Chuyển đến nội dung chính

Thế mạnh thực sự của họa sĩ AI so với họa sĩ người, và tương lai của ngành vẽ minh họa


 Bữa nay mình mới được một bạn share cho cái ảnh như bên dưới trên Discord, khắc họa tương lai bấp bênh của những người kiếm sống bằng nghề vẽ trong bối cảnh các thuật toán AI họa sĩ đang mọc lên như nấm sau mưa, đồng thời đang ngày một trở nên tiến bộ với tốc độ vũ bão.

Lúc trông thấy cái tranh này, mình có cảm giác hơi lẫn lộn. Một phần thì mình thấy nó có dụng ý tốt, và thông điệp nó muốn truyền tải nhìn chung cũng dễ nhận ra. Nhưng một phần thì mình lại thấy hơi buồn cười, bởi lẽ cái ảnh này đang thể hiện một cách khá lệch lạc về lợi thế cạnh tranh của AI so với cánh họa sĩ.

Như anh em có thể thấy, trong bức hình này, tranh của con AI trông rõ là có sức hút hơn hẳn. Nét vẽ của nó chuyên nghiệp và chuẩn xác hơn, đồng thời nội dung nó vẽ cũng có tính đại chúng rất cao, còn tranh của cô họa sĩ người thì thua hẳn, chẳng hơn gì ngoài việc chúng nó có “tình người” trong đó. Tuy nhiên, căn cứ vào kinh nghiệm vọc mấy thuật toán AI cũng như theo dõi các cộng đồng xoay quanh chúng nó trong thời gian qua của bản thân, mình lại thấy thực tế đi ngược hẳn lại với điều này. Tranh do AI tạo ra thường khá là “bừa bộn” và “ngoáy,” hay chứa đựng nét hỗn loạn khá rõ rệt trừ khi được ta thò tay vào chỉnh sửa lại. Tranh họa sĩ người thì khác, mang tính tập trung và chính xác hơn hẳn. Ngoài ra, đám AI cũng tương đối khó để gò cho đi đúng với ý muốn, trong khi họa sĩ người thì có thể cho ra những hình ảnh khớp với hình dung hoặc mô tả ban đầu gấp bội. Nói chung là trừ một số trường hợp cụ thể, thế mạnh của AI so với họa sĩ người không phải là chất lượng thành phẩm đâu. 

Tình cờ thì cách đây mấy bữa, mình có vớ được một bài báo rất hay trên Kotaku (ừ, Kotaku, nhưng không, bài này không “Kotaku” đâu nhé 🐧 ), đánh rất chuẩn vào cái lợi thế của đám AI. Tiêu đề bài báo đấy là “AI Creating 'Art' Is An Ethical And Copyright Nightmare,” và anh em có thể tham khảo ở đây: https://kotaku.com/ai-art-dall-e-midjourney-stable-diffusion-copyright-1849388060

Bài báo này bàn rất sâu và chi tiết về những nhùng nhằng về pháp lý cũng như đạo đức mà bọn AI làm nảy sinh. Tuy nhiên, liên quan nhất đến chủ đề hiện tại là việc nó đề cập đến cái thế mạnh đích thực đám AI nắm giữ: khả năng tạo ra các thành phẩm “đủ tốt” với mức giá rẻ khôn tả.

Như chia sẻ của Karla Ortiz, một họa sĩ từng làm việc cho những công ty lớn như Ubisoft, Marvel, và HBO, công nghệ AI hiện hãy còn non trẻ. Nó vẫn chưa đủ sức tự cho ra các bức họa thực sự hoàn thiện, và vẫn yêu cầu sự can thiệp của các chuyên gia để sửa lại những khiếm khuyết trong thành phẩm nó tạo ra. Tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận là nó vẫn cho xuất xưởng được những tạo tác với chất lượng tương đối ổn cho một số mục đích nhất định, và chỉ mình cái sự “đủ tốt” đấy cũng đủ để khiến rất nhiều họa sĩ, thợ chụp ảnh, nhà thiết kế vừa chân ướt chân ráo vào nghề phải lao đao rồi.

RJ Palmer, một họa sĩ cũng từng làm việc cho Ubisoft và từng tham gia đóng góp tranh cho một số bộ phim Hollywood, cũng có cái nhìn giống Ortiz. Theo quan điểm của Ortiz, tranh ảnh do AI tạo ra chỉ cần chỉnh sửa lại tí thôi là đã đủ tốt để đáp ứng rất nhiều nhu cầu rồi. Chúng nó sẽ không cạnh tranh được với những họa sĩ đã có thương hiệu sẵn hoặc đã lăn lộn đủ lâu để có một tay nghề thực sự chắc, nhưng những họa sĩ “tép riu” sẽ rất dễ bị cướp việc.

Đặc biệt đáng chú ý là Palmer còn đã động thẳng đến một ngành rất quen thuộc đối với anh em ta, ấy là mảng xuất bản. Theo chia sẻ của ông anh, đã có vô số tác giả tự xuất bản hết sức sung sướng trước sự tồn tại của đám AI, và nói rằng giờ họ không còn cần bỏ tiền thuê họa sĩ nữa. Palmer nói việc các tác giả đấy cũng như những nhà tuyển dụng mang tính “cò con” kiểu bọn họ chuyển sang dùng AI sẽ là một đòn trí mạng đối với những lớp họa sĩ mới, bởi vì rất nhiều họa sĩ chuyên nghiệp đều từng phải sống dựa vào những con người này trong giai đoạn đầu của sự nghiệp.

Riêng về khoản này thì mình có thể làm chứng cho lời của Palmer. Anh em nào theo dõi cái discord của group thì hẳn đã thấy cách đây ít lâu, mình có share vào đó bản beta cái bìa một quyển đang dịch dở. Cái bìa đấy sử dụng hình ảnh do con AI họa sĩ do bên NightCafe cung cấp, và nó chất lượng đến mức mình chỉ cần chỉnh lại tầm 5% thôi, sau đó quẳng chữ lên là đã thành một cái bìa trông cực kỳ chuyên nghiệp rồi.

Trước khi nghĩ đến việc dùng NightCafe, mình đã phải chật vật gần tháng trời cùng một đứa bạn để làm bìa cho quyển này, nhưng mãi chẳng chế được gì ra hồn, bởi vì cả mình lẫn bạn mình đều là dân thiết kế chứ không phải là họa sĩ vẽ minh họa. Đang lúc mình sắp sửa phải cắn răng thuê thêm họa sĩ thì NightCafe đã xuất hiện và giải quyết tất cả chỉ trong đúng vài phút, với chất lượng hết sức ổn áp. Mặc dù nó còn rất nhiều hạn chế và chưa thể bằng thuê người được, cái tranh NightCafe tạo ra cho mình vẫn đủ tốt để phục vụ mục đích mình cần, và mình hiện đang rất nghiêm túc cân nhắc sử dụng nó và các dịch vụ AI tương tự cho các dự án sau này chứ không thuê thêm ai nữa.

Tóm lại là cái tranh bên dưới có thể hơi bóp méo mối nguy AI tạo ra cho các họa sĩ, nhưng cái thông điệp chung của nó thì cũng không hẳn quá sai lệch đâu. Trong thập niên sắp tới, khi AI ngày một tiến bộ và các nhà tuyển dụng nhỏ lẻ hay thậm chí nhà tuyển dụng lớn ngày một quay sang sử dụng chúng nó, dễ chừng sẽ có một lượng không nhỏ người phải chịu kiếp như cái cô hầu gái rồng trong hình lắm.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.