Chuyển đến nội dung chính

Manga - một loại hình media "vô bổ"?

 Ngày hôm trước mình có một bài bàn về việc cuốn Xứ Phẳng không nên đem cho trẻ con đọc. Thật tình cờ là hôm ấy lại trùng với ngày xuất bản lần đầu của cuốn 451 độ F, một tác phẩm nhìn nhận sự trỗi dậy của các loại hình media mới (cụ thể là đài phát thanh và truyền hình) với ánh mắt nghi ngại và thậm chí còn có phần khinh bỉ nữa.

Hai điều này làm mình nhớ đến một thứ. Nó là loại hình media tương đối mới, hay bị nghi ngờ và coi nhẹ, và tùy gia đình mà có khi con cái còn bị cấm động vào: manga.

Vì trong group chúng ta thì phần đông là những người trẻ, tư tưởng khá thoáng, và đặc biệt là còn có cả thời gian lẫn cơ hội tiếp xúc với một lượng manga rất đa dạng, thế nên mọi người chắc chẳng mấy ai có cái nhìn quá tiêu cực về manga. Bên cạnh đó, sự trỗi dậy như vũ bão của mạng xã hội đã giúp chúng ta có thể hết sức dễ dàng tìm được những người chung sở thích và hình thành các nhóm cộng đồng chuyên biệt để cùng bàn luận về loại hình media hấp dẫn này (hay thậm chí là chỉ một thể loại nhất định trong đấy), và cảm thấy thái độ của xã hội đối với manga đã cởi mở hơn hẳn.

Tuy nhiên, thực tế vẫn là manga hãy còn phải chịu sự kỳ thị không hề nhẹ, bị không ít người cho là giải trí vô bổ. Và nếu ngẫm kỹ, ta sẽ thấy nhận định đó thực ra… không phải là không có cơ sở.

Bất chấp việc manga vốn dĩ từ lâu đã đa dạng đến kinh hồn, với đối tượng phục vụ chạy từ người già đến trẻ nhỏ và tất cả các ông nhỡ nhỡ ở giữa, dân Việt nhà ta thực chất mới chỉ bắt đầu tiếp cận được với nó một cách đúng nghĩa trong tầm khoảng chục năm trở lại đây, khi Internet đã được phổ cập rộng khắp và mặt bằng chung tiếng Anh được cải thiện hẳn. Trước thời đấy, những cuốn manga chúng ta có thể tiếp cận được chỉ giới hạn trong những gì các NXB như Trẻ hoặc Kim Đồng quyết định đưa về. Bởi vì lợi nhuận biên của manga mỏng còn hơn dao cạo, các NXB cần chọn những quyển có thể bán được với số lượng khổng lồ thì may ra mới bù lỗ nổi. Để đảm bảo hút được lượng khách lớn nhất có thể thì phương án an toàn sẽ là cứ nhằm những cuốn có độ giải trí cao, đọc trôi tuồn tuột mà táng, còn kiến thức với giá trị nhân văn có thì tốt, không có thì thôi. Mà ngay cả có thì cũng phải có in ít thôi, chứ cao siêu quá thì bán cho ma à 🐧?

Chính thế nên gắn liền với tuổi thơ chúng ta chủ yếu các bộ manga như Yaiba, Conan, Doraemon, Dragon Balls, Inuyasha, Héc-man… Và bất kể mạch truyện chúng nó có lôi cuốn đến đâu, một điều khó lòng phủ nhận nổi là chúng nó quả thực có tỉ trọng giải trí cực kỳ cao so với những giá trị khác, làm những thứ sâu xa bị "ngụy trang" quá khéo, hay thậm chí còn lép vế hẳn. Hàng loạt những thế hệ con người, từ 6x, 7x, 8x, cho đến thậm chí là 9x, đều chịu chung một số phận như nhau: hồi nhỏ thì chỉ thấy rặt một mớ manga sàn sàn kiểu vậy, còn khi lớn thì không có thời gian để sờ vào manga mới nữa, hay nếu có thì cũng chỉ có thể tiếp tục sờ vào những thứ sẵn có trên thị trường (trong khi chúng về cơ bản vẫn bám chủ trương xuất bản cũ), chẳng còn thời gian mày mò tìm kiếm sâu trong các ngóc ngách của nó. Với một trải nghiệm như vậy, có gì là lạ không khi đại bộ phận dân chúng cảm thấy manga không đủ tầm để sánh với những loại hình media truyền thống, nếu không muốn nói là rác rưởi hoàn toàn?

Đây là một cái tư tưởng hết sức phiến diện. Loại hình media về bản chất chỉ là phương tiện để truyền tải nội dung đến cho người đọc/nghe/xem, chứ bản thân nó không quyết định việc nội dung sẽ hay dở ra sao. Anh em hãy tưởng tượng nó như cái bình đựng ấy: một cái bình dát vàng có thể chứa toàn phân, trong khi một cái chai nhựa móp có khi lại đựng toàn rượu quý. Sách thì cũng có Huấn Rôsề với hàng đống self-help ba xu, còn manga thì cũng có Dr. Stone và hàng vạn cuốn với lượng kiến thức và giá trị nhân văn cao, không thể trông mặt mà bắt hình dong được. Hãy nhớ lấy bài học cay đắng của thần Zeus khi chọn đúng gói cống vật toàn xương với mỡ, chỉ đơn thuần vì nó được bọc trong cái mã quá đẹp, trong khi thịt thà thơm ngon thì để lọt vào tay con người vì chúng nó ẩn trong một khúc lòng bò tầm thường.

Để nói có sách (theo nghĩa đen 🐧 ) mách có chứng, dưới đây mình sẽ liệt kê ra một số tác phẩm manga khó ai bảo là vô bổ nổi. Chúng nó sẽ được chia theo hai hạng mục chính là “Truyện giàu kiến thức” và “Truyện giàu chất văn.” Và để bám theme cái bài Xứ Phẳng đã góp công gợi mở bài này, mình cũng sẽ chia thêm các ví dụ ra theo tầm tuổi để tránh trường hợp có ai đem quyển nào quá nặng đô đi cho trẻ con quá nhỏ đọc. Chúng nó sẽ được chia thành các khung “G” (cho mọi độ tuổi), PG-13 (tối thiểu cấp 2 đổ lên), và “T” (tối thiểu cấp 3 đổ lên). Tuy nhiên, vì đây chỉ là ý kiến chủ quan của bản thân, nếu có anh em nào định cho con đọc quyển gì, tốt nhất nên đọc thử tầm 5 chương đầu của nó để xem có thực sự là nó sẽ hợp tầm tuổi đấy không nhé.

Mặc dù vì phần đông chưa có bản dịch tiếng Việt, khả năng cao con cái anh em chắc có cho cũng chưa chắc đã đọc nổi 🐧.

Giờ bắt đầu này:

1) Truyện giàu kiến thức:

- Dr. Stone của Riichiro Inagaki và Boichi (G): nhân loại bị đẩy lùi về thời kỳ đồ đá, và phải tái phát triển công nghệ để quay về thế giới văn minh. Giới thiệu rất nhiều kiến thức vật lý, hóa học, kỹ thuật,…


- Isabella Bird in Wonderland của Taiga Sassa (G): thuật lại hành trình đến Nhật Bản vào năm 1878 của nhà thám hiểm người Scotland Isabella Bird, dựa trên cuốn tiểu thuyết du hành Unbeaten Tracks in Japan do Bird viết. Giới thiệu rất nhiều kiến thức về lịch sử, văn hóa, và xã hội Nhật Bản giai đoạn cuối thế kỷ 19. 


- Heaven’s Design Team của Hebi-Zou, Tsuta Suzuki, và Tarako (G): một đội thiên thần chuyên design động vật theo yêu cầu của Chúa. Giới thiệu rất nhiều kiến thức về cơ cấu sinh học của động vật, lịch sử ra đời cũng như một số bí ẩn đằng sau cấu trúc cơ thể nhiều loài vật khác nhau.


- The Dragon, the Hero, and the Courier của Yamada Gregorius (G): một người tiên lai làm nhân viên bưu cục trong thế giới Fantasy. Giới thiệu rất nhiều kiến thức về lịch sử Trung Cổ, đặc biệt các vấn nạn mà xã hội Trung Cổ gặp phải trong hành trình chuyển dịch lên một giai đoạn văn minh hơn.


-  One Point Yankee của Otsuji (G): một thanh niên đầu gấu với tấm lòng vàng đi giúp đỡ bà con trong khu phố. Giới thiệu rất nhiều mẹo thực tiễn về cách làm việc nhà.


- Cells at Work! của Akane Shimizu (G): phiên bản nhân hóa cách các tế bào và hệ thống cơ uan nội tạng trong cơ thể con người hoạt động. Giới thiệu rất nhiều kiến thức sinh học và y dược.


- Cells at Work! CODE BLACK của Shigemitsu Harada (PG-13): phiên bản tăm tối hơn của Cells at Work!, với nhiều kiến thức sinh học và y dược tương tự, nhưng lấy bối cảnh là một cơ thể không khỏe mạnh.


- Shrink ~Psychiatrist Yowai~ của Nanami Jin (PG-13): một bác sĩ tâm thần chữa trị có các bệnh nhân gặp vấn đề tâm lý. Giới thiệu rất nhiều kiến thức y học tâm lý cũng như bàn về thực trạng của những người mắc bệnh tâm lý tại Nhật Bản.


- C. M. B. của Motohiro Katou và Tsukiko (PG-13): một cậu bé điều hành một bảo tàng tư nhân, chuyên được mời đi giải mã các vụ án bí ẩn liên quan đến cổ vật trên khắp thế giới. Giới thiệu rất nhiều kiến thức về lịch sử, văn hóa, địa chất, khảo cổ,…


- Zero: The Man of the Creation của Ai Eishi và Satomi Kei (PG-13): phiên bản nghiêm túc hơn của C. M. B., xoay quanh một chuyên gia làm giả đồ cổ. Giới thiệu rất nhiều kiến thức về lịch sử, văn hóa, địa chất, khảo cổ, truyền thuyết dân gian…


- In Order For Me To Be Me của Hirasawa Yuuna (T): tự truyện về hành trình đến Thái Lan chuyển giới cũng như những rắc rối tác giả gặp phải khi quyết định trở thành người trans. Giới thiệu rất nhiều kiến thức về bản thân quá trình phẫu thuật chuyển giới, các thủ tục pháp lý liên quan đến nó, và các sức ép xã hội đối với người chuyển giới.


- Team Medical Dragon của Akira Nagai và Taro Nogizaka (T): một bệnh viện thuê một bác sĩ lập dị về làm, giữa lúc các phòng ban đang có tranh giành quyền lực nội bộ với nhau. Giới thiệu nhiều kiến thức y khoa ở nhiều ngành nghề, cùng với khắc họa mặt trái của hệ thống y tế.


2) Truyện giàu chất văn:

- The Girl From the Other Side: Siúil, a Rún của Nagabe (G): truyện cổ tích về một cô bé lạc trong rừng, và một con quái vật tìm cách giúp đỡ cô bé ấy.


- A Kindly World của Nishijima Daisuke (G): câu chuyện cổ tích về một ngôi làng thanh bình và mặt trái của việc chạy theo thay đổi bằng mọi giá.


- Witch of the Flower Forest (PG-13): tuyển tập các truyện ngắn của Kasai Sui, bao gồm A Cat and Pancakes, Faraway Phan Thiết, Kingfisher by the Stream, Scaly Thrush in the Moonlight, Story Teller Story 1 Elisa, Story Teller Story 2 Nancy, The Unsmiling Bunny, The Witch of the Flower Forest.


- Night Watch Teacher của Mizutani Osamu và Tsuchida Seiki (PG-13): tự truyện về hành trình giúp đỡ những học sinh gặp gia cảnh khó khăn, bị xã hội quay lưng, chịu bạo lực gia đình, giao du với xã hội đen,… của một thầy giáo Nhật Bản.


- I Had That Same Dream Again của Kirihara Idumi và Yoru Sumino (PG-13): câu chuyện giữa một bé gái và một nữ sinh muốn tự sát, một cô gái điếm, và một bà cụ sắp lìa đời.


- War’s Unwomanly Face của Koume Keito (PG-13): bản manga chuyển thể của tác phẩm cùng tên do Svetlana Alexievich sáng tác, kể về nỗi gian truân của những người phụ nữ Nga đi lính trong Thế Chiến II.


- The Bones of an Invisible Person của Ogino Jun (PG-13): một cô nữ sinh sống trong cảnh bị bố bạo hành tình cờ sở hữu được khả năng tàng hình, và phải trăn trở với lương tâm sau khi dùng nó làm một việc tày trời.


- The Two Faces of Tomorrow của James P. Hogan và Yukinobu Hoshino (PG-13): một hệ thống AI được đem thử nghiệm trên trạm vũ trụ, nhưng trục trặc xảy ra, và cuộc thí nghiệm trở thành một màn đấu trí giữa con người và con AI.


- The Horizon của Jeong Ji-Hoon (PG-13): câu chuyện về hai đứa trẻ mồ côi gặp nhau giữa một cuộc chiến tranh tàn khốc, và phải cùng giúp nhau sinh tồn.


- MAGICA: Heinous Utopia của Yuzuko Hoshimi (PG-13): câu chuyện cổ tích về một thiếu niên chăm sóc cho một cây hoa trên một thế giới tàn độc.


- My Story Before I, Who Was Scared of Males, Became a Porn Actress của Nazuna Nonohara (T): tự truyện của một diễn viên phim người lớn, nạn nhân của xâm hại tình dục và bạo lực gia đình.


- We Shall Now Begin Ethics của Amase Shiori (T): một giáo viên dạy đạo đức/triết học giúp các học trò của mình giải quyết các vấn đề khó khăn trong cuộc sống như bạo lực học đường, bạo hành gia đình, dính líu xã hội đen, nghiện ngập,….


- Rainbow của George Abe và Masasumi Kakizaki (T): hành trình làm lại cuộc đời của một nhóm thiếu niên phạm tội sau khi đi cải tạo về. Bàn luận rất nhiều về sự tàn bạo và bất công của xã hội cũng như bối cảnh lịch sử Nhật Bản giai đoạn thập niên 50.


Mình có đăng kèm cả ảnh bìa từng cuốn theo thứ tự đã liệt kê cho mọi người tiện tìm kiếm nhé. Đặc biệt nếu mọi người là tàu ngầm của NXB.

Đồng chí hiểu ý bần tăng chứ 🐧?

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.