Chuyển đến nội dung chính

Cách Amazon phá tung thế giới của Wheel of Time chỉ trong... 3 phút

 Bữa nay mình có được biết về một cái drama trong văn giới Trung Quốc xảy ra cách đây ít lâu. Số là có một cô tác giả có tiểu thuyết được chuyển thể thành phim, mỗi tội kịch bản băm truyện khá nát. Lúc góp ý mãi mà êkíp không chịu sửa, bà chị bực bội đăng hết sự tình lên mạng xã hội. Vụ việc làm dấy lên cả một cuộc tranh cãi nảy lửa, với bên biên kịch thì bảo vệ kịch bản, bảo rằng phải thế mới hợp thị trường, còn bà tác giả dứt khoát chửi kịch bản là ngồi lên đầu lôgic, cả của truyện lẫn thế giới thực.

Và cũng thật tình cờ làm sao, chỉ vừa mấy hôm trước thôi, ta đã có một thanh niên chuyển thể cũng gặp trường hợp tương tự. Kịch bản của nó cũng nhổ vào mặt lôgic của cả tác phẩm gốc lẫn lôgic ngoài đời. Có khác chăng thì chỉ là tác giả không đăng đàn tạo drama (bởi vì tác giả gốc thì mất rồi, còn tác giả từng góp chữ cho series thì xem chừng chỉ rào trước đón sau mấy câu chứ không dám bật bên chuyển thể). Thanh niên ấy là series Wheel of Time, do Amazon chuyển thể.

Wheel of Time bản phim tính đến nay đã ra được mấy tập, nhưng mình chỉ xem được tập 1 là GG NO RE luôn, bởi vì dù đã đặt ngưỡng kỳ vọng xuống rất thấp, cái tập đấy vẫn xoay xở luồn được dưới nó như một kiện tướng limbo vậy. Phần lôgic thế giới thật bị phá thế nào thì mình cũng từng động đến chút ít trong một bài khác rồi (anh em xem ở đây: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/08/cach-logic-gioi-thuc-co-giup-bo-tro-cho.html), giờ chỉ đá qua về cái lỗi phá lôgic thế giới truyện thôi.

Trong trường hợp anh em chưa biết, Wheel of Time bản gốc là một bộ truyện mười mấy cuốn. Bộ này không phải không có sạn, và có rất nhiều người đã chỉ trích cái sự lê thê cũng như chất shounen sặc sụa của nó (nhân vật chính có cả dàn harem đi theo cơ mà 🐧 ). Tuy nhiên, riêng khoản thế giới thì cực hiếm người chê, bởi vì Robert Jordan, tác giả bộ truyện, xây dựng nó cực kỳ tỉ mẩn, phong phú, và các tình tiết đều hết sức ăn khớp với nhau. Không có gì mang tính “lặt vặt” trong cái tác phẩm này cả, sửa đi một tí thôi là thế giới lung lay cực nặng, và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cốt sau này.

Và đoán thử xem mấy thằng đệ Dép Trọc đã làm gì nào 🐧?

Có một số thứ về thế giới trong tác phẩm đã bị sửa đi một cách vô tội vạ, và nhìn trông rất rõ là nó được sửa để chiều lòng mấy cái đám tích xanh trên Twitter (tức “thị trường” theo như cách định nghĩa của Hollyweed). Cụ thể, có mấy cái cực quan trọng liên quan đến luật lệ của các Aes Sedai, cơ chế hoạt động của One Power, và bản chất của thanh niên Dragon Reborn, và tất cả những cái đấy bị phá nát trong có vỏn vẹn… 3 phút đầu tiên.

Vâng, 3 phút. Không, đây không phải là nói quá. Tớ đã tua lại để kiểm tra mốc thời gian các cậu ạ 🐧.

Trong ba phút đấy, ta có hai phân cảnh. Một là Moiraine Damodred, một Aes Sedai (anh em cứ hiểu nôm na là phù thủy), thuật lại thông tin nền về Dragon, một Aes Sedai nam hùng mạnh từng đẩy thế giới đến bờ diệt vong; đồng thời bà chị cũng nhắc đến việc thanh niên hiện có khả năng đã được tái sinh (tức một Dragon Reborn đã xuất hiện), chỉ có điều không ai biết Dragon Reborn đấy là ai, hay thậm chí là nam hay nữ. Cảnh thứ hai là một toán Aes Sedai săn đuổi một thanh niên có khả năng sử dụng One Power (năng lực phép thuật của thế giới này) nhằm “gentle” ông anh đấy (tức triệt khả năng tiếp cận One Power), bởi lẽ, như một Aes Sedai trong đoàn nói, quyền lực này chỉ dành riêng cho phụ nữ mà thôi, và nam giới mà chạm vào nó thì sẽ làm ô uế nó.

Hai cái cảnh này ỉa thẳng vào lore của toàn bộ tác phẩm, và nó có tiềm năng phá hỏng rất nhiều mạch truyện tương lai. Để hiểu được lý do thì mình phải giải thích qua về One Power với các Aes Sedai một tí. 

Trong Wheel of Time, One Power được chia ra làm hai nửa cực kỳ rõ ràng, đại diện cho âm và dương. Saidin là nửa âm của One Power, mang tính cuồng nộ và mạnh mẽ như một trận lũ, và chỉ nam giới mới tiếp cận được nó (trong truyện quan niệm giới và âm dương hơi xáo trộn tí, thế nên nam lãnh phần âm). Đối nghịch với nó là saidar, nửa dương của One Power, nhẹ nhàng và êm dịu như một dòng sông, và chỉ phụ nữ mới tiếp cận được nó. Không một ai có thể bên nọ xọ bên kia được, tức nữ không thể sử dụng saidin, và nam không thể sử dụng saidar, cho dù có cố đến mấy.

Mới đầu, saidin và saidar đều không có vấn đề gì, và lực lượng Aes Sedai bao gồm cả nam lẫn nữ, phối hợp với nhau làm nên những chiến tích hết sức phi thường. Đặc biệt trong đó, ta luôn có một nhân vật là Dragon Reborn, phiên bản đầu thai muôn kiếp của một Aes Sedai nam hùng mạnh, người có định mệnh sẽ lãnh đạo phe thiên trong cuộc chiến chống lại lực lượng của Dark One (ác quỷ của thế giới Wheel of Time), đồng thời tái niêm phong hắn trong nhà tù mà Creator (Chúa của thế giới này) đã tạo ra từ thuở khai thiên lập địa.

Tuy nhiên, trong một kỷ nguyên hàng ngàn năm trước thời series diễn ra, trước khi bị Dragon Reborn của kỷ nguyên đấy phong ấn lại vào tù, Dark One đã xoay xở tung ra một đòn rất hiểm. Hắn đã vươn về phía nửa saidin của One Power và đầu độc nó, khiến mọi Aes Sedai nam bị tác động rất nặng nề mỗi khi sử dụng phép thuật. Anh em cứ tưởng tượng saidin như một làn nước, còn năng lực của Dark One như một lớp dầu phủ kín bên trên đi. Chỗ nước vẫn còn đấy, và nếu muốn vẫn có thể thò tay xuống lấy nó lên được. Tuy nhiên, để làm được điều này, mọi người sẽ bắt buộc phải đâm xuyên qua lớp dầu kia, và khi đến được chỗ nước thì tay bẩn nhoét hết rồi.

Màn đầu độc saidin này khiến các Aes Sedai nam hóa điên hóa dại hết cả, bao gồm cả Dragon Reborn. Họ quay sang dùng sức mạnh của mình tàn phá cả thế giới và chém giết lẫn nhau. Chỉ mình các Aes Sedai nữ, những người sử dụng nửa saidar vẫn thuần khiết, mới còn tỉnh táo, và họ đã phải chật vật lắm mới chặn đứng được mối hiểm họa của các Aes Sedai nam.

Mặc dù nguy hiểm đã tạm lắng xuống, nửa saidin vẫn bị đầu độc, và nam giới về sau cứ ai có khả năng sử dụng phép thuật và tí toáy sờ vào đấy thì hoặc sẽ hóa điên tức thì, hoặc không sớm thì muộn cũng trở nên như thế. Bởi vậy, các Aes Sedai nữ quyết định sẽ đi săn lùng mọi nam giới sở hữu khả năng phép thuật, và về cơ bản là “thiến” hết bọn họ đi, để không xảy ra một vụ như thế kia lần nào nữa. Chính thế nên Aes Sedai đến thời của series chỉ toàn là nữ thôi, tuyệt không có mạng nam nào cả.

Một điều khác cần nhắc đến khác là sau cái giai đoạn các Aes Sedai nam phá nát thế giới kia, Aes Sedai dần bị cả thế giới hãi sợ. Một phần vì như đã nói đấy, mấy thằng đực rựa của phe này tí thì kéo ngày tận thế đến; một phần vì sau đó có mấy cuộc chiến tranh nổ ra, và các Aes Sedai nữ có tham gia, phô cho cả thiên hạ thấy sức mạnh đáng gờm của mình. Thế nên đến thời của tác phẩm, mọi Aes Sedai đều phải thề độc rằng sẽ không bao giờ dùng phép thuật tấn công ai hay tạo vũ khí chống người khác (trừ trường hợp tự vệ hoặc tấn công lực lượng của Dark One), và không bao giờ nói dối. Cụ thể hơn, “nói dối” ở đây là đưa ra một thông tin sai lệch khách quan, nhằm cho thông tin sai kia được loan truyền một cách có chủ đích.

Cái nói dối về sau sẽ rất quan trọng, thế nên mình sẽ lấy ví dụ cho nó. Giả sử có ai chỉ vào con mèo và hỏi đùa một Aes Sedai rằng đấy có phải là con chó không, Aes Sedai kia hoàn toàn có thể nói “Ừ, chó đấy” với một giọng điệu mỉa mai. Mặc dù đúng là thông tin đó sai lệch thật, nhưng cả Aes Sedai lẫn người hỏi đều biết rõ đó là thông tin sai, và câu trả lời của Aes Sedai hoàn toàn không hề có ý định truyền bá một thông tin sai lệch cho người khác, thế nên bà Aes Sedai có thể “nói dối” như thế. Nhưng nếu người hỏi là dân đảo hoang nào đấy, chưa thấy chó với mèo bao giờ, và hỏi để biết cái con đấy được gọi là gì, Aes Sedai sẽ bắt buộc phải nói nó là con mèo, bởi vì trong trường hợp này, nếu nói là chó thì người kia sẽ tin vào thông tin sai lệch đấy, và Aes Sedai sẽ vi phạm lời thề truyền bá thông tin sai. Mặt khác, nếu bản thân Aes Sedai đấy sống ở một quốc gia nơi người ta dùng chữ “chó” để chỉ mèo, và cả đời bà này không hề biết đến một sự thật nào khác ngoài việc cái con được chỉ vào có tên là “chó,” bà ta vẫn có thể bảo đấy là con chó, bởi vì theo như hiểu biết của bà ta tính đến thời điểm được hỏi, thông tin đó là sự thật.

Tuy nhiên Aes Sedai cũng có thể lợi dụng cái luật này để “nói dối” mà không nói dối. Chẳng hạn, nếu có một anh lính chạy đến hỏi Aes Sedai rằng nãy giờ có thấy một thằng tội phạm chạy qua đây không, và Aes Sedai kia muốn bao che cho thằng đấy, bà ta có thể bảo rằng, “Suốt ngày hôm nay tôi chỉ thấy đúng một con thú đi ngang chỗ này.” Trên lý thuyết, câu đấy hoàn toàn không hề chứa đựng thông tin sai nào hết. Con người là một con thú, và bà Aes Sedai bảo bà ấy nhìn thấy thú, và đấy là sự thật. Nhưng bà ta giấu nhẹm việc con thú kia thuộc chủng loài nào, và tên tuổi nó là gì, đồng thời cũng lờ tịt mọi hàm ý trong câu hỏi gốc. Như thế, không thông tin “sai” nào bị truyền bá đi cả, nhưng thông điệp truyền đi thì lại không hẳn đúng. Mỗi tội lời thề chỉ cấm truyền bá thông tin sai, còn việc thông nói ra có thể mập mờ hay dễ được diễn giải sai thế nào thì không quan trọng.

Rồi nào, giờ quay lại cái series củ lờ của Amazon.

Đầu tiên, việc Moiraine bảo không biết Dragon Reborn là nam hay nữ phạm thẳng vào cái cơ chế hoạt động của One Power lẫn cái lời thề không nói dối của Aes Sedai. Dragon Reborn bắt buộc chỉ có thể là nam, bởi vì thanh niên này cần sở hữu cái nửa saidin mạnh bạo như lũ cuốn thì mới đủ sức đấm nhau với mấy thằng tướng lĩnh cấp cao phe Dark One. Cái nam ở đây gắn liền với giới tính sinh học, ấn định hẳn vào linh hồn luôn, tức là ai gốc sinh ra trong hình thể có “đồ” treo lủng lẳng dưới háng mới sờ được vào saidin, chứ nữ tự định danh là nam hay thậm chí phẫu thuật chuyển giới hẳn sang nam thì vẫn chỉ dùng được saidar thôi. Trên thực tế, trong truyện, từng có một nhân vật nam với linh hồn bị nhồi vào một thân xác ngược nữ. Nhưng vì người này linh hồn gốc là nam, thế nên dù có xác nữ, người đó vẫn chỉ có thể tiếp cận saidin chứ không tài nào sờ được vào saidar.

Đây là một tình tiết cực kỳ quan trọng, vì anh em hãy nhớ là saidin đã bị đầu độc, thế nên mấy thằng phù thủy nam kiểu gì cũng sẽ hóa điên, và Dragon Reborn không nằm ngoại lệ. Điều này khiến thanh niên nguy hiểm ngoài sức tưởng tượng, vì đồng chí như một quả bom nguyên tử đã được gài hẹn giờ, chắc chắn sẽ phát nổ, vấn đề chỉ là lúc nào thôi. Đây là tiền đề cho cực kỳ nhiều xung đột trong truyện, với bản thân nội bộ các Aes Sedai cũng có rất nhiều ý kiến trái chiều về việc nên làm gì với một Dragon Reborn.

Ấy vậy mà ở đây, một Aes Sedai đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu về Dragon và tìm kiếm Dragon Reborn như Moiraine lại điềm nhiên nói Dragon Reborn có thể là nữ. Nếu ở đây, Amazon định sửa lại lore truyện cho Dragon Reborn có thể là nam hay nữ đều được, thì mấy mạch truyện về sau sẽ bị ảnh hưởng nặng. Việc Dragon Reborn có thể là nữ đồng nghĩa với chưa chắc thanh niên sẽ hóa điên, bởi vì nửa saidar vẫn còn rất thuần khiết. Nếu thế, Aes Sedai đã chẳng có một nhóm sợ Dragon Reborn đến vậy, và cực lực đòi hỏi phải tìm ra thật sớm cái thằng đấy từ trong trứng nước để “thiến” hắn trước khi thế giới lại phải chịu cảnh loạn lạc.

Nếu Amazon không sửa lore khoản đấy, thì điều này đồng nghĩa với Moiraine nói dối trắng trợn. Vậy tức là Aes Sedai không có lời thề cấm nói dối, trong khi điều này là nền tảng cho cực nhiều mạch đấu đá chính trị hấp dẫn sau này. Vì không thể đưa tin sai, các Aes Sedai phải chọn lựa từ ngữ cực kỳ cẩn trọng, sao cho không có gì trong đấy là sai sự thật, nhưng vẫn không phải là “thật,” để từ đấy thực hiện mưu đồ của mình. Bản thân thiên hạ cũng biết Aes Sedai hay làm cái trò này, thế nên họ cực kỳ nghi kỵ những lời đám đấy nói, nhưng vẫn biết rằng câu chữ bên trong chắc chắn không “sai,” từ đấy có thể phân tích và suy luận xem ý thực của người nói là gì. Quan trọng nhất, trong hàng ngũ các Aes Sedai có một nhánh ngầm với cái tên không chính thức là Black Ajah. Đám này là các Aes Sedai theo phe Dark One, và chúng không bị trói buộc bởi lời thề nói dối. Đây là một trong những cách các nhân vật có thể dùng để truy ra kẻ phản bội trong hàng ngũ Aes Sedai, và nếu mất nó đi thì một phần đấu đá cực hay đã chẳng còn ý nghĩa nữa.

Cái lời phát biểu trong phân cảnh đoàn Aes Sedai đi săn thanh niên có khả năng tiếp cận saidin liền sau đó cũng có vấn đề tương tự. One Power không chỉ dành riêng cho phụ nữ, mà nó dành cho cả hai giới, chỉ có điều mỗi bên lấy một nửa tách bạch hẳn với nhau. Thanh niên kia cũng không thể nào “làm bẩn” cái quyền năng của các Aes Sedai được, dù là dưới nghĩa One Power nói chung hay saidar nói riêng. Nửa One Power dành cho nam đã bẩn sẵn rồi, và nếu người kia tiếp cận nó, chính cái nửa One Power đấy mới làm bẩn anh ta chứ không phải ngược lại. Và vì đây là nam, thế nên kể cả nếu đây là Dragon Reborn thì cũng còn khướt mới sờ được vào cái nửa saidar mà các nữ Aes Sedai sử dụng. Bởi vậy, bảo rằng quyền năng đấy (hoặc One Power hoặc saidar) là của riêng phụ nữ, và nam giới sờ vào thì sẽ làm bẩn nó, là một thông tin sai lè. Mọi Aes Sedai đều biết điều này, trong khi người thường thì không, và vì thế nên đúng lý ra, họ không đời nào thở được một câu như thế, trừ khi người nói là Black Ajah.

Với kiểu lore truyện cứ tanh bành như thế này, nhiều mạch xung đột về sau sẽ có nền tảng rất lung lay, và hoặc sẽ trở nên lủng củng nếu so với những gì xảy ra ở đầu, hoặc sẽ phải cắt đi hoàn toàn để tránh tự vả vào mồm nhau. Những thay đổi đấy không hề giúp câu chuyện trở nên tốt hơn tí nào, mà nó chỉ tổ phá thối mọi thứ.

Tại sao Amazon lại làm vậy ư? Khả năng cao đấy là một chiêu trò nhằm tăng độ giác ngộ của series lên. Đệ Dép Trọc muốn khắc họa phái nữ là quyền lực tối thượng, và Dragon Reborn là một cái tước mang tính bình đẳng về giới. Đám nam thì chỉ mang tính ăn hại, sờ đâu hỏng đó, và cần bị diệt trừ. Đây là một nước cờ cực kỳ đần độn, bởi vì bên cạnh việc nó tự đạp đổ câu chuyện về sau, Wheel of Time vốn dĩ đã có theme đề cao nữ quyền rất mạnh, và nó làm cũng khá tốt khoản đấy. Cả thế giới của truyện gần như theo một chế độ mẫu hệ hoàn toàn, với mọi chức tước quan trọng đều nằm trong tay nữ giới. Họ cũng là người đưa ra các quyết định mang tính bước ngoặt, và đóng những vai trò trụ cột trong series. Phụ nữ của series được hiện lên gần như nổi bật hơn hẳn nam, nhưng chẳng bao giờ theo một cái kiểu thô bỉ cả. Chỉ cần làm đúng những gì Robert Jordan đã làm thôi, Amazon sẽ có một series đậm chất nữ quyền rất hấp dẫn, tích xanh cũng thích mà không tích cũng mê.

Nhưng không, mấy ông cứ phải băm nát tác phẩm của người ta ra mới chịu cơ.

Giờ tôi lo cho cái series Middle Earth quá các cậu ạ.

Bên dưới là một clip phân tích rất sâu về những thứ hay dở tập 1 của bản chuyển thể. Mình đã để mốc thời gian bắt đầu là phút 48, nơi đội ngũ làm clip bàn về đúng cái lore cũng như cách Amazon đã phá nát nó mà mình nhắc đến trong bài. Nếu quan tâm anh em có thể tham khảo thêm nhé.



***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.