Chuyển đến nội dung chính

[SFF 101] Hard Fantasy


Trong cái bài về vụ khoa học hay bị nghi ngờ hôm qua, có một bạn hỏi về một cái dòng gọi là Hard Fantasy. Sau khi thử tìm hiểu thêm về nó, mình thấy rằng dù định nghĩa của nó hãy còn mơ hồ, ít nhất thì vụ này cũng là một ví dụ rất rõ cho việc phân định các nhánh phụ của những Sci Fi với Fantasy nó khó thế nào, vậy nên hôm nay vẫn cứ đưa lên bàn luôn.

Như tìm hiểu, Hard Fantasy là phiên bản tương ứng của Hard Sci Fi, còn cụ thể nó tương ứng kiểu gì thì… chịu 🐧.

Hay nói đúng hơn là mỗi ông phán một kiểu.

Có người bảo rằng Hard Fantasy là những tác phẩm với những quy tắc ràng buộc rất cụ thể cho những phần mang tính phép thuật của mình, và phải được phân tích mổ xẻ những hệ quả sâu xa của nó, chẳng hạn như là series Mistborn của Brandon Sanderson. Nói cách khác, kiểu định nghĩa này đòi một tác phẩm Hard Fantasy phải có một hệ thống Hard Magic System. Vấn đề là cũng có những tác phẩm không đi phân tích quá sâu vào phần phép thuật gì hết, hay thậm chí phép thuật có khi còn hơi lệch về bên Soft Magic System, nhưng đếu đọc vào thì lại cực kỳ khó để mà bác bỏ việc nó là Hard Fantasy. Ví dụ như bộ manga The Dragon, the Hero, and the Courier của Yamada Gregorius. Hệ thống phép thuật của nó có một số quy tác thật, nhưng khá là mơ hồ, mà chủ yếu nó tập trung vào bối cảnh lịch sử cũng như những vấn đề thực tế mà xã hội Trung Cổ từng gặp phải.

Có người thì lại bảo là nó chỉ cần tôn trọng lôgíc, và quan trọng là phải tạo cảm giác đây là một thứ có thể tồn tại được thật ở ngoài đời. Cái này thì rộng rãi hơn, cho phép những thằng như The Dragon, the Hero, and the Courier được phép nhảy vào trong Hard Fantasy. Nhưng nếu chỉ đòi hỏi nó lôgic và giống thật thôi thì vấn đề thì lại hơi rộng quá. Series A Song of Ice and Fire của George R. R. Martin trứ danh là có một thế giới rất thật, rất quy củ, nhưng gọi nó là Hard Fantasy thì có gì đó sai sai. Cái manga Courier kia thì còn có cớ là phép thuật không xuất hiện nhiều cho lắm, nhưng ASOIAF thì lại có cả đống phép thuật ngồn ngộn ra, và nhiều chỗ mềm gần như ngang Lord of the Rings. Thêm vào đó, còn những series với yếu tố Fantasy về sau rất nhập nhằng, hoặc có thể chỉ là những thứ mang tính đời thật, hoặc cũng vẫn có thể là một thứ phép ma gì đó như Hohzuki Island của Kei Sanbe thì sao? Cái này đủ tiêu chuẩn nhưng mà chẳng ai lại nói nó là Hard Fantasy hết.

Có bên thì lại bảo là nó cần trung thành một cách tối đa với những dữ liệu lịch sử và nhân chủng học mà ta đã biết, bên cạnh tích hợp các yếu tố phép thuật hoặc huyền thoại có quy định cụ thể. Thanh niên này đỡ hơn hai cái thằng ở trên là nó chấp nhận cả các cuốn có thế giới quy củ nhưng phép thuật không chú trọng lắm như bộ Courier, đồng thời lại gạt bớt những thằng chân thực kiểu Grimdark nhưng phần phép thuật thả quá thoáng như ASOIAF. Cơ mà nếu thế thì những tác phẩm với thế giới bịa đặt lại gặp vấn đề. Bộ truyện Witch Hat Atelier của Kamome Shirahama lấy bối cảnh là một thế giới bịa hoàn toàn, và mặc dù nó hơi có một tí na ná Châu Âu Trung Cổ, phần đấy lại cực kỳ sơ sịa, không thể khẳng định là nó trung thành với lịch sử được. Tuy nhiên, hệ thống phép thuật cũng như thế giới của Witch Hat Atelier lại hết sức chặt chẽ, ngang ngửa cả Fullmetal Alchemist của Hiromu Arakawa (và cái bộ này bản thân nó cũng đã tiệm cận Sci Fi lắm rồi). Không cho nó vào Hard Fantasy thì hơi khó. Và nếu chúng ta mà sờ đến cái bãi mìn mang tên Nasuverse của Type-Moon thì GG NO RE luôn. Nasuverse là một dạng vũ trụ chung, và trong đó cái series mọi người biết rõ nhất sẽ là Fate/stay night. Hệ thống phép thuật của Fate/stay night rất là lằng nhằng và lôgic, và nó chân thực với lịch sử đến phi thường. Mỗi tội Vua Arthur lại trở thành big tiddies anime waifu, thế nên là hơi khó nói 🐧.

Thực ra như mình nghĩ thì vì Hard Fantasy là phiên bản tương đương với Hard Sci Fi, thế nên ta nên nhìn nhận nó như cái cách mình nhìn nhận Hard Sci Fi: hãy đừng nghĩ Hard Fantasy là một dòng, mà hãy gọi nó là một thang đo.

Như trong bài về Soft & Hard Sci Fi mình từng viết, hai thằng đó chỉ là hai điểm đầu mút của một cái thước đo mà thôi. Các tác phẩm Sci Fi có thể thoải mái chạy trên đấy. Thằng nào khoa học chuẩn xác quá thì tức là nó sát với mốc Hard hơn mốc Soft, và tùy việc nó sát cỡ nào mà ta có thể gọi nó là Hard Sci Fi. Ngược lại, thằng nào khoa học cứ “bay bay” thì tức là nó xích về gần Soft hơn, và cũng tùy mức bay mà ta có thể gọi nó là Soft Sci Fi. Áp dụng tương tự vào với Fantasy là xong thôi.

Tất nhiên, việc một tác phẩm nhất định có nằm ở đủ sát cái mốc Hard để được gọi là Hard Fantasy hay không thì cũng mông lung lắm. Nó cũng như kiểu cà phê ấy, đổ một cốc sữa đầy ụ xong cho thêm một tí cà phê thì vẫn được gọi là Café Au Lait chứ không phải là sữa vị cà phê. Thế tóm lại phải đến cái mốc như nào mới bắt đầu gọi nó là sữa cà phê được? Cái này tùy cảm nhận cá nhân thôi.

Nói chung, nếu có ai đó đưa ra một tác phẩm Fantasy bất kỳ và hỏi đây là Hard Fantasy hay Soft Fantasy, câu trả lời sẽ luôn là: ừ 🐧.

P/S: trong hình là ảnh chế của Beastars, và giờ mới nhận ra đây cũng là một thằng ngả khá xa về phía Hard Fantasy nốt 🐧

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.