Bữa trước có một bạn đăng bài review về một tác phẩm Utopia (?) kinh điển, ấy là Brave New World. Trong tác phẩm này, ta có cơ hội gặp gỡ một dàn nhân vật rất thú vị, và trong số đó nổi bật nhất có lẽ sẽ là Mustapha Mond, phiên bản gần với trùm cuối nhất mà cái tác phẩm này có. Nhưng không như trong các tác phẩm khác, thanh niên trùm cuối này lại không hề bị đánh bại. Đến cuối truyện, chẳng có một pha tử chiến cam go nào hết (nếu không tính cái màn đấu khẩu), chẳng có một màn lật nhào thể chế ngoạn mục, mà Mond chỉ đơn thuần… sống tiếp. Bất chấp đã tiếp tay duy trì một thể chế tàn độc (?), thanh niên chẳng mất gì hết, chẳng bị làm sao cả, và tùy theo cách nhìn nhận, có khi lại còn “thắng” nữa chứ chẳng đùa.
Cái kiểu không hề hấn gì của nhân vật Mustapha Mond ấy làm mình nhớ đến một mô típ kể chuyện khá hay, có tên là Karma Houdini.
Trước khi bàn sâu vào mô típ này, cần nói qua một tí về người đã mang đến cho mô típ này cái tên của nó: Harry Houdini.
Harry Houdini là nghệ danh của Erik Weisz, một nhà ảo thuật gốc Áo-Hung. Ông anh là một nhà ảo thuật nổi tiếng trong giai đoạn đầu thế kỷ 20, chủ yếu nhờ những màn trình diễn xoay quanh khả năng trốn thoát gần như siêu nhiên của mình. Gần như không một thứ gì có thể giam cầm được Houdini. Đồng chí này đã để thiên hạ trói người, còng tay, nhốt trong hộp kín, sút xuống dưới sông (trong tình trạng bị trói gô), nhét vào quan tài và chôn hẳn xuống đất, cũng như đủ thứ trò trên trời dưới bể (theo nghĩa đen 🐧 ) khác mà chắc chắn một con người bình thường sẽ chẳng đời nào thoát ra được, nhưng thanh niên luôn bằng cách nào đó lành lặn trốn được ra ngoài. Thậm chí, Houdini còn mấy lần để cảnh sát lột mình trần như nhộng, dùng còng tay nghiêm chỉnh của nhà nước ghì tay lại, sau đó tống hẳn vào tù, và rồi thoát ra từ đó để chứng minh mình không chỉ diễn trò linh tinh. Cái tài đào thoát của Houdini tởm lợm đến mức từng có một cảnh sát bình luận rằng thật may mắn là Houdini không sử dụng tài năng của mình cho các mục đích tội phạm, bởi vì có thánh mới giam nổi thanh niên này.
Karma Houdini về cơ bản vẫn chính là cái bro đấy, mỗi tội thứ thanh niên đào thoát khỏi không phải là nhà tù hay quan tài nữa, mà là nghiệp.
Cụ thể hơn, Karma Houdini dùng để chỉ các nhân vật đã có những hành động rất xấu xa, làm tổn hại đến xã hội hay một con người vô tội nào đó. Có thể họ chính là phản diện của câu chuyện, hoặc có khi chỉ là một nhân vật phụ thôi, nhưng đã có những hành động mà hẳn ai trông vào cũng nghĩ kiểu gì cũng sẽ bị nghiệp quật không trượt phát nào.
Mỗi tội chẳng hiểu sao, nghiệp hôm đấy aim ngu vl 🐧.
Trang cuối đã lật xong, vở kịch đã hạ màn, đèn trong rạp đã bật lên, credit đã lăn hết sạch, mọi thứ đều kết thúc hết cả rồi. Sẽ không có spin off, không có sequel, không còn bất kỳ thứ gì để tiếp nối câu chuyện nữa. Ấy vậy mà tận khi đấy rồi, ta vẫn chẳng thấy thanh niên sống chó kia gặp phải bất kỳ một cái quả báo nào, hay ít nhất là không có một quả báo nào thực sự tương xứng với những gì nhân vật đấy đã thực hiện cả. Trên thực tế, có khi thanh niên còn được tha thứ nhẹ tênh, và thậm chí còn được khen ngợi, trao thưởng gì đó nữa kia. Và vì như đã nói đấy, đến lúc này là đã đụng một dấu chấm hết to chình ình rồi, thế nên chắc chắn sẽ chẳng còn cơ hội nào để nghiệp bật aimbot rỉa chết cụ cái thằng cha ôn dịch đấy nữa. Hắn đã “Houdini” khỏi tay nghiệp một cách thành công, và nghiệp (cùng người thưởng thức tác phẩm) chẳng biết làm gì khác ngoài nghiến răng chấp nhận cái sự bất công này.
Như anh em hẳn cũng có thể hình dung, Karma Houdini là kiểu nhân vật rất dễ gây ức chế cho người thưởng thức. Chúng ta thường hay duy trì một dạng “sổ nghiệp” đối với các nhân vật trong tác phẩm, với cứ ai làm gì ác thì sẽ bị ghi nợ, còn tốt thì ghi có. Đến cuối tác phẩm, ta sẽ đối chiếu công nợ với cái sổ nghiệp này, và kỳ vọng người tốt được thưởng, kẻ vô lại thì bị trừng phạt. Nếu sổ sách mà bị lệch thì quả đúng là hơi khó ngửi.
Tuy nhiên, cũng như mọi mô típ kể chuyện trên đời, Karma Houdini không hẳn lúc nào cũng xấu, mà nó tốt xấu ra sao tùy cách sử dụng. Trong trường hợp tác giả muốn khắc họa một câu chuyện tăm tối, nơi công lý chưa chắc sẽ chiến thắng (hay thậm chí tồn tại), thì Karma Houdini là một lựa chọn rất xuất sắc. Ngoài đó ra, nếu nhân vật đủ nhỏ, và phần còn lại của câu chuyện đủ hấp dẫn để kéo cho người thưởng thức quên biến về cái thanh niên Karma Houdini kia đi, thì độ hay của câu chuyện cũng sẽ không bị ảnh hưởng gì nhiều.
Ví dụ thì như đã nói ban đầu đấy, ta có Mustapha Mond. Thanh niên này là một trường hợp Karma Houdini khá đặc biệt, bởi vì tất cả mọi thứ tùy thuộc vào việc mọi người nhìn nhận như thế nào. Nếu thực sự thấy thuyết phục bởi các lập luận tác phẩm đưa ra, và coi cái thế giới của Brave New World là một Utopia, thì hành động của Mond nó lại mang tính anh hùng chứ chẳng còn gì xấu xa nữa rồi, thế nên không hẳn là Karma Houdini.
Bên cạnh đó, kể cả nếu có coi Brave New World là Dystopia, chúng ta cũng lại một lần nữa phải cân nhắc xem liệu Mond có thực sự làm cái gì xấu không. Tác phẩm thực sự không hề tô vẽ Mond như một kẻ xấu, mà thanh niên hiện ra như một con người rất tử tế, thực lòng quan tâm đến an nguy của xã hội, và đặc biệt là không hề trực tiếp gây ra điều gì xấu xa trong tác phẩm hết, chỉ hành động dựa trên một hệ tư tưởng đã được cả thế giới chấp nhận là đúng từ trước đó rất lâu. Nếu cảm thấy chừng ấy là đủ để giữ cho tay Mond được sạch, thanh niên không nhất thiết là Karma Houdini. Còn nếu không, việc ông anh này sau đó lại tiếp tục cai quản thế giới như chưa hề có chuyện gì xảy ra, và chẳng chịu bất kỳ tổn hại cá nhân nào sẽ khiến thanh niên này trở thành Karma Houdini.
Tương tự với Mustapha Mond trong Brave New World, ta có một thanh niên mang tính trùm cuối trong một tác phẩm Dystopia khác cũng chẳng hề bị gì, ấy chính là O'Brien trong 1984. O'Brien là một thành viên của Nội Đảng, một thể chế cầm quyền vô cùng hà khắc trong thế giới của 1984. Lúc ban đầu, nhân vật chính cứ tưởng O'Brien là một người bất mãn chế độ như mình, nhưng rồi về sau phát hiện ra đây thực chất là thành viên của lực lượng Cảnh sát Tư tưởng, chuyên đi lùng tìm và gài bẫy những ai mang tư tưởng không “đúng chuẩn.”
Chỉ riêng việc O'Brien là một Cảnh sát Tư tưởng đã đủ để thanh niên này trở thành một kẻ rất xấu xa rồi, nhưng mọi việc không hề dừng ở đó. O'Brien còn đã trực tiếp tham gia vào quy trình “chấn chỉnh” nhân vật chính, góp phần tạo nên một trong những cảnh tượng tra tấn và tẩy não lạnh gáy nhất từng xuất hiện trong SFF. Bất chấp tất cả những gì O'Brien đã, đang, và rất có thể là sẽ làm trong tương lai, hoàn toàn không có một đòn trừng phạt nào giáng xuống đầu hắn hết. Hắn vẫn sống khỏe re, và tiếp tục công việc “chấn chỉnh” tư tưởng cho những người đồng chí nhỡ may sơ sẩy khác của mình.
Để chuyển sang một trường hợp khác mang tính nhẹ nhàng hơn, ta có thể nhìn vào thế giới của Harry Potter. Khác với hai tác phẩm trên, Harry Potter không đến mức quá tăm tối, thế nên hầu hết các phản diện lớn đến cuối đến nhận được hình phạt thích đáng. Tuy nhiên, nó lại có khá nhiều Karma Houdini nho nhỏ, có điều may mắn được cốt truyện chính khỏa lấp nên không bị nhiều người dị nghị cho lắm. Đầu tiên ta có cặp vợ chồng nhà Dursley. Cặp đôi này ngược đãi thằng cháu mình theo một kiểu mà cả về lý lẫn tình đều không thể chấp nhận được, nhưng gần như chẳng bị gì ngoài vài phen sợ sốt vó xong lại thôi (đến cả vụ thằng con bị bọn giám ngục suýt hớp hồn cũng chẳng đi đến đâu hết cơ mà). Ngoài đó ra thì ta cũng có một cặp đôi Karma Houdini khác, ấy là ông bà già nhà thằng Draco Malfoy. Hai thanh niên này về cơ bản là Phát-xít của giới phù thủy, đặc biệt là ông chồng, nhưng ngoài việc bị ông anh không mũi thất sủng và đến cuối phải chạy đi tìm con hơi mệt tí thì cũng chẳng bị ảnh hưởng gì nghiêm trọng hết.
Nhưng cả bốn con người trên đều chẳng có tuổi nếu đem ra so với Karma Houdini đã thành tinh của thế giới Harry Potter, ấy là Rita Skeeter. Con mụ lều báo này từ đầu đến cuối truyện chẳng làm được một cái gì tử tế cho đời cả, toàn đi đơm đặt điều lung ta lung tung, thế mà đến cuối chẳng hiểu sao vẫn tiếp tục được hành nghề nhà báo, vẫn được cộng tác với một tờ báo lớn, và thậm chí còn chẳng bị Bộ Pháp Thuật trừng phạt bởi vì có thể biến hình thành thú mà không chịu đăng ký. Cái mụ này chắc phải được đích thân Houdini độ, chứ không thì khó lòng mà thoát nghiệp được theo kiểu kinh đến thế.
Một trường hợp thú vị khác về Karma Houdini nằm trong tác phẩm Dogs of War, cụ thể là ở phần cuối của nó. Trong cái tác phẩm này, con người đã chế tạo ra một hệ thống nô lệ hóa mới, gọi là hệ thống thứ bậc. Đúng như cái tên gọi của nó, hệ thống này phân tất cả các thành viên nằm trong danh sách của mình vào các nấc thang quyền lực khác nhau. Người đứng ở nấc thang đầu sẽ có toàn quyền sai bảo những người đứng ở nấc thang dưới, bất kể ý chí của người bên dưới có là thế nào. Thông qua các con chip tích hợp trong não, hệ thống này sẽ khiến con người ta cảm thấy cực kỳ khổ sở, thậm chí còn là đau đớn, khi làm gì trái lệnh người ở bậc trên. Có khi chỉ cần nghĩ đến chuyện gì có tiềm năng sẽ khiến người bậc trên phật ý thôi đã đủ để con chip kia kích hoạt và vụt roi đến tứa máu tâm trí rồi. Cái hệ thống thứ bậc ấy gốc chỉ được áp dụng cho những lính thú biến đổi gen thôi, cho phép chỉ huy của chúng nó toàn quyền sai bảo bọn nó phải đi tàn sát dân thường vô tội.
Nhưng đến cuối tác phẩm thì một trường hợp lạnh gáy hơn đã xuất hiện. Cái hệ thống này được dùng để nô dịch hóa chính con người, và kẻ đứng đầu thang bậc kia là một tập đoàn. Không, không phải là CEO tập đoàn hay bất kỳ đại diện tập đoàn nào đâu. Đứng đầu là cái PHÁP DANH của tập đoàn ấy. Nói cách khác, không có một con người nào đứng đầu cái hệ thống thang bậc ấy cả, mà những con người bị nô lệ hóa phải răm rắp tuân theo mệnh lệnh được ban bố chính thức của cái tập đoàn ấy, còn ai là người ra cái lệnh kia thì… chịu. Khi mọi chuyện bị bại lộ, chẳng ai có thể trừng phạt được cái tập đoàn kia hết. Thứ duy nhất chịu trách nhiệm cho việc nô dịch hóa nhóm người đấy chỉ là cái pháp danh kia thôi, mà bỏ tù cái pháp danh kiểu gì bây giờ? Cùng lắm thì chỉ có thể tóm được ông CEO đương nhiệm, hay tống hội đồng quản trị vào tù, nhưng những kẻ chủ mưu thực sự thì vẫn được bao bọc rất kỹ càng bởi bao hàng rào pháp lý cũng như đủ kiểu giấy tờ hồ sơ hết sức nhập nhằng, khiến cho chẳng ai hiểu đứa nào thực sự điều hành cái tập đoàn đấy cả. Toàn bộ lũ đứng sau giật dây cái tập đoàn kia đều trở thành Karma Houdini hết, vì có ai biết lũ này mặt mũi thế nào đâu mà trừng phạt được? Đến tận cái sequel sau này của Dogs of War, vụ việc cái tập đoàn kia vẫn là một dấu hỏi rất lớn, và chẳng ai biết kẻ nào thực sự đứng sau nó cả.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓