Trong bài về My Memory of Us ngày hôm qua, mình có nhắc đến việc cái game đấy gần như một cuốn truyện tranh thiếu nhi, nhưng lại mang đậm chất người lớn. Điều này làm mình nhớ đến một cái clip của Daniel Greene, một trong những booktuber hàng đầu của Youtube, và đặc biệt trong mảng SFF, từng thực hiện. Clip cắt ra từ một đợt livestream trên Twitch của thanh niên, xoay quanh việc chỉ trích cái tư tưởng chỉ đề cao các tác phẩm tăm tối tàn khốc và coi thường tất cả những thứ khác.
Nguồn cơn của cái clip này là có một người đã comment trên một clip khác của Daniel rằng A Song Of Ice And Fire (tức bộ truyện gốc của bản chuyển thể Game of Thrones) không phải là Grimdark. Và trong trường hợp có anh em nào chưa biết, Grimdark là một nhánh nhỏ trong Fantasy, bao gồm những tác phẩm mang nặng tính u tối và tàn khốc. Những cuốn thuộc thể loại Grimdark sẽ có một xã hội nơi chém giết, cưỡng bức, tra tấn, và đủ thứ trò tàn độc nhân loại từng nghĩ ra từ trước đến nay đều diễn ra như cơm bữa, và chúng sẽ hay được tả một cách chi tiết kinh khủng. Chẳng có cái gì trong đó sẽ tốt đẹp hết, và bất cứ ai chỉ cần hơi tử tế quá đà thôi là lập tức sẽ bị cả tác phẩm chế giễu hoặc gặp chuyện chẳng lành.
Nói nôm na, Grimdark chính là những quyển kiểu như A Song Of Ice And Fire ấy.
Đến đây anh em hẳn hiểu vấn đề rồi nhỉ <(“)?
Cái comment đó đã được một người bạn của Daniel chụp lại và gửi cho thanh niên. Vụ này kết hợp với việc vốn đã thấy ngày càng có nhiều người đội Grimdark lên đầu thờ như kiểu đỉnh cao của văn học đã làm Daniel chịu hết nổi, và thanh niên đã cho ra cái clip chửi thẳng mặt những người như vậy.
Như trong clip có thể hiện, Daniel khẳng định rất rõ rằng Grimdark không phải là một cuộc đua về sự máu me. Có thể một số tác phẩm không cứ cách trang lại có chém giết búa xua với hành hạ trẻ con, nhưng nó vẫn đủ tăm tối và khốc liệt đến mức vẫn có thể ngồi gọn trong Grimdark. Cứ tìm cách nâng tầm tiêu chuẩn lên, đến mức ngay cả một thằng Dậu như A Song Of Ice And Fire còn bị gạt ra ngoài, là rất ngu xuẩn. Bên cạnh đó, dẫu rằng Grimdark là một tiến triển rất thú vị, coi nó như đỉnh cao văn học là hết sức ấu trĩ. Như Daniel đã lấy ra hàng loạt ví dụ, các tác phẩm như Frankenstein, bộ truyện Discworld, Neuromancer,… đều là các tác phẩm mang tính tiên phong hoặc có giá trị văn chương rất cao. Và dẫu không phải cái kho đồ tể như Grimdark, với đặc biệt những tác phẩm kiểu Discworld còn có hướng đi nếu tả ra nghe sẽ rất trẻ con, bọn nó cũng người lớn chẳng kém gì ai, bởi lẽ chúng động đến những đề tài rất sâu sắc và đáng suy ngẫm.
Mình về cơ bản đồng tình với những gì thanh niên nói trong clip này. Làm “người lớn” không chỉ gói gọn trong việc đè gái ra phịch hay xách rìu đi bổ sọ giặc ba linh tinh. Có những tác phẩm được tạo ra gần như nhắm thẳng vào đối tượng trẻ con chứ chẳng phải người lớn gì, nhưng những thông điệp chúng nó truyền tải cũng như các theme nó tích hợp vào thì quả không thua kém bất kỳ một ai. Ví dụ như trong Sci Fi, ta có cái game My Memory of Us mình đã giới thiệu hôm trước, mang ra cho con nhỏ chơi cũng được, nhưng bàn về thực tại chiến tranh dưới ách thống trị của Phát-xít rất chân thực. Ngoài nó ra thì ta có series Animorphs huyền thoại, khắc họa sự tàn khốc của chiến tranh, chủ nghĩa thực dân, cái giá của nhân tính, cũng như hàng loạt đề tài sâu sắc khác dưới lốt một bộ truyện phiêu lưu cho trẻ cấp hai. Trong mảng Fantasy, ta có bộ truyện Harry Potter, về cơ bản là truyện thiếu nhi (ít nhất mấy cuốn đầu là vậy), nhưng cũng bàn đến các vấn đề về chủng tộc, lòng vị tha, áp lực cuộc đời theo những cách trưởng thành đáng nể. Dragonsbane là truyện dành cho học sinh tầm tuổi cấp 2, cấp 3, nhưng đọc gần như chẳng khác nào một cuốn văn học hiện đại đội lốt Fantasy, bàn về những nuối tiếc quá khứ và sự hy sinh để cân bằng giữa đời sống gia đình và danh vọng.
Và bản thân các tác phẩm dành cho người lớn cũng chẳng nhất thiết phải đi theo con đường máu me thì mới có ý nghĩa. To Be Taught, If Fortunate là một cuốn tiểu thuyết ngắn gần như chẳng có tí máu me nào, song vẫn có các theme liên quan đến quyền tự quyết và khoa học rất sâu sắc. Series Foundation chẳng làm gì ngoài cho các nhân vật lê la cà kê nói chuyện với nhau, và cứ lúc nào hơi có tí hành động một chút là a lê hấp, cắt cụt luôn và nhảy sang trà nước chém gió tiếp, nhưng các theme về tôn giáo, chính trị, kinh tế của nó lại nằm ở cái tầm khó ai bì nổi. Terminal Boredom: Stories gần như không có tí giết chóc nào hết, nhưng lại động đến các vấn đề về lạm dụng thuốc, bất bình đẳng nam nữ, kỳ vọng xã hội, bệnh tâm lý đầy ý nghĩa. A Canticle for Leibowitz cũng bắt chước kiểu Foundation, chủ yếu né mọi thứ hành động và giết chóc có thể, chỉ cho nhân vật ngồi tụng kinh với chiêm nghiệm triết, nhưng lại là một lời cảnh tỉnh đáng giật mình về cái giá ta sẽ phải trả khi ngó lơ đạo đức và chỉ chăm chăm phát triển công nghệ khoa học. Bên mảng Fantasy, ta có The Deep, với các cuộc bàn luận về việc dung hòa nghĩa vụ đối với tập thể và đi tìm cái tôi cá nhân. Và còn The Lord of the Rings như thế nào thì có lẽ chẳng cần phải nói nữa rồi.
Nói tóm lại là tăm tối cũng có một chỗ đứng riêng trong làng SFF đấy, nhưng nó chỉ ngang tầm bao mảng ngách đồng trang phải lứa với mình mà thôi. Mỗi cái có một hương vị riêng, nhưng rốt cuộc thì nó cũng chỉ dừng lại ở mức đấy thôi: một hương vị. Cũng như việc một tô canh chua cá sẽ có vị khác hoàn toàn với một bát đậu phụ sốt cay, nhưng bảo bát đậu hơn tô canh chỉ vì nó cay thì không ổn, Grimdark có một sắc thái đen đúa rất đặc sản mà các ngách khác không có, nhưng không thể chỉ dựa vào mỗi sự đen của nó mà bảo nó hơn tầm những đứa khác được.
Nếu muốn tham khảo thêm một ví dụ trực quan hơn về cách Grimdark và các tác phẩm không hardcore như nó có nét hấp dẫn và độ sâu sắc riêng biệt ra sao, song vẫn ngang hàng nhau cỡ nào, mọi người có thể ngó qua bài so sánh giữa Dragonsbane và The Witcher của mình ở đây nhé: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/08/dragonsbane-vs-witcher-hai-huong-i-tu.html
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓