Chuyển đến nội dung chính

Sự "chém" của SFF và tác động của nó đối với cách ta nhìn nhận tác phẩm

 Cái clip chỉ trích sự lôm côm của Panem hôm qua làm mình nhớ đến việc trên các cộng đồng SFF, thỉnh thoảng lại có một số cuộc tranh cãi rất hăng xoay quanh sự "chém" của thế giới nền và ảnh hưởng của nó đến với toàn tác phẩm.

Trong các cuộc bàn luận kiểu ấy, thường sẽ có một bên nói rằng mấy thứ liên quan đến thế giới chỉ mang tính râu ria gia vị thôi, cứ bỏ qua mà tận hưởng câu chuyện đi. Bên còn lại thường sẽ bảo một khi đã nhận ra thế giới nền quá bất khả thi rồi thì làm sao mà còn thấm nổi câu chuyện nữa, vì nó xây lên từ một cái nền tảng quá lung lay.

Thực tình mà nói, dòng SFF có cái đặc điểm là đã dính vào với nó thì mặc nhiên phải chấp nhận một sự lung lay nhất định nào đấy rồi. Nếu mọi tiểu tiết đều bị bắt bẻ là phi lý, thế thì đã chẳng thể nào tồn tại được hai cái dòng đấy, vì chúng nó sống dựa vào sự phi thực tiễn mà.

Cái này ta có thể đặc biệt thấy rõ với Fantasy, bởi đây là thanh niên ít bị ràng buộc nhất trong mọi thể loại dòng. Chẳng hạn nếu nhìn vào các thế giới có rồng rắn như A Song of Ice and Fire, Dragonsbane, The Witcher, Eragon,... ta mặc định phải chấp nhận một điều rồng tồn tại thật, bất chấp nếu mang lũ rồng trong đấy ra để mổ xẻ thì sẽ thấy bọn nó hoàn toàn bất khả thi về mặt khoa học. Một con thú có khối lượng nặng từng đấy sẽ không tài nào tạo ra nổi một lực nâng nếu cánh của chúng nó mang tương quan tỉ lệ thấp đến vậy so với cơ thể. Cũng tương tự, việc các tác phẩm Fantasy Trung Cổ để quân đội của mình dùng kiếm xông vào chém nhau cũng đi ngược với những gì lịch sử và khoa học quân sự cho thấy nốt. Kiếm cũng tương tự như súng lục của lính ngày nay, chỉ sử dụng trong một số trường hợp nhất định (vũ khí chính bị mất hoặc bị xô đẩy đến quá gần hoặc địa hình không cho phép áp dụng các vũ khí cồng kềnh) hoặc là mang tính tượng trưng cho sĩ quan chỉ huy, chứ vũ khí chính phải là thứ có tầm với rất dài như thương với giáo.

Đến cả Sci Fi, dù là Hard Sci Fi hay cái gì đi chăng nữa, thường cũng phải chém thêm một tí gì đó không có cơ sở khoa học vào. Chẳng hạn Schild's Ladder, Tam Thể, 2001: A Space Odyssey, The Two Faces Of Tomorrow, Nounemon, Seveneves... đều xây từ những cơ sở khoa học thực tiễn lên, nhưng bọn nó đều phải suy diễn thêm một tí nữa thì mọi sự mói có thể diễn ra được. Đơn cử như cái trò để tàu bè di chuyển qua các lỗ giun chẳng hạn. Nó được xây dựng dựa trên một hiện tượng chưa ai thấy bao giờ, chẳng biết có tồn tại thật không hay chỉ đơn thuần là một trường hợp đặc biệt khi giải một bài toán trong thuyết tương đối rộng. Kể cả nếu lỗ giun có tồn tại thì việc giữ nó mở cũng đòi hỏi một số đặc tính vật lý không hề tồn tại (hoặc chí ít là chưa ai chứng minh được là tồn tại) phải đúng. Mấy cái đấy ta đều phải chấp nhận hết nếu không thì đã chẳng có tác phẩm.

Tuy nhiên, cái gì cũng chỉ có một mức độ nhất định mà thôi. Nếu cái gì chém xa quá đà, đặc biệt nếu nó còn gắn liền với những thứ gần như có thể gọi là bất biến như cách xã hội vận hành hay chuyển biến tâm lý con người, thì khi đấy cũng chẳng có gì sai khi chỉ trích nó hết. Ta có thể chấp nhận được việc thế giới có một hệ thống phép thuật chỉ phụ nữ mới dùng được còn đàn ông sờ vào là hóa điên, nhưng để một ngôi làng tồn tại biệt lập gần ngàn năm với người dân vẫn còn lưu giữ phần lớn huyết tộc của một quốc gia cổ mà lại đa sắc tộc như Thành phố New York ngày nay thì câu chuyện lại khác rồi. Tương tự, ta có thể chấp nhận việc có một bào tử nấm mốc biến con người ta thành zombie, nhưng để một ông Tào Tháo sống trong một thị trấn thỉnh thoảng vẫn bị cướp ghé điềm nhiên bước vào một cái trại toàn người lạ hoắc, nằm sát chỗ mình đến đáng ngờ và sau đó vẫn đủ ngây thơ để xưng tên thật, và từ một cái tên thật đầy phổ thông ấy mà người ta vẫn luận ra được trúng phóc danh tính ông Tào Tháo kia thì quả thật hơi khó để bảo nó chỉ là bắt bẻ tiểu tiết vặt như cái hình bên dưới rồi.



***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.