Chuyển đến nội dung chính

Từ Mickey ngẫm về hệ thống bản quyền


 Tối qua vừa bàn về vụ bản quyền xong thì sáng nay lại vô tình vớ được cái này. Thật là hợp lý 🐧.

Nghiêm túc mà nói, cái ảnh bên dưới cũng khắc họa một mặt trái của bản quyền, đó là nó phần nào gây cản trở cho tiềm năng sáng tạo và cải tiến của con người.

Lẽ đương nhiên, bản thân cái khái niệm bản quyền không phải là xấu, bởi vì chẳng ai muốn một món thành phẩm mình lao tâm khổ tứ có khi tận hàng năm trời bị một thằng cha vơ chú váo nào đấy điềm nhiên bê về ăn sái. Trên thực tế, bản quyền có thể nói là một trong những lý do chủ chốt khiến chúng ta ngày nay được thưởng thức nhiều thành phẩm sáng tạo hấp dẫn đến thế.

Nhưng cũng như mọi thứ tử tế trên đời, làm ở một mức nhất định thì còn được, chứ đi quá thì nó lại thành ra có vấn đề. Chỉ tính riêng việc thời hạn của bản quyền thôi đã là cả một cuộc cãi nhau rất to. Bảo rằng một tác phẩm được bảo hộ bản quyền suốt cuộc đời tác giả và 25-50 năm sau khi tác giả chết thì nghe cũng ổn đấy. +70 năm thì bắt đầu hơi căng rồi, nhưng vẫn có thể gọi là hợp lý. Nhưng còn nhảy tọt lên tận 95 hay 120 thì bắt đầu hơi hơi căng quá. Ví dụ như Jules Verne, H. G. Wells với Arthur Conan Doyle ở Mỹ ngày nay vẫn còn truyện chưa hết hạn bản quyền, hoặc bởi vì mất chưa đủ lâu hoặc vì người nhà cho xuất bản truyện theo kiểu nhỏ giọt để lợi dụng cái luật xoay quanh việc xuất bản sau khi chết.

Và nếu nhảy sang các mảng bảo hộ quyền lợi khác, ví dụ như trademark hay patent, thì nó lại càng be bét. Những thứ này có thể giúp một số tác phẩm hay thậm chí là ý tưởng về cơ bản có bản quyền vĩnh viễn. Ví dụ như nhà Tolkien đã trademark thuật ngữ Hobbit và tất cả những thứ liên quan đến hình ảnh và miêu tả về Hobbit, để đảm bảo sau khi thời hạn bản quyền của Tolkien có hết thì cũng chẳng ai có thể sờ được vào Trung Địa mà không bị vỗ vai cả. Gần hơn (và cũng liên quan đến Trung Địa) thì vừa mấy bữa trước, Warner Bros cũng đã patent một hệ thống gameplay trong series Shadow of Mordor theo một cách cực kỳ "thoáng," để không bên nào có thể chế ra thứ gì tương tự hay cải thiện lên từ nó được hết.

Mấy trường hợp của nhà Tolkien và Warner Bros không hề hiếm gặp chút nào, mà chúng nó đầy nhan nhản, khiến cho thiên hạ đẻ ra cả mấy thuật ngữ để chỉ trích nó, bao gồm copyright troll, patent troll, và trademark troll. Mấy trò lợi dụng kẽ hở bản quyền kiểu này gây cực kỳ nhiều phiền toái cho những con người làm nghề sáng tạo, bởi vì có khi họ đủ sức làm ra một phiên bản tốt hơn dựa trên một thứ nền tảng nào đó nhưng lại bất lực không thể làm được gì, bởi vì họ không đủ tiền đấu nhau tại tòa án với mấy người lấy troll làm nghiệp. Thậm chí, cũng không thiếu trường hợp có người tự nhiên ăn một quả kiện từ trên trời rơi xuống vì đã nghĩ ra và triển khai một ý tưởng hao hao giống với một thứ trời ơi đất hỡi nào đó mà mình chưa từng nghe bao giờ. Đám troll đấy đã biến bản quyền đi từ công cụ khuyến khích sáng tạo thành một cái gọng kìm, khiến thiên hạ trở nên rón rén và e dè hơn trong việc sáng tạo.

Mấy câu chuyện xung quanh bản quyền và các giới hạn của nó chắc sẽ chẳng bao giờ có hồi kết được đâu, bởi vì để y nguyên như hiện trạng thì trông rõ là lôm côm, mà sửa đổi kiểu gì nó cũng dở hết. Kể cả trong trường hợp có cải tiến được cái gì thực sự tử tế thì điều ấy cũng chỉ đồng nghĩa với việc sẽ có thêm những kẽ hở mới để lợi dụng, và từ đó lại đẻ ra hàng đống tranh cãi mới. Thế nên chắc chúng ta sẽ phải tiếp tục sống chung với lũ, và tự an ủi nhau là ít nhất nó cũng không dẫn đến cảnh 3000 ông phăng teo vì một quyển sách là đã đỡ lắm rồi 🐧.

P/S: trong trường hợp có anh em nào cần nước sốt thì ảnh là Magical Girl Special Ops Asuka nhé

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.