Chuyển đến nội dung chính

Dan Brown và việc chém láo kiến thức


 Như đã nói trong bài review về Schild’s Ladder và cả bài so sánh nó với Dark Souls hôm trước, trong quá trình đọc Schild’s Ladder này, mình phải tốn khá nhiều thời gian đánh vật với phần khoa học của nó. Một phần là vì như đã nói ở trong bài Dark Soul đấy, muốn hiểu bằng ra mọi ngóc ngách thằng này chứa đựng, một phần là vì thấy càng thấy quyển nào làm càng nghiêm túc về mặt kiến thức thì mình càng thấy kiến thức của nó… đáng ngờ.

Sở dĩ có cái nghịch lý ấy bởi vì mình đến nay vẫn còn bị ám ảnh bởi một thanh niên rất khét tiếng trong văn giới. Thanh niên đó chính là Dan Brown.

Thanh niên này có lẽ anh em ai cũng đều đã nhẵn mặt cả rồi, thế nên chẳng cần giới thiệu lại làm gì. Tuy nhiên, có một thứ mà không hẳn ai cũng biết về đồng chí này, ấy là riêng về khoản chém láo, nếu Dan Brown mà đứng thứ hai thì chắc chỉ mình Hoài Linh mới đứng thứ nhất. Thanh niên bịa kinh vl. Và không, không phải là bịa về mặt cốt truyện đâu, vì đã là truyện fiction thì kiểu gì chẳng phải chém linh tinh. Cái chính là ông anh lại đi bịa đặt kiến thức loạn xạ xị ngậu lên, với nhiều thứ cơ bản tới nỗi không thể nào hiểu nổi tại sao lại có thể phế đến như thế được.

Lấy ví dụ như cuốn nổi nhất của ông anh, The Da Vinci’s Code đi. Ngay từ cái tên truyện đã có vấn đề rồi. “Da Vinci” không phải là cái họ của Leonardo. Trên thực tế, toàn bộ cái tên của Leonardo chỉ gói gọn trong chữ “Leonardo” thôi, còn “Da Vinci” là gọi tắt của “di ser Piero da Vinci,” tức “con trai ông Piero, quê ở Vinci.” Cái tiêu đề này còn loang rộng xuống toàn tác phẩm, với kể cả các nhân vật đáng lẽ phải hiểu sự tình đều luôn miệng nói “của Da Vinci” các thứ.

Ngoài đó ra, Dan Brown còn chém rằng tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp ưa thích của Tu viện Sion, bởi vì nó là ngôn ngữ châu Âu duy nhất không chịu tác động của tiếng Latinh. Bruh. Tiếng Anh bị pha trộn rất nhiều vào với tiếng Pháp, một ngôn ngữ có nguồn gốc từ tiếng Latinh, chưa kể còn bốc thẳng cả chục ngàn từ Latinh vào vốn từ vựng của mình trong thời kỳ Phục Hưng. Đến bản thân chữ “code” trong tiêu đề của ông anh cũng là đi từ “codex” trong Latinh ra, vậy thuần khiết nỗi gì?

Chưa hết, ông anh còn tuyên bố mấy Cuộn sách Biển Chết chứa nội dung sách phúc âm của Cơ Đốc Giáo, trong khi phần lớn cái mớ này chẳng có gì liên quan đến phúc âm cả. Chúng nó chủ yếu chứa đựng nội dung Kinh Hebrew kèm một số văn bản tôn giáo khác của Do Thái như Sách Jubilees, Sách Tobit, Sách Sirach,….

Tiếp theo, thanh niên còn phán Công đồng Nicea thứ nhất hồi năm 325 đã chốt sách kinh nào mới được công nhận là chính thống, trong khi trước đấy gần 2 thế kỷ thiên hạ về cơ bản đã thống nhất đâu là hàng chuẩn rồi, và phải đến sau khi Leonardo mất đã mấy thập kỷ thì mới có một công đồng đưa ra tuyên bố chính thức về cái sự “chốt” này.

Ngoài mớ trên ra thì còn đến hàng chục những lỗi nữa liên quan đến khoa học, lịch sử, tôn giáo, nghệ thuật mà Dan Brown đã mắc phải trong quyển này. Anh em có thể tham khảo link dưới để biết thêm một số sai lệch khác của nó, nhưng hãy biết rằng đó còn chưa phải là tất cả đâu. Nếu tìm hiểu đầy đủ thì hẳn anh em sẽ thấy không phải ngẫu nhiên cái tên Dan Brown đã trở thành thuật ngữ để chỉ các tác phẩm chém gió láo lờ nhưng vẫn trình bày mấy thứ bịa đặt của mình dưới dạng kiến thức chuẩn đâu.

Tớ nói nghiêm túc đó 🐧: https://tvtropes.org/pmwiki/pmwiki.php/Main/DanBrowned

Thực tình mà nói, việc mắc lỗi hay chém linh tinh khoa học kiến thức các kiểu thì cũng chẳng hiếm tác phẩm phạm phải, đặc biệt những thằng thuộc cái dòng toàn khét tiếng là toàn khoa học chế như Sci Fi. Tuy nhiên, vấn đề là quyển truyện trình bày bản thân như thể nó là một cuốn bán non-fiction, chưa kể Dan Nâu lại còn cứ luôn mồm rêu rao những câu rất ngứa thịt như 99% nội dung của truyện là sự thật hoặc mọi thứ thông tin nền đều là nghiên cứu chuẩn xác hết. Chính điều này đã khiến cho rất nhiều người ngỡ rằng những thứ rêu rao trong The Da Vinci’s Code là thông tin được nghiên cứu nghiêm túc, và mặc nhiên chấp nhận nó như kiến thức thực.

Vụ việc của Dan Brown và The Da Vinci’s Code cho thấy cứ mù quáng tin tác giả chỉ vì thấy lập luận trôi và lôgic là sẽ rất nguy hiểm. Mảng Sci Fi của chúng ta ít nhất được cái lợi thế là ta đều biết nó mặc định phải chém láo về khoa học, không ít thì nhiều rồi, thế nên phần nào cũng không dính phải cái lỗi cứ nhắm mắt tin bừa. Tuy nhiên, ta vẫn cần cẩn thận với những quyển Hard Sci Fi, bởi lẽ nó có quá nhiều thông tin chuẩn, với những thông tin bịa cũng phát triển lên từ một cái nền quá nghiêm túc, thế nên khó lòng mà phân biệt nổi thật giả ra sao.

Tốt nhất nếu có thể, anh em nên fact check tất cả mọi thứ, còn nếu nó ngồn ngộn quá làm không nổi thì ít nhất cũng nên tâm niệm trong đầu đây là truyện giải trí là chính thôi, đừng “học” gì từ chúng nó hết.

Hay đúng hơn là đừng “học” gì trước khi kiểm tra lại 🐧.

P/S: Tiện thể, như mình đã nói trong bài review gốc, Schild’s Ladder có nhiều thứ quá không nói hết trong một bài được. Vậy nên sắp tới đây chắc mình sẽ làm 1 chuỗi bài xoay quanh/nảy sinh từ thanh niên này. Hy vọng anh em sẽ không cảm thấy bị bội thực 🐧

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.