Chuyển đến nội dung chính

Dragonsbane vs Witcher - hai hướng đi từ một nền tảng



 Trong bài review Dragonsbane hồi chiều, mình có bảo nó mang nét giống với bộ truyện Witcher. Vì nếu so sánh kỹ hai thằng này thì không còn thời gian động đến nhiều thứ khác nữa của Dragonsbane, thế nên mình lược tạm nó đi. Giờ làm hẳn bài riêng để bàn được sâu hơn.

Để công bằng, mình sẽ chỉ so sánh Dragonsbane với The Last Wish, cuốn đầu tiên trong series Witcher. Thế nên trong bài này, cứ khi nào nhắc đến chữ “Witcher” hay các phiên bản phái sinh nào khác thì anh em cứ hiểu ý mình chỉ đang nói The Last Wish thôi nhé.

Dragonsbane và Witcher ra đời trong các hoàn cảnh rất khác nhau. Dragonsbane thì gốc đã là một cuốn tiểu thuyết nghiêm chỉnh, do một cô nhà văn Mỹ chuyên nghiệp nghiện Fantasy từ nhỏ và có bằng thạc sĩ trong một ngành rất hợp (lịch sử Trung Cổ) viết ra. Witcher thì vốn lại là một mẩu truyện ngắn do một ông dịch giả Sci Fi người Ba Lan học chuyên ngành kinh tế sáng tác, và thậm chí còn chỉ ra đời vì bị… con giục chứ không phải thứ gì nghiêm túc. Bất chấp sự biệt lập ấy, cả hai đều sử dụng chung một ý tưởng nền cơ bản là vẽ lên một (trong trường hợp của Witcher thì là nhiều) câu chuyện cổ tích mang màu sắc tăm tối và sát thực hơn, có điều phát triển theo hai hướng rất riêng.

Đầu tiên cần phải nhắc đến những điểm giống của chúng nó. Cả hai đều mang một cái kiểu không khí chung bần bần, bẩn thỉu chứ chẳng sạch sẽ gì mấy, với các sinh vật thần thoại có tồn tại chung sống với con người nhưng lại được khắc họa dưới dạng các nạn nhân nhiều hơn, hoặc không thì ít nhất cũng chẳng hiểm ác bằng con người. Bên cạnh đó, cả hai đều rất chú trọng khắc họa thế giới nội tâm của nhân vật, thể hiện cái tâm tư bất định nhân vật mang trong lòng về tương lai và cái nghề của mình.

Tuy nhiên, sự giống nhau của bọn nó chỉ dừng lại ở mức nền như vậy thôi. Nếu đào sâu xuống hơn, ta bắt đầu thấy đôi bên có sự tẽ nhánh rất rõ ràng.

Thứ nhất là dù dày hơn Witcher, cái thế giới của Dragonsbane lại không được sinh động bằng thế giới của Witcher. Trong Dragonsbane, ngoài con người ra thì ta chỉ được biết đến có dăm ba giống loài lạ, và trong số đấy thì chỉ đúng hai là được đầu tư khai thác sâu, còn quá nửa gần như chỉ mang tính chất làm màu. Riêng thế giới của anh Dê Già xứ Rivia nhà ta thì lại chẳng thể tả bằng từ nào hợp hơn “nhung nhúc.” Ngay từ cái mẩu truyện ngắn đầu tiên, ta đã thấy cái thế giới này đầy rẫy những loại quái vật thần bí kỳ lạ, mỗi con một vẻ rất đa dạng. Đến cả thực vật của cái thế giới này cũng được đầu tư bàn đến nữa, phong phú vô cùng. Mặc dù đúng là tỉ lệ đi sâu vào lột tả/nêu ra làm màu của Witcher đại khái cũng na ná Dragonsbane, chúng nó vẫn có một số lượng cao áp đảo, và từ đấy nên lượng quái được khắc họa tử tế cũng nhiều gấp bội phần, hứa hẹn rằng thế giới của Witcher sẽ mang lại nhiều cuộc phiêu lưu hơn Dragonsbane.

Cả cái mảng chính trị Dragonsbane cũng bị làm hụt hơi so với Witcher. Dragonsbane chỉ gói gọn trong những mưu đồ của một triều đình duy nhất, và bản thân những cái mưu mô ấy cũng chẳng có gì gọi là quá đáng nhớ cả. Riêng Witcher thì đủ thứ liên minh, chuyện tình ái gian díu, vu tội, đâm lén nhau chạy tá lả hết lên, được dàn dựng rất công phu và phạm vi cực rộng, chạy từ nội cung cho đến các quốc gia láng giềng cho đến các sắc tộc và thậm chí cả thần thánh (hay một phiên bản gì đó đại loại vậy <(“) ). Điều này khiến cho Dragonsbane chẳng khác nào một lâu đài trong quả cầu tuyết nếu đem ra so với tuyển tập atlas trình bày công phu có tên Witcher.

Tuy vậy, thế giới Witcher không ăn được Dragonsbane về mọi mặt. Một trong những cái Dragonsbane làm khá hơn hẳn là nó giữ cho thế giới của mình rất quy củ, với một hệ thống phép thuật có quy luật khá rõ ràng phân định. Khi phù thủy trong Dragonsbane làm phép, ta biết giới hạn của nó nằm ở đâu, làm được gì, và từ đó giúp cốt thế nào. Thằng Witcher thì làm ăn lôm côm hơn hẳn. Hệ thống phép thuật của nó dù cũng có một chút quy luật đấy, nhưng nó mập mờ hơn. Điều này cho phép phép thuật của nó muôn hình vạn trạng hơn, nhưng đôi lúc lại hơi có mùi đại bàng của Lord of the Rings, hơi khó để chấp nhận cách một số thứ được trình bày.

Quan trọng nhất là gần như không một lúc nào giọng văn của Dragonsbane hay cách các nhân vật trong nó hành xử chạy lệch ra ngoài cái khung thời gian Trung Cổ (hoặc ít nhất nếu có lệch thì cũng không đi quá xa), giúp cho người đọc không bị đứt mạch giữa chừng. Witcher thì lại khác. Nó chạy từ những cái chỉ nhỏ nhỏ thôi, chẳng hạn như cách đơn vị đo lường lúc thì chơi hiện đại, khi thì chơi kiểu cổ (riêng cái truyện ngắn đầu tiên thôi đã nhảy từ furlong lên thẳng hệ mét rồi về với cubit, trong khi bọn này cách nhau gần nửa thiên niên kỷ), cho đến những cái lớn hơn như những trò đùa về cách vận hành của thế giới nghe hiện đại thấy rõ. Xét công bằng thì cũng có khả năng đây vừa là do người dịch bị ngáo, vừa là do cái hiện tượng The Tiffany Problem huyền thoại (anh em nào chưa biết có thể đọc thêm ở đây: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/07/the-tiffany-problem-khi-su-that-phai-bi.html), nhưng sự thật vẫn cứ là đến những đoạn như thế, mình vẫn cứ bị lôi tuột ra khỏi tác phẩm, cảm thấy đây như một tập Flintston chứ không còn là một thế giới High Fantasy tàn khốc nữa.

Tiện nhắc đến trò đùa, cả hai thỉnh thoảng cũng chen những thứ mang tính cợt nhả vào, nhưng theo những style rất khác biệt. Vì bản chất ngả mạnh về tâm lý, Dragonsbane có tần suất đùa ít hơn, và thường chuộng cái style đùa hơi nhạt nhưng rất chân tình, như kiểu đùa của ba mẹ chúng ta khi ngồi ở bàn ăn cơm ấy. Witcher thì thiên mạnh hơn về giải trí, thế nên tần suất đùa cợt nó tích hợp vào câu chuyện dày hơn hẳn, và đồng thời nếu xét khách quan thì cũng hài hước hơn nữa, mang đậm tính châm biếm kèm bỗ bã như khi anh em ngồi chém gió với bạn bè ngoài quán nước hay trên bàn nhậu.

Bên cạnh đó, cái kiểu nhân vật cũng thể hiện hai cách tiếp cận rất khác nhau của Dragonsbane và Witcher. Cả hai thằng này đều có nhân vật chính phi truyền thống, và lòng bộn bề âu lo theo một kiểu na ná nhau. Tuy nhiên, cái xung đột nội tâm của Dragonsbane thì là xoay quanh việc lựa chọn giữa gia đình và sự nghiệp, kiểu “Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước / Chọn một dòng hay để nước trôi?” còn Witcher thì lại là cảm thấy lo lắng cho tương lai của bản thân theo kiểu “Nhưng mỗi năm mỗi vắng / Người thuê viết nay đâu? / Giấy đỏ buồn không thắm / Mực đọng trong nghiên sầu...”

Về bề ngoài thì Dragonsbane cho nhân vật chính là một bà phủ thủy xấu xí, kém cỏi, gần như không có một tí chất ngầu nào hết để tôn bật cái nội tâm lên. Riêng Witcher thì dù nhân vật chính cũng chẳng phải là hình mẫu người đàn ông lý tưởng gì cho cam, ông anh lại mang đậm cái chất bad boy cun ngầu, võ nghệ đầy mình. Mặc dù trong truyện ông anh chủ yếu toàn ăn ấy và phải chơi đủ mưu hèn kế bẩn khi đánh quái, thanh niên vẫn có thể tay không cân cả một tiểu đội lính, vả cho nguyên toán lính đánh thuê vêu mồm mà chẳng cần gắng sức mấy.

Nói tóm lại, so sánh cho hình tượng hơn tí thì nhân vật chính của Dragonsbane là một support main đã ngưng cày rank từ lâu, chấp nhận chết tắc dưới silver và chỉ thỉnh thoảng vào chơi pub game cho đỡ lụt nghề thôi, mặc dù vẫn hay nhung nhớ quãng thời gian hì hục leo rank và tự hỏi nếu không bỏ, có khi nào bây giờ đã lên đến plat hay thậm chí diamond rồi không. Còn Witcher thì là một ông dps main vẫn đang trâu bò try hard với một cái daed game, bất chấp thời gian tìm match ngày một cao trong khi đám devs cứ tối ngày nerf main của mình một cách ngu si ngoài sức tưởng tượng.

Nhìn chung, dù Dragonsbane và Witcher có nhiều nét giống nhau đến lạ, chúng nó vẫn mang bản sắc rất riêng, nhắm đến hai đối tượng đọc có thể cùng chung sở thích, nhưng muốn tìm kiếm những điều khác nhau từ cái sở thích ấy. Nói nôm na thì bọn nó cũng như hai cái phim Joker và Man of Steel ấy, cùng là deconstruct dòng siêu anh hùng, cùng xoáy rất sâu vào tâm lý nhân vật, nhưng có cách phát triển khác hẳn, với điểm mạnh điểm yếu khác nhau và hướng đến đối tượng mục tiêu vừa có điểm chung mà cũng lại vừa có điểm riêng. Và cũng như Joker với Man of Steel, Dragonsbane và Witcher chẳng thằng nào hơn thằng nào hết. Có chăng chỉ là anh em thấy mình phù hợp với style nào hơn thì nên thử chọn cái đấy thôi.

P/S: cái bìa Witcher thực ra làm hơi ngáo. Vụ con rồng là ở quyển 2, Sword of Destiny, chứ The Last Wish không có rồng rắn gì hết. Nhưng mà style bản bìa này sát với Dragonsbane hơn nên mới được chọn để thể hiện sự tương đồng 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.