Chuyển đến nội dung chính

Một ví dụ thú vị về Suspension of Disbelief


 Hôm qua, lúc tìm ảnh để share bài Suspension of Disbelief lên một forum khác, mình có vô tình bắt được cái hình thú vị này.

Trong hình, một thanh niên đã share ảnh chế một con T-Rex cầm súng ra trận, và chém rằng đây là con T-Rex cuối cùng phục vụ tổ quốc trong Thế Chiến I. Liền bên dưới, một thanh niên đã bắt bẻ độ trung thực của cái ảnh đấy. Đáng chú ý là thanh niên không càm ràm gì về con khủng long cả, mà chỉ ra vũ khí của con T-Rex cũng như cái mẫu xe xuất hiện trong hình phải đến tận Thế Chiến II mới xuất hiện, chứng tỏ hình này tối thiểu cũng phải xảy ra trong thời đấy.

Như anh em có thể thấy, con khủng long là một điều bất khả thi thấy rõ, thế nên ta có thể chấp nhận không săm soi quá nhiều để có thể tận hưởng câu chuyện. Vấn đề là người đăng hình lại tuyên bố đây là Thế Chiến I, không kèm theo bất kỳ giải thích đặc biệt nào khác hết. Điều này đồng nghĩa với người xem sẽ ngầm hiểu rằng trừ con T-Rex kia ra, mọi thứ sẽ diễn ra đúng như thế giới thật. Bởi vậy, những mâu thuẫn liên quan đến trang thiết bị các kiểu sẽ dễ làm người ta cảm thấy lấn cấn hơn, và nó có tiềm năng phá vỡ Suspension of Disbelief cao hơn hẳn, bất chấp nếu đem ra so sánh với con khủng long thì nó rất vặt vãnh.

Lôgic này cũng tồn tại trong các tác phẩm kể chuyện với quy mô lớn hơn. Với những thứ chém láo hẳn lên như rồng rắn, zombie, người ngoài hành tinh, súng laze các kiểu, biên độ chấp nhận của người thưởng thức cũng sẽ cao hơn hẳn. Tuy nhiên, bất cứ thứ gì không có tính chém cao, thiên hạ gần như mặc nhiên sẽ coi nó phải tuân thủ các quy luật của thế giới bình thường.

Đây là một điều rất có lợi cho những người sáng tạo tác phẩm, bởi lẽ họ sẽ không phải phí thời gian mô tả quá nhiều thứ, mà có thể để trí tưởng tượng người đọc tự điền vào chỗ trống hộ. Ví dụ, nếu tác giả có miêu tả một nhân vật nhặt một hòn đá lên ném, họ sẽ chẳng phải miêu tả qua chi li hòn đá rời tay với lực ra sao, bay đi với đường cong như thế nào, và tại sao lại dần hạ xuống và nếu va vào thịt da thì nó sẽ ra sao (mặc dù tất nhiên cũng có thể lựa chọn làm thế để khắc họa khung cảnh cho sống động). Nguyên do là bởi bất kể cái thế giới mà nhân vật ném đá kia có đang sống là một thành phố ở thế kỷ 23 đang khủng hoảng nước sạch nghiêm trọng hay một cánh rừng nơi rồng tranh lãnh thổ với quỷ khổng lồ là chuyện cơm bữa, người thưởng thức ai cũng biết hòm hòm trọng lực sẽ có tác động thế nào đến lực quăng và cơ thể con người nhìn chung có thể sinh ra lực ra sao cũng như chịu được lực thế nào, và người ta sẽ mặc định cho rằng các quy luật căn bản này vẫn đúng trong thế giới của tác phẩm.

Tuy nhiên, nó cũng buộc các tác giả phải cẩn thận hơn hẳn với các tiểu tiết không mang tính chém trong tác phẩm. Nếu không có lời giải thích nào khác, họ sẽ phải đảm bảo các tiểu tiết này không mâu thuẫn với thực tại, hay ít nhất là không mâu thuẫn với hình dung về thực tại mà đối tượng người thưởng thức mình nhắm đến thường sẽ sở hữu. Nếu nhắm đến đối tượng người bình thường thì các tác giả có thể du di một số thứ, chẳng hạn nói hơi vống lên khoảng cách viên đá sẽ bay được, bởi vì đại đa phần thiên hạ không mấy ai biết độ xa trung bình một hòn đá có thể bay được khi bị ném đi. Tuy nhiên, ngay cả người thường cũng chẳng ai tin được rằng một thanh niên suy dinh dưỡng vừa ốm dậy sẽ có thể phi được một hòn đá với lực đủ mạnh để bổ nát mũ bảo hiểm của một người đứng tận cuối một con ngõ dài mấy trăm mét cả. Nếu những quy luật ngầm của thế giới bị phá vỡ như thế này, đi kèm với nó phải là một lời giải thích nào đấy, không thì sẽ làm ảnh hưởng đến Suspension of Disbelief của người thưởng thức ngay. Không thể bao biện rằng nếu đã tin được rồng rắn các kiểu, người ta sẽ tin được chuyện một thằng ốm đói có thể khỏe hơn John Cena đâu.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.