Hôm nay mình có ngồi xem lại phim Jurassic Park, và khi cái kết huyền thoại của nó xuất hiện thì lại nhớ đến một mô típ kể chuyện rất ngứa thịt: Deus ex Machina.
Deus ex Machina là một cụm tiếng Latinh, dịch nôm na ra là "Chúa hạ giáng từ cỗ máy". Nó xuất phát từ cách một số vở kịch cổ đại của Hy Lạp giải quyết xung đột của mình. Trong một số phân cảnh, khi các nhân vật gặp tình thế quá bí, không thể nào giải quyết được hay phân định đúng sai, "Chúa" sẽ xuất hiện. Từ trên trần sân khấu, một thiết bị cần cẩu nào đó sẽ cho các diễn viên hoặc pho tượng đóng vai thần thánh/Chúa/thiên thần dần dần hạ xuống sân khấu. Vị "Chúa" này sau đó sẽ giải quyết gọn ghẽ vấn đề kia trong một nốt nhạc, vì đây là... Chúa. "Chúa" quyền thế vô biên, auto đúng, auto vô địch. Cấm cãi 🐧.
Ngày nay, Deus ex Machina đã mang nghĩa rộng hơn, không đơn thuần chỉ mỗi việc thần thánh nhảy xuống gánh team nữa, mà nó dùng để chỉ bất kỳ sự kiện, nhân vật, hay thậm chí là vật thể hay khả năng nào đùng một phát xuất hiện, và giải quyết ngon lành một vấn đề mà tính đến thời điểm đó vô phương giải quyết.
Một Deus ex Machina sẽ có 4 đặc điểm sau:
1) Deus ex Machina phải là lời giải cho một vấn đề. Nếu chỉ đơn thuần là một sự kiện bất ngờ thì nó thành plot twist mất rồi.
2) Vấn đề gốc phải hoàn toàn vô phương giải quyết trước khi cái thứ đấy chường mặt ra. Nếu vấn đề vẫn còn hướng giải hợp lý nào khác (trong phạm vi câu chuyện), nó sẽ chưa đủ đô để chứng minh cái thứ kia là "Deus" toàn năng.
3) Deus ex Machina phải tòi ra một cách bất ngờ và thiếu tự nhiên. Nếu giải pháp nghe điêu nhưng từ đầu câu chuyện đã được dàn dựng và phát triển dần dần để xuất hiện rất hợp lý thì nó không phải là Deus ex Machina. Ngược lại, kể cả nếu cái thứ đấy đã được giới thiệu vào câu chuyện từ sớm, nhưng không có bất kỳ lý do hợp lý nào để nó thò lại mặt vào câu chuyện thì nó sẽ vẫn là Deus ex Machina.
4) Deus ex Machina phải không chịu ảnh hưởng từ các nhân vật trong câu chuyện, hoặc hành động của họ phải nhỏ đến mức không đáng kể. Deus ex Machina sẽ đến từ một yếu tố random nào đó chưa từng xuất hiện trong câu chuyện, hoặc từ trước đến giờ có ảnh hưởng cũng không đáng kể nốt.
Ví dụ về Deus ex Machina trong SFF thì nhiều vô kể, bởi nó cho phép tác giả nhảy hẳn ra ngoài thực tại mà chơi. Ví dụ kinh điển nhất sẽ là các câu chuyện thần thoại thời xưa, chẳng hạn như bộ sử thi Iliad của Homer, với đủ thứ thánh thần của Hy Lạp thò tay vào can thiệp chuyện của con người. Nổi nhất là lúc Paris bị Menelaus dần cho nhừ tử, sắp chết đến nơi (đồng nghĩa với cuộc chiến sẽ kết thúc ngay lập tức) thì nữ thần Aphrodite nhảy xuống bế thốc Paris về thành. Anh em Việt Nam nhà ta thì hẳn chẳng ai lạ gì câu chuyện Tấm Cám, với tuyệt chiêu Gọi Bụt no Jutsu của Tấm, 3 giây xong sạch mọi chuyện. Hiện đại hơn một chút thì ta có các tác phẩm trong thế giới Trung Địa của J. R. R. Tolkien, được xây dựng phỏng theo mô típ các truyện thần thoại xưa, với khá nhiều hoàn cảnh được giải quyết nhờ các Đấng từ trên trời rơi xuống, đôi khi theo đúng nghĩa đen (đừng quên hãng hàng không Đại Bàng United 🐧 ).
Sci Fi thì hiếm khi có Chúa xuất hiện, nhưng Deus ex Machina thì vẫn nhiều vô cùng. Ví dụ đầu tiên chính là cái thứ đã làm nảy sinh cả cái bài này: bản chuyển thể Jurassic Park. Đến phần cuối, tự nhiên ta có con T-Rex nhảy bổ vào thịt sạch mấy con raptor, và thật tình cờ là đúng lúc dàn nhân vật chính chẳng còn đường thoát nào nữa. Một số series thì thậm chí còn sống hoàn toàn vào mô típ Deus ex Machina này, tận dụng nó để tấu hài, chẳng hạn như series The Hitchhiker's Guide to the Galaxy của Douglas Adams hoặc series anime Space Dandy, gần như 100% cho nhân vật của mình thoát chết bằng những thứ không hiểu từ đâu mà ra. Mặc dù công bằng mà nói thì chẳng ai hiểu được bất kỳ thứ gì trong 2 cái series này từ đâu mà ra hết đâu 🐧. Animorphs của Applegate cũng đã ít nhất một lần dùng Deus ex Machina khi để cho Cassie bị kẹt trong lốt sâu róm, nhưng về sau lột xác thành bướm, và "tình cờ" thì công nghệ biến hình lại cho phép reset lại được đồng hồ biến hình nếu trường hợp ấy xảy ra, và thế là hoàn được lại thành người.
Deus ex Machina có một phiên bản nhẹ hơn, đồng thời cũng rộng hơn tí, nhưng nếu không dùng cẩn thận thì cũng gây ngứa thịt chẳng kém: Ass Pull. Khác với Deus ex Machina, Ass Pull không cần giải quyết thế bí nào cả, nó chỉ cần tự nhiên tòi ra một cách vô lý thôi là ok. Ví dụ bao gồm cái kết của Animorphs, với tự nhiên một thằng The One tòi mặt ra ở cuối, chẳng hiểu vì sao. Doctor Who cũng rất hay chơi cái trò này, với cái "tuốc nơ vít" thần thánh đôi khi có những khả năng cụ thể vl. Và nếu nhìn vào mấy cái manga shounen thì hỡi ôi, gần như chẳng bao giờ thiếu được cái mô típ này, với các nhân vật cả thiện cả ác cứ auto tòi ra khả năng/kiến thức mới, thường là hoạt động dựa trên nguyên lý tình bạn và độ khỏe của gân cổ. Hãy cứ hỏi Kaiba khi nó thấy Yugi bắt đầu lải nhải về tình bạn lúc chỉ còn 200 điểm gốc là biết 🐧.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓