Chuyển đến nội dung chính

Chủ nghĩa anh hùng và mặt trái của nó

Ngày hôm trước, mình có làm một bài so sánh giữa hai trận chiến với rất nhiều điểm tương đồng, ấy là trận chiến cảm tử của các tiên nhân trong series Witcher của Andrzej Sapkowski dưới sự dẫn dắt của Aelirenn và cuộc tấn công cuối cùng tại Đồi Shiroyama của tầng lớp samurai tham gia vào cuộc nổi dậy tại phiên Satsuma. Hôm nay, lúc ngồi đọc lại check lỗi, mình để ý thấy cái bài đã viết vô tình lại sở hữu một điểm rất thú vị.

Như đã chia sẻ trong chính bài đó, thứ đã gợi cho mình viết bài đấy là bài hát Shiroyama của ban nhạc Sabaton, và clip MV của nó cũng đã được mình chọn làm minh họa cho bài. Nếu đã đọc cuốn Blood of Elves (cuốn thứ 3 trong series Witcher) và xem/nghe full cái clip Sabaton kia, anh em hẳn sẽ nhận thấy một điều thế này: thông qua vụ Aelirenn và Trận Shiroyama, cả Sapkowski lẫn Sabaton đều bàn về cùng một chủ đề, nhưng lại nhìn nhận nó theo hướng trái ngược hẳn với nhau.

Chủ đề ấy chính là chủ nghĩa anh hùng.

Cụ thể, khi thuật lại giai thoại về Aelirenn thông qua miệng Geralt xứ Rivia, Sapkowski đã chỉ trích rất mạnh mẽ chủ nghĩa anh hùng. Hành động của Aelirenn bị ông nhìn nhận dưới góc độ rất tiêu cực, cho nó như một việc làm vô nghĩa, không nên được cổ xúy. Ngược lại với Sapkowski, ban nhạc Sabaton lại rất đề cao chủ nghĩa anh hùng trong bài hát Shiroyama của mình. Mặc dù trận chiến ấy cũng bi kịch và trên lý thuyết vô nghĩa chẳng kém gì trận của Aelirenn, Sabaton lại nhìn nhận nó dưới dạng một chiến công hiển hách, và nhìn chung ngợi ca tinh thần bất khuất của các samurai tham gia vào trận chiến ấy, coi nó như một trang sử hào hùng.

Không chỉ riêng gì hai trường hợp ấy, cách nhìn nhận mang tính đối nghịch về chủ nghĩa anh hùng này còn thấm đẫm suốt toàn series Witcher cũng như sự nghiệp âm nhạc của Sabaton nói chung. Trải suốt series Witcher, chủ nghĩa anh hùng gần như luôn luôn bị dìm, với các nhân vật đứng ra làm anh hùng đều bị chửi là ngu hoặc bản thân gặp toàn những kết cục chẳng mấy tốt đẹp. Ngược lại với nó, các bài hát của Sabaton gần như luôn ngợi ca chủ nghĩa anh hùng, khắc họa những trận đánh cam go cũng như những người lính phi thường một cách rất tích cực. Điều này khiến hai thanh niên ngỡ tưởng chẳng dính dáng gì đến nhau ấy tình cờ lại có thể trở thành một bộ đôi rất phù hợp để thưởng thức cùng nhau, bởi vì chúng nó sở hữu một sự tương phản rất hấp dẫn.

Cái kiểu ngợi ca chủ nghĩa anh hùng của Sabaton thì hẳn chẳng lạ lẫm gì với anh em rồi. Xét cho cùng, cái này là chủ nghĩa ANH HÙNG cơ mà. Bản thân cái từ anh hùng vốn dĩ đã mang hàm ý tốt đẹp, bởi vì nó dùng để chỉ những người sở hữu những phẩm chất cao quý cũng như khả năng ít người bì được, có thể vượt qua những nghịch cảnh nghe chừng bất khả thi để phục vụ một mục đích mà xã hội cho là đáng ngưỡng mộ nào đó. Chẳng lẽ chủ nghĩa anh hùng, việc hướng tới một hình mẫu như vậy, lại có gì đáng chê trách ở đây ư?

Trên thực tế, từ cổ chí kim, chủ nghĩa anh hùng gần như luôn được ca tụng. Thời xưa, ta có những giai thoại về Beowulf, Achilles, Ajax, Perceval, Galahad, Gawain, Robin Hood,… Lên đến thời hiện đại, dù đã có một số chỉnh sửa và cập nhật, ta có vẫn có những câu chuyện về những anh hùng đậm chất truyền thống, chẳng hạn John Carter, Conan the Barbarian, Buck Rogers, Flash Gordon, Superman, Wonder Woman,…. Ngay cả nếu chỉ nhìn vào lịch sử thuần túy, ta cũng sẽ thấy chẳng hiếm con người được đề cao vì đã có các hành động anh hùng, chẳng hạn Simo Häyhä, Witold Pilecki, Audie Murphy, T. E. Lawrence, Manfred von Richthofen,… Đây là những hiện thân của sự dũng cảm, đức hy sinh, lòng vị tha và sự chính trực. Họ được ngợi ca và tôn vinh, và thậm chí còn được đem ra để giáo dục con người, tôn thành những hình mẫu lý tưởng ta nên hướng tới.

Tuy nhiên, chủ nghĩa anh hùng không phải không có mặt trái, và Witcher không phải là trường hợp duy nhất từng nhìn nhận nó với con mắt tiêu cực. Matthew Desmond, một giáo sư xã hội học tại Đại học Princeton, từng có một bài phân tích rất hay mang tên The Lies of Heroism. Trong bài báo, ông xoáy mạnh vào việc những người lính cứu hỏa thường hay được tung hê là các anh hùng. Lẽ đương nhiên, xông vào giữa biển lửa quả đúng đòi hỏi những tố chất anh hùng truyền thống, chẳng hạn lòng dũng cảm cũng như tình thương người, và gọi họ là anh hùng cũng chẳng có gì sai cả.

Vấn đề là lính cứu hỏa thường xuyên CHỈ bị coi là những người hùng.

Khi tôn họ lên làm anh hùng, ta về cơ bản tước sạch nhân tính của họ, coi họ như những sinh vật phi nhân huyền thoại, và từ đấy dễ dàng bình thường hóa sự bất công họ phải chịu đựng hơn, chẳng hạn mức lương bèo bọt của họ hay những thương tật nghiêm trọng họ thường phải gánh chịu trong quá trình làm nhiệm vụ. Anh hùng hóa những người như lính cứu hỏa cho phép chúng ta bỏ qua những bất công mặc định của xã hội, ngó lơ đi rằng trong lúc khốn khó, chính những người nghèo khổ và tầng lớp lao động mới là người phải chịu mất mát nhiều nhất, trong khi những con người thuộc tầng lớp cao cấp hơn có thể yên ổn ngồi không, và đền đáp cho sự hy sinh của họ với những lời khen ngợi đãi bôi. Xét cho cùng, họ đã “được” làm anh hùng rồi, còn định đòi hỏi gì nữa đây?

Quan điểm của Desmond về mặt trái của chủ nghĩa anh hùng đã được channel Like Stories of Old phát triển sâu thêm, thông qua clip Lies of Heroism bên dưới. Thay vì xoáy vào những người lính cứu hỏa Like Stories of Old sử dụng một nhóm người khác cũng hay bị anh hùng hóa nhiều không kém, ấy là những người lính. Clip bàn về chủ nghĩa anh hùng trong văn hóa của chúng ta, cách nó thần thánh hóa sự khổ đau, cách chủ nghĩa anh hùng tước đoạt nhân tính của cả những “địch thủ” của người hùng lẫn bản thân các người hùng, cách chủ nghĩa anh hùng được sử dụng như một công cụ để một số thành phần bất tử hóa bản thân thông qua sinh mạng người khác, hay chỉ đơn thuần như một thứ thuốc phiện để ta đạt được sự thỏa mãn cho bản thân.


SFF cũng đã không ít lần góp tay chỉ trích chủ nghĩa anh hùng. Bên cạnh series Witcher đã nói, ta còn có thể kể đến 1984. Trong tác phẩm, chủ nghĩa anh hùng đã có lần được sử dụng như một công cụ mị dân. Có lần, một nhân viên tại Bộ Sự Thật đã bịa ra một nhân vật mang tên Ogilvy, tô vẽ đây như một người hùng lý tưởng, và sau đó sửa hết mọi tài liệu ghi nhận những thành tích tốt đẹp của một kẻ phản quốc sang cho Ogilvy. Nhờ sự tồn tại của Ogilvy, chính phủ có thêm một người hùng để phục vụ công tác tuyên truyền, đồng thời còn có thể thoải mái bỉ bôi được một thành viên cũ.

Tương tự với 1984 là The Hunger Games, với nhân vật Katniss trở thành nạn nhân của chủ nghĩa anh hùng. Sau khi giành chiến thắng trong trò chơi sinh tử và bắt đầu gia nhập phe phiến quân, Katniss liên tục bị bắt đi đóng các thước phim tuyên truyền. Cái bản chất người hùng của cô được tô vẽ thêm lên, để từ đấy phiến quân có thể chèo kéo người dân tham gia cùng mình lật đổ chính quyền.

Series A Song of Ice and Fire cũng là một ví dụ đả kích thú vị về chủ nghĩa anh hùng. Trong series này, gần như mọi nhân vật thực tâm muốn làm người hùng đều gặp phải kết cục éo le hoặc bị đẩy vào tình thế rất tệ hại. Tiêu biểu nhất là Ned Stark, một con người luôn luôn nỗ lực làm điều tử tế, không màng hậu quả. Tuy nhiên, hậu quả lại màng ông anh. Màng cực mạnh. Chỉ vì hành động anh hùng nghĩa hiệp của mình, Ned Stark đã chịu kiếp bay đầu, đồng thời còn đẩy cả đất nước vào cảnh binh đao loạn lạc, chưa kể còn làm gia đình ly tán khắp nơi và gặp bao bi kịch nữa.

Nói như vậy không phải là để bảo chủ nghĩa anh hùng là một thứ nhảm nhí hay gì đâu. Chủ nghĩa anh hùng cũng có những công dụng tích cực của nó, mặc dù đi kèm với nó vẫn là một số mặt tối không thể phủ nhận. Ngay cả nếu ta gạt vấn đề đạo đức sang một bên và chỉ soi xét chủ nghĩa anh hùng dưới dạng một công cụ kể chuyện thuần túy, lúc nào cũng trưng ra mặt sáng của nó thì nghe chừng một màu quá. Thi thoảng cũng nên có vài ba câu chuyện chỉ vào mặt tối của nó để phê phán cho đổi gió tí. 

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.