ không ngừng đẩy lùi lực lượng Saigo, và đến khoảng tháng 9, Saigo chỉ còn tầm 400 người, và đã bị dồn về Đồi Shiroyama. Và đây là lúc ta có trận chiến huyền thoại này
Dưới sự chỉ huy của Tướng Yamagata Aritomo và Đô đốc Kawamura Sumiyoshi, quân đội Nhật xây dựng một loạt công sự để bao vây Saigo, chặn hoàn toàn đường thoát của ông. Đến cuối tháng 9, Đô đốc Kawamura Sumiyoshi ra tối hậu thư yêu cầu các samurai đầu hàng vô điều kiện, hứa sẽ tha mạng nếu họ giao nộp Saigo trước 5 giờ chiều ngày hôm đó. Sau khi quá hạn không thấy phản ứng gì, phía Nhật bắt đầu nã pháo như mưa lên đồi. Trận pháo kích kéo dài suốt đêm, và đến 4 giờ sáng, quân triều đình bắt đầu tấn công vị trí của Saigo.
Biết rằng mình đã chết chắc, các samurai quyết định làm một cuộc tấn công cảm tử. Họ lao vào giữa lằn đạn của quân đội hoàng gia, xộc đến đánh cận chiến. Dù chịu thương vong hết sức nặng nề, họ vẫn xoay xở áp sát được đội hình quân hoàng gia, và nhờ sở hữu kỹ năng kiếm thuật hết sức ưu việt, họ đã khiến hàng ngũ quân hoàng gia trở nên rối loạn. Tuy nhiên, số lượng áp đảo cũng như những vũ khí tối tân của quân đội cuối cùng cũng đẩy lùi được lực lượng Saigo, bấy giờ sĩ số chỉ còn tính bằng hàng chục, quay trở lên đồi.
Bị trọng thương, Saigo thực hiện nghi lễ seppuku, và những samurai còn lại xộc xuống đồi nốt lần cuối, và bị tiêu diệt sạch.
Vẫn biết rằng lịch sử thường có tính vòng lặp, và vụ Đồi Shiroyama không phải là trận chiến liều chết duy nhất từng xuất hiện. Tuy nhiên, nếu đặt cuộc chiến cuối cùng của Aelirenn và Trận Shiroyama bên cạnh nhau, ta sẽ không khỏi cảm thấy ngờ ngợ trước sự tương đồng của chúng nó. Cả hai đều có nguyên nhân gốc rễ là sự ảnh hưởng của một thế lực ngoại bang. Thế lực ấy hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp dồn một tầng lớp đầy kiêu hãnh vào bước đường cùng, và để họ phải làm phản. Cuối cùng, cuộc làm phản đấy đã chốt lại với cái kết là một trận đánh cảm tử nhằm bảo vệ niềm tự hào, và toàn bộ phe phản loạn đã bị tiêu diệt. Chính bởi vậy, cũng không loại trừ khả năng bên cạnh lịch sử Châu Âu, Andrzej Sapkowski còn nhòm sang thó từ lịch sử Châu Á nữa.
Và kể cả nếu ông anh không thó gì cả, ít nhất nó vẫn cho mình cớ để share nhạc Sabaton 🐧. #NoRagrets
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓