Trong bài bàn về cách Wayfarers giải quyết vấn đề hôm trước, mình có nhắc đến việc Record of a Spaceborn Few, một cuốn trong bộ này, động đến một đề tài rất hay, ấy là việc ngôn ngữ của thế hệ trẻ bị biến đổi. Cụ thể hơn, trong Record of a Spaceborn Few, một xã hội loài người du mục phải đối mặt với một vấn đề khá nan giải: bọn trẻ con ngày một “sính ngoại.” Càng ngày càng có nhiều đứa nói sõi tiếng Klip, ngôn ngữ chung của các nền văn minh ngoài hành tinh, hơn cả tiếng Ensk, ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng nó. Không chỉ dùng thành thạo mỗi tiếng Klip không, bọn nó còn rất hay chêm các từ Klip vào lời ăn tiếng nói hàng ngày như một dạng từ lóng, phần nào bóp méo tiếng Ensk nữa.
Việc ngôn ngữ bị biến dạng theo kiểu pha trộn như thế không hề hiếm gặp ngoài đời thường, và nó tồn tại ở cực kỳ nhiều quốc gia trên thế giới. Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, kể ra thì có lẽ cả ngày chẳng hết. Tiêu biểu trong số đó thì phải kể đến việc có những khái niệm hoặc vật dụng quá mới mẻ đối với quốc gia gốc, đến độ họ chẳng có từ nào để tả nó hết hoặc phải diễn giải nó ra theo một cách hơi cồng kềnh, thế nên dân tình bê luôn ngôn ngữ nước ngoài về để dùng cho tiện. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác cũng nên kể đến là việc thế giới giờ phẳng quá, thế nên thiên hạ thường xuyên phải sử dụng tiếng nước ngoài để tương tác với nhau, dẫn đến tình trạng ngôn ngữ nước ngoài kia bị “loang” vào cuộc sống vì họ quên cách diễn đạt ý tưởng bằng tiếng mẹ đẻ. Hoặc có khi nguyên nhân chỉ đơn thuần là tiếng nước ngoài nghe nó… lạ tai, và tùy theo cách nhìn nhận của mỗi nơi mà có khi còn mang tính sang chảnh hoặc nổi loạn nữa, thế nên thiên hạ cứ khiêng về dùng loạn xạ để thể hiện độ ngầu của bản thân.
Ví dụ thì cũng như lý do, kể ra cả ngày cũng chẳng hết, bởi vì nó phổ thông quá rồi. Trên thực tế, nó phổ thông tới độ có khi chính bản thân chúng ta cũng đang dùng nó hàng ngày ở nhiều mảng khác nhau, và tùy thuộc vào độ quen thuộc của ta với các mảng ấy, sẽ có những thứ anh em nhận thấy mình đang dùng kiểu vay mượn, có những chỗ phải được chỉ ra mới té ngửa là thì ra bấy giờ mình cứ mượn từ suốt mà không để ý. Anh em ngó thử mấy ví dụ thế này nhé:
- Anh không biết nói gì hơn nữa. Ơ mây zing, gút chóp em.
- Ok anh, case này bên em care được nhé. Anh gửi brief cụ thể vào mail giúp em với, và account bên em sẽ chuyển cho bên design ạ.
- Mọi người có thể giới thiệu cho em mấy bộ shounen isekai thú vị không ạ? Có tầm 50 chap đổ xuống thì càng tốt ạ, nhiều em ngại lắm.
- Ê, đang onl ko m ơi, t mượn thẻ lên camp tí. Zucc sút cmn thẻ t rồi
- Keigo-sensei lại sắp có cuốn mới về kìa mọi người ơi. Nghe đồn lần này là trinh thám mật thất đấy.
- Dm đêm qua cày rank dính thằng noob tạ vl. Aim thì như loz mà cứ thích cầm DPS, xong đến map còn dell thuộc hay sao ấy mà mãi đếch thấy flank được phát nào. Đã thế cả match còn dell bật nổi một cái ult nó mới vl chứ.
- Dịch dã đã chán mà onl Face toàn thấy chúng nó rải cẩu lương mới bực chứ (note: mình không hiểu lắm vụ cẩu lương là thế nào đâu, thế nên cái này chắc chém hơi lệch, anh em thông cảm 🐧 ).
- Thằng này mang tiếng là Hard Sci Fi mà công nghệ nó chém tung trời các bro ạ, chưa kể còn thêm quả combo tình tay ba sặc mùi YA nữa nó mới khắm lọ chứ.
- Nãy tao lướt Face thấy có cái shop đồ decor xinh phết, vào tính order mấy cái bình về nhưng lúc inbox hỏi giá thấy tiền ship chát quá, thế nên cho next luôn mày ạ.
Cái này không phải chỉ mình chúng ta mới bị. Như đã nói ở trên đầu đấy, rất nhiều quốc gia khác cũng có cái kiểu chêm tiếng nước ngoài vô tội vạ như thế. Ví dụ như ở Mỹ, bởi vì chơi với mấy anh Mễ nhiều nên thiên hạ chêm tiếng Tây Ban Nha nhiều khủng khiếp, với quen thuộc nhất sẽ là mấy từ kiểu “que pasa,” “adios,” “amigo,” và lẽ đương nhiên, đừng quên “Hasta la vista, baby.” Ở Canada, vì thiên hạ nói cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp, thế nên ta sẽ thấy dân dùng tiếng Anh là chính rất thích đú từ tiếng Pháp vào, trong khi dân dùng tiếng Pháp lại hay đú từ tiếng Anh. Ví dụ như một ông có thể đang bắn tiếng Anh nhoay nhoáy tự nhiên lại thả một câu “merde” vào giữa, trong khi giữa một tràng tiếng Pháp tự nhiên lại thấy từ “le garbage” chẳng hiểu từ đâu thò mặt vào. Và tiện nhắc đến Anh lai Pháp, đừng quên cho đến tận bây giờ, tiêu ngữ hoàng gia của Anh vẫn còn là “Dieu et mon droit” chứ không phải là “God and my right,” bởi vì bố ai lại đi dùng tiếng Giécman bần nông trong khi có tiếng Rôman sang chảnh ngồi sờ sờ đấy 🐧?
Và vụ Ken-sama thế nào thì chắc không cần nhắc lại nhỉ 🐧?
Thường thì cái kiểu pha trộn, lai tạp, và bóp méo ngôn ngữ như thế hay bị coi là xấu, nhưng đây kỳ thực lại là một phần rất tự nhiên của ngôn ngữ. Ngôn ngữ luôn luôn biến đổi và tiến hóa tùy theo môi trường và hoàn cảnh, và cái phiên bản tiếng ta nghĩ là “trong sáng” ngày nay nếu nói cho người chỉ quen với ngôn ngữ tầm ba, bốn chục năm trước nghe là đã thấy có rất nhiều vấn đề rồi, còn nếu tua đến tầm trăm nữa thì chắc các cụ vả cho không trượt phát nào vì tội lăng nhục tiếng mẹ đẻ. Mà nó chẳng riêng gì tiếng Việt, đến mấy cái tiếng Tây sang chảnh hay bất kỳ một thứ tiếng nào cũng vậy thôi. Anh em có thể xem thử clip Never Give You Up phiên bản tiếng Anh cổ này và so sánh phần phụ đề (gồm cả tiếng Anh cổ lẫn tiếng Anh hiện đại) để thấy thứ tiếng mà thanh niên Dan Nâu từng ngoạc mồm rêu rao là “ngôn ngữ thuần khiết” đã bị tiếng Latinh nó “tàn phá” thế nào nhé:
Và tất nhiên, vì ngoài đời dùng nhiều đến vậy, chẳng có lý do gì để Record of a Spaceborn Few độc chiếm cái mô típ này trong làng SFF hết.
Một trong những ví dụ kinh điển nhất về kiểu ngôn ngữ lai tạp này là tiểu thuyết A Clockwork Orange của Anthony Burgess, với quả nadsat huyền thoại của mình. Nadsat là một thứ tiếng lóng mà mấy đứa choai choai người Anh trong thế giới của A Clockwork Orange hay dùng, bao gồm biến thể của hàng nhiều ngôn ngữ và chất giọng khác nhau, nhưng chủ yếu dựa trên tiếng Nga. Ví dụ như “pony” (hiểu) là nói tắt của “понимать” (ponimat), “droog” (bạn) là từ “друг” (drug) mà ra, và “horrorshow” (tốt) là phiên âm trại của “хорошо” (khorosho). Bản thân từ “nadsat” cũng lấy gốc từ “-надцать” (-nadtsat), một hậu tố dùng để chêm vào các số từ 11-19, đúng số tuổi của bọn trẻ trâu luôn.
Một phiên bản thú vị khác về việc sử dụng ngôn ngữ lai tạp là series Dune của Frank Herbert. Vì bộ truyện này thó rất nhiều từ văn hóa Trung Đông, thế nên lẽ đương nhiên nó nhan nhản đủ kiểu từ được tác giả bịa lên từ gốc tiếng Ảrập, tiếng Ba Tư, và cả tiếng Do Thái. Nổi bật nhất là “Muad'Dib,” bốc nguyên si từ tiếng Ảrập, mang nghĩa gốc là “người thầy,” vào Dune thì hóa thành tên… chuột, và về sau được Paul Atreides lấy dùng làm biệt danh. Một thanh niên tiêu biểu khác là “Kwisatz Haderach,” được dịch thô ra trong truyện là “Rút ngắn đường lối” (Shortening of the Way), dùng để chỉ một Bene Gesserit (anh em cứ hiểu đại khái là các nữ Jedi đi) mang giới nam có thể nhìn thấu tương lai (tức chạy tắt giữa không gian-thời gian). Cái từ này có gốc là “K'fitzat ha-Derekh,” một từ tiếng Do Thái mang nghĩa “Nhảy cóc quãng đường” (The Leap of the Way), chỉ một khả năng dịch chuyển tức thời, khiến người sử dụng nó trông như thể tồn tại ở hai nơi cùng một lúc.
Series The Expanse của cặp đôi James S. A. Corey (bút danh chung của Daniel Abraham và Ty Franck) cũng có một trường hợp ngôn ngữ tạp chủng rất thú vị, và trong thời gian gần đây bắt đầu được một số người để tâm theo học hẳn hoi, ấy là Lang Belta. Lang Belta, hay ngôn ngữ Creole của dân Belter (Belter Creole), ra đời trong các cộng đồng cư dân khai thác quặng trên vành đai tiểu hành tinh. Vì những người đến định cư ở vùng vành đai này là dân tứ xứ, với Anh, Ấn, Trung, Đức, Nga, Bồ Đào Nha nháo nhào hết cả lên, thế nên ngôn ngữ của họ cứ trộn hết vào với nhau, xẹo xọ đủ kiểu, và cuối cùng hình thành một ngôn ngữ riêng. Ví dụ bao gồm từ “mang” (đọc trại của “man”) và các biến thể của nó, với thường gặp nhất là “bosmang” (tức “sếp”) là đọc trại của “boss man,” “pomang” (tức “người sao Hỏa/dân xứ bụi”) là đọc trại của “pó” (“bụi” trong tiếng Bồ Đào Nha) và “man,” “demang” (tức “cái người”) là đọc trại của “der/die” (“người mà/cái mà” trong tiếng Đức) và “man,” và “tumang” (tức “người Trái Đất”) là đọc trại của chữ “tǔ” (“thổ/đất” trong tiếng Trung) và “man.” Trường hợp của The Expanse đặc biệt ở chỗ tác phẩm gốc dùng quy luật ngữ pháp hơi lộn xộn, và về sau bản chuyển thể TV đã chỉnh lại cho nó trở nên hoàn hảo hơn.
Riêng với Lang Belta thì mình từng có một bài giới thiệu thêm về ngọn nguồn của nó, nếu quan tâm anh em có thể tham khảo thêm ở đây: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/08/lang-belta-mot-ngon-ngu-thu-vi-trong.html
Một trường hợp khác cũng cần nhắc đến là The Moon Is a Harsh Mistress của Robert A. Heinlein. Trong tác phẩm này, một bộ phận lớn dân Mặt Trăng có gốc gác là những thành phần bất hảo bị Trung Quốc tống lên cho khuất mắt. Vì trong tác phẩm, Trung Quốc bấy giờ đã xâm chiếm được gần như toàn bộ Châu Á kèm một phần khá lớn của Nga và Úc, đám dân Mặt Trăng (gọi là “Loonie”) sử dụng một phiên bản na ná nadsat, trộn cả tiếng Nga lẫn tiếng Anh lóng (chủ yếu của dân Úc). Ví dụ bao gồm “tovarishch,” tức “đồng chí,” là bốc trực tiếp từ từ “товарищ” (tovarisch); “dinkum thinkum,” về căn bản là “não to,” là phát triển lên từ từ lóng “dinkum” của dân Úc (nghĩa là “thứ thiệt”), với “thinkum” là biến thể của “thinker,” nhái theo kiểu của dinkum; và “stoolie,” một từ lóng trong tiếng Anh Mỹ, dùng để chỉ bọn chỉ điểm. Bên cạnh đó, dân Mặt Trăng còn cắt bỏ hết mạo từ “a,” “an,” “the” khỏi ngôn ngữ của mình, bởi vì nó chịu ảnh hưởng từ tiếng Nga, mà trong tiếng Nga thì không có mấy cái kia.
Một trường hợp khác cũng đáng nhắc đến, nhưng không phải vì sự phong phú của nó, mà vì nó đại diện cho một thủ pháp cho phép tác giả“lười,” ấy là bộ Tam Thể của Lưu Từ Hân. Trong bộ này, cụ thể là ở cuốn thứ hai, một nhân vật sau khi đi vào ngủ đông và tỉnh dậy ở thế giới tương lai nhận thấy rằng con người nói một ngôn ngữ lai tạp khá lạ, trộn giữa tiếng Trung và tiếng Anh. Bro Hân không đi sâu vào mô tả nó cụ thể là như thế nào, và cũng chẳng để các nhân vật tương lai của mình nói tiếng trệu trạo gì hết, mà chỉ đơn thuần bảo đại khái là, “Cứ biết với nhau là tiếng mới nhé, giờ nói bằng tiếng cũ cho dễ hiểu này.” Cái kiểu của Tam Thể đại khái giống như cái phim Valkyrie có Tom Cruise đóng ấy, trên lý thuyết là phim tiểu sử về một sĩ quan Đức, với toàn bộ nhân vật trong phim đều là người Đức hết, nhưng chỉ có tầm chục giây đầu phim là nói tiếng Đức thuần túy, và sau đó dần chuyển sang thành tiếng Anh, ngụ ý rằng nhân vật từ đầu đến cuối phim toàn nói tiếng Đức với nhau thật, nhưng cái phim tự động dịch hết sang tiếng Anh cho người xem dễ hiểu.
Cái kiểu ngôn ngữ lai tạp trong SFF thế này có quan hệ cực kỳ gần gũi với một khái niệm gọi là Conlang, tức ngôn ngữ bịa đặt. Trong group từng có một bài bàn khá sâu về đề tài này, nếu quan tâm anh em có thể đọc ở đây: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/07/conlang-ngon-ngu-gia-trong-sff.html
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓