Chuyển đến nội dung chính

Starfish Aliens - người ngoài hành tinh "lệch chuẩn"


 Sau khi mò thấy mấy cái tranh lũ Elder Things do Kurt Komoda vẽ bữa trước, mình lại nhớ đến một mô típ mà ta thỉnh thoảng vẫn thấy Sci Fi sử dụng. Mô típ ấy là Starfish Aliens.

Nếu hay đọc Sci Fi thì anh em hẳn chẳng còn lạ gì với người ngoài hành tinh rồi. Kể cả nếu không đọc Sci Fi hay thậm chí mù gần như hoàn toàn về cái mảng này, anh em cũng biết người ngoài hành tinh là cái gì. Cái tên của nó đã khiến bản chất của thuật ngữ này trở nên rất hiển nhiên: những tộc người sinh sống ở bên ngoài Trái Đất.

Bên cạnh đó, bởi vì đây là NGƯỜI ngoài hành tinh, thế nên khi nghĩ về đám này, chúng ta thường hay mường tượng họ dưới dang các sinh vật hao hao bản thân mình. Ừ, có thể da sẽ có đủ thứ màu bảy sắc cầu vồng, thêm kèm vài cái râu tua hay lông lá gì đó, khớp chân bị bẻ quặt lại như kiểu chân chó mèo, cộng vài cánh tay phụ trội,… nhưng đại khái chúng nó vẫn sẽ mang nhân dạng hay cái gì đó quen quen kiểu thế. Ngay cả trong trường hợp không bị ảnh hưởng bởi cách dùng từ của thuật ngữ, chẳng hạn thông qua việc sử dụng một ngôn ngữ khác, thì phiên bản mặc định của thiên hạ khi nghĩ về người ngoài hành tinh nhìn chung toàn lấy người làm gốc, sau đó tô vẽ thêm thắt các kiểu cho khác đi.

Bản thân Sci Fi cũng dính phải thiên kiến ấy khá nặng, và rất hay dùng con người làm nguyên mẫu cho người ngoài hành tinh (ít nhất là những người ngoài hành tinh có ý thức ở mức xấp xỉ con người). Nguyên nhân thì có thể kể đến việc các tác giả vốn biết thiên hạ mang cái nhận định như vậy rồi, nên muốn nương vào đó mà triển. Một lý do khác thì có thể là vì trong tâm tác phẩm là một khía cạnh đòi hỏi người thưởng thức phải đòng cảm hoặc nhập tâm sâu sắc vào với nhân vật, thế nên tác giả muốn hạn chế tối đa việc để các giống loài ngoài hành tinh trở nên quá xa lạ. Hoặc cũng có thể vì muốn tác phẩm của mình về sau dễ bê sang các loại hình media với một số giới hạn vật lý nhất định (chẳng hạn sân khấu hay phim ảnh), tác giả người ta sẽ tô vẽ nhân vật theo kiểu dễ để người đóng hoặc làm giả với chi phí thấp,… Nói chung cội rễ việc người ngoài hành tinh trong Sci Fi nhìn cứ quen quen đa dạng lắm.

Tuy nhiên, vẫn có không ít người chọn một con đường khác.

Một số tác giả không bằng lòng với việc bế một con người ra bôi xanh bôi đỏ rồi thôi. Thay vào đấy, họ sẽ cho đám đấy sở hữu một kết cấu sinh lý hết sức quái đản, dựa trên các loài động vật không mang nhân hình hay thậm chí còn không thuộc bộ có xương sống, chẳng hạn như côn trùng hay các loài thủy sinh thân nhuyễn. Có khi họ còn để đám đấy cấu thành từ các thứ vật chất phi hữu cơ dị hợm, không có hình hài cụ thể; hay chúng nó còn không có một thứ gì gọi là thân xác vật lý, mà tồn tại dưới một dạng thức năng lượng gì đó. Cũng có thể họ sẽ để đám người ngoài hành tinh của mình sở hữu những giác quan quái thai, tiếp nhận và xử lý thông tin ở những cấp độ không tưởng hoặc theo những cách chưa từng thấy bao giờ. Trong trường hợp đám đấy có văn hóa, xã hội, tư duy, cách suy nghĩ và lôgic hành động của chúng sẽ bám theo một lôgic lạ lùng khôn tả, hay chưa biết chừng còn không thể lãnh hội nổi.

Bất kể có đi theo hướng nào, hay đi theo một phiên bản pha trộn giữa các hướng như thế nào, điểm chung của những tác giả như thế là họ quyết tâm khắc họa người ngoài hành tinh dưới dạng một thực thể xa lạ theo đúng nghĩa: chúng nó rời xa cái bản mẫu của con người, và rất lạ nếu nhìn nhận từ góc độ con người. 

Và nếu có chủng tộc ngoài hành tinh nào xây dựng theo kiểu đấy, chúng nó sẽ chính là Starfish Aliens.

Starfish Aliens lấy tên từ sao biển, một loài vật gần như không chung chạ điểm gì với loài người cả. Điểm sơ sơ, ta có việc bọn này là động vật thân mềm không xương sống, và sống dưới lòng đại dương; việc bọn nó vẫn mọc lại được chi nếu bị chặt cụt; việc lũ này có thể sinh sản vô tính (tùy chủng và tùy trường hợp); việc bọn nó mồm để ngang bụng, và lộn ruột ra ngoài theo đúng nghĩa đen để ăn uống; việc bọn này không có máu mà dùng một dạng bơm sinh học nằm trong các ống chân tua để hút nước biển vào và truyền dưỡng chất đi khắp cơ thể; việc bọn nó không có một hệ thần kinh trung ương (tức không có não) mà chỉ có một mạng thần kinh dàn trải, với các chi về cơ bản có thể tự “nghĩ” và hoạt động độc lập với nhau, song vẫn nhận thông tin từ nhau để cùng phối hợp hoạt động;…

Càng đào sâu, mọi người sẽ càng không thể nghĩ một thứ quái chiêu như thế lại có thể tồn tại trên đời. Mà chẳng cần phải đào sâu làm gì, anh em cứ nhìn vào cái hình minh họa bên dưới, vẽ một con sao biển cổ đại mà xem. Trông nó có khác gì sinh vật ngoài hành tinh không?

Chính vì sự dị đó, bọn này đã được mượn tên để đặt cho mô típ người ngoài hành tinh lạ thường. 

Có một số điều anh em cần lưu ý về cái mô típ Starfish Aliens này. Thứ nhất là cái tên chỉ thể hiện độ dị của nó thôi, chứ không đòi hỏi chỉ những chủng loài với kết cấu tương tự sao biển hoặc con gì đó tương tự mới có thể liệt thành nó. Chỉ cần những chủng tộc nào nhìn vào tuyệt không thấy bóng dáng con người đâu, và cũng chẳng có gì khiến chúng trông quá giống một loài động vật thân thuộc nào đấy được gắn kèm vài cái râu giả là được rồi.

Thứ hai là Starfish Aliens chỉ thuần túy là một công cụ kể chuyện, hệt như như các phiên bản người ngoài hành tinh giống người vậy, và không phải cứ khắc họa người ngoài hành tinh quái lạ thì mặc nhiên câu chuyện sẽ trở nên tử tế hơn. Nếu câu chuyện đòi hỏi sự dị biệt, Starfish Aliens sẽ phù hợp. Nếu sự dị biệt chỉ là phụ, và trọng tâm câu chuyện nằm ở chỗ khác, Starfish Aliens sẽ không nhất thiết giúp cải thiện câu chuyện theo hướng tích cực hơn.

Cái cuối cùng là bất chấp Starfish Aliens hay được coi là mặc nhiên chân thực hơn các phiên bản người ngoài hành tinh với chất “người” cao hơi quá đà,  điều này chưa chắc đã chính xác. Đúng là nếu có ngày tìm thấy một nền văn minh lạ, đám người ngoài hành tinh khả năng cao sẽ giống với Starfish Aliens hơn (cứ nhìn vào cách đủ chủng loài trên Trái Đất tiến hóa thì anh em sẽ thấy ngay). Nhưng vì mọi sinh vật sống, đặc biệt các dạng thức sống hình thành được một nền văn minh, thường đều phải tiến hóa nhằm giải quyết các vấn đề chung căn bản như nhau, chẳng hạn kiếm thức ăn, né tránh hiểm họa, giao tiếp, sử dụng công cụ, cải thiện môi trường sống,… không loại trừ khả năng chúng nó sẽ tiến hóa theo những con đường na ná nhau, dẫn đến hình thành những điểm tương đồng. Hiện tượng này gọi là tiến hóa hội tụ, và trong group từng có một bài bàn về nó rồi. Nếu muốn anh em có thể tham khảo ở đây: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/08/tien-hoa-hoi-tu-va-viec-tin-uoc-bao.html

Về khoản ví dụ thì lẽ đương nhiên, trường hợp kinh điển nhất về Starfish Aliens sẽ chính là thứ đã khơi nguồn ra cái bài nay: lũ quái vật ngoài hành tinh trong huyền thoại Cthulhu của Lovecraft.

Vì Lovecraft muốn tạo ra những chủng tộc nằm ngoài sự lãnh hội của con người, những thứ hoàn toàn không thuộc về thế giới của chúng ta, ông anh để cho lũ quái của mình dị hợm theo mọi nghĩa khả dĩ. Cái hình thù của bọn nó quái đến mức nhiều con thậm chí còn không có một miêu tả cụ thể nào ngoài một số lời thuật mơ hồ về một phần bóng dáng hay hiệu ứng mà nó tạo ra cho người nhìn thấy, và những con có hình thì cũng lai tạp điên loạn đủ thứ quái thai trên đời vào. Đến cả những con trông “ưa nhìn” nhất cũng lấy nền tảng là cá, là bạch tuộc, là côn trùng, toàn những thể loại con người không thấm nổi. Phương thức giao tiếp của chúng nó thì còn không phải là ngôn ngữ, thường toàn là những xúc cảm được người lãnh nhận diễn giải lại, hoặc những âm không cổ họng con người nào phát âm được mà chỉ có thể tả phiên phiến. Tư duy và văn hóa của bọn nó cũng chẳng ai biết đường nào mà lần, bởi vì lũ này suy nghĩ ở cấp vũ trụ theo đúng nghĩa đen, với con người chỉ như mấy con kiến đi qua đường, không cách nào hiểu nổi.

Một ví dụ thú vị khác mà anh em cũng nên nhìn vào là lũ người ngoài hành tinh trong tác phẩm Blindsight của Peter Watts.

Đây là một trường hợp Starfish Aliens theo đúng nghĩa đen luôn chứ không chỉ là nghĩa bóng nữa. Như trong review về nó mình đã nói đấy, Peter Watts là tiến sĩ sinh vật học và đã tham gia nghiên cứu sinh vật biển cũng như hệ sinh thái biển từ rất lâu, thế nên ông anh nắm cực rõ về cái sự điên rồ trong cấu tạo của các loài nhuyễn thể. Thế là Watts đã bê nguyên cả một lố kiến thức ấy vào trong tác phẩm, và xây dựng ra một chủng người ngoài hành tinh được mệnh danh là “scrambler.” Bọn này về cơ bản là một lũ sao biển ngoài vũ trụ, với kết cấu sinh học hình sao và cũng chung một điểm là không hề có hệ thần kinh trung ương, từ đấy dẫn đến việc bọn nó không có cái gì tương đồng với suy nghĩ hết, nhưng vẫn bằng cách nào đó phối hợp được cơ thể rất kỳ diệu như chính lũ sao biển vậy.

Một trường hợp khác cũng nên nhắc đến là con quái vật ngoài hành tinh trong bộ phim The Thing của John Carpenter, chuyển thể từ tiểu thuyết ngắn Who Goes There? của John W. Campbell Jr.

Phim xoay quanh một con quái ngoài hành tinh vị kẹt ở Nam Cực. Trên lý thuyết, con quái gần như luôn sử dụng dạng người trong phim, và nếu có thay đổi thì cũng biến từ dạng người ra, nhưng vấn đề là đấy không phải cơ thể gốc của nó. Nó chỉ đơn thuần biến đổi bản thân cho giống con người, còn hình thù thật của nó thế nào thì không ai biết. Trong Who Goes There?, con quái được khắc họa một cách rõ rệt hơn, và nó trông cũng hao hao giống người, dù rằng sự giống chỉ dừng ở việc nó đứng thẳng trên hai chi. Tuy nhiên, đang chú ý là cơ cấu hoạt động sinh học của nó cực kỳ dị hợm, với mỗi tế bào đều có thể hoạt động độc lập với thân xác chính, dẫn đến việc nó có thể biến đổi theo những kiểu quái gở khôn lường, tạo thành những hình hài chẳng khác nào bước ra từ truyện của Lovecraft, khiến nó vẫn đủ tiêu chí để trở thành Starfish Aliens. Đáng chú ý là Peter Watts cũng từng viết một cái fan fic đoạt giải Hugo về The Thing, dựa trên cả thông tin trong Who Goes There? lẫn cái phim chuyển thể. Trong đấy, thanh niên tích hợp cực nhiều ý tưởng của Blindsight vào, tái hình dung con quái thành một dạng Starfish Aliens không thể lệch vào đâu được.

Một ví dụ hấp dẫn khác nữa là đám người ngoài hành tinh trong Children of Time của Adrian Tchaikovsky.

Ban đầu, truyện đáng lẽ sẽ chẳng dính gì đến Starfish Aliens đâu, bởi vì nó xoay quanh một dự án mang khỉ từ Trái Đất lên một hành tinh lạ và bơm virút giúp đẩy nhanh tốc độ tiến hóa của chúng nó. Dù có là một hành tinh khác với Trái Đất, nguyên mẫu vẫn là một toán linh trưởng, thế nên nếu tiến hóa lên thì bọn này cũng chẳng thể khác với loài người bao lăm. Khốn nạn là trục trặc đã xảy ra, và lũ virút tiến hóa rốt cuộc lại nhiễm vào một loài vật không thể khác người hơn được: nhện. Và không chỉ là nhện thường, mà còn là nhện ngoài hành tinh nữa cơ. Cái khoản cơ cấu sinh học thì dĩ nhiên khỏi nói rồi, chẳng giống người được miếng nào hết. Cơ mà không chỉ dừng ở đó, cái nền bản năng nhện cũng khiến bọn nó phát triển một xã hội và tâm lý dị kinh khủng, chưa kể lịch sử lập quốc dẫn bọn nó đến đụng độ với đủ loài côn trùng khác, và gầy dựng một cái nền văn minh dựa trên công nghệ sinh học quái chiêu khôn tả.

Còn một quả Starfish Aliens rất dị khác có thể kể đến là các cư dân trong Flatland, cuốn tiểu thuyết ngắn của Edwin Abbott Abbott, kể về một thằng hình vuông trong thế giới 2D được tiếp xúc với các công dân ở những chiều khác.

Flatland đặc biệt ở chỗ ta có hai cách để nhìn nhận về mô típ Starfish Aliens trong này. Thứ nhất, ta có thể nhìn nhận mọi thứ dưới góc độ của người đọc bên ngoài tác phẩm. Khi ấy, toàn thể dàn nhân vật trong Flatland sẽ trở thành Starfish Aliens. Bọn này là những khối hình học theo đúng nghĩa đen, toàn là điểm với cạnh với hình, và chẳng có tí điểm chung nào với con người nữa. Đến cái xã hội của bọn nó cũng dị, với số lượng góc cạnh và độ cân đối trở thành thang đo cho độ thượng đẳng, và một số thành phần phải vừa đi vừa ngúng nguẩy với la lối để tránh đâm nhau. Thứ hai, ta có thể nhìn nhận dưới dạng một công dân bất kỳ  của bất cứ cái chiều nào trong này. Các nhân vật thuộc các chiều không gian khác nhau sẽ là Starfish Aliens đối với nhau, với những thằng ở chiều thấp không tài nào mường tượng ra nổi dạng hình của thằng chiều cao hơn, và ngay cả thằng ở chiều cao hơn nhìn xuống thằng thấp hơn cũng thấy dị kinh khủng vì bọn nó khác mình quá đỗi.

Một trường hợp Starfish Aliens hài hước hơn có thể được tìm thấy trong series Animorphs của K. A. Applegate.

Xuyên suốt series này, ta liên tục gặp hàng loạt chủng loài ngoài hành tinh khác lạ, và phải đến 9 trên 10 chủng rơi vào thể loại Starfish Aliens. Chỉ điểm sơ đám người ngoài hành tinh mặc định thôi, ta đã có cả một lố rồi: Yeerk là một lũ sên không vỏ, sinh sản bằng cách nhập xác lại rồi rã ra thành các mảng riêng, biết rúc vào tai các sinh vật có hệ thần kinh trung ương đủ tinh xảo để điều khiển chúng; Hork-Bajir thì như thể ai đó quẳng một cái máy cắt cỏ và khủng long bạo chúa vào một cái máy xay, và thành phẩm thu về là một con thằn lằn có hai tim, to cao lực lưỡng, móng vuốt và dao tua tủa khắp người, ăn vỏ cây để sống; Andalite thì là một con nhân mã không mồm, đuôi cong vút như bọ cạp, giao tiếp bằng ý nghĩ, và ăn bằng móng guốc; Taxxon thì là một lũ rết to ngoại cỡ, tay toàn càng cua, có thể ăn gần như mọi thứ trên đời, và lúc nào cũng háu đói. Trên thực tế, vũ trụ Animorphs rặt toàn Starfish Aliens, nhiều đến mức con người mới chính là Starfish Aliens đối với các chủng loài khác, bởi vì chẳng có loài nào thấm nổi kiểu tiến hóa chỉ có hai chân và không đuôi hỗ trợ của con người cả. Buồn cười là lúc ban đầu, Applegate định để bọn người ngoài hành tinh trông không đến nỗi dị lắm, vì bà chị muốn chèo kéo người chuyển thể truyện thành phim. Nhưng sau khi bị biên tập viên bảo hãy làm gì sáng tạo hơn, thanh niên tức khí chém phần phật, rốt cuộc tạo ra một đống Starfish Aliens dị đến mức đảm bảo cái truyện chẳng thể nào mang ra chuyển thể được nữa (ít nhất là với công nghệ thời bấy giờ).

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.