Trong bài review bộ Exhalation bữa trước, mình có nhắc đến việc bro Ted Chiang đã xây dựng được rất nhiều thế giới hấp dẫn. Thú vị một cái là có mấy thế giới trong đấy được tác giả lấy cảm hứng từ các dân tộc và nền văn hóa rất lạc quẻ với gốc gác của mình, ấy là Anh Quốc thời Victoria-Edward, Ba Tư cổ đại, và Nigeria đầu thế kỷ 20 (cụ thể là cộng đồng dân tộc thiểu số Tiv).
Điều này làm mình nhớ đến cái clip bên dưới của đồng chí Daniel Greene, Một gương mặt kỳ cựu của làng Fantasy. Trước khi có cái clip này thì đồng chí đã nhiều lần nói rằng mình rất muốn tìm đọc các tác phẩm Fantasy dựa trên thần thoại Ấn Độ. Có một tiêu chí Daniel rất coi trọng trong việc chọn sách, ấy là yêu cầu tác giả cũng phải là người Ấn Độ, bởi vì thanh niên tin đã là thần thoại Ấn thì phải dân Ấn mới làm hay được. Chính điều đó đã dẫn bro này đến với cái quyển được review trong clip.
Nhưng thật bất ngờ, một cái quyển đáp ứng đủ tiêu chí như thế hóa ra lại phế vật <(“).
Vụ một ông Mỹ gốc Trung nhảy tót sang tận Trung Đông/Châu Phi/Châu Âu để viết truyện thì rất hay, trong khi một thanh niên gốc Ấn viết truyện dựa trên chính văn hóa quê hương nhưng thành phẩm cho ra lại rất nhảm là ví dụ rất hùng hồn cho sự ngớ ngẩn của một cái phong trào ngày nay đang bị tôn sùng một cách thái quá trong lĩnh vực viết lách ở phương Tây: phong trào Own Voices.
Trong trường hợp có anh em nào chưa biết, Own Voices, hay nói chuẩn hơn là #OwnVoices, là một phong trào do một nhà văn SFF người Hà Lan tên Corinne Duyvis khởi xướng. Own Voices kêu gọi các NXB nếu muốn cho ra mắt tác phẩm nào viết về trải nghiệm hoặc văn hóa của một nhóm người thuộc diện thấp cổ bé họng hoặc chiếm phần thiểu số hoặc vì lý do gì đó phải chịu bất công xã hội (ví dụ như cộng đồng LGBT, người da đen, người nhập cư, người tàn tật…) thì hãy chú trọng nhận bản thảo từ các tác giả thuộc chính nhóm người ấy, đồng thời cũng kêu gọi người đọc hãy ưu ái những tác phẩm có nội dung chủ đạo và gốc gác tác giả khớp nhau.
Own Voices ra đời với mục đích giúp thiên hạ đỡ có cái nhìn méo mó về các cộng đồng kia, đồng thời còn trực tiếp giúp các thành viên của cộng đồng ấy cải thiện cơ hội làm ăn, từ đó giúp giảm thiểu bất công xã hội. Nhưng chết một cái là cũng như phần đông các phong trào xã hội khác, Own Voices dần bị biến tướng. Những người ủng hộ phong trào Own Voices ngày một trở nên khắt khe hơn, yêu cầu rằng CHỈ tác giả thuộc nhóm người A, B, C mới được viết về các trải nghiệm hay vay mượn quá nhiều yếu tố A, B, C và đưa vào tác phẩm của mình, còn những người khác thì cấm tiệt léng phéng lại gần. Phong trào này càng lúc càng cực đoan, và đã có mấy lần khiến một số tác giả phải hoảng sợ thu hồi tác phẩm, hoặc thậm chí còn bị hủy hoại sự nghiệp, chỉ vì dám lấn vào sân nhà người khác. Bản thân các nhà xuất bản cũng phải rón rén đẻ ra một cái vị trí là “sensitivity reader,” tức một biên tập viên thẩm định bản thảo để xem tác giả có viết đúng “chuồng” hay không, và nếu không thì phải lọc bỏ hoặc lựa lời ra sao để không bị mang đi đấu tố.
Ngày nay thì cái thuật ngữ Own Voices chỉ còn được nhắc đến chủ yếu trong làng viết truyện YA, nhưng cái tư tưởng và sức ảnh hưởng của nó thì vẫn tồn tại trong giới văn học cũng như nhiều loại hình văn hóa phẩm khác, được nuôi dưỡng bởi cơn sốt “giác ngộ” của thập niên 2010. Điều này thể hiện thông qua việc yếu tố hàng đầu mà các bên sản xuất/xuất bản đặt lên làm trọng khi cho ra mắt sản phẩm hay người mua sử dụng để chọn lựa hoặc đánh giá sách truyện, phim ảnh,… không phải là tài năng thuần nữa, mà là những thứ như sắc tộc, tôn giáo, quốc tịch,… của tác giả.
Tất nhiên việc lựa chọn tác phẩm dựa trên những yếu tố ấy một phần cũng có lý, bởi vì người trong cuộc sẽ có cái nhìn chân thực hơn về những trải nghiệm hoặc văn hóa của chính cộng đồng mình rồi. Nhưng nếu đội hẳn ba cái quốc tịch, sắc tộc, với giới tính tác giả lên đầu để đánh giá tác phẩm thì sẽ rất sai lầm. Thứ quan trọng nhất quyết định độ hay ho hoặc chân thực của một tác phẩm luôn là tài năng thực sự của tác giả, và ta phải dựa vào đó để đánh giá nó.
Ví dụ thì bên cạnh cặp đôi Ấn/Mỹ Trung ở trên, ta cũng có thể nhìn vào Aliette de Bodard và Becky Chambers. Aliette de Bodard là một người Pháp gốc Việt, và cực kỳ mê văn hóa Việt Nam. Cô đã có rất nhiều tác phẩm SFF tích hợp các yếu tố văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng, cũng như lịch sử của đất nước chúng ta, với hấp dẫn nhất như mình thấy là Immersion, một truyện ngắn đoạt giải Nebula xoay quanh việc vứt bỏ cội rễ để theo Tây. Ngược với Bodard thì ta có Becky Chambers, một thanh niên da trắng như trứng gà bóc, và có khi còn chẳng biết Việt Nam là cái món gì. Ấy nhưng hay một cái là trong cuốn Record of a Spaceborn Few, Chambers lại vô tình vẽ lên một cái “làng” Việt Nam rất sống động, cho thấy thanh niên thừa đủ khả năng viết tử tế về Việt Nam nếu muốn, và có khi còn viết được hay hơn Bodard, bởi vì như mình thấy thì tay viết của Chambers mượt hơn.
Ngoài ra, cái so sánh này còn thú vị ở một điểm là Bodard thực chất… không sõi tiếng Việt. Những gì cô biết về Việt Nam phần nhiều dựa trên nghiên cứu thông qua các nguồn tài liệu tiếng Anh/tiếng Pháp. Điều này đồng nghĩa với việc Bodard cũng không có mấy lợi thế so với Chambers trong việc tìm hiểu về Việt Nam và dùng nó làm tư liệu viết. Thế mạnh lớn nhất của Bodard là cô có họ hàng bên ngoại là người Việt, và đã có thời gian nghiên cứu lâu hơn Chambers. Tuy nhiên, Chambers chỉ cần túm bừa ông Nguyễn nào đó để hỏi han là cũng đủ để xóa nhòa cái lợi thế họ hàng rồi, và như cuốn To Be Taught, If Fortunate của Chambers đã cho thấy, Chambers rất biết cách làm nghiên cứu và biến nghiên cứu thành một tác phẩm văn học thú vị. Để 2 người này thi viết SFF dựa trên Việt Nam thì chưa biết mèo nào cắn mỉu nào đâu.
Mà tiện nhắc đến chuyện nghiên cứu, bản thân sự tồn tại của cái dòng Sci Fi cũng như các thanh niên “ăn theo” nó cũng đủ để cho thấy gốc gác của tác giả chẳng phải là một lời khẳng định cho chất lượng. Cực kỳ nhiều tác giả Sci Fi là dân văn bước ngang sang, và có không ít người mù khoa học nặng. Nhưng cái quan trọng là họ sẵn sàng dành thời gian nghiên cứu và tìm hiểu, để từ sau đó viết ra những tác phẩm vừa tôn trọng khoa học, vừa có tính văn hấp dẫn.
Do vừa nhắc đến To Be Taught, If Fortunate của Becky Chambers xong nên lấy ra làm ví dụ luôn. Đồng chí này là dân sân khấu, chẳng có tí phông nền khoa học nào hết, nhưng nếu đọc cuốn To Be Taught, If Fortunate thì anh em chắc sẽ không thể nào tin nổi người viết không có ít nhất một bằng thạc sĩ trong về động vật học bởi vì nó quá chi tiết và chân thực. Một người khác nữa cần phải kể đến là Jules Verne, cha đẻ của Sci Fi. Ông anh là dân luật, và về sau bỏ sang học viết kịch. Dẫu vậy, Verne cực kỳ đam mê tìm hiểu về khoa học, thế nên đã tích hợp các kiến thức mình tìm hiểu được ở thư viện vào việc viết truyện, và khả năng “tiên tri” của truyện Verne ra sao thì ai cũng biết rồi đấy. Còn đại diện cho bên “ăn theo” thì ta có một Youtuber tên là Austin Hourigan. Đồng chí này là dân sân khấu, không hề được đào tạo một tí nào về khoa học hết, nhưng vì rất đam mê tìm tòi mà đã xây dựng được cả một series chuyên “bóc phốt” các series SFF dựa trên kiến thức vật lý có thật ngoài đời (đầu tiên là ở channel Shoddy Cast, về sau dọn sang nhà Game Theory).
Những con người bên trên đều là dân “ngoại đạo” đối với cộng đồng khoa học, nhưng vẫn xoay xở “nhập vai” các nhà khoa học một cách rất thành công nhờ tài năng sẵn có và sẵn sàng bỏ thời gian tìm hiểu nghiêm túc về cái cộng đồng mình mù mờ. Bây giờ chỉ cần thay phần khoa học thành khía cạnh xã hội một cộng đồng bất kỳ và cho họ thời gian để tìm hiểu và nghiên cứu về chúng, chẳng có cớ gì để nói họ sẽ không thể cho ra đời các tác phẩm ngon lành chẳng kém gì một người nằm trong cái cộng đồng đó cả. Tối đa chỉ nên yêu cầu họ nghiên cứu thật kỹ lưỡng về cái cộng đồng mình muốn viết, và lên án những lỗi sai/xuyên tạc nặng trong tác phẩm nếu làm ngáo thôi, chứ còn quây hẳn bọn họ vào một cái chuồng và tuyệt đối cấm bước ra ngoài thì sẽ rất phi lý.
Nhưng mà tất nhiên, với tình cảnh cái xã hội ngày nay, khi đến cả người trans viết về trải nghiệm trans mà còn bị thiên hạ lồng lộn lên quăng gạch đá (https://scifivietnam.blogspot.com/2022/08/so-phan-cua-mot-tac-pham-sci-fi-ay-xuc.html) thì đòi hỏi điều ấy có lẽ hơi khó 🐧.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓