Chuyển đến nội dung chính

Schild’s Ladder và tật bịa số khủng của giới SFF

 Như mấy bài về Schild’s Ladder dạo gần đây hẳn đã cho thấy, cái quyển này có một nền tảng khoa học rất vững, khó lòng mà bắt bẻ được chỗ nào. Tuy nhiên, vì ở đời chẳng có cái gì hoàn hảo, thế nên vẫn có một thứ trong Schild’s Ladder bị Greg Egan làm hơi lôm côm, ấy là cái khung thời gian của nó.

Trước khi bàn sâu hơn, anh em ngó thử qua một bài trong đề thi đầu vào hồi thế kỷ thứ 19 của MIT bên dưới phát nhé.


Với một cái bài như thế này, hẳn anh em phần đông sẽ chẳng gặp khó khăn gì trong việc giải nó cả, bởi vì cái này thực ra chỉ là một bài toán… cấp 2. Tất cả những gì cái bài này đòi hỏi là anh em hiểu định lý Pytago là gì cũng như biết lập hệ phương trình, sau đó sẽ tìm ra được cả a, b, lẫn x một cách rất nhẹ nhàng. Và đây không phải là câu hỏi cá biệt nhằm “biếu” điểm điểm thí sinh hay gì đâu. Nếu xem full đề của MIT hồi năm đó (mọi người có thể tham khảo đề cả 4 môn ở đây: https://web.archive.org/web/20190702013644/https://libraries.mit.edu/archives/exhibits/exam/geometry.html), anh em sẽ thấy tất cả những thứ nó hỏi đều dễ ở mức tương đương câu vừa rồi.

Sở dĩ có chuyện này một phần là vì MIT lúc bấy giờ mới lập được đâu có chưa đầy 5 năm, và cái năm 1869 này thậm chí còn là lần đầu tiên nó tổ chức thi lọc đầu vào (mấy năm trước chỉ đòi sinh viên “có nền” là được nhận rồi). Nhưng một phần nguyên do khác là vì cái thời chúng ta ngày nay cách nó tận hơn 150 năm, và trong 150 năm đấy thì cả hiểu biết của ta về khoa học cũng như độ phổ cập của giáo dục đã thay đổi rất nhiều, khiến cho những thứ hóc búa thời ấy ngày nay đã trở thành kiến thức bình thường.

Ok, vậy cái đấy thì liên quan gì đến khung thời gian trong Schild’s Ladder?

Như mình đã nói ở mấy bài trước đấy, con người trong thế giới của Schild’s Ladder về cơ bản đã tự biến bản thân thành những cái máy tính lượng tử hết rồi. Họ có thể chu du khắp mọi nơi trong vũ trụ bằng cách truyền tâm trí của mình đi dưới dạng dữ liệu thuần túy, và khi đến đích thì tự tải bản thân vào những thân xác mới. Điều này cho phép họ di chuyển được rất nhanh chóng, bởi vì không phải lo khiêng cái xác của mình đi theo làm gì cả.

Dẫu vậy, vận tốc truyền tin của họ cũng vẫn bị giới hạn bởi vận tốc ánh sáng, mà các hành tinh/trạm vũ trụ nó lại ở cách nhau xa kinh khủng. Có những trường hợp chỉ đi có một chiều thôi mà cũng đã phí mất gần mấy trăm năm rồi. Tuy nhiên, bất chấp tất cả những điều này, khi các nhân vật đến những nơi chốn mới, thức dậy sau hàng trăm năm đi sau thời đại, mọi thứ vẫn giữ nguyên như cũ. Công nghệ không có gì đột phá cả, khoa học về cơ bản chẳng thay đổi gì nhiều. Trên thực tế, cập nhật tình hình người thân (nếu có ai còn muốn giữ liên lạc) xem chừng là thứ duy nhất họ phải lo lắng đến.

Đây là điều cực kỳ khó tin, bởi vì nếu nhìn lại lịch sử, anh em sẽ thấy khoa học công nghệ có tốc độ phát triển cực kỳ vũ bão. Mới năm 82 thôi, ta còn có Isaac Asimov đi quảng cáo cho một cái máy tính khoa học bỏ túi như thể nó là kỳ quan công nghệ, thế mà tua nhanh tầm 30, 40 năm sau, ta đã có những cái điện thoại còn tởm lợm gần chục lần cái thứ kia rồi. Chưa đầy nửa thế kỷ mà mọi thứ đã đi xa đến thế, vậy thì có cớ gì để mọi thứ vẫn tiếp tục giậm chân tại chỗ sau tận mấy thế kỷ liền vậy? Điều này càng thêm ngớ ngẩn khi ta cân nhắc đến việc trong cái thời của Schild’s Ladder, thiên hạ thậm chí còn thi nhau xây dựng các định lý khoa học nguyên bản chỉ để… tán gái. Với nhường ấy định lý được phát minh và săm soi, việc Greg Egan để công nghệ tiến lờ đờ, hay thậm chí còn đóng băng, nghe thực sự rất chối tai.

Cái kiểu không thực sự lãnh hội được tầm vóc của các con số như thế chẳng phải là yếu điểm riêng gì của Greg Egan, mà nó là bệnh chung của cánh văn sĩ SFF rồi. Ta có rất nhiều trường hợp các nhà văn cứ quẳng đủ loại số má rất hầm hố ra để gây ấn tượng cho đọc giả, nhưng không để ý rằng cái con số đấy nếu kết hợp với các dữ kiện khác thì trông nó sẽ thế nào.

Cũng cùng kiểu tạo dựng khung thời gian ngáo, ta có Frank Herbert và thế giới của Dune, lấy bối cảnh 10.000 năm sau một cuộc đại chiến với rôbốt có tên The Butlerian Jihad. Cái dị là lúc Butlerian Jihad kết thúc, các phong tục tập quán và đủ thứ khác liên quan đến xã hội Dune về cơ bản cũng khá tương đồng với những gì ta thấy trong cuốn Dune đầu tiên rồi. Điều ấy đồng nghĩa với việc một xã hội đầy rẫy xung đột như trong Dune tồn tại gần 10.000 năm mà thay đổi rất ít.

Để dễ hình dung điều này không tưởng đến mức nào, anh em cứ biết là từ lúc nền văn minh La Mã hình thành cho đến bây giờ còn mới hơn 2000 năm có tí. Trong khoảng thời gian chỉ bằng 1/5 tuyến thời gian của Dune thôi, ta đã có hàng bao thay đổi và biến động về xã hội, và ngày nay gần như chẳng còn giống tí gì với cái gốc La Mã xưa ấy nữa. Thế mà Dune giữ im bản chất được tận 10.000 mới dị chứ.

Ngoài khung thời gian ra thì ta còn một thứ nữa cũng hay có số má lôm côm, ấy là kích thước. Rất nhiều người không thực sự ý thức được những thứ mình tương vào nó to khổng lồ (hoặc nhỏ tí ti) đến cỡ nào. Ví dụ khét tiếng nhất trong mảng SFF về việc không lường được tầm cỡ này nằm trong A Song of Ice and Fire của George R.R. Martin. Trong thế giới này, có một cái bức tường băng đứng chắn ở vùng ranh giới phía Bắc của Bảy Vương Quốc, được Martin tương cho quả chiều cao hơn 200 mét để nghe ấn tượng.

Nhưng rồi khi truyện được chuyển thể, lúc lần đầu tiên nhìn thấy concept art cho bức tường băng chính tay mình đã tạo ra, Martin đã có một phen sững sờ vì không ngờ nổi là nó lại to đến thế. Với cái tường to kiểu đấy, mấy anh quạ trên tường chẳng việc gì phải phí công phòng thủ cả, vì ba cái cung tên của đám Wildling có bắn đằng trời cũng chẳng tài nào bay tít lên được đến đỉnh của nó.

Ngoài mấy cái đấy ra thì còn hàng tỉ thứ khác, chẳng hạn như khoảng cách địa lý (ví dụ như trong Animorphs của K. A. Applegate, mấy thanh niên xoay xở rà soát được một vùng không gian hàng trải dài tỉ năm ánh sáng trong vòng có… vài tháng), dân số (Foundation của Asimov có một hành tinh chứa 40 tỉ dân, dù cho diện tích bề mặt chỉ tầm 75 triệu dặm vuông, tức nếu tính trung bình thì sẽ có 600 người bị nhồi vào một dặm vuông), trọng lượng (trong Harry Potter của J. K. Wokeling, Hagrid cao hơn 3 mét rưỡi, người thì đồ sộ, nhưng lại nặng có 131kg, tức chỉ nặng ngang mấy ông đấu vật cao 1m8, 1m9 gì đó, một điều chỉ khả thi nếu thanh niên… rỗng ruột),… Túm lại là cứ cái gì có số có má là dễ bị mấy thanh niên chém vống lên lắm.

Kỳ thực thì mấy cái số má này cũng chẳng đến nỗi làm hỏng toàn bộ thế giới của tác phẩm đâu, đặc biệt nếu bản thân người đọc cũng chẳng thể hình dung nổi cái tầm của những con số được đưa ra. Nhưng mà thiết nghĩ mấy ông tác giả SFF nếu có chém thì cũng nên chém tem tém lại tí, chứ cứ toàn ngàn với tỉ thì rét vl 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.