Chuyển đến nội dung chính

Simulation Hypothesis - khi thế giới chỉ là một mô phỏng


 Trong cái bài review về Alice in Wonderland bữa trước, mình có nhắc đến việc nó lồng ghép một số ý tưởng triết lý rất hay mà hồi đọc lúc nhỏ không hề để ý đến. Một trong số đó là Thuyết Mô phỏng.

Thuyết Mô phỏng, tức Simulation Hypothesis, là một giả thuyết xoay quanh bản chất của thế giới. Nó đề xuất rằng cái ta gọi là thực tại chẳng qua chỉ là một tổ hợp những thứ bên trong một hệ thống khép kín, được tạo dựng lên bởi một hoặc nhiều cá thể nằm trong một hệ thống khác, bao trọn lấy hệ thống của ta. Vì phạm vi nhận thức của ta chỉ cho phép ta biết về cái hệ thống của mình, ta đinh ninh rằng hệ thống đấy, chạy từ những sự vật ta trông thấy và tương tác cùng, những quy luật vận hành của thế giới, những con người khác, cho đến những xúc cảm và mọi suy nghĩ nảy ra trong óc ta, là thứ duy nhất tồn tại “thực.” Tuy nhiên, với những người bên ngoài hệ thống của ta, tức những người trong hệ thống “mẹ” bao lấy hệ thống của ta, mọi thứ bên trong hệ thống nơi ta sống cùng lắm chỉ là một bản “nhái” của thực tại, với quy mô hạn hữu hơn hàng chính hiệu, hoặc thậm chí là một dạng ảo ảnh thuần túy, có thể bị dập tắt bất cứ lúc nào.

Trong thời đại ngày nay, phiên bản thường gặp của các Thuyết Mô phỏng sẽ mang màu sắc công nghệ. Cụ thể hơn, ta hay thấy các bản Thuyết Mô phỏng đề xuất rằng vũ trụ của ta là thành phẩm đến từ khoa học. Có thể những gì tồn tại trên cõi đời này đều chỉ cấu thành từ những viên “gạch” 0 và 1, tức tất tần tật mọi thứ đều chỉ là một nhúm phần mềm tương tác với nhau bên trong một siêu máy tính nào đó; có thể thực tại cấu thành từ các vật chất thật chứ không phải chỉ là mã điện tử, nhưng chỉ mang tính “phim trường,” như một cái hộp đóng kín do một nền văn minh nào đó tạo dựng lên bằng những công nghệ quá tân tiến, đến nỗi mớ trang thiết bị quan sát của ta không tài nào nhìn ra các đường biên của nó; có thể thực tại này chỉ tồn tại dưới dạng các xung điện và phản ứng hóa học thuần túy, được một thực thể bên ngoài nào đó trực tiếp truyền thẳng vào trí óc ta qua các tác nhân kích thích tinh vi;…

Các phiên bản mang đậm tính khoa học hiện đại như thế khiến Thuyết Mô phỏng trông như thể là một phát kiến mới, nhưng thật ra cái thuyết này, hay đúng hơn là phiên bản sơ khai của cái thuyết này, đã tồn tại từ rất lâu rồi, có điều chúng nó mang những dạng hình rất khác. Ví dụ, dân Aztec từng tin vào một thứ gọi là “Teotl.” Teotl là một dạng năng lượng linh thiêng, một sức mạnh không ngừng tồn tại và chuyển mình, hệt như một dòng sông cuồn cuộn chảy, và là cội nguồn của mọi thứ. Tất cả những gì chúng ta trải nghiệm trong vũ trụ này thực chất chỉ là một mô phỏng nhỏ do nó tạo ra, như một bức tranh hay một cuốn sách được Teotl sáng tác, chứ không phải là thực tại toàn thể. Anaxarchus, một triết gia Hy Lạp cổ, cũng từng đề xuất một điều tương tự Thuyết Mô phỏng khi ông ví thực tại như một bức tranh, bảo rằng mọi thứ ta nhận thức được với các giác quan kỳ thực chỉ mang tính hai chiều, một phiên bản ảo ảnh của thực tại sâu xa hơn (mặc dù nó mang tính triết lý nhìn đời nhiều hơn là bản chất vật lý của thế giới, vì khởi sinh của nó là một tư tưởng trong chủ nghĩa hoài nghi của Pyrrho, bảo rằng mọi thứ đều mang tính tương đối và không có một thực tế tuyệt đối nào tồn tại hết). Và lẽ đương nhiên, ta còn phải nhắc đến câu chuyện Mộng hồ điệp kinh điển trong cuốn Nam Hoa kinh của Trang Chu, xoay quanh việc Trang Chu nằm mộng thấy mình hóa bướm, và khi tỉnh giấc thì băn khoăn không biết mình là Chu nằm mộng thấy hóa bướm hay là bướm mộng thấy hóa Chu, tức không biết cái thực tại nào mới là mô phỏng của thực tại nào.

Phiên bản Thuyết Mô phỏng mà Alice in Wonderland sử dụng chính là cái Mộng hồ điệp ấy. Cụ thể hơn, trong Through the Looking-Glass, Alice có gặp một cặp đôi mang tên Tweedledum và Tweedledee. Cặp đôi này đã chỉ cho cô bé thấy nằm bên gốc cây gần đó là một nhân vật mang tên Red King, bấy giờ đang ngáy pho pho, và trêu Alice rằng cô bé chỉ là một nhân vật trong giấc mơ của Red King chứ không tồn tại thật, đồng thời nêu thắc mắc chuyện gì sẽ xảy đến với Alice khi Red King tỉnh dậy.

Đến cuối, tác phẩm gần như còn nói toẹt ra mình copy Mộng hồ điệp bằng cách để chương cuối có tiêu đề là “Which dreamed it?”, cho Alice tỉnh dậy và nghiêm túc suy ngẫm liệu chuyến phiêu lưu vừa rồi là do mình mơ ra hay liệu mình chỉ là một sản phẩm tưởng tượng trong mơ, và chốt lại tất cả với câu hỏi liệu cuộc đời có khác gì một giấc mộng không.

Lewis Carroll xem chừng khá tâm đắc với cái thuyết đó, bởi vì trong Sylvie and Bruno, cuốn tiểu thuyết cuối cùng Carroll xuất bản trong đời mình, ông đã một lần nữa mượn lại mô típ thực tại là một giấc mơ, có điều triển khai nó ở một tầm chi tiết hơn. Cuốn tiểu thuyết có hai cốt truyện chính, một lấy bối cảnh ở thế giới thực, một lấy ở một thế giới thần tiên tên Fairyland, và nhân vật kể chuyện là một người cứ đảo qua đảo lại giữa hai thế giới đấy. Bản thân người dẫn cũng chẳng rõ đâu mới là thực tại chính, Fairyland hay Anh Quốc nơi mình sống, và đã tự hỏi phải chăng mình đang mơ về Sylvie (một nhân vật ở Fairyland), hay đang ở với Sylvie và mơ về cái thứ mang tên “thực tại.” Ngay cái kết cấu của truyện cũng tìm cách xóa nhòa ranh giới giữa hai thế giới này, đảo mạch một cách cực kỳ đột ngột và lắm khi còn phi lôgic, để ta không rõ đâu mới là thực và đâu mới là mơ, và cũng như người dẫn truyện, buộc phải thốt lên rằng “Hay Cuộc sống cũng chính là một giấc mơ nhỉ?”

Một ví dụ khác về Thuyết Mô phỏng mang phong cách Mộng hồ điệp có thể được tìm thấy trong truyện ngắn Polaris của H. P. Lovecraft. Trong tác phẩm, ta bắt gặp một người kể chuyện khuyết danh bị ám ảnh bởi Sao Bắc cực, và liên tục mơ thấy một thành phố đang bị vây hãm. Anh ta ngày một nghi ngờ về thực tại, và không rõ đây có phải là một giấc mơ không hay là thứ gì hơn thế.

Thế rồi một đêm nọ, thay vì chỉ quan sát thành phố dưới dạng một thực thể không có thân hình vật lý như lệ thường, người dẫn truyện thấy mình hóa thành Olathoë, một cư dân của thành phố, được giao nhiệm vụ trực một tháp canh và báo động nếu địch đến. Trong lúc ở trên tòa tháp, Olathoë dần thiếp đi, và ngay lúc Olathoë chìm vào giấc ngủ, người kể chuyện lại bừng tỉnh. Bây giờ, anh ta đinh ninh thế giới này không hề có thật mà chỉ là một giấc mơ. Anh ta là Olathoë, bấy giờ đang mơ về thực tại, chứ không phải con người ở thực tại mơ về Olathoë và thành phố bị vây hãm. 

Lẽ đương nhiên, trong SFF không thiếu trường hợp các tác phẩm sử dụng Thuyết Mô phỏng mang tính khoa học hơn, với những ví dụ hiển nhiên bao gồm The Matrix (thực tại là thực tế ảo), Total Recall (thực tại là ký ức cài cắm), và The Truman Show (thực tại là một phim trường).

Ngoài đó ra, anh em còn có thể tìm đến với tuyển tập truyện ngắn The Star Diaries của Stanisław Lem. Trong một truyện thuộc tuyển tập này, ta được làm quen với Corcoran, một giáo sư lập dị theo chủ nghĩa duy ngã. Ông ta tin cuộc sống là một giấc mơ, và chỉ mình mình mới tồn tại thật, và từ đấy đối xử với tất cả những người khác như những bóng ma.

Thú vị hơn, ông ta còn đã tạo ra hai chiếc hộp máy, mỗi hộp về cơ bản chứa một con AI. Mọi thứ hai con AI trong hộp cảm nhận được đều đến từ những tác nhân do ông giáo cung cấp, và ông ta đã tạo dựng cho chúng nó những thế giới riêng, chân thực không kém gì thế giới thực. Lũ AI có thể nhìn thấy mình trong gương, hít ngửi sờ mó nêm nếm đủ cả, và đối với chúng thế giới ảo tạo dựng bởi các dòng điện của cái hộp là sự thực. Chúng nó về cơ bản kẹt trong hai Ma trận ngược: do con người tạo ra nhằm cô lập rôbốt để phục vụ mục đích riêng của mình. Từ đấy, ông giáo sư suy luận rộng ra rằng có khi bản thân ông ta cũng là một con AI trong một cái hộp, do một người khác tạo ra, và người tạo ra ông ta cũng chỉ là một con AI trong một cái hộp nốt, và không ai biết đâu mới là thực tại thật cả.

Một ví dụ khác nằm trong truyện ngắn The Tunnel under the World của Frederik Pohl. Trong truyện này, ta có một nhân vật thức dậy vào ngày 15/6 sau một cơn ác mộng khủng khiếp, mỗi tội chẳng nhớ nổi nó cụ thể thế nào. Lúc đi làm, người đấy thấy mọi thứ cứ sai sai sao đó, đặc biệt là cách mình xem chừng cứ bị bao vây bởi một lượng quảng nhiều hơn mức bình thường. Thế rồi đến sáng hôm sau, anh ta cũng lại choàng tỉnh sau một cơn ác mộng mơ hồ tương tự, và nhận thấy hôm đấy vẫn là ngày 15/6. Các sự kiện vẫn diễn ra y như cũ, nhưng có một số thứ thay đổi hơi khác. Đặc biệt, tầng hầm nhà anh ta đã bị ai đó xây lại khác hẳn. Sau hôm đó, anh ta một lần nữa tỉnh lại vào ngày 15/6, và lại thấy mọi thứ hơi khang khác như trước. Quá hoang mang, anh ta đã thổ lộ tâm tư với một đồng nghiệp, và cả hai đề ra giả thuyết thành phố của mình đã bị người ngoài hành tinh xâm chiếm.

Tuy nhiên, sự thật còn quái chiêu hơn thế nhiều: số là từng có một tai nạn xảy ra tại thành phố đó, và toàn thể người dân đều chết hết rồi. Sau vụ tai nạn, một tay giám đốc quảng cáo đã tái tạo thành phố dưới dạng thu nhỏ, và sử dụng dữ liệu của những người dân bị thiệt mạng để tạo ra một loạt rôbốt giống hệt như người, và cho chúng nó vào sống trong cái thành phố đấy. Thành phố là một mô phỏng thu nhỏ, được tay giám đốc kia dùng để kiểm tra xem chiến lược quảng cáo nào sẽ hiệu nghiệm nhất, từ đó mang ra áp dụng ngoài đời.

Và nhắc đến bản chất của thực tại, ta không thể bỏ qua Philip K. Dick. Thanh niên có nhiều cuốn về việc thế giới chỉ là một ảo ảnh vô cùng, anh em cứ bốc random là kiểu gì cũng trúng một quyển động đến Thuyết Mô phỏng. Ở đây thì mình sẽ chỉ lấy ra một ví dụ đại diện, ấy là cuốn tiểu thuyết A Maze of Death. Truyện xoay quanh một nhóm người trên đường đến hành tinh Delmak-O để định cư. Sau khi đáp xuống hành tinh đó rồi, họ gặp trục trặc liên lạc, và về cơ bản phải tự loay hoay trên hành tinh này. Hành tinh chứa đầy những tạo vật hết sức quái dị, cả dưới dạng các sinh vật tự nhiên lẫn cấu trúc nhân tạo, và hết sự kiện điên rồ này đến sự kiện điên rồ khác cứ giáng xuống đầu đoàn người đó. Rốt cuộc, họ chốt lại rằng mình là người điên, và những gì họ trải nghiệm là một phần của một liệu pháp tâm lý mới nào đó nhằm chữa trị cho họ.

Tuy nhiên, cũng như trong The Tunnel under the World, thực tế của câu chuyện khác xa những gì đám người đấy mường tượng. Tất cả bọn họ kỳ thực không hề ở trên Delmak-O, mà họ đang chết tắc trong một con tàu vũ trụ hỏng, hiện đang bay xung quanh một ngôi sao lạ. Họ không có cách nào để kêu cứu hết, và chỉ còn nước ngồi chờ ai đó vô tình đi ngang và phát hiện ra mình thôi. Để đảm bảo tiết kiệm tài nguyên cho các hệ thống hỗ trợ sự sống, tất cả bọn họ đều bước vào một thực tế ảo do máy tính tạo ra, nhằm giữ cho cơ thể ở trong trạng thái hoạt động tối thiểu. Ban đầu thế giới ấy cũng tử tế, nhưng càng về sau thì con tàu càng rệu rã dần, và thế giới ảo dần trở nên dị hợm hơn. Mỗi lần nó bắt đầu một chu kỳ mới, thế giới nó dựng ra lại gần với một cơn ác mộng hơn. Và vì khả năng họ được tìm thấy thấp vô cùng, những con người này sẽ vĩnh viễn chết tắc trong một chu kỳ những thực tại ảo ngày một khủng khiếp hơn, cho đến khi cả hệ thống sụp đổ và họ trở thành những cái xác trôi nổi giữa không gian.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.