Chuyển đến nội dung chính

Ironic Rebound và cách nó ảnh hưởng đến độ chân thực của thế giới

 Trong bài review về Before the Coffee Gets Cold, mình có nhắc đến việc nó xây dựng hệ thống phép thuật một cách rất ấm ớ. Có khá nhiều lý do dẫn đến việc phần phép thuật của nó trở nên lủng củng, chạy từ lỗi lôgic cho đến cách bày bố thông tin. Có mà cái lỗi nặng nhất của nó có lẽ là việc nó bảo người đọc đừng nghĩ về con voi màu hồng.

Trong trường hợp có anh em nào băn khoăn, đừng nghĩ về con voi màu hồng là biến thể của một hiện tượng gọi là Ironic Rebound (Dội ngược Mỉa mai). Nó được dùng để chỉ một quy trình tâm lý, trong đó nếu ta cố gằng kiềm chế bản thân nghĩ về một hiện tượng hay suy tư nhất định nào, cái thứ chúng ta cố gắng không nghĩ về ấy lại hay trồi lên trong não ta hơn.

Mỗi khi cần minh họa cho hiện tượng này, ví dụ mà thiên hạ thường hay mang ra sử dụng nhất là yêu cầu người khác đừng nghĩ về một con thú mang màu sắc nào đó. Bởi vì con vật được tả khá rạch ròi, ngay khi nghe bảo như vậy, người nghe sẽ bất giác mường tượng ra đúng cái con đó trong đầu, và càng cố không nghĩ về nó bao nhiêu thì nó lại càng xuất hiện nhiều bấy nhiêu. Một trong những ví dụ kinh điển nhất nó đã được Fyodor Dostoevsky nêu ra trong bài luận Winter Notes on Summer Impressions, cụ thể như sau:

“Hãy thử đề ra cho bản thân nhiệm vụ này nhé: đừng nghĩ đến một con gấu Bắc Cực, và bạn sẽ thấy cái con của nợ ấy cứ mỗi phút lại thò mặt vào trong đầu mình một lần.”

Chính vì cái ví dụ này mà Ironic Rebound còn được gọi là White Bear Problem (Vấn đề Gấu trắng). Tuy nhiên, vì biết đến hiện tượng này thông qua ví dụ về một con voi màu hồng, thế nên mình toàn gọi nó là vấn đề voi hồng. Trong cái bài viết này, mình cũng sẽ sử dụng hình ảnh voi hồng vì đã quen mồm gọi nó như thế rồi.

Giờ quay lại với Before the Coffee Gets Cold nào.

Trong truyện này, phương thức du hành thời gian được xây dựng theo một kiểu gần như không có lôgic gì đằng sau đấy hết. Bản thân điều này không phải là một vấn đề quá lớn, bởi vì phép thuật không bắt buộc phải quy củ như khoa học, và cũng đã có rất nhiều tác phẩm thành công với một hệ thống phép thuật mang tính “bừa phứa” rồi. Ví dụ kinh điển nhất là Lord of the Rings, với phép thuật trong thế giới này gần như thích làm cái gì cũng được, không có quy luật nền nào như kiểu nguyên tắc bàn tay phải cai quản hết. Series The Wheel of Time mặc dù có một hệ thống phép thuật pha trộn âm dương ngũ hành khá quy củ, song cũng tồn tại một thứ khác hỗn độn hơn, ấy là Tel'aran'rhiod, thế giới của những giấc mơ nơi gần như mọi thứ luật lệ chỉ là một sự gợi ý. Ngay cả Game of Thrones, một tác phẩm với thế giới rất thật, cũng có một (số) hệ thống phép thuật nghe chừng rất khó hiểu, hoạt động theo kiểu A, B, C chỉ vì nó… thích thế thôi. Và còn mấy cái quyển truyện của Murakami ra sao thì anh em biết rồi đấy.

Nhưng trong các ví dụ đấy, phần nhập nhèm trong cơ chế hoạt động không bị lôi cổ ra nêu tên trước toàn trường. Chúng nó được ngấm ngầm chấp nhận là mang tính khó hiểu, không ai hỏi han hay đả động gì đến việc bọn nó nghe chừng khá random; hoặc không thì lúc cơ chế của chúng nó bị chất vấn, tác phẩm cũng thể hiện một cách rất tự nhiên rằng từng hoặc đang có các nỗ lực tìm hiểu diễn ra, nhưng bức màn bí ẩn của chúng nó quá dày đặc, khiến cho các nhân vật trong thế giới của tác phẩm mãi vẫn không chọc thủng được nó.

Before the Coffee Gets Cold thì chơi một kiểu khác. Nó chỉ thẳng mặt các quy luật cai quản phương thức du hành thời gian của mình, công nhận chúng mang tính tùy tiện và vô cớ 100%, và sau đó bảo người đọc hãy mặc nhiên chấp nhận nó, không thể hiện rằng đã có ai nỗ lực tìm hiểu hay khám phá gì về chúng chưa. Nguyên một cục luật vô lý bị quẳng vào mặt độc giả, với sự vô lý được trực tiếp thừa thật, xong nói thẳng đuột rằng đừng hỏi gì cả, cứ chấp nhận sự vô lý ấy đi. Đây chính là hành động bảo chúng ta đừng nghĩ về con voi hồng, và vì điều này xảy ra quá sớm trong tác phẩm, lẽ đương nhiên trong suốt cả tác phẩm sau này, ta không khỏi liên tục nghĩ mãi về cái con voi hồng ấy.

Cái kiểu chỉ mặt con voi hồng xong bảo đừng nghĩ về nó này làm mình nhớ đến một tác phẩm Fantasy khác hồi trước từng review, ấy là The Deep của Rivers Solomon. Truyện cũng phạm phải một lỗi y chang Before the Coffee Gets Cold, đấy là tự nhiên lại bảo thẳng với độc giả rằng đừng có nghĩ đến một điểm rất kỳ dị trong hệ thống phép thuật của cái thế giới này, thay vì tô vẽ cho sự bí hiểm của nó theo một cách tự nhiên hơn.



The Deep khôn hơn Before the Coffee Gets Cold ở chỗ để đoạn voi hồng đó ở khoảng quá nửa truyện, thế nên vẫn còn tầm nửa đầu đọc không gây khó chịu lắm. Tuy nhiên nó lại có một chỗ dở hơn Before the Coffee Gets Cold, ấy là để phần voi hồng dí quá sát một đoạn tháo gỡ nút thắt lúc cuối truyện, trong khi phần tháo gỡ đấy lại dựa vào cơ chế hoạt động của cái hệ thống phép thuật này, thành ra lại dìm chết luôn cái nút thắt kia, khiến nó nghe như một cái Deus ex Machina vậy.

Túm cái váy lại là chẳng ai ép một tác phẩm Fantasy phải giải thích chi li tường tận cái hệ thống phép thuật của mình đâu, nhưng cũng đừng chỉ ra cái sự ảo ma của mình xong thản nhiên bảo người đọc đừng nghĩ về nó. Nếu không biết phải lý giải ra sao thì cũng chẳng thiếu cách để người đọc chấp nhận sự ảo của nó mà, việc gì phải vạch áo cho người xem lưng rồi bảo đừng để ý đến cái cột sống đang nổi gồ lên như thế.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.