Bandersnatch, bộ phim trong series phim Sci Fi Black Mirror của Netflix, hiện đang được chào đón khá nồng nhiệt. Tạm gác qua bên phần nội dung, đây có thể nói là một phim hết sức thú vị về trải nghiệm nhờ tính tương tác. Khá nhiều diễn đàn với báo chí đang dự đoán đây sẽ là xu hướng của ngành giải trí trong tương lai: đề cao tương tác, cá nhân hóa, và có cốt truyện phi tuyến tính (non-linear).
Có điều là hình thức giải trí tương tác kết hợp kể chuyện non-linear này thực ra chẳng phải là tương lai, mà nó đã có từ gần chục năm nay rồi. Mỗi tội nó nằm ở một ngành "ngách" hơn so với một dịch vụ mainstream với đối tượng khách hàng rộng như Netflix: game.
Mặc dù game ngày nay cũng là một ngành công nghiệp mang lại hàng triệu tỷ đô, và cũng đã phần nào trở nên mainstream với lực lượng những người chơi "casual" (thỉnh thoảng chơi cho vui chứ không thích chơi hẳn) ngày một đông đúc, nó vẫn bị đa số công chúng coi là loại hình giải trí đơn giản chứ không phải một hình thức kể chuyện thực sự tinh xảo. Chính thế mà họ không biết rằng có rất nhiều trải nghiệm "Bandersnatch" khác đang chờ đón họ.
Lối kể chuyện non-linear sẽ được thấy rõ nhất trong các game open world hoặc sand box (người chơi được thoải mái chạy trong một thế giới mở, thích làm gì thì làm), trong đó nổi tiếng nhất có lẽ sẽ là Skyrim, với gần như mỗi một quest trong game đều là một phim riêng, và cách bộ phim ấy "kết thúc" như thế nào phụ thuộc hoàn toàn vào người chơi. Nếu muốn một trải nghiệm "phim" truyền thống hơn thì hãy nhìn vào những game của Telltale, với The Wolf Among Us và Tales from the Borderlands gần như là Bandersnatch bản hoạt hình, với diễn xuất và cốt truyện cực kỳ thu hút, mặc dù số lượng kết thúc không được nhiều bằng. Thật hơn thì có Life is Strange và Until Dawn, với Life is Strange thì không khác gì một phim indie, còn Until Dawn thì là một phim B-Movie thập niên 50s với các diễn viên được dựng hình thành nhân vật hẳn trong phim. Một trải nghiệm hơi bất thường hơn, nhưng mà là một phim non-linear với lựa chọn của người chơi ảnh hưởng từ đầu đến cuối là Undertale, với 3 style chơi hết sức khác biệt, và người chơi chỉ có thể biết hết được cốt nếu chơi đủ kiểu. Thậm chí còn cả một số game tích hợp cả phim live action như Her Story và Quantum Break, trong đó Quantum Break thì gần như là một series truyền hình hẳn, còn Her Story thì vừa đòi hỏi sự tương tác, vừa đòi hỏi sự tinh ý của người chơi.
Bandersnatch có thể nói là một cửa ngõ giúp đưa cách kể chuyện truyền thống là phim ảnh lại gần với phương thức kể chuyện mới lạ hơn là game, và hai bên có thể vay mượn các yếu tố làm nên sự thành công của nhau để tạo nên những tác phẩm tuyệt vời hơn, hay thậm chí là cả một ngành công nghiệp mới mẻ nào đó mà ta chưa hình dung ra nổi. Nhưng cũng giống như sự xuất hiện của Interactive Fiction hoặc cũ hơn là Choose your own adventure không khiến hình thức tiểu thuyết tuyệt diệt, phim truyền thống sẽ không biến mất hoàn toàn, hoặc game từ nay mặc nhiên sẽ phải có cảnh live action. Hai phương thức này sẽ vẫn có bản sắc riêng biệt, chỉ là thỉnh thoảng sẽ có những đứa con lai thú vị.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓