Chuyển đến nội dung chính

Một thí nghiệm thú vị về "Nhẫn Thần" và dung nham

 Giữa lúc vừa đăng mấy bài về Lord of the Rings với Tolkien, tự nhiên lại vớ được cái clip này, xoay quanh một thử nghiệm khá thú vị do Kyle Hill thực hiện: quẳng Nhẫn Thần của Sauron vào dung nham xem nó có bị nung chảy thật không.


Cụ thể là trong clip, Kyle Hill đã ghé thăm Đại học Syracuse, và được dẫn đi tham quan Dự án Dung nham của trường, thành phẩm của nhà điêu khắc Bob Wysocki, Phó Giáo sư Nghệ thuật của trường, và nhà địa chất Jeff Karson, Giáo sư Khoa học Trái Đất của trường. Trong dự án này, một loại vật liệu gọi là dung nham bazan, cùng chất liệu với các khối dung nham được tìm thấy dưới đáy biển cũng như thu được sau các vụ phun trào núi lửa ở Hawaii và Iceland, được nấu chảy và đổ ra để mô phỏng các dòng chảy dung nham tự nhiên. Hoạt động đun dung nham này vừa phục vụ cho khoa địa chất của trường bằng cách cho các sinh viên và giảng viên tiến hành các thí nghiệm khoa học với dung nham nóng chảy trong môi trường có kiểm soát, vừa phục vụ công việc sáng tạo nghệ thuật bằng cách tạo ra các hình khối thú vị từ các dòng dung nham sau khi chúng đông lại.

Và giờ đây, dự án đấy còn nhằm phục vụ thêm một mục đích nữa: giúp Youtuber bày trò nghịch ngu 🐧.

Số là trước khi thực hiện chuyến tham quan này, Kyle Hill có cho đúc một phiên bản nhái của chiếc nhẫn huyền thoại trong Lord of the Rings, làm từ hợp kim titan mạ vàng. Lúc một mẻ dung nham nóng chảy mới được đổ ra, Kyle đã quẳng chiếc nhẫn lên trên bề mặt dòng dung nham, thế rồi chờ nó nguội để kiểm tra xem cái nhẫn có bị đun chảy thật không. Sau khi dung nham đã đủ nguội để lại gần, Kyle bỏ ra gần 20 phút hùng hục đập phá và sàng lọc đống dung nham, những mong sẽ tìm được chút vết tích gì đó còn sót lại của cái nhẫn. Giữa lúc mấy người đứng xem đã bỏ đi hết rồi, và bản thân Kyle xem chừng cũng sắp bỏ cuộc đến nơi, thanh niên tự nhiên trúng số độc đắc: cậu chàng đã mò lại được đúng chiếc nhẫn ấy, bị nung cho đen sì, nhưng về cơ bản vẫn giữ nguyên hình dạng.

Theo như lời giải thích của Giáo sư Karson, sở dĩ có chuyện chiếc nhẫn được bảo toàn là bởi nhiệt độ hai bên chênh lệch nhau quá nhiều. Khi dung nham bao lấy cái nhẫn, phần dung nham tiế xúc với bề mặt của nhẫn lập tức bị cái nhẫn làm nguội đi, tạo thành một lớp vỏ bao kín lấy nó, bảo vệ nó khỏi tác động của lớp dung nham nóng bên ngoài. Kết quả là thay vì tan chảy hoàn toàn, chỗ dung nham chỉ đơn thuần bao bọc lấy nó, tạo thành một dạng “hóa thạch” bazan, chỉ chờ Sauron hoặc Science Thor thò tay vào lấy nữa thôi.

Lẽ đương nhiên, cái thí nghiệm này chưa hẳn đã mô phỏng được chính xác mọi thứ liên quan đến chiếc nhẫn cũng như việc dùng dung nham Núi Doom để phá hủy nó. Vấn đề đầu tiên là cái nhẫn của Sauron không chỉ mạ mỗi vàng thôi, mà nó làm bằng vàng ròng (hình như thế 🐧 ). Vàng có nhiệt độ nóng chảy là 1.064 °C, trong khi titan thì lại có nhiệt độ nóng chảy tận 1.668 °C liền. Vì dung nham nóng tầm 1.200 °C, thế nên nếu cái nhẫn là vàng thật, có khi nó đã bị nung chảy hẳn. Ta thậm chí còn có thể thấy lớp mạ vàng của cái nhẫn Kyle thả vào mớ dung nham đã bị tan chảy thật, chỉ còn trơ lại mỗi lõi titan, thế nên giả thuyết một chiếc nhẫn vàng ròng bị đun chảy vẫn còn rất khả thi.

Bên cạnh đó, còn một vấn đề nữa là chỗ dung nham trong thí nghiệm chỉ nóng một thời gian thôi là đã nguội lại rồi, trong khi dung nham Núi Doom thì là dung nham ngầm dưới lòng đất, thế nên nó sẽ nóng không ngừng. Trên thực tế, tùy thuộc vào độ sâu của dung nham, có khi nó còn nóng đến gần 4.000 °C, thừa sức nung nhoét cả tungsten, chất có nhiệt độ nóng chảy cao nhất con người từng biết đến (3.414 °C). Chính bởi vậy mà nếu cái phần dung nham mà Kyle thả nhẫn vào là dung nham ngầm tự nhiên, có khi đến cả cái lõi titan cũng chẳng còn nữa đâu.

Và tất nhiên, đừng quên việc cái nhẫn của Kyle chỉ mang tính lưu niệm, chứ không phải là Nhẫn Thần thật, chưa kể còn không bị mang ra nung ở nơi sản xuất, thế nên mọi thứ trong này chỉ mang tính nghịch vui thôi 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.