Chuyển đến nội dung chính

Một sự tương đồng đến lạnh gáy giữa chiến tranh Nga-Ukraina và A Canticle for Leibowitz

Trong trường hợp anh em chưa biết, cách đây mấy tiếng thôi, Putin vừa nâng mức cảnh giác của các lực lượng hạt nhân Nga lên thành “Elevated” (tức mức thứ 2 trong một thang gồm 4 mức là Constant, Elevated, Military Danger, và Full). Trong khi ấy, ở bên Thái Bình Dương, Bắc Triều Tiên vừa tiến hành phóng thử tên lửa nhõn vài tiếng trước đó. Hiện tại, phía Nga và Ukraine đang tiến hành đàm phán, những mong có thể đạt được thỏa thuận nào đó. Tuy nhiên, vì Nga tính đến nay vẫn giữ lập trường muốn Ukraine quy hàng, trong khi Ukraine ngay trước lúc đàm phán vẫn phát biểu rằng giảng hòa thì được chứ đầu hàng thì không, khó ai đoán nổi liệu cuộc đàm phán có nên cơm cháo gì không, hay rốt cuộc tất cả sẽ cùng tay trắng bỏ về và xung đột sẽ vẫn tiếp diễn.

Về khoản tính đúng sai, chính nghĩa, tốt xấu các kiểu trong cuộc chiến này, hẳn anh em ai cũng có quan điểm riêng. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không động gì đến những phạm trù đó hết. Đây không phải là một nơi thích hợp để có những cuộc tranh luận kiểu vậy, và nếu vẫn có nhu cầu bàn tán, hẳn anh em sẽ không khó tìm ra một diễn đàn phù hợp đâu.

Dẫu thế, vẫn có một thứ ta có thể mang ra nói, ấy là việc chẳng ai ngờ căng thẳng lại leo thang được đến tận cỡ này. Cả trong giai đoạn ngay trước thềm chiến sự bùng nổ, khi bên nào bên nấy đều có những động thái dọa dẫm và thách thức lẫn nhau, gần như tất thảy đều nghĩ sự tình không thể nào chuyển biến xấu quá được. Ai cũng biết thời nay nó không còn đơn giản như thời trước nữa, và cái giá tối thượng phải trả cho việc lấn vạch là gì. Bởi vậy, dù có nín thở quan sát, phần đông đều nghĩ rốt cuộc mọi thứ sẽ vẫn như những lần đe nẹt nhau lần trước. Sẽ chỉ chửi qua chửi lại, múa kiếm dọa nhau tí thôi, nhưng rồi tất cả sẽ lại bấm bụng bắt tay nhau cả ấy mà, làm gì đến nỗi.

Nhưng rồi đùng một cái, nó đến nỗi thật.

Sau khi cái “nỗi” đấy xảy ra, chúng ta lại cứ “nỗi” này chất chồng “nỗi” kia, mặc dù may phước là cái “nỗi” khủng khiếp nhất mà ai cũng sợ vẫn chưa xảy ra. Và một lần nữa, mặc dù đúng là có e ngại trường hợp đó đấy, hẳn đại đa số chúng ta đều chẳng ai tin nó sẽ xảy ra thật. Xét cho cùng, đánh nhau là một chuyện, đánh đến tự hủy luôn thì lại là một câu chuyện khác hẳn. Chẳng ai lại ngớ ngẩn đến thế đâu, làm gì đến nỗi.

Nhưng rồi đùng một cái, thanh niên Tin Hói tăng mức độ cảnh báo.

Hiện tại thì mọi thứ vẫn đang dừng ở đây, và theo dự đoán của báo đài thì đây là một nước cờ nhằm tạo áp lực thôi. Làm thật thì nó không còn dừng ở mức hổ báo đâu, mà nhảy thẳng sang ngu xuẩn rồi. Không một ai, chắc chắn không một ai, bất kể có Chí Phèo đến đâu, lại có thể ngu đến vậy được. Làm gì đến nỗi.

Nhỉ?

Chân thành mà nói, cái mẫu hình tiến triển của câu chuyện tính đến thời điểm hiện tại không làm tớ thấy tự tin đâu, các cậu ạ. 

Tất cả những điều này làm mình nhớ lại một cuốn đã từng đọc, với một lời cảnh tỉnh có thể áp rất khớp vào trường hợp này. Cuốn đấy là A Canticle for Leibowitz.


 

Trong trường hợp có anh em nào chưa biết, A Canticle for Leibowitz là cuốn truyện kể về một thế giới từng trải qua thảm họa tận thế, và sau đó phải phát triển lại từ đầu. Trải qua một quãng thời gian kéo dài cả trăm năm, các tình tiết xoay quanh thảm họa đó đã hoặc trôi vào quên lãng, hoặc trở nên nhập nhèm, và rốt cuộc tất cả những gì nhân loại biết về nó chỉ là một phiên bản đã bị bóp méo qua lăng kính tôn giáo. Cụ thể hơn, thảm họa được tô vẽ thành như sau:

“Tương truyền, để thử thách loài người, vốn đã trở nên kiêu ngạo như trong thời Noah, Đức Chúa Trời đã lệnh cho các hiền nhân thuở ấy, trong đó gồm cả Đấng Leibowitz Phúc lành, tạo ra những công cụ quân sự hùng tráng vô tiền khoáng hậu, những vũ khí mạnh mẽ tới độ chứa đựng tận cả lửa địa ngục, và Đức Chúa Trời đã để những pháp sư ấy trao chỗ vũ khí vào tay các hoàng tử, và nói với từng hoàng tử rằng: ‘Chỉ vì nghịch thù sở hữu một thứ như vậy nên chúng thần mới chế ra nó cho người, để chúng biết rằng người cũng có nó, và e dè không dám tấn công. Bẩm chúa công, mong người hãy kính sợ chúng như chúng giờ sẽ kính sợ người, để không phải dùng đến tạo vật đáng kinh khiếp chúng thần đã chế tác này đây.’

Nhưng các hoàng tử bỏ ngoài tai lời lẽ của mọi hiền nhân, và ai cũng nghĩ: Nếu ta tấn công đủ nhanh, và thật kín đáo, ta sẽ triệt sạch những kẻ khác giữa lúc chúng đương say ngủ, và sẽ chẳng còn ai để đánh trả nữa; thế gian sẽ thuộc về ta.

Các hoàng tử đã xuẩn dại vậy đấy, và rồi nối đuôi ập đến là Đại Lụt Lửa.

Nội trong vài tuần - có người đồn chỉ vài ngày - mọi thứ đều kết thúc, ngay sau khi ngọn lửa địa ngục đầu tiên được phóng ra. Đô thành hóa bể thủy tinh, tứ bề vây kín những trảng đá vụn mênh mông. Các quốc gia biệt tích khỏi trần gian, trong khi nơi nơi ngổn ngang thi hài, vừa người vừa gia súc, và cả muôn loài dã thú, cùng với chim trời và mọi sinh linh biết bay, mọi sinh linh bơi dưới sông, len lỏi trong đồng cỏ, hoặc chui rúc trong lỗ; sau khi ốm yếu và chết đi, chúng phủ kín mặt đất, song tại những miền thôn dã, nơi bè lũ ác quỷ Bụi Xạ ngự trị, thây xác mãi không phân hủy, trừ khi tiếp xúc với đất màu mỡ. Những đám mây thịnh nộ khổng lồ nhấn chìm mọi rừng cây và thửa ruộng, khiến cỏ cây úa tàn và mùa màng chết rạp. Sa mạc bao la thế chân những chốn một thời tốt tươi sự sống, và trên dương thế, tại những nơi người vẫn tồn tại, tất thảy đều bị bầu không khí độc hại gây đổ bệnh, thế nêu, dù một số đã thoát cửa tử, ai nấy đều chẳng còn vẹn toàn; và ngay tại những vùng chỗ vũ khí không động tới, hàng bao người vẫn chết đi, vì không khí đã nhiễm độc.”

Anh em nghe có thấy nó giống gì không?

Vâng, cái thảm họa đã nghiền nát nền văn minh loài người chính là chiến tranh hạt nhân. Hiền nhân chính là các nhà khoa học, món vũ khí mà họ chế tạo chính là bom nguyên tử, các hoàng tử là những nguyên thủ quốc gia, Đại Lụt Lửa chính là một cuộc chiến hạt nhân, Bụi Xạ chính là bụi phóng xạ. A Canticle for Leibowitz là một thế giới hậu chiến tranh hạt nhân.

Đáng chú ý một điểm nó không chỉ là một tác phẩm hậu tận thế thông thường, chỉ loanh quanh bàn về những hệ lụy sau khi một thảm họa đã diễn ra. A Canticle for Leibowitz còn là một tác phẩm tận thế nữa, cho ta chứng kiến hành trình con người tái xây dựng tất cả mọi thứ, và tiếp tục đi vào y nguyên vệt bánh xe đổ như cũ, và đã tự tay tạo ra một ngày tận thế mới.

Mọi thứ trở nên lạnh gáy nhất trong 1/3 cuối của truyện, khi thế giới đã một lần nữa tái xây dựng nền văn minh ưu việt rồi. Lúc này, thế giới một lần nữa lâm vào tình cảnh tương tự Chiến Tranh Lạnh, với các bên cầm vũ khí hạt nhân cứ gườm gườm nhìn nhau. Ai cũng biết nó khủng khiếp thế nào, ai cũng nghĩ chẳng có bên nào đủ ngu xuẩn để thực sự xuống tay, đặc biệt khi còn đã có nền văn minh cũ nằm chình ình ở đấy như một một ví dụ nhãn tiền. Căng thẳng đúng là đang leo thang, nhưng làm gì đến nỗi.

Nhưng rồi bất chấp sự hiển nhiên ấy, loài người vẫn bị cái “nỗi” nó vả thẳng cho vào mặt, theo một cách gần như y sì hồi trước.

Giờ chỉ mong mọi thứ sớm lắng xuống, chứ chưa thấy bóng dáng cô Rachel nào để gầy dựng lại nên văn minh mà đã thấy thế giới sặc mùi Asian Coalition với Atlantic Confederacy thế này rồi thì rét thật đấy.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.