Chuyển đến nội dung chính

Luận bàn của Blindsight về ý thức, vô thức, và trí tuệ

 Như trong bài review về Blindsight có nói, cuốn này chứa đựng nhiều ý tưởng thú vị kinh khủng. Trong số đó, ý tưởng mấu chốt nhất của truyện xoay quanh mối quan hệ giữa ý thức, vô thức, và trí tuệ. 


Trước động đến cách Blindsight bàn về đề tài này, trước tiên cần nói qua về ý thức, vô thức, và trí tuệ cái đã. Mấy khái niệm có khá nhiều cách nhìn nhận, và tùy người mà có khi còn sẽ chập chung bọn chúng nó rất nhập nhèm vào với nhau. Để chúng ta không hiểu nhầm ý nhau, mình sẽ điểm qua định nghĩa về chúng nó được sử dụng trong phạm vi bài này. Những gì mình nói có thể sẽ hơi khác với cách định nghĩa mọi người quen thuộc, nhưng nó sẽ là cách định nghĩa của Blindsight. Hoặc nói đúng hơn, đây là những gì bản thân mình hiểu về cách chúng nó được diễn giải trong tác phẩm, bởi vì bản thân mấy khái niệm này đã xương xẩu thì chớ, cách cái quyển này trình bày về chúng cũng lại nhùng nhằng vl <(“) . 

Về cơ bản, định nghĩa của mình/Blindsight (?) đại khái là như sau:

1) Ý thức: quy trình phản ánh hiện thực khách quan chủ động, chịu sự kiểm soát và biến đổi của cái tôi.

2) Vô thức: quy trình phản ánh hiện thực khách quan tự động, nằm ngoài vòng kiểm soát và biến đổi của cái tôi. 

3) Trí tuệ: khả năng thu thập, xử lý thông tin và đưa ra phán đoán dựa trên thông tin thu được.

Ok, nghe lý thuyết thế hơi lằng nhằng, anh em nhìn vào ví dụ như thế này cho dễ hiểu nhé:

Giả sử đang yên đang lành, mọi người tự nhiên bị ai dí một cục than hồng nóng rẫy vào tay. Phần ý thức sẽ ghi nhận rằng cánh tay đang bị cục than tấn công, và vì cánh tay là của bản thân, từ đấy suy ra bản thân đang bị tấn công, và sẽ lôi tay về để bảo vệ bản thân. Vô thức sẽ ghi nhận tay bị nóng và rụt phắt về luôn, không suy luận là đấy là hành động tấn công hay liên đới đến bản thân gặp nguy hiểm gì cả. Phần trí tuệ sẽ ghi nhận hòn than gây tăng đột biến nhiệt độ ở các tiếp điểm, gây thiệt hại theo thời gian, và lưu thông tin ấy lại dưới dạng kinh nghiệm/kiến thức để về sau áp dụng. 

Định nghĩa xong rồi, giờ về với Blindsight này.

Trong truyện, có một đoạn các nhân vật chạm trán một chủng sao biển ngoài hành tinh, được họ gọi là scrambler. Khi bắt được một vài con về nghiên cứu, cả đoàn hết sức sửng sốt trước cấu tạo của bọn nó. Chúng nó không có bất kỳ hệ thống thần kinh trung ương nào hết, mà chỉ có một lượng dây thần kinh ngồn ngộn, dàn trải khắp cơ thể để xử lý độc lập thông tin ở từng phần của cơ thể. Anh em cứ hiểu nôm na bọn này phần nào như con bạch tuộc vậy, mọi xúc tu đều tự “nghĩ” và hoạt động độc lập được mà không cần não chính điều khiển. Chỉ có điều phiên bản của lũ scrambler cực đoan gấp bội, với gần như mọi phân trên người chúng nó đều là một xúc tu lẻ, và không có một bộ não trung tâm nào xâu chuỗi mớ thông tin đấy lại với nhau hết. Vì thiếu não, bọn nó không hề sở hữu ý thức, không có khái niệm về bản thân, không có cảm tính, hoạt động theo kiểu vô thức hoàn toàn.

Tuy nhiên, bọn scrambler này lại thông minh đến phi thường. Chúng nó có thể giao tiếp với nhau, thậm chí giao tiếp cả với con người và giải các bài toán lôgic phức tạp. Ngoài ra, chúng còn có thể ghi nhận được một lượng thông tin nhiều khủng khiếp, và chỗ thông tin đấy được chúng xử lý, lưu trữ và đem ra áp dụng một cách vô cùng tài tình, và với tốc độ nhanh phát tởm. Ví dụ như bọn này nhìn thấy cách các xung điện truyền trong dây thần kinh của con người, cụ thể là thấy xung thần kinh truyền thông tin hình ảnh do mắt ghi lại đến não, sau đó phải được não xử lý rồi mới truyền đi chỗ khác. Từ đấy, chúng luận ra con người có một độ trễ trong xử lý thông tin, thế là cứ nhè những lúc thần kinh đang truyền tin, bọn nó mới di chuyển, còn lúc mắt thu hình thì đứng im, lừa cho bộ não con người tưởng không có cái gì ở phía trước hết, và về cơ bản biến chúng trở thành tàng hình.

Tất cả những bằng chứng trên, kết hợp với việc bọn này được nghi là kẻ đã chế ra những công nghệ tàu bè và trí thông minh nhân tạo siêu tối tân, dàn nhân vật bắt đầu không thể phủ nhận nổi rằng bọn này là một giống loài thông minh. Và không phải thông minh theo kiểu khỉ biết cầm đá đập quả dừa đâu, mà chúng nó thông minh gấp bội con người. Sao lại có thể như thế được, nếu bọn chúng nó chỉ phản ứng với mọi thứ một cách vô thức, chẳng có cái tôi, chẳng có rung động xúc cảm gì cả?

Điều này đã buộc cả đoàn phải suy nghĩ lại về vai trò của ý thức, cũng như sự cần thiết của nó đối với việc phát triển trí tuệ bậc cao. Sau một hồi tranh luận và bàn cãi, họ đã rút ra một kết luận rất lạnh gáy: ý thức cũng như những thứ nảy sinh từ nó (tính chủ quan, cái tôi, sự tự nhận thức,…) không những chẳng hữu ích, mà còn là điểm yếu chết người của nhân loại trong quá trình tiến hóa. Ý thức bắt mọi thông tin thu nhận được phải truyền qua cái tôi, để nó diễn giải cái đã, xong rồi sau đấy mới quyết gì thì quyết. Điều này vừa làm chậm thời gian xử lý, vừa khiến thông tin thu được bị bóp méo quá hệ quy chiếu chủ quan, và từ đấy gây cản trở hiệu quả của phát triển trí tuệ. Điều này thể hiện rất rõ qua cuộc trò chuyện này giữa nhà ngôn ngữ học và nhà sinh vật học của cả đội:

_____________________

“Nhưng ông là nhà sinh vật học. Hơn bất cứ ai khác, ông biết mẹ (ghi chú: nhân vật này bị mắc chứng tâm thần đa nhân cách, và “mẹ” là nhân cách gốc) nói đúng mà. Não ngốn đường như con lợn ấy. Mọi thứ nó làm đều đòi hỏi một mức phí cắt cổ.”

“Ừ.”

“Thế thì ý thức (ghi chú: gốc là “sentience,” tức là cảm tính, nhưng vì Sci Fi hay dùng nó như từ đồng nghĩa của ý thức và tự nhận thức, và tác giả Peter Watts xem chừng cũng dùng nó theo nghĩa này, mình dịch nó ra thành ý thức) phải có ích lợi sao đó chứ. Bởi vì nó đắt lòi kèn, và nếu nó bòn rút sạch năng lượng mà chẳng làm được gì hữu ích, quá trình tiến hóa sẽ loại bỏ nó cái một. “

“Có khi nó loại thật đấy. […] Cô có biết tinh tinh thông minh hơn đười ươi không? Chỉ số hình thành não bộ của nó cao hơn. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng cũng nhận ra được bản thân trong gương. Đười ươi thì có. “

“Vậy ý ông là gì nào? Động vật thông minh hơn sẽ có nhận thức về bản thân yếu kém hơn hả? Tinh tinh đang dần mất ý thức hả? “

“Hoặc chúng từng trên đường trở nên như thế, trước khi bị ta chặn lại.”

“Vậy tại sao điều đó không xảy ra với chúng ta?”

“Điều gì khiến cô nghĩ rằng nó không xảy ra với ta vậy? […] Cô chưa suy nghĩ thấu đáo rồi. Không phải ta đang nhắc đến một chủng thây ma vừa giơ tay đi vơ vẩn, vừa xổ ra một tràng định lý toán học đâu. Một tạo vật tự động thông minh sẽ chọn cách hòa nhập. Nó sẽ quan sát những người xung quanh, bắt chước hành vi của họ, hành xử giống hệt những người khác. Đủ trò như thế trong khi hoàn toàn không ý thức được mình đang làm gì. Thậm chí không biết đến sự tồn tại của chính bản thân luôn. ”

“Việc gì nó lại phải phí công làm thế? Động cơ thúc đẩy nó là gì nào?”

“Miễn là cô rụt tay khỏi ngọn lửa, bố ai quan tâm cô làm thế vì đau hay vì một thuật toán phản hồi nào đó bảo rằng hãy rụt lại nếu thông lượng nhiệt vượt quá mức T tới hạn? Chọn lọc tự nhiên không quan tâm đến động cơ. Nếu việc đóng giả một thứ giúp tăng mức độ thích ứng, thì thiên nhiên sẽ ưu ái những kẻ đóng giả giỏi thay vì đóng giả ngu. Cứ làm thế đủ lâu, và sẽ không sinh vật có ý thức nào nhận diện nổi con thây ma kia giữa một đám đông nữa.”

_____________________ 

Ngoài đoạn này ra, còn có một đoạn thú vị nữa liên quan đến một nhân vật bị tước bỏ cái tôi, lột hẳn đi cảm tính, và phần nào mô phỏng trải nghiệm vô thức của lũ scrambler. Từ sự kiện đấy, nhân vật này đã chiêm nghiệm lại mối quan hệ của chính loài người với sự vô thức (đoạn này có hơi lẫn với tiềm thức một tí). Thanh niên nhớ lại rằng người mộng du cũng có thể nói chuyện, lái xe, thậm chí còn phạm tội và che đậy vết tích, dẫu rằng trong suốt quãng thời gian đó không hề có ý thức. Thanh niên nhớ đến cách một nghệ sĩ piano có thể đánh đàn ngon ơ, nhưng không nhận thức được những gì các ngón tay lẻ của mình đang làm gì, và nếu nghĩ về nó một cách có ý thức thì tự nhiên lại lúng túng và chơi sai nhịp ngay. Thanh niên thậm chí còn chốt lại rằng vô thức là thứ nắm thực quyền, còn ý thức chỉ là một dạng bù nhìn, nhưng vì ta biết về nó nên cứ tưởng nó là thằng cầm cương:

_____________________

“Thử đưa ra một lựa chọn có ý thức xem nào. Quyết định di chuyển ngón tay trỏ của mày đi. Quá muộn rồi! Xung điện đã truyền xuống hết phân nửa cánh tay mày rồi đấy. Cơ thể mày đã vào guồng hoạt động nửa giây trước khi cái bản thể có ý thức của mày ra quyết định ‘chọn,’ vì bản thể không chọn gì sất; một thứ gì đó khác khiến cơ thể mày chuyển động, rồi gửi một bản tóm tắt lên cho cái con homunculus đằng sau mắt mày — gần như chỉ để lấy lệ. Cái thằng người tí hon đó, cái chương trình con kiêu ngạo tự cho mình là con người chủ thể đó, lầm tưởng tương quan là nhân quả: nó đọc bản tóm tắt và nó thấy bàn tay di chuyển, và nó nghĩ rằng cái này điều khiển cái kia.”

_____________________ 

Trên thực tế, bản thân tiêu đề truyện, “blindsight,” cũng là một suy tưởng về cách vô thức chi phối hành động con người. Nó là một hiện tượng có thật ở ngoài đời, được phát hiện ra bởi nhà tâm lý thần kinh học Lawrence Weiskrantz trong thập niên 70. Trong quá trình làm thí nghiệm với một số bệnh nhân mù, Weiskrantz phát hiện ra rằng ngay cả khi hoàn toàn không có chút nhận thức thị giác nào, mấy người này vẫn có thể “đoán” được sự hiện diện của một số vật thể đặt trong trường thị lực với độ chính xác vượt ngoài mức ngẫu nhiên. Trong các thử nghiệm sau này, do cả Weiskrantz lẫn các nhà tâm lý thần kinh học khác thực hiện, người mù thậm chí còn “đoán” được cả biểu cảm của người trong ảnh chụp, và vươn tay về hướng một vật thể được tung về phía mình với độ chính xác bất ngờ. Tuy nhiên, khi được hỏi, họ vẫn khăng khăng khẳng định mình không thấy gì hết. Cái “thị lực mù” ấy dẫn giới khoa học đề ra giả thuyết rằng con người có thể không cần đến ý thức mà vẫn hành động dựa trên thông tin trực quan từ môi trường. 

Và tất nhiên, còn cả cái sớ ở cuối truyện, đoạn tác giả trích nguồn và phân tích sâu thêm các thuyết khoa học đã gợi cảm hứng cho mình suy nghĩ về sự cần thiết của ý thức đối với tiếp thu và xử lý thông tin, hay nói cách khác là hình thành trí tuệ. Liệt kê hết ra thì bục mặt mất, anh em tham khảo trong này nhé (trang 15, hoặc search cụm “Metzinger's Being No One”): https://rifters.com/real/shorts/PeterWatts_Blindsight_Endnotes.pdf

Dù là một trong những tác phẩm đào sâu nhất về vô thức, ý thức, và trí tuệ, Blindsight không phải là tác phẩm SFF duy nhất động đến đề tài này. Một ví dụ rất đáng kể đến khác là series Animorphs. Trong bộ truyện này, nhóm nhân vật chính có khả năng biến hình thành thú vật, và mỗi khi làm vậy, họ sẽ có hai tâm trí cùng tồn tại trong đầu: tâm trí của con người, và tâm trí của con vật. Phần tâm trí loài vật dù không đến mức là vô thức hoàn toàn, nó cũng tiệm cận cái đó, còn tâm trí con người đóng vai ý thức.

Cực nhiều trường hợp, các thành viên Animorphs phải chấp nhận “lui lại,” buông bỏ quyền kiểm soát trí óc và để cái vô thức của lũ động vật lên nắm quyền kiểm soát. Ví dụ như trong một tập cả đám lạc ở rừng rậm Amazon và phải hóa khỉ, thanh niên Jake cứ lóng nga lóng ngóng mãi không leo lên cây nổi, trong khi Marco để mặc phần tâm trí con khỉ loay hoay thì chẳng mấy chóc đã phóng tót lên tận ngọn.

Một trường hợp khác nằm trong cuốn tiểu thuyết The Name of the Wind. Trong thế giới của truyện, có một thứ phép thuật gọi là Naming. Bằng cách thấu hiểu tất tần tật mọi thứ liên quan đến một người, một địa điểm, hoặc một sự vật bất kỳ, người sử dụng cái thuật này (gọi là Namer) sẽ có thể nhìn ra tên thật của đối tượng, và sử dụng nó để kiểm soát hoàn toàn đối tượng. Cái khó nằm ở chỗ “hiểu tất tần tật.” Ví dụ, để nắm được tên thật của một viên đá nhỏ, Namer phải nắm rõ vô số lực và chất liệu đã góp phần hình thành nó suốt bao thế kỷ qua. Điều này chỉ có thể khả thi nếu Namer không cố gắng dùng ý thức nghĩ về nó, mà phải nắm bắt nó bằng vô thức.

Tại một lớp học Naming, để ví dụ cho bọn học trò hiểu, sư thầy Namer đã yêu cầu cả lớp tính toán thật chính xác điểm rơi của một quả bóng mình sắp tung. Đám học trò lôi đủ thứ công thức toán học ra tính nhưng mãi chẳng nổi, và lúc cả đám chịu chết rồi thì ông thầy điềm nhiên tung nó về phía một người đang đi ngoài hành lang, và người ấy đưa tay chộp lấy nó theo bản năng, vô thức đoán được vị trí rơi chính xác của quả bóng mà chẳng cần tính toán gì.

Một ví dụ khác cũng đáng được nhắc đến nằm trong game Overwatch. Đây thực ra không liên quan đến cái lore của game, mà nó liên quan đến cơ chế hoạt động của game, và thú vị là nó đại diện cho cách mọi người có thể tự trải nghiệm một phiên bản na ná “blindsight” ngoài đời thật mà không cần chọc mù mắt làm gì (mặc dù sẽ cần luyện kỹ năng rất nhiều). Thực ra dùng game FPS (bắn súng góc nhìn thứ nhất) nào cũng được, nhưng mình bốc Overwatch vì nó dính đến SFF.

Nếu theo dõi các ván đấu game này, mọi người sẽ để ý thấy nhiều người chơi hay có cái kiểu nhắm bắn rất dị. Họ sẽ không nhắm vào mục tiêu cần nhắm, mà để tâm ngắm lệch sang một bên. Thế rồi bất thình lình, họ sẽ lia mạnh tay một phát, hất tâm ngắm bay vèo đi, nhanh đến mức mờ cả màn hình, và giữa lúc hất (đúng hơn là gần cuối cung hất) thì nhấn chuột để bắn. Kỹ thuật này gọi là flick shot (hoặc flick aim/twitch aiming). Lôgic đằng sau cái trò bắn vẩy đấy là ý thức có tốc độ xử lý rất chậm, và lúc ta ý thức được rằng tâm ngắm của mình dịch đến nơi cần đến, mục tiêu có thể đã phóng đi chỗ khác rồi. Cái trò vẩy kia nhằm loại bỏ ý thức ra khỏi quá trình ngắm bắn. Tâm trí vô thức đã tự áng chừng khoảng cách giữa cái tâm ngắm và mục tiêu rồi, và lia một cú và bấm như thế thì nó sẽ tự động căn thời gian và cữ lia thật khớp. Mọi người có thể xem clip này cho trực quan: 



***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.