Ngày hôm qua, mình có làm một bài phony-versary về cái game My Memory of Us. Đã có một bạn để ý thấy rằng nội dung của cái bài đấy gần như diễn xuôi hoàn toàn cuộc xâm lược Ba Lan của Phát xít Đức, mốc khởi điểm chính thức của Thế Chiến II. Và hẳn anh em nào quan tâm lịch sử hẳn sẽ còn nhận thấy một điểm đặc biệt khác nữa, ấy là ngày hôm qua, 1/9, cũng chính là ngày Đức tấn công Ba Lan luôn.
Cái sự tình cờ đó có một nguyên nhân rất đơn giản: My Memory of Us chính là câu chuyện về Warsaw, thủ phủ của Ba Lan, trong Thế Chiến II.
Trong suốt cái game, nó gần như chẳng đưa ra một thông tin cụ thể nào về cái thành phố bọn trẻ con sống cả. Trên thực tế, phải đến 90% nội dung trong bài phony-versary hôm đấy hoàn toàn không hề xuất hiện trong game. Tuy nhiên, với cách nó khắc họa hình ảnh của lũ rôbốt, cách nó rải những tượng đài đặc trưng của Warsaw, cách người dân trong đó bị đối xử, và đặc biệt là sự xuất hiện của một ông bác sĩ quản trại mồ côi trong khu ổ chuột đã khiến cho bản chất thực sự của câu chuyện hiện ra lồ lộ, giúp mình biết đường diễn xuôi lại lịch sử để biên thành bài riêng cho nó.
Việc dùng SFF để bóng gió nói về những sự kiện đau thương trong lịch sử như My Memory of Us kể ra cũng chẳng hiếm gặp lắm. Ta từng có những tác phẩm như The Forever War của Joe Haldeman tái diễn lại cuộc chiến tranh Mỹ thực hiện tại Việt Nam, chỉ trích sự vô nghĩa của cuộc chiến cũng như hệ lụy nó để lại cho binh sĩ. Beacon 23 của Hugh Howey cũng là một tác phẩm đả kích chiến theo kiểu chẳng khác gì The Forever War, có điều nó mập mờ hơn chút, có thể được suy diễn là ám chỉ cả cuộc chiến tại Việt Nam lẫn cuộc chiến tại Trung Đông của Mỹ. Series Dune của Frank Herbert thì ta chẳng còn lạ gì nữa rồi, đạo cả The Sabres of Paradise của Lesley Blanch lẫn Seven Pillars of Wisdom của T. E. Lawrence để đá xoáy các cuộc chiến ở Trung Đông. Star Wars của George Lucas, cụ thể là trilogy prequel, tái hiện lại Thế Chiến II, hay đúng hơn là sự trỗi dậy của Hitler trong giai đoạn trước khi Thế Chiến bùng nổ.
Tuy nhiên, cái đặc biệt của My Memory of Us là nó thực hiện được một điều khá khó nhằn: tái hiện rất thành công sự tàn khốc của một giai đoạn lịch sử đầy đau thương, song vẫn gần như phù hợp với mọi lứa tuổi. Nó cực kỳ giống với một cuốn truyện tranh thiếu nhi, không có gì quá máu me, và có thể đem cho trẻ con chơi được. Tuy nhiên, nỗi kinh hoàng của cuộc chiến vẫn được tái hiện một cách hết sức sinh động, không tô hồng thứ gì cả.
Xây dựng được một câu chuyện kinh hoàng mà cả trẻ con lẫn người lớn đều tận hưởng được chẳng dễ dàng gì, bởi lẽ cứ dính đến trẻ nhỏ là người sáng tác sẽ như thể bị trói quặt một tay ra sau lưng vậy, không thể tận dụng được toàn bộ các công cụ của mình. Điều này dẫn đến việc người ta rất dễ bị ngả nghiêng quá trớn về một bên, hoặc làm câu chuyện người lớn quá hoặc trẻ con quá, và rốt cuộc khiến một trong hai hoặc cả hai bên không thấm nổi. May mắn là My Memory of Us đã đạt được một sự cân bằng hoàn hảo, không ngả quá mức về những thứ tàn tệ và phức tạp, đồng thời cũng chẳng để sự nhẹ nhàng và giản đơn lấn lướt bản chất đau thương của những gì đã xảy ra. Nó thực hiện rất chuẩn một tôn chỉ của C. S. Lewis, ấy là: “Một câu chuyện thiếu nhi chỉ trẻ em mới thích sẽ không phải là một câu chuyện thiếu nhi hay chút nào.” Chính bởi vậy, dù rằng không đồ sộ gì cho cam, My Memory of Us vẫn có thể được coi là cả một tác phẩm đáng nể.
Nếu thấy thích cái kiểu của My Memory of Us, anh em cũng nên ngó thử series hoạt hình Les Grandes, Grandes Vacances nhé (trailer bên dưới). Cái này chỉ là hoạt hình thường thôi, không phải SFF gì cả, nhưng nó cũng khắc họa Thế Chiến II theo một cách mà cả trẻ con lẫn người lớn đều thấy hứng thú. Cái này gốc là hoạt hình Pháp, nhưng cũng có một bản lồng tiếng Anh có tên là The Long, Long Holiday. Bản lồng xem cũng ổn, mỗi tội một số chỗ các nhân vật tỏ vẻ không hiểu tiếng Anh (vì đây là dân Pháp) sẽ thấy hơi lệch pha, vậy nên nếu có thể thì anh em hãy xem bản tiếng Pháp nhé.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓