Đã đọc qua Story of Your Life (tạm dịch: Câu chuyện đời con) của Ted Chiang, nguyên tác của bộ phim Arrival, và mình có thể rút ra một số điểm khác biệt giữa phim và truyện như sau.
1, Trong Arrival có các tình tiết mang tính trị, khi cuộc khủng hoảng nổ ra giữa các quốc gia trên thế giới về việc nên hay không nên tấn công giống loài Heptapod, qua đó thể hiện một thông điệp về hòa bình xuyên suốt bộ phim. Nhưng trong truyện không hề có chi tiết này. Câu chuyện của Ted Chiang chỉ kể về việc tiến sĩ Louise Banks tiếp xúc, khám phá ra cách viết của người Heptapod, và cuối cùng có được "món quà" nhìn thấy trước tương lai, và câu chuyện kết thúc. Tất cả đều xảy ra trong một không gian hẹp và chủ yếu tập trung vào các kiến thức ngôn ngữ học - toán học. Nói chung ý nghĩa nhân văn - hòa bình không được nhắc đến và đẩy mạnh như trong phim.
2, Tuy nhiên, bù lại thì trong truyện giải quyết được một số vấn đề mà trong phim còn mập mờ hoặc khúc mắc. Ví dụ như lí do mà người ngoài hành tinh đổ bộ Trái Đất: trong phim chỉ giải thích sơ qua rằng Heptapod giúp đỡ chúng ta vì muốn chúng ta giúp đỡ lại sau 3000 năm nữa. Nhưng trong truyện thì những gì Heptapod làm chỉ là một sự kiện tự nhiên, giống như vụ nổ bigbang vậy. Người Heptapod có khả năng thấy trước tương lai, nhưng điều đó khiến cho họ đánh mất ý chí tự do của bản thân (trong truyện follow chặt chẽ quy luật của dòng thời gian tuyến tính, trong phim thì có vẻ không phải như thế)
3, Trong truyện lại làm rất kĩ về mảng kiến thức ngôn ngữ học, đủ để đọc xong truyện bạn sẽ phần nào hiểu được cách người ngoài hành tinh viết chữ. Đến nỗi mình có thể thốt lên là: Chưa bao giờ mình thấy ngôn ngữ học nó lại thú vị đến thế!. Xem phim thì mình không có cảm giác này.
4, Truyện còn đẩy thêm một số kiến thức về toán học - vật lí mà phim bỏ qua hoàn toàn (khiến cho vai trò của anh Ian Donnelly ngoài việc được cho vào để làm chồng của Louis Banks thì không giúp được gì khác). Trong truyện, nhờ có khám phá của các tiến sĩ Vật Lý về việc Heptapod có thể hiểu toán học Giải Tích tự nhiên hơn nhiều so với Đại Số (trong khi con người thì ngược lại: coi Đại Số là cơ bản và Giải Tích là nâng cao), kết hợp với những khúc mắc mà cô học được từ "chữ Heptapod" thì Louis mới đi đến được kết luận là họ có thể nhìn xuyên suốt dòng thời gian tuyến tính. Trong phim phần nào biến tiến sĩ Louis thành thiên tài khi mà có thể suy luận ra vấn đề chỉ bằng việc giao tiếp với người ngoài hành tinh (một kiểu "the chosen one" kinh điển). Còn trong truyện thì quá trình suy luận và đi đến kết luận này xảy ra hết sức tự nhiên và có thể thấu hiểu được bởi người đọc.
Nói chung là nếu bạn là fan của dòng sci-fi cứng thì chắc sẽ thấy chuyện thú vị hơn. Nhưng nếu bạn là một người yêu cầu một câu truyện truyền tải được tính nhân văn và mang nhiều yêu tố nghệ thuật hơn, thì bạn nên chọn xem phim.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓