Trong bài review về Look Who’s Back ngày hôm qua, mình có đề cập đến chuyện quyển này nhồi chính trị với lịch sử Đức/Châu Âu hơi nhiều, đặc biệt là những khoản liên quan đến Lơ Râu và tư tưởng của thanh niên này, chưa kể còn đòi hỏi người đọc phải có phông nền kiến thức về văn hóa đại chúng của Đức nữa (mặc dù cái này chính ra không phải là lỗi của tác phẩm gốc, vì nó vốn dĩ được viết cho người Đức đọc).
Cái kiểu nâng “rào cản gia nhập” đấy của Look Who’s Back là một nước cờ khá liều lĩnh. Kể cả nếu những gì tác phẩm đòi hỏi không đến nỗi quá khó khăn, hành trình tiếp cận nó sẽ vẫn cứ trở nên gập ghềnh hơn bình thường. Và vì trong thời đại ngày nay, các vật phẩm giải trí nhiều vô thiên lủng, thế nên cận kề bên người thưởng thức là ti tỉ những thứ dễ ngấm hơn khác, và việc “chuyển làn” có thể được thực hiện một cách nhẹ tênh. Điều này đã bào mòn tương đối độ lỳ đòn của thiên hạ, khiến họ dễ có xu hướng buông bỏ những tác phẩm có nhiều chướng ngại hơn.
Bên cạnh đó, đến bản thân các tác giả cũng có thể bị chiêu bài nâng sàn này làm cho sụt hố nếu tay bút không đủ vững. Có thể trong quá trình sáng tác, họ trở nên quá mê mải với việc làm mọi thứ nhùng nhằng hết lên mà quên bẵng mình còn có nhiệm vụ thuật lại một câu chuyện nữa. Nói vậy tức là tác giả dễ có xu hướng quên bẵng đi những yếu tố như nhân vật và mạch cốt, dẫn đến việc tạo ra một tác phẩm vô hồn hoặc vô định, không có các nhịp lên xuống hay yếu tố “nhân” để giúp tác phẩm và người thưởng thức hình thành một mối liên hệ tình cảm. Thậm chí, nó có thể biến cả tác phẩm thành một “bãi chữ,” gây cảm giác đây là một tổ hợp thông tin được tác giả nôn ra thuần túy nhằm khoe tài, từ đó khiến người thưởng thức thấy thiếu thiện cảm.
Nhưng bù lại, nếu làm được một cách hợp lý thì hiệu ứng của việc nâng sàn cũng cực kỳ bõ công. Trong một thế giới quá bão hòa với những thứ cố gắng chiều lòng nhóm đối tượng đại chúng nhất có thể, không cần bỏ sức cũng có thể hấp thụ được, một tác phẩm đòi hỏi sự đầu tư sẽ trở nên nổi bật hơn hẳn. Nó có tiềm năng khơi dậy lòng ham thích tìm tòi khám phá không mấy khi được “gãi” của thiên hạ, mang đến cho người ta một cảm giác sung sướng đặc biệt khi nhìn ra được các tầng nghĩa mới nhờ bỏ công tra cứu thêm bên ngoài, khi tìm được một cách diễn giải hợp lý cho những dữ kiện đưa ra trong tác phẩm thông qua tự suy luận và chắp nối mọi thứ vào với nhau, hoặc khi chỉ đơn thuần được giới thiệu đến với các đề tài bản thân chưa từng nghe tới hay ý thức được rằng nó lại có nhiều ngóc ngách sâu xa đến vậy.
Có khá nhiều cách để nâng sàn một tác phẩm. Kiểu đầu tiên là đơn thuần nhồi nhét thật nhiều thứ kiến thức và thông tin chuyên ngành bên ngoài vào, có điều vẫn giải thích chúng rất cặn kẽ và quy củ. Cấp độ này có thể gây ra cảm giác ngồn ngộn và choáng váng, đặc biệt nếu người thường thức không quen với cái kiểu của chúng nó hoặc tác giả hay để thông tin mình đưa ra bị dính chập vào với nhau thành những cục Infodump quá khổng lồ. Tuy nhiên, chúng nó chỉ khó nuốt với dễ bị sốc nhiệt lúc mới đầu thôi, chứ nếu chú tâm theo dõi thì không cần suy luận quá căng hay tra cứu bên ngoài gì nhiều cũng có thể hiểu được đầy đủ mọi thứ như thường.
Snow Crash của Neal Stephenson là một ví dụ có thể kể đến. Truyện được xây dựng dựa trên huyền thoại Sumer cổ, và tác giả nhồi nhét một lượng thông tin lớn ngoại cỡ về cái nền văn minh đấy cũng như những tôn giáo, tín ngưỡng, tập tục của họ. Thanh niên sau đó điểm qua một loạt thứ khác về các tôn giáo nổi trội sau này, bao gồm cả các giáo lý cũng như lịch sử hình thành, phân nhánh của họ. Mấy thứ đấy được quàng theo một kiểu khá rối rắm vào với nhau, chưa kể còn tích hợp với một thuyết ít người biết đền về thần kinh học, nhưng rốt cuộc cũng được giải thích đầy đủ hết. Cái khó chỉ là lết được đến chỗ giải thích của nó thôi.
Một thanh niên khác hẳn sẽ rất quen thuộc với anh em là bộ truyện Tam Thể của Lưu Từ Hân. Nó có cái kiểu nhồi khoa học cực kỳ dày đặc, sau đó đi vào giải thích kỹ tã từng tiểu tiết nhỏ một. Có khi phải lê bước lết mỏi chân mới ra được đến những đoạn có nhân vật với cốt truyện, hay chỉ đơn thuần là một miêu tả nào đó không dính đến khoa học. Nhưng cũng như cái kiểu của Snow Crash, Tam Thể chỉ tởm ở chỗ nó đòi sức bền cao thôi, chứ không có cái gì mang tính đánh đố bắt bí hay đòi hỏi phải có kiến thức nền sẵn và/hoặc sờ thêm đến tài liệu bên ngoài thì mới hiểu được cả.
Kiểu nâng thứ hai căng hơn một tí. Ở cấp độ này, việc tiếp nhận tác phẩm sẽ không còn đơn giản là nghiến răng ngồi cày hết nội dung bên trong nó nữa. Tác phẩm sẽ mặc định yêu cầu độc giả có sẵn một số kiến thức nền căn bản rồi, và sau đấy cứ điềm nhiên xổ ra một đống thuật ngữ hay ngôn từ chuyên môn mà không giải thích gì thêm cả, hoặc nếu có gì thì cũng toàn những thứ mang tính ám chỉ. Muốn hiểu thì người thưởng thức khôn hồn đi tra bên ngoài đi, chứ đừng kỳ vọng sẽ được giải thích toạc móng heo mọi thứ ra.
Look Who’s Back của Timur Vermes rơi vào chính trường hợp này. Như đã nói đấy, cái quyển này đòi hỏi anh em phải có sẵn một cái nền về lịch sử, nhất là lịch sử Đức giai đoạn từ sau Thế Chiến I cho đến hết Thế Chiến II và các thông tin cá nhân về cuộc đời của lão họa sĩ Áo. Rất nhiều chỗ trong này ta thấy thanh niên nhắc đến những viên tướng, quan chức, nhân sự, những người lính nổi trội trong giai đoạn kể trên, và chiêm nghiệm về cách họ sẽ hành xử trong các tình huống nhất định. Mọi người phải tự biết người đấy làm chức gì, có vai trò thế nào với thanh niên Lơ Râu (cả về quan hệ cá nhân lẫn đóng góp trong sự nghiệp lên nắm quyền của lão), hay thậm chí có tính cách và thói tật thế nào để dẫn đến việc bị nhìn nhận như vậy. Tương tự, tên rất nhiều sự kiện, tổ chức, tờ báo, vũ khí xưa được nêu ra và so sánh với sự kiện ngày nay, nhưng không được giải thích gì cả, và mọi người sẽ phải tự tra xem ý lão đấy muốn nói cái gì khi đề cập đến mấy thứ này.
A Canticle for Leibowitz của Walter M. Miller Jr. cũng là một trường hợp đáng nhắc đến. Cuốn tiểu thuyết tích hợp cực kỳ nhiều theme tôn giáo vào, và đòi hỏi người đọc phải biết rất nhiều về Thiên Chúa Giáo cũng như những thứ liên quan đến nó. Chẳng hạn, truyện có cực kỳ nhiều chỗ sử dụng tiếng Latinh và tiếng Do Thái, hoặc dưới dạng hội thoại hoặc dưới dạng triết lý mấu chốt, nhưng không một lời giải thích nào đi kèm hết. Phần tiếng Latinh thì ít nhất còn đỡ, vì có thể dựa vào ngữ cảnh để đoán họ đang nói gì, nhưng riêng mấy ký hiệu Do Thái thì chết tắc luôn, bởi ngữ cảnh của nó rất mù mờ. Đã thế, hàng đống thứ trong truyện được xây lên từ các điển tích trong Kinh hoặc dựa trên lịch sử phát triển của Giáo Hội, đến mức nếu không đi tìm hiểu thêm bên ngoài về các huyền thoại và niềm tin của tôn giáo này, mọi người sẽ bỏ lỡ hoàn toàn một mạch truyện phụ, và toàn bộ 1/3 cuối truyện sẽ trở thành vô nghĩa hoàn toàn.
Một kiểu nâng khét tiếng khác là “mã hóa” tác phẩm, làm người ta chẳng hiểu nổi cái gì đang diễn ra nữa luôn. Có thể tác giả sẽ sử dụng những ngôn từ mập mờ hoặc ăn bớt thông tin sao đó để khiến tác phẩm trở thành cả một dấu hỏi đối với người đọc. Thậm chí còn có khả năng tác phẩm sử dụng kiểu lôgic có như không, hoặc tự chế ra một thứ quy luật quái đản nào đó và bắt người thưởng thức tự suy luận và đoán xem cái gì đang diễn ra.
Ví dụ đầu tiên phải kể đến của loại hình nâng sàn này là Finnegans Wake của James Joyce. Finnegans Wake không phải là SFF (hình như thế, bởi vì bố ai hiểu Joyce chém cái khỉ mẹ gì trong đấy đâu 🐧 ), nhưng không nhắc đến nó không được bởi vì chẳng thằng nào có mức sàn cao hơn được cái thằng này. Finnegans Wake được viết theo một kiểu ngôn ngữ rất quái thai do Joyce bịa ra, dựa trên tiếng Anh và cả một đống thứ tiếng hầm bà lằng khác băm nhuyễn ra rồi chập lại vào với nhau như phê cần. Bản thân câu chuyện cũng chạy nháo nhào hết lên, thằng này xọ bà nọ đâm ông kia và ám chỉ đến đủ thứ nghe chừng không có chút liên quan nào trên đời. Nó hỗn loạn đến mức hồi mới ra đời, H. G. Wells còn đã viết thư cho Joyce, với đại ý là, “Bú lá bưởi ít thôi bro.” Ngay cả ngày nay, giới phê bình vẫn chẳng nhất trí nổi câu chuyện đại để là cái gì.
Quay về với SFF, một ví dụ cần được nhắc đến là Blindsight của Peter Watts. Quyển này khoa học đã đặc thì chớ, nó lại còn được giải thích theo một kiểu mập mà mập mờ, ám chỉ phần nhiều bằng các ngôn từ hoa lá cành chứ không chịu nói thẳng ra cái gì bao giờ. Đến cái sóng radio mà ông anh cũng không chịu gọi nó là sóng bình thường, mà phải kêu cái này là biến đổi Fourier thì mới chịu cơ. Cốt của nó cũng có nhiều đoạn bị lược bỏ, xáo trộn, đảo nháo nhào cả lên, và ta bị bỏ mặc cho tự loay hoay phỏng đoán cái gì vừa diễn ra trong quyển truyện này.
Một ví dụ khác sẽ có thể được tìm thấy trong Morrowind, một tựa game thuộc series The Elder Scrolls do Bethesda phát triển. Trong game, anh em sẽ có thể tìm thấy một bộ sách có tên là The Thirty-Six Lessons of Vivec. Khác với nhiều cuốn sách khác trong game, The Thirty-Six Lessons of Vivec viết theo một kiểu rất kỳ dị, như thể một bộ sử thi cổ của Ấn Độ hay một cuốn kinh vậy Nó chứa đựng cả đống thứ nghe rất khó hiểu, khi thì na ná ngụ ngôn, khi thì giống triết lý, lúc thì nghe như thể một lời răn dạy, có khi lại như thể là một dạng mật mã nào đấy. Nhìn chung là nó tô vẽ đủ thứ hình ảnh trừu tượng không thể diễn giải chỉ dựa vào lore game hay thậm chí cả thông tin bên ngoài. Nội dung chung của The Thirty-Six Lessons of Vivec về cơ bản đã được fan của series luận ra, nhưng vẫn còn một số chỗ khá mập mờ có thể được hiểu theo quá nhiều nghĩa, hoặc không ai biết diễn giải thế nào cả.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓