Nhân bữa trước có nhắc đến 2001: A Space Odyssey với Rendezvous with Rama, mình lại nhớ tới một mô típ mà khá nhiều tác phẩm SFF hay sử dụng. Cái mô típ ấy là Outside-Context Problem.
Cơ mà trước khi nói về Outside-Context Problem, mình cần điểm qua một thứ nghe sẽ khá lạc đề: thiên nga.
Khi nhắc đến thiên nga, hẳn đa số anh em đều mường tượng ra trong đầu một con trông na ná vịt, và quan trọng nhất là trắng muốt. Màu trắng gần như là một thứ mang tính thương hiệu đối với thiên nga rồi, và trên thực tế, nó gắn liền với cái loài này tới độ từng có thời thiên hạ đinh ninh thiên nga chỉ có thể mang màu đó. Nó thậm chí còn đi hẳn vào lời ăn tiếng nói của một số nước phương Tây thời xưa, với cụm từ “thiên nga đen” trở thành một câu tục ngữ rất thịnh hành để chỉ sự bất khả thi trong giai đoạn thế kỷ 16-17.
Nhưng rồi đến năm 1697, Willem de Vlamingh, một thuyền trưởng người Hà Lan, đã giong buồm đi khám phá mạn bờ biển Trung Tây của Tân Hà Lan (tức Úc thời nay). Và anh em đoán thử xem ông anh đã tìm thấy gì nào?
Thiên nga đen. Cực kỳ nhiều thiên nga đen.
Sau khám phá của Vlamingh, cả Châu Âu ngớ người ra. Thật không ngờ là một thứ đại diện cho sự bất khả thi nay đã được chứng minh là tồn tại. Từ đấy, thiên nga đen không còn được sử dụng để chế nhạo những thứ ai cũng nghĩ là không thể tồn tại hoặc vô lý nữa, vì chày cối làm thế thì mỉa mai quá. Tuy nhiên, thiên nga đen dưới dạng một thuật ngữ không biến hẳn. Nó tiến hóa lên thành một số dạng hình khác, thường liên quan đến cách sự phi lý trở thành hiện thực. Trong số đó, thứ ta cần chú ý đến là Black Swan Event.
Black Swan Event, tức “Sự kiện Thiên nga Đen,” là một thuật ngữ do nhà toán học xác suất Nassim Nicholas Taleb nêu ra trong cuốn Fooled By Randomness, áp dụng cho lĩnh vực tài chính, và về sau mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác trong cuốn sách có tên The Black Swan. Theo lời Taleb, một cái Black Swan Event sẽ có 3 đặc tính như sau:
1) Nó là một sự dị biệt bất ngờ đối với người quan sát, nằm ngoài phạm vi của những kỳ vọng thông thường. Không gì trong quá khứ của người quan sát lại có thể chứng minh được rằng một sự kiện như vậy là khả dĩ hết.
2) Sự kiện kia kéo theo một tác động cực kỳ khổng lồ đối với người quan sát.
3) Bất chấp bản chất dị biệt của mình, sau khi sự kiện đó đã diễn ra, người quan sát sẽ tìm cách đúc kết lời giải thích cho sự xuất hiện của nó, diễn giải nó thành một sự kiện đáng lẽ có thể lường trước được.
Một ví dụ về Black Swan Event mà anh em có thể nhìn vào là sự kiện dân Aztec lần đầu tiên tiếp xúc với những nhà thám hiểm người Tây Ban Nha. Trong toàn bộ lịch sử của dân tộc này, họ chưa bao giờ trông thấy một đám người với diện mạo như vậy, sở hữu toàn núi nổi với gậy sét, khoác đá sáng loáng trên mình, chưa kể còn mang theo đủ thứ bệnh tật mà không ai đề kháng nổi hay biết chữa thế nào. Sự kiện đấy lật nhào toàn bộ nền văn minh Aztec, nhưng về sau vẫn có thể được lý giải là dân Aztec chính ra phải lường trước về sự tồn tại của một thế lực bên ngoài, biệt lập với mình và phát triển theo một kiểu khác mình.
Đáng chú ý là Black Swan Event không nhất thiết phải xấu. Nó chỉ cần bất ngờ với có tác động mạnh và có nỗ lực lý giải ngược là được. Chẳng hạn như cái giãn cách xã hội vừa rồi có thể coi là một Black Swan Event đối với các công ty hỗ trợ giải pháp làm việc trực tuyến, đặc biệt là Zoom. Trong suốt lịch sử tồn tại của mình, chưa bao giờ Zoom chứng kiến cảnh gần như toàn thế giới đều phải ru rú trong nhà như thế hết, và cũng không có bất kỳ lý do gì để họ kỳ vọng điều ấy sẽ xảy ra cả. Nhờ Cô Vy, doanh thu với giá trị của Zoom phóng tuốt lên tận mặt trăng, thậm chí còn là mặt trăng Sao Hỏa luôn chứ không phải Mặt Trăng Trái Đất. Giờ đây, khi Cô Vy đã hành chúng ta xong rồi, thiên hạ có thể nhìn lại và lý giải được rằng một đại dịch cúm là điều tất yếu, và nếu cân nhắc đến môi trường chính trị cũng như nền tảng truyền thông đại chúng và cơ cấu kinh tế lúc bấy giờ, Zoom đáng lẽ phải lường được cái may của mình.
Ok, giờ quay lại với Outside Context Problem.
Outside Context Problem gốc là một thuật ngữ trong Excession, một tiểu thuyết thuộc series Space Opera The Culture của Iain M. Banks, một tác giả Sci Fi người Scotland. Theo định nghĩa của Banks, Outside Context Problem là một vấn đề “nằm ngoài bối cảnh” lệ thường của một nền văn minh bất kỳ, tức chưa bao giờ xuất hiện trong những bối cảnh nào nền văn minh ấy từng biết đến. Chính bởi vậy, phần đông người dân của nền văn minh được nhắc đến sẽ không nghĩ là Outside Context Problem có thể xảy ra, cho đến khi nó xảy ra thật. Đáng chú ý nhất, theo cách Banks mô tả, Outside Context Problem là “kiểu vấn đề hầu hết các nền văn minh đều chỉ giáp mặt đúng một lần, và cách họ giáp mặt với nó thường cũng sẽ tương tự cách một câu văn giáp mặt một dấu chấm.”
Anh em nghe quen không?
Vâng, Outside Context Problem về cơ bản chính là Black Swan Event, nhưng bỏ đi cái yêu cầu thứ ba. Outside Context Problem chỉ là a) một điều từng bị coi là bất khả thi, hay thậm chí còn không thể mường tượng ra nổi để mà coi là bất khả thi, nhưng vẫn cứ tằng tằng xảy ra; và b) một khi nó xuất hiện thì mọi thứ lộn tùng phèo hết, và người đụng phải nó sẽ lúng ta lúng túng vì chưa từng gặp một thứ như vậy bao giờ.
Trong trường hợp hai cuốn đã khơi mở ra cái bài này, Outside Context Problem nảy sinh từ sự tồn tại của một nền văn minh ngoài hành tinh. 2001: A Space Odyssey thì được cái có mấy lần Outside Context Problem xuất hiện lận, bao gồm cái siêu máy tính hay của nợ gì đó từ ngoài vũ trụ chường mặt đến để “nâng cấp” đám vượn thời bấy giờ lên thành con người hiện đại và cái khối kim loại trên Mặt Trăng, nhưng nổi bật nhất có lẽ phải là cái thanh niên Star Child ở cuối. Đây là nấc tiến hóa tiếp theo của loài người, một thực thể siêu nhiên di chuyển được trong vũ trụ và kích nổ được các đầu đạn hạt nhân phóng về phía mình với chỉ một cái phẩy tay.
Truyện dừng lại ngay đoạn đấy, không bàn tiếp gì nữa, nhưng anh em cứ tưởng tượng mà xem Star Child sẽ có tác động như thế nào đến với nhân loại. Kể cả nếu nó không trực tiếp làm gì nhân loại, bản thân việc nó xuất hiện và khoe năng lực của mình cũng đủ để làm mọi thứ lộn nhào hết lên rồi, bởi vì chưa một ai từng chứng kiến thứ gì như nó cả, và thậm chí bản thân sự tồn tại của người ngoài hành tinh mới chỉ các cấp chính quyền cực cao biết thôi.
Rendevouz with Rama thì chỉ có đúng một cái Outside Context Problem duy nhất, đó chính là cái vật thể ngoài hành tinh tên là Rama. Nó là một con tàu ngoài hành tinh siêu tối tân, tạt ngang hệ Mặt Trời không hiểu để làm gì. Ngay cả việc nó sẽ bay lướt qua thôi hay dừng lại ở đây cũng chẳng ai biết hết. Vì chưa lần nào trong lịch sử đụng phải vấn đề kiểu như thế này, loài người chẳng biết phải làm gì hết, và thậm chí còn có bên quá hoảng mà đã quyết định phóng tên lửa hạt nhân lên chặn đường của nó. Đến đoàn thám hiểm lên Rama cũng ngơ ngơ ngáo ngáo, bởi vì mọi thứ trong đó quá thể kỳ dị.
Một ví dụ khác anh em có thể nhìn vào lẽ đương nhiên sẽ chính là Excession, thứ đã khai sinh ra cái thuật ngữ đó. Trong truyện, ta có một nền văn minh liên hành tinh gọi là Culture, cấu thành từ các chủng loài thông minh mang hình người (và một nhóm thiểu số mang hình dạng quái dị nữa), quản lý bởi AI. Culture sở hữu những công nghệ rất tân tiến và gần như đi đến đâu, nó cũng là nền văn minh ngồi chiếu trên. Mọi liên lạc giữa Culture và các nền văn minh lạ thường sẽ có Culture đóng vai Outside Context Problem đối với cái nền văn minh nó tiếp xúc.
Nhưng riêng trong quyển này, chính Culture mới lại là thằng gặp phải một cái Outside Context Problem. Một ngày đẹp trời, tự dưng một khối cầu đen xuất hiện ở rìa lãnh thổ Culture, tuổi đời xem chừng còn xưa hơn cả vũ trụ, và mọi trang thiết bị của Culture đều không tài nào thăm dò nổi nó. Phía Culture phải loay hoay tìm cách xử lý cái cục nợ kia, đồng thời ngăn cản một thế lực khác tìm cách lợi dụng nó để phục vụ mưu đồ riêng.
Series The Expanse của James S. A. Corey (bút danh chung của Daniel Abraham và Ty Franck) cũng là một ví dụ đáng kể đến. Trong bộ truyện này, xã hội loài người đang ở trong một giai đoạn Chiến Tranh Lạnh giữa ba bên là Trái Đất, Sao Hỏa, và các tiểu hành tinh vành đai. Cả ba chỉ biết gườm gườm nhìn nhau, chứ chẳng thực sự thay đổi được cục diện gì cả.
Nhưng đùng một hôm, loài người khám phá ra một thứ gọi là protomolecule. Đây là một hợp chất hữu cơ ngoài hành tinh gì đó, chẳng ai hiểu từ đâu mà ra hay mục đích để làm gì, chỉ biết rằng nó là thành phẩm của một nền văn minh ngoài hành tinh, và có thể vũ khí hóa. Sự xuất hiện của protomolecule làm đảo lộn tất cả mọi thứ trong hệ Mặt Trời, khiến ai nấy nháo nhào tìm cách vồ lấy nó và chế tạo vũ khí từ nó, từ đó dẫn đến hàng đống thảm họa chẳng ai biết phải xử lý kiểu gì.
Series game StarCraft của Blizzard cũng có một cái Outside Context Problem tương tự The Expanse. Lúc bấy giờ, loài người đã phát triển được công nghệ để lan ra khắp nơi trong vũ trụ, và đã chia ra đủ loại phe phái đấu đá nhau tranh giành quyền lực. Dẫu vậy, mọi thứ về cơ bản không có gì mới lắm, vì việc giành giật quyền lực là chuyện xưa như Trái Đất rồi.
Nhưng đùng một cái tự nhiên một chủng tộc ngoài hành tinh hung hãn như quỷ tên là Zerg thò mặt đến. Bọn nó cứ thế xâm lấn từng hành tinh một, thậm chí còn biến cả con người thành quái vật như chúng nó, và phía loài người, bao gồm tất cả các phe, đều chẳng biết phải đối phó với chúng nó thế nào. Đang lúc còn đang loay hoay với đám Zerg, tự nhiên lại có một bọn người ngoài hành tinh khác tòi ra, tên là Protoss. Đám này không thú tính như lũ Zerg, nhưng cũng khó hiểu tương tự, và cứ chỗ nào có Zerg thì sẽ thiêu rụi toàn hành tinh luôn, bất kể trên đấy có người hay không. Thế là loài người tự dưng phải đối mặt với 2 cái Outside Context Problem: Zerg và Protoss.
Nếu thấy mấy cái ví dụ trên dính toàn đến người ngoài hành tinh nghe hơi nhàm, anh em có thể chuyển qua Foundation của Isaac Asimov. Trong series, một nhà toán học tên là Hari Seldon đã phát minh ra một bộ môn gọi là psychohistory, kết hợp phân tích xác suất với xử lý dữ liệu lịch sử và tâm lý quy mô khủng để tiên liệu hướng đi của nền văn minh nhân loại. Nhờ có psychohistory, Seldon đã xoay xở vạch ra được một kế hoạch cho phép rút ngắn thời gian giữa sự sụp đổ của đế chế thiên hà cũ và sự trỗi dậy của một đế chế mới xuống rất thấp, tránh để loài người chìm trong tăm tối quá lâu. Kế hoạch của Seldon tiên liệu trước mọi biến động tiềm tàng của xã hội loài người trong vòng 1,000 năm tới, và nếu loài người không thay đổi bản chất thì nó về cơ bản không lệch được.
Nhưng bất thình lình, một thằng đột biến tên The Mule xuất hiện. Thằng cha này sở hữu một năng lực tâm linh quái đản, có thể thao túng bản chất con người, và về cơ bản là khắc tinh của psychohistory. Dẫu Seldon đã lường trước là kiểu gì kế hoạch của mình cũng sẽ gặp trục trặc, và đã lập sẵn một đội làm nhiệm vụ chữa cháy. Nhưng vì cái kiểu của The Mule đúng là vô tiền khoáng hậu, nhóm đệ của Seldon chạy bở hơi tai mới gò được lại cho xã hội đi theo định hướng của Seldon.
World War Z của Max Brooks cũng chứa đựng một cái Outside Context Problem, ấy là zombie. Lúc cái đại dịch zombie vừa bùng phát, chẳng một ai tin nó lại có thể là thật cả, thế nên không hề có chút phòng bị. Chính phủ các nước thì cũng phản ứng rất yếu kém dù biết zombie là thật, bởi vì từ trước đến nay chưa bao giờ họ phải đối mặt với một vấn đề quái thai đến vậy. Ngay cả khi cái đại họa zombie đã trở thành tin công khai rồi, thiên hạ cũng lúng túng vô cùng trước chúng nó. Dân thì áp dụng đủ chiến thuật sinh tồn không phù hợp, dẫn đến hoặc chết vì zombie hoặc chết vì các yếu tố môi trường nảy sinh. Chính phủ thì đối xử với nó theo cách quá truyền thống, tung quân tấn công bọn zombie với tư tưởng chúng nó là địch người, dẫn đến những trận thảm họa như Trận Yonkers, khi nguyên một binh đoàn lính trang bị tận răng bị một làn sóng zombie nuốt chửng.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓