Chuyển đến nội dung chính

Duy lý và duy tình trong review - thế nào mới "đúng"?

 Bữa nay mình mới trông thấy một bài đăng trong một group sách khác, phê phán một điều bạn này thấy không ổn trong cộng đồng đọc. Cụ thể, điều bạn ấy phê phán là cách thiên hạ review toàn lấy cảm xúc cá nhân làm chủ đạo, phán xét tác phẩm dựa trên cách các nhân vật hoặc yếu tố cốt đáng lẽ phải xảy ra dựa trên thang luân lý cá nhân, bỏ qua các tầng nghĩa tinh túy nằm trong tác phẩm. Một review thiên về cảm xúc như vậy được bạn này đánh giá là kém chất lượng, và yêu cầu độc giả hãy ngừng review phiến diện kiểu thế để đỡ gây ảnh hưởng đến các độc giả tiềm năng khác của tác phẩm. Bài này hiện đang gây tranh cãi rất hăng, và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.


Tình cờ thì chỉ vừa đúng mấy hôm trước thôi, trong r/Fantasy, cộng đồng độc giả Fantasy có lẽ là lớn nhất trên Reddit, có một người khác đã đăng một bài với ý chính gần như y sì đúc, chỉ khác ở cách diễn đạt. Cũng như bạn trên, thớt này bảo người đọc rất hay có xu hướng cảm nhận theo kiểu duy tình thay vì duy lý, dùng sự thích/ghét của cảm nhận cá nhân để đánh giá về độ hay của tác phẩm. Và cũng như bạn trên, chủ thớt bảo hãy ngưng dùng tình cảm để review, bởi vì nó có thể làm lệch lạc quyết định lựa chọn của một độc giả tiềm tàng khác.


Cả hai nhân vật một Tây một ta này đều có một phần ý đúng. Phải công nhận là không ít bài review trong các cộng đồng đọc sách, đặc biệt các cộng đồng chuyên về văn học hư cấu (tức fiction), thường mang tính duy tình hơn duy lý. Review thiên về điểm lại cách tác phẩm (trong đó bao gồm cách hành xử của các nhân vật của tác phẩm) đã làm bản thân người review cảm thấy ra sao, thay vì đi sâu vào phân tích các tầng lớp nghĩa sâu của tác phẩm. Nếu xét thật chuẩn, các bài review như vậy sẽ không thể gọi là khách quan được, vì ta có thể thấy rõ cảm xúc của người review đã có ảnh hưởng đến nội dung của review.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ cả hai đều đã cực đoan hóa mọi thứ.

Cảm xúc là một điều không thể loại bỏ trong nghệ thuật. Nếu muốn không gợi lên bất kỳ xúc cảm gì, tác phẩm sẽ chỉ có một đường duy nhất là đưa thông tin với số liệu thuần túy, theo một kiểu chẳng khác nào một báo cáo khoa học cả. Mà đến ngay cả các báo cáo khoa học cũng có thể khơi dậy đủ mọi loại cảm xúc khác nhau, từ phấn khích, bực bội, thất vọng cho đến hãi sợ, bởi lẽ cảm xúc gắn quá sát vào với bản chất con người rồi, không cách nào loại bỏ nó được. Nếu viết một bài review mà chỉ phân tích thuần túy thủ pháp và tầng nghĩa nhưng cắt đi yếu tố cảm xúc, ta sẽ chặt phăng mất một phần cực kỳ cốt yếu trong trải nghiệm đọc của tất cả mọi người.

Để dễ hình dung làm vậy ngớ ngẩn đến thế nào, anh em hãy mường tượng một bài review quán ăn chỉ thuần túy nói về sự cân bằng dinh dưỡng của suất ăn, về hàm lượng đạm và vi khoáng nó chứa đựng, về mức độ tối ưu của cách sắp xếp bàn ghế sao cho đảm bảo dòng người có thể lưu thông một cách dễ dàng nhất… nhưng hoàn toàn chẳng đề cập gì đến vị của đồ ăn ngon dở thế nào cả. Làm như thế này sẽ là khách quan một cách tuyệt đối, bởi vì ngon dở ra sao tùy mồm người ăn hết. Một món nhạt thếch với người này có thể sẽ tuyệt hảo với người kia, quá ngậy với người này có thể sẽ thừa nạc với người kia, đặc cái với người này có thể sẽ là thừa nước với người kia, và đủ mọi thứ khác trên đời. Chính bởi vậy, bàn đến ngon dở là review đã không còn công tâm rồi.

Nhưng điều này đồng nghĩa với một gói MRE (khẩu phần ăn quân đội), thứ được mệnh danh là Meals Rejected by Everyone (Món Đếch Ai Ăn Nổi) sẽ tuyệt vời gấp bội một bát bún ốc, đơn thuần vì hàm lượng dinh dưỡng của nó ổn gấp bội.

Một cái review như thế liệu có giúp gì được ai không?

Mấy ông quản lý nhà hàng không tính nhé 🐧.

Nói như vậy không có nghĩa là review duy tình sẽ là chuẩn mực cần được tôn vinh. Các phân tích ngữ nghĩa và những thứ mang tính lôgic/kỹ thuật hơn cũng có chỗ đứng của nó, và một bài review cũng nên pha trộn một cách hài hòa chúng nó vào để nâng cao chất lượng. Quan trọng chỉ là đừng thờ mấy cái phân tích đấy như thể nó siêu việt hơn hẳn phần cảm xúc là được.

Ngoài ra thì còn một số ý nữa về cách hai bạn này nhìn nhận sự khách quan trong review cũng đáng đem ra bàn. Tuy nhiên, mình từng có một bài bàn rất sâu về bản chất tại sao “khách quan” thực chất chỉ là một ảo ảnh trong mảng review các tác phẩm hư cấu, thế nên sẽ không nói lại nữa. Anh em nào quan tâm có thể đọc full bài ở đây nhé: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/08/review-khach-quan-mot-ao-anh-phi-thuc.html

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.