Chuyển đến nội dung chính

Eternal Recurrence - vòng tuần hoàn của vũ trụ


 Vì A Canticle for Leibowitz do một con chiên Công giáo viết, đồng thời lấy cảm hứng rất nhiều từ đó, thế nên mấy bài vừa rồi mình gần như tập trung hoàn toàn vào bàn về khía cạnh tôn giáo của nó. Tuy nhiên, như đã nói trong bài review gốc về quyển này, A Canticle for Leibowitz còn chứa đựng nhiều đề tài thú vị khác nữa, chứ không chỉ giới hạn trong mỗi tôn giáo không. Một trong số đấy là triết lý Eternal Recurrence.

Eternal Recurrence, tức Vĩnh cửu Luân hồi, bảo rằng vũ trụ cũng như tất cả mọi thứ nó chứa đựng đều có tính vòng lặp. Những gì đã xảy ra và hình thành trước đây đều từng xảy ra và hình thành rồi, với phiên bản quá khứ giống gần như y hệt hiện tại. Và trong tương lai, điều ấy sẽ tiếp tục lặp lại, vĩnh viễn không bao giờ ngưng. Nguyên nhân là một khi đã xuất hiện trên cõi đời này, mọi sự vật/sự kiện đều sẽ sở hữu một xác suất tồn tại lớn hơn 0. Bất kể xác suất ấy có nhỏ đến nhường nào, nếu cứ thử đi thử lại, kiểu gì cũng sẽ có ngày sự vật/sự kiện đó tái xuất hiện.

Heinrich Heine, một nhà thơ người Đức, từng diễn giải cái triết lý ấy theo một cách văn vẻ hơn như sau: “Thời gian là vô hạn, nhưng những thứ bên trong thời gian, những khối vật cụ thể, lại chỉ hữu hạn. Chúng quả thực có thể phân tán thành các hạt nhỏ tột cùng; nhưng các hạt ấy, tức các nguyên tử, vẫn chỉ có số lượng nhất định, và nếu để mặc chúng đấy, lượng cấu hình được tạo thành từ chúng cũng sẽ mang tính nhất định nốt. Giờ nhé, bất kể bao lâu trôi qua, thể theo các quy luật vĩnh hằng cai quản những sự hợp nhất trong vở kịch muôn đời không ngừng lặp lại này, mọi cấu hình từng tồn tại trên trần gian kiểu gì cũng sẽ phải một lần nữa gặp nhau, thu hút nhau, khiến nhau thấy ghê tởm, hôn nhau, và làm hư hỏng lẫn nhau.”

Để đỡ trừu tượng, anh em cứ tưởng tượng mình có 10 viên xúc xắc nhé. Nếu gieo một lúc cả 10 viên, xác xuất tất cả đều ra được mặt 6 sẽ nhỏ vô cùng, gieo tận chục lần có khi cũng không làm nổi. Tuy nhiên, nếu cứ gieo chỗ xúc xắc ấy hàng triệu lần, hàng tỷ lần, khả năng mọi người thu được cùng một lúc 10 mặt 6 sẽ cao hẳn lên. Nếu gieo đến hàng tỷ tỷ lần, tối thiểu sẽ có một lần mọi người gieo trúng một bộ 6. Và nếu cứ vĩnh viễn chẳng làm gì ngoài ngồi gieo xúc xắc, không bao giờ dừng lại, chắc chắn bộ 6 kia thỉnh thoảng sẽ tái xuất hiện.

Nói cách khác, theo như Eternal Recurrence, mọi thứ chúng ta hiện đang trải nghiệm đều từng xảy ra, và trong tương lai, nó sẽ lại xảy ra thêm lần nữa.

Triết lý Eternal Recurrence này đã được áp dụng vào đủ mọi loại phạm trù, nhưng nhiều nhất là trong các mảng xã hội nhân văn, chẳng hạn lịch sử, tôn giáo, triết học,… Friedrich Nietzsche, người đã khai sinh ra cái thuật ngữ “Eternal Recurrence” (mặc dù ông không phải là người đầu tiên đề ra triết lý đằng sau nó), từng sử dụng nó làm tiền đề cho một thí nghiệm tư tưởng nhằm khuyến khích con người ta suy ngẫm lại về lối sống của bản thân. Dân Hy Lạp cổ, cụ thể là những người theo chủ nghĩa Khắc Kỷ, tin vào một điều gọi là “ekpyrosis,” cho rằng vũ trụ luôn được thanh tẩy định kỳ, và sau đó tái sinh theo một cách giống y hệt như trước. Người Maya và Aztec cũng áp dụng Eternal Recurrence vào cách nhìn nhận thời gian và lịch sử, tin rằng thời gian thế giới chảy trôi theo chu kỳ mấy ngàn năm (tính theo lịch của họ), sau đó sẽ vòng về từ đầu. Kitô giáo cùng từng có một cuốn kinh rao giảng về triết lý này, bảo rằng “Những gì từng có rồi sẽ có lại, những gì từng được thực hiện rồi sẽ được thực hiện lại; dưới gầm trời này chẳng có gì mới mẻ hết. Liệu có thứ gì để ta nói rằng, ‘Nhìn mà xem! Đây là một điều mới’ không? Nó đã ở đây từ trước, từ lâu lắm rồi; nó đã ở đây từ trước thời của chúng ta.” Bố con nhà Schlesinger, hai sử gia tại Đại học Havard, cũng từng đề ra một giả thuyết xã hội học mang tính Eternal Recurrence, bảo rằng nước Mỹ sẽ mang tư tưởng hết bảo thủ rồi lại phóng khoáng xong lại bảo thủ tiếp, và cứ thế vĩnh viễn phát triển cái chu kỳ ấy.

Thậm chí trong khoa học tự nhiên, ta cũng thấy sự xuất hiện của các giả thuyết mang tính chu kỳ, đậm chất Eternal Recurrence. Ví dụ như trong khoa học vũ trụ, ta có một thuyết mang tên Ekpyrotic Universe, dùng để giải thích câu hỏi “Thứ gì tồn tại trước khi có vụ nỏ Big Bang?” Theo thuyết Ekpyrotic, Big Bang kỳ thực là một sự chuyển tiếp giữa hai kỷ nguyên. Từng có một vũ trụ khác tồn tại, có điều thay vì nở ra thì nó co lại, và khi co hết cỡ thì nổ tung ra và tạo thành vũ trụ (hiện đang) mở rộng của chúng ta. Sự kiện ấy rồi sẽ xảy ra một lần nữa, và vũ trụ sẽ không ngừng chết đi và tái sinh theo kiểu như vậy. Một ví dụ khác nằm trong khoa học sinh thái, với việc các sự kiện tuyệt chủng trên Trái Đất xem chừng hay diễn ra theo chu kỳ, tầm 26-30 triệu năm lại diễn ra một lần. Đã có nhiều thuyết được đặt ra nhằm giải thích cho hiện tượng này, chạy từ việc Mặt Trời thực chất nằm trong một hệ thống sao đôi (với người anh em phỏng đoán của nó được mệnh danh là Nemesis) cho đến việc hệ sinh thái chỉ đơn thuần đủ sức phục vụ nhu cầu của các giống loài trong chừng ấy năm, và sau đó bắt buộc phải sụp đổ để tái sinh.

Trong A Canticle for Leibowitz, Eternal Recurrence được thể hiện thông qua cách xã hội loài người hậu Đại Lụt Lửa (cái tên những con người tương lai đặt cho cuộc chiến tranh hạt nhân đã hủy diệt nền văn minh thời trước của mình) cứ phát triển theo những pha giống gần như y sì đúc thế giới cũ. 600 năm sau Đại Lụt Lửa, ta có một thế giới khá tương đồng với những gì từng xảy ra tại Châu Âu sau khi La Mã sụp đổ, với các giáo sĩ Công giáo nỗ lực bảo vệ tài liệu cổ và chống chọi với các bộ tộc dã man. Sau 600 nữa, nhân loại bước vào một thời kỳ cực giống giai đoạn Phục hưng, với rất nhiều giáo sĩ đề ra các giả thuyết khoa học hoặc thực hiện những thí nghiệm quen thuộc. Nhảy cóc thêm một lần 600 nữa, và ta đến với giai đoạn Chiến Tranh Lạnh, nơi một lần nữa ta bắt gặp hai cường quốc nắm giữ vũ khí hạt nhân suốt ngày dằn mặt nhau, chưa kể còn có cả một cuộc đua vào vũ trụ mới nữa. Cuối cùng, nền văn minh này cũng bị nhấn chìm trong một trận bão lửa hạt nhân mới, hoàn tất chu kỳ đã được nền văn minh đi trước vạch ra.

Và như thể sợ rằng nếu chỉ nói bóng gió thông qua việc thế giới mới phát triển theo kiểu giống hệt thế giới cũ thôi thì sẽ chưa đủ, A Canticle for Leibowitz còn có nhiều đoạn về cơ bản nói huỵch toẹt luôn ra rằng lịch sử tuân theo triết lý Eternal Recurrence. Thể hiện rõ nhất điều ấy là một đoạn độc thoại của nhân vật Thầy Viện phụ Jethrah Zerchi, bấy giờ đã chứng kiến thế giới của mình bị hủy diệt:

“Nghe này, chẳng lẽ chúng ta bất lực mất rồi ư? Chẳng lẽ chúng ta buộc phải chịu kiếp mọt đời làm đi làm lại chuyện này ư? Chẳng lẽ chúng ta không còn lựa chọn nào khác ngoài đóng vai con Phượng hoàng trong một chuỗi thăng trầm hết trỗi dậy rồi lại sụp đổ bất tận ư? Assyria, Babylon, Ai Cập, Hy Lạp, Carthage, La Mã, các đế chế của Charlemagne và người Thổ: Bị nghiền thành cát bụi và hủy diệt hoàn toàn. Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Mỹ - theo lửa tàn rụi vào trong quên lãng suốt bao thế kỷ. Lặp lại, lặp nữa, lặp mãi.

Chúa ơi, chẳng lẽ chúng con buộc phải gánh chịu kiếp này, bị xiềng vào con lắc trong chiếc đồng hồ rồ điên của chính mình, vô phương ngăn nổi sự dao động của nó ư?”

A Canticle for Leibowitz không phải là tác phẩm SFF duy nhất từng tích hợp cái triết lý Eternal Recurrence này. Một ví dụ cần phải kể đến là mẩu truyện ngắn Letter to a Phoenix của Fredric Brown. Đúng như cái tên của mình, truyện được viết dưới dạng một bức thư gửi một con phượng hoàng, với tác giả là một nhân vật bất tử, đã sống sót và chứng kiến cả trăm ngàn năm lịch sử của loài người. Nhân vật nói rằng nhân loại về cơ bản bị chết tắc trong một vòng lặp tàn khốc, liên tục phá hủy nền văn minh của chính mình, và cứ tầm 30.000 năm thì phải xây dựng lại mọi thứ từ đầu.

Tuy nhiên, nhân vật đấy cũng tiết lộ rằng chính nhờ bản chất bệnh hoạn của bản thân, nhân loại là chủng tộc duy nhất có thể tồn tại vĩnh viễn. Vũ trụ này có khá nhiều chủng tộc khác, và họ không đến mức điên rồ như con người, thế nên có thể phát triển rất rực rỡ. Nhưng không sớm thì muộn, họ sẽ chạm đến đỉnh cao, và sau đó cứ dần sa sút và biến mất. Riêng có nhân loại thì chẳng bao giờ chạm đỉnh được cả, vì họ là chủng tộc duy nhất không ngừng “reset” bằng chiến tranh, liên tục tái sinh từ tro tàn như một con Phượng hoàng. Bằng sự điên rồ của mình, nhân loại đã tình cờ tự đấy bản thân vào một vòng lặp Eternal Recurrence, vĩnh viễn chết đi, vĩnh viễn sống lại.

Series Tam Thể của Lưu Từ Hân cũng từng có sự xuất hiện của Eternal Recurrence. Trong thế giới của Tam Thể, các nền văn minh trong vũ trụ không ngừng tìm cách diệt trừ lẫn nhau. Nguyên do là ai cũng sợ mình sẽ bị thằng khác làm hại, không ngay lập tức thì cũng về sau, thế nên an toàn nhất là cứ thấy ai lạ thì đập chết luôn, kể cả nếu trình độ lúc bấy giờ có thấp kém so với bản thân. Những cuộc tấn công như vậy được gọi là Khu Rừng Tăm Tối, và một trong những vũ khí triển khai Khu Rừng Tăm Tối đáng sợ nhất là vũ khí chiều không gian, có thể đánh sập mọi vật thể từ 3D xuống thành 2D, khiến chúng như bị kẹt trong một bức tranh khổng lồ.

Cái nguy hại là vũ khí chiều không gian ấy chẳng hề có điểm dừng. Một khi được triển khai, nó sẽ vĩnh viễn lan tỏa ra khắp nơi, nuốt chửng mọi thứ. Vì đã có một số nền văn minh sử dụng vũ khí này rồi, vũ trụ không sớm thì muộn sẽ trở thành một không gian chỉ có 2 chiều, mãi mãi đánh mất chiều thứ 3. Đáng chú ý ở đây, hiện tượng này không hề mới mẻ gì hết. Nó từng xảy ra ở một cấp cao hơn rồi, khi vũ trụ từng có 4 chiều, và sau đó bị các vũ khí chiều không gian đánh sập xuống chỉ còn 3. Về sau, một số nhân vật còn đưa ra giả thuyết rằng vụ trụ này từng có tận 10 chiều, nhưng không ngừng bị các vũ khí không gian đánh sập xuống, cho đến khi chỉ còn vỏn vẹn 3 chiều như hiện tại, và sắp tới là sẽ chỉ còn 2 chiều thôi.

Thú vị là cái chu kỳ tự hủy không ngừng ấy không phải Eternal Recurrence duy nhất của của Tam Thể. Trong truyện, có một tổ chức rất muốn biến cái thuyết Ekpyrotic Universe thành sự thật. Họ phỏng đoán rằng nếu để vũ trụ co lại, một vụ nổ Big Bang mới sẽ xảy ra, và vũ trụ sẽ được tái sinh dưới dạng 10 chiều như trước. Không ai biết liệu cái giả thuyết đó có đúng không, hay thậm chí nếu đúng thì liệu vũ trụ có còn đủ vật chất để co lại được nữa không khi thiên hạ cứ tối ngày bê nhà bê cửa sang những vũ trụ mini khác để tránh bị vũ khí chiều không gian hủy diệt. Tuy nhiên, nếu hai thứ này mà đúng, đó sẽ là một cái Eternal Recurrence vĩ mô hơn ẩn trong tác phẩm.

Nhảy sang Fantasy, phiên bản Eternal Recurrence nổi nhất cần phải kể đến sẽ là series The Wheel of Time của Robert Jordan (và về sau được Brandon Sanderson‎ góp sức viết nữa). Đúng như cái tên của mình, series này lấy cảm hứng về thời gian dựa trên khái niệm Thời luân Kalachakra (tức “bánh xe thời gian,” hay “wheel of time”), với lịch sử thế giới về cơ bản như một cái bánh xe bảy nan vậy. Mỗi một nan của cái bánh xe thời gian này đại diện cho một kỷ nguyên khác nhau, kéo dài cả ngàn năm. Khi cái bánh xe quay hết một vòng, những cái nan cũ sẽ lại một lần nữa được quay lên, và lịch sử thế giới sẽ được lặp lại, gần như giống hệt như cũ, với chỉ một số thay đổi về tiểu tiết.

Bản chất quay vòng của thời gian này có tác động rất mạnh lên những gì xảy ra trong tác phẩm. Trong số đó, thú vị nhất có lẽ là cách nó tác động lên tư tưởng của một nhân vật phản diện: Ishamael, về cơ bản là thống lĩnh của toàn bộ lực lượng hắc ám. Ishamael từng là một triết gia tên Elan Morin Tedronai, và khi phát hiện ra thời gian là một vòng lặp bất tận, với thế lực của The Dark One (về cơ bản là ác quỷ của series) và Creator (về cơ bản là Chúa của series) vĩnh viễn phải giao chiến với nhau, hắn nhận ra một sự thật phũ phàng: The Dark One sẽ có một lượng cơ hội bất tận để đè bẹp Creator. Bởi thế, xét theo mặt thống kê, việc The Dark One chiến thắng chắc chắn sẽ xảy ra, vấn đề chỉ là trong vòng quay nào của bánh xe thời gian mà thôi. Điều này đã khiến hắn phản bội nhân loại và đến đầu quân cho The Dark One.

Tuy nhiên, có một điều mà Ishamael không nhận ra, đó là việc thời gian trải dài bất tận đến tương lai cũng đồng nghĩa với khả năng nó đã trải bất tận về quá khứ, và cuộc chiến giữa The Dark One và Creator từng diễn ra một số lần cũng bất tận chẳng kém gì sau này. Và vì bản chất vòng lặp của cái bánh xe thời gian, mọi cuộc chiến sẽ đều phải bám theo một khung xương nhất định, với chỉ một số biến tấu nhỏ có thể xảy ra mà thôi. Do Dark One và Creator đã chiến đấu với nhau vô số lần trong quá khứ, mọi biến tấu tiềm tàng đều đã xảy ra hết rồi, và bởi đôi bên vẫn phải chiến đấu tiếp với nhau, thế tức là Dark One chưa từng chiến thắng một lần nào hết. Nếu đã có vô số lần thử trong quá khứ và đều thất bại cả, Dark One sẽ chẳng có thể chiến thắng nổi trong bất kỳ tương lai nào.

Một ví dụ khác cũng đáng được nhắc đến là series game Dark Souls của FromSoftware. Dark Souls khét tiếng là có một cái cốt rất loạn, và cho đến nay vẫn chẳng ai xâu chuỗi được cụ thể cốt của nó là như thế nào. Tuy nhiên, vẫn có một số mạch cốt xuyên suốt được thể hiện khá rõ ràng, trong đó có phần cốt liên quan đến Age of Fire và Age of Dark. Cụ thể, Age of Fire là kỷ nguyên sau khi một thứ gọi là First Flame đã xuất hiện, mang lại linh hồn cho vạn vật. Vấn đề là First Flame không thể cháy suốt mà ngày một lụi tàn đi. Khi nó tàn hẳn, một kỷ nguyên mới sẽ xuất hiện, ấy là Age of Dark. Nhiệm vụ của chúng ta trong mọi game sẽ là lê xác đến chỗ cái First Flame kia, và sau đó hoặc đốt lại nó và kéo dài Age of Fire, hoặc để nó tàn hẳn và cho Age of Dark ập đến.

Vấn đề là bất kể ta có lựa chọn làm gì, các kỷ nguyên vẫn cứ tuần tự chuyển giao, nhấn chìm thế giới trong bóng tối rồi lại cho nó tái sinh. Nếu ta chọn cách kéo dài Age of Fire, kiểu gì cũng sẽ đến lúc có người làm gián đoạn cái kỷ nguyên ấy, và Age of Dark sẽ đến. Nếu chọn chọn để Age of Dark đến sớm, rồi sẽ có người khác đến châm lại First Flame, và Age of Fire sẽ đến. Nguyên do là dù không có cách nào kéo dài vĩnh viễn First Flame, cái ngọn lửa này cũng chẳng thể nào bị dập tắt hẳn được. Cùng lắm, nó chỉ cháy xuống thành một ngọn lửa nhỏ liu riu, nhưng rốt cuộc vẫn cháy âm ỉ ở đấy, chực chờ một ai đó đến nhóm lại. Thế giới của Dark Souls vĩnh viễn chết tắc trong một cái vòng luẩn quẩn, và mọi nỗ lực phá bỏ cái chu kỳ này đều thất bại. 

Kể cũng không phải là một cái cớ tồi để liên tục vắt sữa franchise 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.