Chuyển đến nội dung chính

Hành trình du nhập Liên Xô đầy long đong của Lord of the Ring


 Trong cái bài anniversary hồi sáng, mình có đề cập đến việc Blade Runner thực chất xuất phát từ mấy anh cò buôn lậu dao kéo để né chính quyền. Vụ đó làm mình nhớ đến một bài báo từng đọc đâu tầm tháng trước, xoay quanh một “phong trào” tuồn lậu đồ dưới mũi chính quyền, chỉ có điều thứ được tuồn lậu là văn học chứ không phải là vật tư y tế. Cụ thể, nó là một bài báo của tờ Foreign Policy, thuật lại nỗ lực nhập truyện của Tolkien vào Nga của các nghệ sĩ Liên Xô thời trước, khi cơ chế kiểm duyệt hãy còn hết sức ngặt nghèo.

Như bài báo có nói đấy, sau khi Lord of the Ring của Tolkien ra mắt, nó không chỉ hút được các độc giả phương Tây (tức Tây Âu với Mỹ), mà còn gây được chú ý ở phía sau Bức màn sắt nữa. Những độc giả Lord of the Ring đầu tiên tại Liên Xô hầu hết là những người cũng kiểu như Tolkien, tức các nhà bác ngữ học và dịch giả. Những con người này bị hớp hồn bởi cái thế giới phong phú và đầy màu sắc của Lord of the Ring, khác xa với kiểu văn hiện thực xã hội chủ nghĩa trong nước, cũng như các yếu tố văn học và triết học của nó, và rất muốn đưa câu chuyện này đến với độc giả Liên Xô.

Khốn nạn là thời bấy giờ, giới chức trách Liên Xô kiểm duyệt văn học khắt khe kinh khủng. Cứ câu chuyện nào chứa đựng nội dung hao hao Chiến tranh Lạnh, đối đầu giữa Đông với Tây, hay bất cứ cái gì không phù hợp với chuẩn mực đạo đức của chính quyền là sẽ bị khỏ đầu ngay. Và không may cho fan của Lord of the Ring, nó này lại có một toán nhà tư sản miền quê (Hobbit), một nhà thần bí để râu rậm có thể chữa lành bệnh cho một thành viên hoàng gia ốm yếu (Gandalf), và những vị vua cha truyền con nối (Aragorn , Théoden, v.v.) cùng liên minh chống lại một quốc gia nằm ở phía Đông, có trình độ công nghiệp hóa cao và do một nhân vật độc tài ác ôn cai trị. Thế là Lord of the Ring đã bị cấm xuất bản ở Liên Xô, với chỉ có mấy bản sao tiếng Anh của nó là được cất trong các spetskhrany, tức những kho lưu trữ bí mật của KGB.

Dẫu thế, vẫn có những người lì lợm tìm cách đưa các áng văn của Tolkien, hay ít nhất là một phần của nó, đến với độc giả Liên Xô. Trong số này có Zinaida Bobyr, một dịch giả đã có mấy chục năm kinh nghiệm. Bà từng tham gia dịch rất nhiều bài báo cũng như truyện ngắn Sci Fi được chính phủ phê chuẩn cho Tekhnika Molodezhi (tức “Technology for the Youth”), một tạp chí khoa học thường thức, đồng thời còn lén dịch lậu và phát tán một số tác phẩm không qua được ải kiểm duyệt, đặc biệt là các truyện của các tác giả Sci Fi nổi tiếng như Brian Aldiss, Isaac Asimov, và Clifford Simak.

Lúc ban đầu, Bobyr tính sẽ mông má lại Lord of the Ring để cho nó về được theo đường chính ngạch. Bà định sẽ tái cấu trúc lại toàn bộ câu chuyện, biến nó thành một tác phẩm Sci Fi với sự tham gia của một toán nhà khoa học và kỹ sư (bắt chước theo nguyên mẫu phi hành đoàn trong cuốn tiểu thuyết Eden của Stanislaw Lem), với chiếc nhẫn thần thì bị biến thành một thiết bị lưu trữ năng lượng, được phát hiện trong một thí nghiệm địa chất thất bại. Tuy nhiên, phiên bản đấy vẫn bị bộ phận kiểm duyệt sổ toẹt. Không đầu hàng, Bobyr chuyển sang đi theo một hướng ngược lại hoàn toàn, đó là biến Lord of the Ring thành một câu chuyện sặc mùi cổ tích (ít nhất với tính cổ tích cao hơn bản gốc), chém thêm cho câu chuyện một chiếc vương miện thần kỳ gọi là The Silver Crown of Westernesse, được cả Aragorn lẫn Sauron tranh giành. Nhưng một lần nữa, bản Lord of the Rings của Bobyr lại bị nhà nước từ chối cấp phép xuất bản.

Sau khi thử hai lần không được, Bobyr rốt cuộc đành chơi liều. Bà chị mang bản “dịch” của mình (mặc dù gọi nó là fan fic của Lord of the Rings thì đúng hơn 🐧 ) đi xuất bản dưới dạng samizdat (tức tự xuất bản và phân phối thông qua các nhà in lậu). Và Lord of the Rings đã lần đầu bước vào nước Nga dưới dạng như thế đấy: một phiên bản méo mó, đầy rẫy bịa đặt, được in theo kiểu lúi xùi, và ai phân phối hay thậm chí chỉ cần sờ vào nó thôi thì cũng có nguy cơ sẽ bị còng đầu. Suốt một thời gian dài, bản Lord of the Rings của Bobyr là con đường duy nhất để dộc giả Liên Xô tiếp cận với Tolkien. Phải sang thập niên 70 thì các bản dịch khác trung thành với bản gốc của Tolkien hơn mới ra đời, nhưng chúng cũng vẫn chỉ xuất hiện dưới dạng các ấn bản samizdat.

Cũng trong thời kỳ này, thiên hạ bắt đầu quan tâm đến The Hobbit, phần tiền truyện của Lord of the Rings. Thằng này may mắn hơn hậu bối của nó ở chỗ không phải trốn chui trốn nhủi, mà đường hoàng đến với độc giả theo đường chính thống. Một đoạn trích ngắn của câu chuyện đã được đăng trên tạp chí Angliya (tức “England”) vào năm 1969, và vào năm 1976, nhà xuất bản Detskaya Literatura đã được phép chính thức xuất bản một bản dịch hoàn chỉnh của Natalia Rakhmanova, có tiêu đề Khobbit, ili Tuda I Obratno. Mặc dù Khobbit không khiến các quan cau mày nhiều bằng Lord of the Rings, nó vẫn có một số chỗ liên quan đến xung đột Đông - Tây. Chính bởi vậy, phần la bàn trên tấm bản đồ của Thror trong truyện đã phải bị vẽ lại, để vị trí của con rồng Smaug chuyển sang nằm ở phương Bắc không chứ không phải hướng Đông nữa.

Nối tiếp thành công của Khobbit, vào năm 1982, Detskaya Literatura đã xuất bản Khraniteli (tức “Keepers”), bản dịch chính thức đầu tiên của Lord of the Rings tại Liên Xô. Khraniteli không chém tung trời như bản của Bobyr, nhưng cũng vẫn bóp méo nội dung câu chuyện khá nhiều. Nó không phải là bản dịch đầy đủ của cả ba phần truyện, mà chỉ là một bản kể lại tóm tắt phần The Fellowship of the Ring. Bên cạnh đó, dịch giả của Khraniteli cũng khá thoáng tay với tác phẩm, pha cho câu chuyện một sắc thái tăm tối hơn, thậm chí còn đá xoáy một số vấn đề chính trị trong thế giới thực. Khraniteli là một thành công lớn về mặt thương mại, bán được hơn 300.000 bản trong ba đợt in. Thật không may là sau đợt in thứ ba thì nó đình bản, và phải đến tận thập niên 90 thì Lord of the Rings mới tái xuất hiện tại Liên Xô, lần này dưới dạng bản dịch đầy đủ cả ba phần. 

Trong giai đoạn trải dài gần cả thập kỷ ấy, những người hâm mộ Tolkien tại Liên Xô hoặc phải chấp nhận đọc bản cụt ngủn của Detskaya Literatura, hoặc kiếm mấy ấn bản samizdat với chất lượng đáng ngờ hoặc những bản tiếng Anh tuồn lậu từ nước ngoài về. Trong số những cộng đồng người hâm mộ ấy, tiêu biểu phải kể đến Sergei Iukhimov, một nghệ sĩ người Ukraine. Sau khi vớ được bản Khraniteli, Iukhimov thích mê thế giới của Tolkine, và đã tự vẽ tranh minh họa cho Lord of the Rings. Nhưng vì không có một câu chuyện hoàn chỉnh làm mẫu, Iukhimov gặp rất nhiều trở ngại. Rốt cuộc, ông anh đành phải mua bản tiếng Ba Lan của truyện, và với một cuốn từ điển tiếng Nga - Ba Lan kè kè bên mình, ông anh bắt đầu hì hục dịch lại toàn bộ tác phẩm, sau đó vẽ ra hơn 100 hình minh họa rất sặc sỡ cho nó. Thế rồi đến năm 1993, sau khi Liên Xô tan rã, 32 tranh ông vẽ đã được đưa vào một bản dịch hoàn chỉnh chính thức của Lord of the Rings, có tên là Vlastelin Kolec. 

Nói chung là hành trình của Lord of the Rings tại Liên Xô kể cũng long đong ra phết, chẳng kém gì hành trình đem nhẫn đi nung của Frodo đâu. Dẫu rằng phần lớn thời gian, Lord of the Rings cứ bị băm xẻ cho không còn ra hình người nữa, cơ mà vẫn phải công nhận là các đồng chí Tolkien Runner có tâm thật đấy.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.