Chuyển đến nội dung chính

Write What You Know - hãy viết cái mình biết


 Trong bài kỷ niệm ngày mất của Frank Herbert, mình có đả động đến việc Dune là thành phẩm của một quá trình nghiên cứu công phu vô cùng. Herbert đã phải đầu tư một lượng thời gian khổng lồ để tìm hiểu đủ thứ, bao gồm môi trường sinh thái sa mạc và các nền văn hóa, tín ngưỡng, lịch sử, chính trị của những khu vực với môi trường như vậy. Chính bởi thế nên phải ngót nghét nửa thập kỷ sau cái chuyến thăm mấy cồn cát định mệnh ở Oregon, ông anh mới cho ra được một bản tiền thân của Dune để đăng báo.

Sự kỳ công của Herbert làm mình nhớ đến một triết lý rất được tôn thờ trong các cộng đồng viết lách: Write What You Know.

Write What You Know, tức “Viết Cái Mình Biết,” là một châm ngôn được lặp đi lặp lại cực kỳ nhiều trong gần như tất thảy mọi cộng đồng dính dáng đến viết lách trên đời. Bất kể có nhìn vào một lớp dạy viết lách chuyên nghiệp hay chỉ dạo chơi trong các chốn xuề xòa hơn như group Facebook hoặc subreddit về sáng tác, anh em kiểu gì cũng sẽ bắt gặp Write What You Know xuất hiện dưới một dạng thức nào đó, hoặc điểm tên trực tiếp hoặc nói theo một kiểu phiên phiến. 

Mỗi tội dù được xướng tên liên tục, thiên hạ vẫn chẳng thống nhất được với nhau rốt cuộc Write What You Know cụ thể là thế nào.

Nếu nhìn bề ngoài, ta sẽ thấy Write What You Know có ý nghĩa cực kỳ đơn giản: hãy bám lấy những gì mình biết để phát triển tác phẩm. Tuy nhiên, giới hạn của việc “bám” cũng như độ rộng của cái “biết” thì lại bị mỗi ông nói một kiểu. Có người chủ trương rằng Write What You Know tức là tác giả nên nhắm thẳng vào những gì cá nhân trực tiếp trải nghiệm mà nã, tức nên đem các sự kiện trong đời mình ra diễn xuôi lại cho lành. Có người thì thoáng hơn, tin rằng không nhất thiết phải chơi kiểu tự truyện trá hình, nhưng cũng chỉ nên giới hạn bản thân trong việc chém về những thứ loanh quanh trong phạm vi những trải nghiệm một người với đặc điểm nhân khẩu như mình có thể tiếp cận. Có người thì bảo rằng muốn viết cái quái gì trên đời cũng được tuốt, kể cả những thứ xa tít tắp với trải nghiệm cá nhân, miễn là phải tìm hiểu cực kỳ sâu về nó trước. Có người thì cũng tuyên bố phải viết về thứ mình hiểu sâu, nhưng giới hạn hẹp hơn là phải xoáy đúng vào một thứ khiến bản thân bị ám ảnh hoặc có kết nối tình cảm mạnh mẽ chứ không phải cứ bốc bừa đề tài bất kỳ xong nghiên cứu là ổn.

Nhưng dẫu muôn hình vạn trạng như vậy, gần như mọi cách diễn giải về Write What You Know đều có chung một điểm: viết gì thì viết, cứ phải có một tí phông nền cái đã. Cái phông đó có thể là kiến thức, là xúc cảm, là đam mê, là trải nghiệm thực tiễn, là cái gì cũng được, miễn sao người viết kê được xuống dưới ngòi bút của mình một cái bệ đỡ nào đó. Không thể nào cứ dựa trên nền tảng trống rỗng mà viết được, vì khi đó mọi thứ sản xuất ra sẽ trở nên hời hợt, không có giá trị. Một tác phẩm như thế sẽ chẳng khác nào một món đồ vô trọng lượng, có đem ra quất bôm bốp vào người độc giả cũng chẳng thu hút nổi sự chú ý của họ, chứ đừng nói là khiến họ rung động tình cảm.

Vì cái độ rộng của triết lý này, ví dụ về nó nhiều còn hơn sao trên trời. Anh em có thể nhắm mắt chọn bừa bất kỳ dòng nào trên đời, sau đó bốc lấy mấy tác phẩm nổi của nó ra, và tỉ lệ anh em kiếm được một cuốn viết trên một phông nền vững vàng mà tác giả đã hình thành cho bản thân sẽ là 10:1. Nhưng vì đây là group về h̵e̵n̵t̵a̵i̵ ̵v̵à̵ ̵t̵h̵ơ̵ ̵c̵h̵ữ̵ ̵N̵ô̵m̵ SFF, thế nên mình sẽ chỉ giới hạn trong việc nêu ra ví dụ về mấy trường hợp triết lý Write What You Know được thể hiện ra ngoài theo một cách dễ thấy của mảng này thôi.

Kiểu Write What You Know điển hình nhất trong SFF là cách các tác giả tích hợp những thứ bản thân trực tiếp dính dáng đến, hoặc vì đó từng là nghề nghiệp/ngành học của mình hoặc vì mình đã trải qua nó theo kiểu nào đó rồi. Một ví dụ có thể kể đến là Peter Watts. Thanh niên từng là một nhà thủy sinh vật học, đã có kinh nghiệm nghiên cứu giảng dạy đủ cả, thế nên khi viết truyện phần khoa học của ông anh làm ăn rất quy củ. Đặc biệt, nếu nhìn vào những tác phẩm như Blindsight hoặc The Things, ta sẽ thấy các chủng sinh vật ngoài hành tinh của thanh niên mang dáng dấp những loài sinh vật biển, với hình thái trí tuệ dựa trên các thuyết xoay quanh những dạng thức sống đại dương thông minh.

Alastair Reynolds cũng là một trường hợp tương tự Peter Watts. Ông này là tiến sĩ vật lý thiên văn, và đã có tận 13 năm làm việc tại ESA (Cơ quan Vũ trụ Châu Âu) trong vai trò nghiên cứu thiên văn. Chính thế mà lúc bắt đầu quay sang nghề viết lách, truyện của ông này chạy từ tiểu thuyết cho đến truyện ngắn đều đặc sệt thông tin khoa học về thiên văn các kiểu.

Một trường hợp thú vị khác cần nhắc đến là Joe Haldeman. Ông này gốc là dân vật lý, nhưng vừa kiếm được cái bằng cử nhân phát thì đã bị chính phủ Mỹ bế thẳng sang Việt Nam, bắt phải đi làm công binh. Haldeman đã phải nếm mùi gian khổ mấy lần, rốt cuộc phải vác thương tật về nhà và phải đối mặt với sự phân biệt đối xử khi quay về nhà. Trải nghiệm cả trong lẫn sau cuộc chiến đó rất hay xuất hiện trong các tác phẩm của ông, với tiêu biểu nhất là cuốn The Forever War, khi ông mượn hiệu ứng giãn nở thời gian để tái khắc họa cảm nhận của những người lính đi xa về.

Một ví dụ khác là H. P. Lovecraft. Thanh niên rất hay lấy New England (nơi ông sống phần lớn cuộc đời) với Providence (quê gốc của ông) hoặc những nơi mang dáng dấp mấy chốn ấy làm bối cảnh cho những câu chuyện của mình, và đã khắc họa được những bức tranh rất sống động về không khí với kiến trúc nơi ấy. Lovecraft cũng thường xuyên để nhân vật chính trong các tác phẩm của mình là những tri thức trẻ nghèo, có niềm quan tâm với khảo cổ, địa lý, bởi vì bản thân ông anh cũng chính là một con người như thế.

Fantasy cũng chẳng thiếu người tận dụng những gì mình có sẵn để sáng tác. Ví dụ nổi đình đám nhất phải kể đến là J. R. R. Tolkien. Thanh niên là một giáo sư ngôn ngữ tại Đại học Oxford, chuyên nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển của ngôn ngữ Anglo-Saxon cũng như các thần thoại và văn học Bắc Âu, và cái phông nền ấy đã được thể hiện một cách cực kỳ rõ nét trong ngôn ngữ, văn hóa, và lịch sử bộ huyền thoại xoay quanh Trung Địa của ông. Thậm chí nếu nhớ không nhầm, Tolkien còn sử dụng cả những kinh nghiệm hành quân thu được trong thời kỳ phục vụ tại ngũ trong Thế Chiến I để tính toán khoảng cách các nhân vật và các đạo quân có thể lết bộ được, nhằm đảm bảo không ai tele bậy bạ đi đâu. 

Steven Erikson cũng là một trường hợp tương tự vậy. Ông anh là tiến sĩ khảo cổ học và nhân chủng học, thế nên nắm cực kỳ rõ quá trình sụp đổ, trỗi dậy, phát triển dựa trên nhau hoặc đè lên nhau của những nền văn minh khác nhau, cũng như cách quyền lực phân cấp và hoạt động như thế nào. Tất cả những điều này được ông anh thể hiện rất rõ trong bộ tác phẩm đồ sộ của mình, ấy là Malazan Book of the Fallen.

Nhưng không phải tất cả các trường hợp Write What You Know nổi trội đều bắt nguồn từ trải nghiệm bản thân của tác giả. Có những nhà văn chỉ đơn thuần bắt tay vào nghiên cứu một đề tài nào đấy, và sau khi tích góp đủ “thóc giống” rồi thì bắt đầu múa bút thôi. Cái ví dụ kinh điển nhất của trường hợp này là Jules Verne. Ông anh là dân luật, sau đó chạy ngang sang làm biên kịch sân khấu với viết báo, chứ chẳng có dính dáng tí gì đến khoa học hết cả. Nhưng Verne được cái rất hay tìm tòi và nghiên cứu, và cứ mỗi khi viết truyện gì ông đều xách đít lên thư viện và tra khảo tất tần tật những thông tin khoa học đương đại về các mảng liên quan. Chính thế mà truyện của Verne chứa đựng một lượng kiến thức với độ chuẩn xác cực cao, thậm chí còn kèm cả phương trình tính toán các kiểu.

Một trường hợp khác cũng na ná Jules Verne là Becky Chambers. Bà chị này cũng là dân sân khấu, sau đó đi làm trong ngành kịch một thời gian, và nhìn chung chẳng có tí phông nền khoa học nào cả. Nhưng nếu đọc cuốn tiểu thuyết ngắn To Be Taught, if Fortunate của đồng chí này, anh em sẽ thấy cái nền kiến thức khoa học của tác phẩm vững vô cùng. Đó là bởi Chambers đã rất dày công nghiên cứu về sinh học và du hành không gian để chuẩn bị cho tác phẩm.

Neal Stephenson cũng là một ví dụ khét lẹt khác. Ông anh chỉ có bằng cử nhân địa lý thôi, nhưng rất dày công đi tìm hiểu tất thảy mọi ngành nghề trên đời để viết truyện. Chính thế mà các tác phẩm của thanh niên luôn nhồi kiến thức nặng gần như ngang ngửa một chuyên đề. Snow Crash thì có một đống về huyền thoại, văn hóa, hệ thống chữ viết và lịch sử hình thành của tôn giáo, đặc biệt những thứ có liên quan đến nền văn minh Sumer cổ; Seveneves thì là về vật lý thiên văn và cơ học quỹ đạo; còn The Baroque Cycle thì về cơ bản có thể thay sách giáo khoa về lịch sử Châu Âu giai đoạn thế kỷ 17-18.

Terry Pratchett là một trường hợp đáng chú ý khác. Pratchett có chuyên môn là văn học và báo chí, nhưng ông anh đào sâu tìm hiểu về hàng loạt vấn đề, bao gồm kinh tế, chính trị, khoa học, lịch sử,… Thanh niên thậm chí còn có lần cùng một chuyên gia vũ khí bắn thử đạn dưới nước để tính toán xem đạn sẽ mất bao lâu để đến được một điểm nhất định nào đó trong một môi trường với sức cản lớn như thế. Nhưng không như mấy thanh niên nói trên, Terry Pratchett thể hiện cái nền nghiên cứu rất kín. Nếu đọc những cuốn trong bộ tiểu thuyết Discworld của ông, mọi người sẽ rất ít khi thấy nguyên một tảng thông tin ngồn ngộn bị tung ra (trừ khi ông anh thấy chỗ đấy nên chém dài để làm trò hề), nhưng rải rác trong các lập luận, lời dẫn, với cuộc hội thoại trong truyện luôn là hàng loạt thứ kiến thức ngầm rất chuẩn xác.

Tuy nhiên, có một điểm anh em cần lưu ý là không phải cứ tìm hiểu sâu hay có nền là sẽ auto cho ra được một tác phẩm hay, mà có khi một tác phẩm với cái nền ngáo ngơ sẽ vẫn được mê như thường. Ví dụ nổi nhất của việc một tác giả áp công thức Write What You Know nhưng thành phẩm vẫn phế là Andy Weir. Cụ thể hơn, anh em cứ nhìn vào cuốn Artemis của đồng chí này là biết. Ông anh rõ ràng nắm rất rõ những vấn đề kỹ thuật liên quan đến một khu định cư Mặt Trăng cũng như hàn rèn các kiểu, nhưng nhồi vào trong đấy một cách quá sức thô bỉ, và câu chuyện xây dựng cứ lôm ca lôm côm, thế nên rốt cuộc truyện bị chửi sấp mặt.

Một ví dụ khác là thanh niên Dan Brown, chiến thần bịa láo. Truyện của thanh niên này, bất kể có trong hay ngoài Sci Fi, thường chứa đựng nhiều thông tin sai lệch đến phi thường, đến mức chỉ cần độc giả nắm được tí kiến thức ở trên mức trung bình thôi là sẽ nhận ra ngay thanh niên chẳng hiểu mình đang nói về cái gì cả. Đơn cử như Pháo đài số, ông anh chém tung nóc nhà về những thứ như ký tự Quan Thoại và ngôn ngữ Kanji, tự bịa nguồn gốc Latinh của từ trong tiếng Anh (và cái này là còn đá luôn vào mặt những gì đồng chí nói trong Mật mã Da Vinci), chém lệch thời gian hình thành và đặc điểm của các tác phẩm nghệ thuật (hài hước là thanh niên Nâu tự xưng mình đã học lịch sử nghệ thuật), bit thông tin loạn nháo nhào hết lên. Những cái lỗi thế này liên tục xuất hiện trong tất thảy mọi cuốn thanh niên cho xuất xưởng, đến mức tên đồng chí đã trở thành một thuật ngữ riêng trong văn giới, chuyên chỉ những tác phẩm chém láo quá đà. Ấy vậy mà truyện thanh niên vẫn cứ bán được ầm ầm.

Nói tóm lại, Write What You Know quan trọng phết đấy. Tích góp gạch đá xây móng xây nền trước khi cầm bút luôn là việc nên làm, nhưng chớ quên rằng đấy không phải là thứ duy nhất tạo nên thành công cho tác phẩm. Nếu cứ hiểu gì viết nấy sẽ auto hay thì Hóa học 12 đã góp mặt trong hàng ngũ những áng văn để đời của nhân loại rồi 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.