Chuyển đến nội dung chính

Brown Note - dữ liệu độc hại đến từ giác quan


 Trong cái bài về triết lý Write What You Know bữa trước, mình có lôi Peter Watts ra làm ví dụ, bàn về cách thanh niên tận dụng cái phông sinh vật học hải dương của bản thân để phục vụ việc sáng tác, đặc biệt là trong việc khắc họa những chủng tộc lạ. Các sinh vật thanh niên chém ra kỳ dị vô cùng, hoạt động dựa trên những lôgic quái đản song vẫn không bẻ vào đâu được, và nhìn chung cực kỳ khó quên. Trong số đấy, nổi trội nhất có lẽ sẽ là lũ ma cà rồng trong cuốn tiểu thuyết Blindsight của ông anh này (minh họa trong bức hình bên dưới).

Khi nghe đến cái chữ ma cà rồng, hẳn anh em sẽ hình dung Blindsight là một tác phẩm Fantasy, hay ít nhất cũng phải là Science Fantasy gì đấy. Nhưng không, Blindsight là Sci Fi thuần túy, không hề pha tẹo Fantasy nào cả. Trên thực tế, Blindsight còn không chỉ là Sci Fi bình thường, mà là tận những Hard Sci Fi, nhồi thông tin khoa học cực nhiều và cực chân thực. Dẫu rằng truyện liên tục sử dụng một ngôn ngữ đầy ma mị và cứ chạy nháo nhào giữa các thế giới thực/ảo giác, chẳng một thứ gì trong tác phẩm lại không bị Watts vác một cây dùi khoa học dày cộp ra giã cho nát bét cả, và lũ ma cà rồng cũng chẳng nằm ngoại lệ.

Lũ ma cà rồng được mô tả là một chi tiến hóa lỗi, vốn đã tuyệt chủng của loài người, và mọi yếu tố ma quái tồn tại trong thần thoại về chúng nó đều được Watts lý giải bằng những lập luận khoa học rất vững chãi để giúp đám này không phá tông của truyện. Như mình thấy thì riêng về khoản duy trì sự đồng nhất cho tông Hard Sci Fi của truyện, Watts không hẳn thành công lắm, bởi vì ma cà rồng xét cho cùng vẫn là… mà cà rồng (bất ngờ chưa 🐧 ?). Đang đọc một đống thứ tình tiết về cơ học quỹ đạo, tự nhiên cái chữ ma cà rồng nó đập vào mắt thì vẫn không khỏi thấy lấn cấn sao đó. Đặc biệt, dẫu rằng giải thích của Watts về lũ này gần như không có một tí sơ hở nào (hoặc nếu có thì cũng quá tầm bắt bẻ của mình), vẫn có một số chỗ ông anh trông rõ là phải oằn đến vẹo cả xương sống thì mới nôn ra được cái lôgic ấy, và nó cứ gây phá game ít nhiều.

Nhưng, nực cười thay, chính cái sự phá game của nó lại khiến cho mình thấy ấn tượng với cái lũ đấy hơn hẳn những con khác trong tác phẩm 🐧.

Và trong số những thứ mình thấy ấn tượng về lũ này, thứ đáng nhớ nhất là cái lý do đằng sau yếu điểm đối với thánh giá của bọn nó. Như đã nói ở trên đây, bọn này vốn là một chi của con người, và chúng nó đã tiến hóa thành một dạng thú ăn thịt ưu việt gấp bội loài người. Bọn này khỏe hơn, khôn hơn, xử lý thông tin nhanh nhạy hơn, có nhiều lợi thế sinh học hơn, nói chung là ăn đứt đám homo sapient ghẻ cùi trên gần như mọi mặt trận. Đúng lý ra, với từng ấy thế mạnh, chúng nó phải săn được loài người hiện đại đến bước đường tuyệt chủng, hoặc ít nhất cũng biến loài người thành một dạng gia súc thuần hóa gì đấy.

Nhưng khốn nạn cho cái lũ ma cà rồng này (và may mắn cho con người hiện đại), bộ gen của bọn nó lại mắc phải một cái lỗi mà loài người không có: bị dị ứng với những góc vuông. Dù chúng nó có thể nghĩ được về các góc vuông dưới dạng một ý niệm trừu trượng, não bọn nó lại bị một cái lỗi quái đản là không thể xử lý nổi thông tin thị giác về cái góc đấy. Bất cứ khi nào một góc chẵn 90 độ được trưng ra trước mắt bọn nó, quy trình xử lý thông tin của chúng nó sẽ lập tức trở nên nhiễu loạn, và lũ này sẽ lên cơn động kinh, sùi bọt mép ngã lăn ra đất giãy đành đạch.

Thời loài người hãy còn ăn lông ở lỗ, cái “tính năng” củ cải này không gây ảnh hưởng nhiều lắm đến lũ ma cà rồng, bởi vì trong tự nhiên ta không mấy khi bắt gặp một góc vuông hoàn hảo cả. Nhưng khi loài người bắt đầu khôn lên và chế tạo được dụng cụ với góc vuông một cách tương đối chuẩn xác, bọn ma cà rồng càng lúc càng khó kiếm ăn. Đến lúc loài người phát triển được kiến trúc, các góc vuông bắt đầu xuất hiện nhan nhản, và thế là số phận của lũ ma cà rồng đã an bài. Đến lúc bọn này được tái tạo lại ở thời hiện đại, cái khuyết tật não ấy vẫn cứ đeo đẳng chúng nó mãi, khiến bọn nó buộc phải dùng một thứ thuốc đặc trị liên tục thì mới hoạt động được trong xã hội.

Cái điểm yếu đấy của bọn ma cà rồng khiến mình thấy rất tâm đắc. Một phần là bởi bản chất tréo ngoe có thể nói là nực cười của chúng nó, một phần là bởi đây là một cách vận dụng khá hay của một mô típ ta vẫn hay thấy trong các tác phẩm SFF kinh dị. Mô típ đấy gọi là Brown Note. 

Brown Note khởi sinh từ một cái huyền thoại dân gian thời hiện đại cùng tên, xoay quanh một âm thanh giả định. Cụ thể hơn, từng có một thời thiên hạ rỉ tai nhau rằng trên đời tồn tại một tần số sóng hạ âm, tức sóng âm với tần số thấp hơn 16 Hz, khiến con người vô phương nghe thấy, song vẫn có thể được cơ thể tiếp nhận. Bất cứ ai “nghe” thấy cái tần sóng đó, họ sẽ bất giác… ị ra quần, không cách nào kìm nổi.

Nói cách khác, đây là một “nốt nhạc” có thể “nhuộm nâu” đũng quần thiên hạ, một cái “brown note.”

Cái huyền thoại này giờ chẳng mấy ai tin nữa, nhưng cái khái niệm nền tảng của nó vẫn khá thú vị, thế nên dần già nó đã du nhập vào trong nghệ thuật kể chuyện dưới một dạng hơi biến thiên đi tí. Về cơ bản, Brown Note dùng để chỉ những thông tin thu được từ ngũ quan, có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho người tiếp nhận nó. Thông tin này có thể đến từ bất kỳ giác quan nào, chẳng hạn một cái mùi ngửi được, một hình ảnh trông thấy, một cảm giác đến từ da, một cái vị trên đầu lưỡi,… và hệ lụy của nó cũng đa dạng chẳng kém, chạy từ những ảnh hưởng về tâm lý thuần túy như ảo giác hoặc điên loạn, cho đến những hậu quả đối với cơ thể thực như đau đớn hoặc mất sinh lực.

Anh em cần lưu ý rằng Brown Note có một nét rất đặc thù, ấy là nó bắt buộc phải dính đến THÔNG TIN và quá trình XỬ LÝ THÔNG TIN. Không phải một thứ bất kỳ gây tổn hại theo một cách đặc biệt sẽ trở thành Brown Note luôn. Để minh họa, mình sẽ so sánh Brown Note với một thứ cực kỳ dễ lẫn với nó, ấy là Kryptonite Factor.

Như cái tên của mô típ này đã thể hiện rất rõ, Kryptonite Factor lấy tên từ một hợp chất khét tiếng trong franchise Superman nói riêng và vũ trụ siêu anh hùng của DC nói chung: Kryptonite - một loại chất phóng xạ có thể gây suy yếu hay thậm chí giết chết Superman (và những người dân đến từ hành tinh quê nhà của anh sịp nữa), dẫu rằng nó chẳng thể làm được gì người thường cả. Kryptonite Factor chỉ chung những thứ kiểu như thế: một gót chân Achilles đặc trưng của một nhân vật hoặc giống loài nhất định.

Nếu nhìn bề ngoài, Kryptonite Factor cũng sẽ na ná Brown Note. Cả hai đều gây tác động tiêu cực lên một thực thể nhất định theo một cách khá kỳ dị. Ta thậm chí sẽ còn có thể bắt gặp một số trường hợp Kryptonite Factor trùng khít với Brown Note, khiến cho sự tình càng thêm nhập nhằng. Tuy nhiên, Kryptonite Factor không nhất thiết dính dáng đến thông tin đầu vào do các giác quan cung cấp, trong khi Brown Note thì đòi hỏi điều ấy. Đây cũng như sự khác biệt giữa việc cầm một cái búa tạ đập nát bét một chiếc máy tính và cài một con virút vào máy để nó đánh sập hệ thống điều hành của máy vậy. Kryptonite Factor có thể là chiếc búa tạ hoặc con virút, nhưng Brown Note thì chỉ có thể là con virút mà thôi.

Để dễ hiểu hơn, anh em cứ nhìn vào cái món Kryptonite nhé. Chỉ cần để cục đá này ở gần Superman thôi (với điều kiện không có vật liệu chì nào che chắn) là thanh niên sịp nhà ta nhũn ra như một sợi bún luôn, kể cả trong trường hợp ông anh không hề trông thấy, nghe thấy, sờ thấy, ngửi thấy, hay nếm thấy cái cục đá đó. Ảnh hưởng của Kryptonite lên Superman đến từ phản ứng vật lý giữa các bức xạ của nó và tế bào trong cơ thể của Superman (hoặc một cơ chế phản ứng vật lý khác tùy theo cách chém của tác giả), chứ không đến từ việc nó truyền một thông tin lên não Superman, và sau khi được não xử lý thì cơ thể mới nhiễu loạn. Chính vì thiếu đi cái yếu tố thông tin và xử lý thông tin quan trọng đó, Kryptonite không thể được coi là một Brown Note.

Nhắc đến Brown Note thì ta không thể bỏ qua những mẩu truyện của H. P. Lovecraft, với phiên bản Brown Note thường gặp nhất trong vũ trụ các tác phẩm của ông anh là thông tin thị giác. Gần như mọi con quái vật của Lovecraft đều sẽ khiến người nhìn vào nó nhẹ thì mất trí hoàn toàn, còn nặng thì lăn đùng ra đất chết. Ví dụ điển hình nhất là Cthulhu, con quái vật đã làm nên thương hiệu cho Lovecraft. Trong mẩu truyện The Call of Cthulhu, ngay khi cái con này vừa xuất hiện, sự quái chiêu trong dạng hình của nó đã khiến mấy anh thủy thủy ngã lăn ra đất chết ngay tắp lự, và số sống sót trốn thoát được cũng đều điên hết.

Một ví dụ khác cũng liên quan đến thị giác có thể được tìm thấy trong tuyển tập truyện ngắn The King in Yellow của Robert W. Chambers. Trong một số mẩu truyện của tuyển tập này, ta sẽ thấy một vở kịch hư cấu mang tên The King in Yellow được nhắc đến. Không ai rõ nội dung của vở kịch này cụ thể ra sao, nhưng bất kỳ ai đọc nó (không cần xem trình diễn gì nhé, chỉ cần đọc kịch bản thôi) là sẽ dần trở nên điên loạn, hoặc thậm chí còn có thể sẽ lăn ra chết ngắc nữa. Nó kinh khủng đến mức chính phủ phải bằng mọi giá kiểm duyệt cái vở kịch này, vì nếu để nó lan truyền đi khắp nơi thì nền văn minh nhân loại sẽ bị hủy diệt mất. Thú vị là Lovecraft cũng rất khoái cái ý tưởng của The King in Yellow, và đã mượn nó để chém ra một phiên bản Brown Note chữ của riêng mình, ấy là cuốn Necronomicon. Bản thân cái phong cách chỉ bóng gió khắc họa các nỗi kinh hoàng và để việc tiếp nhận thông tin làm con người ta phát rồ phát dại của Lovecraft cũng từ The King in Yellow mà ra.

Một trường hợp Brown Note thị giác/chữ khác cũng đáng nhắc đến là The Fulcrum, một mẩu truyện ngắn kinh dị không rõ do ai viết, hay được đăng trong các cộng đồng creepypasta. Brown Note trong truyện chỉ là một cái dấu chốt câu nhỏ nhoi, mới được một nhóm nhà nghiên cứu phát hiện ra. Tuy nhiên, cái dấu đấy lại truyền đi một tín hiệu thị giác cực kỳ quái đán, phá hủy khả năng hiểu ngôn ngữ của bất cứ ai trông thấy nó, và từ đó làm người ta mất luôn cả khả năng hiểu thực tế. The Fulcrum cố gắng không nhắc đến cái dấu đó làm gì, và đã cố gắng dãn dài câu chuyện của mình ra dưới dạng một câu ghép dài dằng dặc, với đủ mọi dấu chấm phẩy trên đời. Có điều không sớm thì muộn, cái câu ghép đó sẽ phải kết thúc, và người viết sẽ buộc phải sử dụng cái dấu kia, và càng về cuối thì người đó càng hoảng loạn, van lạy người đọc hãy bỏ dở câu chuyện, vì anh ta sắp sửa hết cách kéo cái câu đó dài thêm ra mà vẫn duy trì tính chuẩn xác về mặt ngữ pháp của nó rồi. Nói cách khác, cái dấu kia sắp đến rồi, hãy chạy ngay đi.

Chuyển sang thính giác, ta không thể bỏ qua phiên bản Brown Note âm thanh trong cuốn tiểu thuyết A Clockwork Orange của Anthony Burgess. Trong tác phẩm này, ta có một liệu pháp sửa đổi hành vi thử nghiệm gọi là Kỹ thuật Ludovico. Đây là một hình thức trị liệu ác cảm, với người bệnh bị tiêm các thuốc gây buồn nôn trong khi bị ép phải quan sát những thước phim về một đề tài nhất định. Người trải qua kỹ thuật này sẽ hình thành một phản xạ có điều kiện, và về sau chỉ cần nghĩ đến những thứ trong thước phim đó thôi là cũng sẽ lên cơn nôn nao ngay. Alex, nhân vật chính trong truyện, từng phải trải qua quy trình ấy để giúp hắn cai bao lực. Rốt cuộc, quy trình thành công đến mức Alex không chỉ nôn thốc nôn tháo khi nghĩ đến bạo lực, mà ngay cả khi nghe Bản giao hưởng số 9 của Beethoven (nhạc nền mấy thước phim hắn xem), hắn cũng nôn ói tùm lum nốt. Nhạc giao hưởng giờ đã trở thành Brown Note đối với Alex.

Một trường hợp cũng tương tự A Clockwork Orange là The Ultimate Melody, một mẩu truyện ngắn do Arthur C. Clarke sáng tác. Truyện xoay quanh việc một nhà khoa học nghiên cứu về những mẩu nhạc một khi đã nghe thì rất khó lọc ra khỏi đầu (tức các đoạn “Ear Worm”), quyết tâm tìm ra cơ chế khiến bọn chúng toàn chết tắc trong óc thiên hạ đến thế. Sau một thời gian miệt mài nghiên cứu, ông anh rốt cuộc đã khám phá ra được một dạng giai điệu phổ quát, nền tảng cho mọi Ear Worm trên đời. Khốn nạn cho nhà khoa học kia, cái giai điệu đó là một bản Ear Worm tối thượng, và nó ráp khớp như in vào với sóng não của thanh niên, khiến ông anh chẳng thể nghĩ được đến bất cứ thứ gì ngoài bài hát đó hết. Rốt cuộc, nhà khoa học rơi vào trạng thái thực vật, mọi suy tư trong não đều biến mất, chẳng còn gì ngoài một đoạn nhạc lặp đi lặp lại.

Một phiên bản Brown Note hiếm thấy hơn truyện ngắn The Hypnoglyph của John Anthony. Truyện xoay quanh việc một thanh niên mang đến cho bạn mình xem một món đồ tạo tác quái lạ, gốc gác từ một hành tinh mang tên DK-8, nơi người dân đã phát triển được khoa học xúc giác lên một tầm rất cao. Món đồ kia chính là thành phẩm của tộc dân đấy, và mọi loài động vật sờ vào nó đều sẽ dần trở nên ám ảnh với cái cảm giác nó mang lại. Chúng sẽ cứ thế vuốt ve, sờ nắn nó, và dần mê mẩn cảm giác mình nhận được đến mức không biết trời trăng gì nữa. Chính bởi vậy, người dân DK-8 rất hay dùng cái này để bẫy thú kiếm ăn. Và rùng rợn thay, nó cũng có tác động tương tự đối với con người.

Về phần Brown Note phiên bản khứu giác với vị giác thì mình chẳng nhớ được tác phẩm nào có động đến bọn này cả. Tuy nhiên, nếu có thời gian, anh em hãy cứ thử lết lên SCP Foundation mà dò thử. Nó là một trang web tổng hợp hàng loạt truyện ngắn SFF viết dưới dạng những báo cáo của một tổ chức bí mật, chuyên che giấu và khống chế những hiện tượng và tạo vật bí hiểm trên đời mà họ gọi là SCP. Tính đến nay, SCP Foundation đã chém ra tận mấy ngàn SCP quái thai, gần như chẳng trùng nhau gì cả. Mình mới đọc một phần nhỏ trong số đó thôi mà thấy hàng đống mẩu truyện về các SCP mang tính chất Brown Note liên quan đến thị giác và thính giác rồi, vậy nên có lẽ khả năng SCP Foundation chứa đựng Brown Note về ba giác quan còn lại sẽ chẳng thấp đâu 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.