Như mình đã nói trong bài review về A Canticle for Leibowitz, cái quyển này dù rất hay nhưng cũng nhồi Công giáo hơi nhiều, với đôi chỗ nếu không có kiến thức nền thì sẽ chẳng hiểu nó là cái thể loại gì luôn. Đại diện rõ nhất cho việc này sẽ là một cặp nhân vật xuất hiện ở đầu và cuối tác phẩm: ông lão lang thang/ăn xin và cô gái Rachel.
Lưu ý là bài này sẽ bắt buộc phải spoil truyện rất nặng, thế nên anh em cân nhắc trước khi đọc nhé.
Đầu tiên sẽ là nhân vật ông lão ăn xin. Nhân vật này xuất hiện từ rất sớm trong phần Fiat Homo, tức phần thứ nhất của truyện, và ban đầu lão không có gì đặc biệt cả. Lão chỉ đến để gây hài một tí, và sau khi giúp thúc đẩy một sự kiện quan trọng trong cốt xảy ra thì gần như biến mất hút luôn. Mới đọc vào, hẳn sẽ không ít anh em nghĩ lão này chỉ là một cái plot device thú vị, chứ không để tâm nhiều lắm đến lão. Nhưng càng vào sâu trong truyện, càng có lắm tình tiết rất quái dị liên quan đến cái lão này tòi ra, khiến độc giả không khỏi băn khoăn về bản chất thực của cái lão này.
Trong lần đầu tiên xuất hiện, ta thấy lão khắc một số dấu kỳ lạ lên một hòn đá, và từ đó tình cờ giúp tu viện khám phá ra cả một kho tài liệu quý giá liên quan đến Leibowitz, một nhân vật bấy giờ đang được tu viện nỗ lực nhờ Giáo hội phong chân phước. Vị sư tiếp chuyện lão chẳng hiểu cái dấu đấy là cái gì, và ban đầu cứ tưởng là dấu phù thủy hay cái gì đó tương tự. Nhưng đấy hóa ra lại là hai ký tự Do Thái, đại diện cho chữ “L” và âm “Tz,” đúng từ đầu và âm cuối của “Leibowitz.”
Vấn đề là Leibowitz đã chết cách đây gần 600 năm, và lúc khắc hai cái chữ đấy, lão kia đúng lý ra chẳng thể biết Leibowitz là ai cả.
Bên cạnh đó chỉ một người duy nhất tại tu viện Dòng Thầy Tu Albert Thánh Leibowitz từng gặp gỡ lão, còn đâu cả tu viện không biết cái lão này trông như thế nào hết. Nhưng quái đản thay, nhiều năm sau, lúc một tu sĩ khác tại viện đẽo một bức tượng tôn vinh Leibowitz, vị tu sĩ từng gặp lão già kia thấy bức tượng có một nét gì đó rất quen. Ông không chỉ ra chính xác nổi cái sự quen quen đó là gì, ngoài việc nó gợi cho ông nhớ đến một điệu cười “hờ hớ,” mặc dù ông cũng chẳng nhớ ai là người đã cười cái kiểu đấy.
Trong khi đó, người đọc sẽ thấy giật mình lúc thấy cái chữ “hờ hớ” kia xuất hiện, bởi lẽ đó là điệu cười rất đặc sản của cái lão lang thang đấy. Cả quyển truyện không một ai cười như thế cả.
Sang đến phần sau, Fiat Lux, ta gặp một nhân vật khác tên là Benjamin Eleazar. Vì Fiat Lux xảy ra cách các sự kiện trong Fiat Homo hơn 600 năm, lão này theo đúng lý không thể nào là cái lão lang thang hồi trước được. Tuy nhiên, lão lại có cái kiểu cười “hờ hớ” ý hệt lão già lang thang từng xuất hiện 6 thế kỷ trước, và cũng sử dụng chữ Do Thái, chưa kể còn bảo mình trước đây từng là một kẻ “lang thang.” Bên cạnh đó, lão này cũng có cái kiểu điên khùng khó hiểu như lão lang thang hồi trước, tuyên bố mình đã sống được hơn 3200 năm nay rồi, và hiện đang chờ đợi một Đấng cứu độ bí ẩn nào đó xuất hiện, người từng bảo với lão “hãy tới.” Thậm chí giữa một bài giảng của Quý giả Taddeo, lão còn điềm nhiên xộc vào để săm soi ông này, sau đó thất vọng bỏ đi và nói Taddeo “không phải là ngài.”
Và sau đó, sang đến Fiat Voluntas Tua, phần cuối của truyện, chúng ta một lần nữa lại gặp một lão già xem chừng cũng là Do Thái khác. Lần này lão là một kẻ ăn xin, tự xưng mình là Lazarus, và lão… gần như biến mất hoàn toàn khỏi câu chuyện. Lão không làm một cái gì, không tham gia vào bất cứ hoạt động nào ngoài một lần giới thiệu bản thân, và sau đó chẳng thấy ai nhắc đến lão nữa. Nếu coi đây là sự nối tiếp của mạch truyện về hai nhân vật Do Thái già hồi trước, ta sẽ thấy cái lão này chẳng khác nào một ngõ cụt. Không một thứ gì được giải quyết, chẳng một tình tiết nào được lý giải hết. Câu chuyện mấy lão Do Thái đấy như thể bị vứt chỏng chơ, chẳng đi đến đâu cả.
Tuy nhiên, dù rằng không bị lão Do Thái nào làm loạn, Fiat Voluntas Tua vẫn chẳng thua kém gì hai phần trước trong khoản dị hợm. Chỉ có điều sự dị hợm của nó được một nhân vật mới toanh gánh: Rachel, một cái đầu thừa mọc trên vai của một người phụ nữ bị phóng xạ hạt nhân làm đột biến gen.
Cái đầu kỳ quái này theo đúng lý thì chỉ như một dạng ụ thịt thừa thôi, không có ý thức hay gì hết cả. Nhưng trong suốt phần này, cứ thi thoảng lại có người thấy cái đầu thừa như mỉm cười, hoặc loáng thoáng nghe thấy một lời nói khác thường phát ra từ cái bà đột biến kia, nhưng khi hỏi thì bà ta cũng ngơ ngác chẳng kém gì ai, bảo mình chẳng nói cái gì như vậy cả. Đến cuối truyện, khi nền văn minh nhân loại một lần nữa bị diệt vong bởi chiến tranh hạt nhân, cái đầu Rachel đấy bừng tỉnh hẳn, trong khi cái đầu “chính” của bà đột biến thì lại nhắm nghiền mắt bất động. Rachel bấy giờ đã trở thành một con người đầy đủ, và, như một tu sĩ bấy giờ đang hấp hối nhận thấy, mang trong mình một sự thuần khiết nguyên thủy còn cao hơn cả con người.
Anh em khi đọc vào sẽ thấy câu chuyện của mấy ông Do Thái và cô gái Rachel có vẻ rất rời rạc và lạc quẻ, đặc biệt khi đặt trong bối cảnh một tác phẩm Sci Fi hậu tận thế nhìn chung cực kỳ chân thực như A Canticle for Leibowitz. Tuy nhiên, nếu gạt bỏ góc nhìn Sci Fi đi và phân tích hai nhân vật này từ góc độ Công giáo, mọi người sẽ thấy họ đại diện cho một cái mạch ẩn rất thú vị.
Đầu tiên, ta cần đề cập đến giai thoại về Lazarus (hay “Eleazar” trong tiếng Do Thái), một tín đồ được Jesus yêu mến. Một ngày nọ, Lazarus đổ bệnh nặng, và chị Lazarus đã báo tin cho Jesus. Hay chuyện, Jesus phán rằng bệnh của Lazarus không đến nỗi phải chết, thế nên Người chờ mấy ngày rồi mới lên đường thăm Lazarus. Khi đến nơi, Jesus được báo là Lazarus đã qua đời được 4 hôm rồi, nhưng Jesus vẫn bình chân như vại. Người đến trước lăng mộ của Lazarus, và lệnh cho Lazarus rằng “Hãy tới,” và nhiệm màu thay, Lazarus bước ra khỏi mộ trong tình trạng khỏe khoắn, trên người vẫn còn quấn nguyên chiếc khăn liệm.
Giai thoại về Lazarus có cực kỳ nhiều điểm chung với mấy lão Do Thái. Dễ thấy nhất là tên của mấy lão ấy. Lão Do Thái trong phần 1 viết tắt chữ L và âm Tz (một cách phát âm tắt tiềm tàng của Eleazar), trong phần 2 lấy tên là Eleazar, trong phần 3 thì tự xưng hẳn là Lazarus. Bên cạnh đó, ta còn có việc cả ba lão này được ám chỉ là cùng một người, và nếu đúng thế thật thì tức là lão đã vượt qua được cái chết, một việc Lazarus từng làm được với sự trợ giúp của Jesus.
Ngoài ra, ta còn có một giai thoại khác cũng rất đang nêu lên, ấy là giai thoại về Lão Do Thái Lang thang.
Tương truyền, trong lúc đang phải mang thập tự giá trên đường đi đến nơi chịu khổ hình, Jesus có dừng lại nghỉ chân tại một thoáng. Một lão Do Thái đóng giày đã sút cho Jesus một phát, đồng thời chế nhạo rằng “Đi Nhanh lên, Jesus! Đi nhanh lên! Cớ sao ngươi lại làm biếng thế?” Bực mình, Jesus đã đáp rằng “Ta sẽ đứng nghỉ chân, song riêng ngươi sẽ phải đi tiếp cho đến ngày cuối cùng.” Đây hóa ra lại là một lời nguyền, và kể từ đấy, lão Do Thái kia trở nên bất tử, vĩnh viễn phải lang thang nay đây mai đó, chờ đợi sự trở lại của Chúa Jesus.
Hình mẫu nhân vật đó rất khớp với những gì ta biết về (mấy) lão Do Thái của truyện. Lão này cũng Do Thái, cũng bất tử, và xuyên suốt truyện, lão liên tục hoặc trực tiếp đóng vai người lang thang, hoặc nhắc đến việc mình từng được gọi là một kẻ lang thang. Đặc biệt là ở trong phần hai. Lão tuyên bố mình đã sống được hơn 3200 năm, và vì bấy giờ đang là thế kỷ 32, điều này chứng tỏ lão là người cùng thời với Jesus. Thêm nữa, việc lão cứ trông ngóng chờ đợi một đấng cứu độ cũng rất giống với những gì Lão Do Thái Lang thang phải làm sau khi đã xúc phạm Jesus.
Mấy cái giai thoại này nghe kể cũng hay đấy, nhưng chúng nó cùng lắm chỉ như một dạng Easter Egg thôi, chứ chưa đại diện cho cái mạch nào hoàn chỉnh cả. Để nhìn thấy được toàn mạch, ta phải tạm bỏ lão Do Thái ở đấy và quay sang một nhân vật khác: Rachel.
Theo điển Công giáo, Rachel là một trong hai người vợ của Jacob (tổ phụ thứ ba của dân Israel), và là mẹ của Joseph và Benjamin, hai trong số mười hai tổ tiên của các bộ tộc Israel. Lúc sinh ra Benjamin, Rachel gặp nhiều khó khăn, và bà qua đời gần như ngay sau khi Benjamin chào đời. Về sau, khi các bộ lạc hậu duệ của Joseph và Benjamin tại Jerusalem bị quân Assyria bắt làm tù nhân chiến tranh và được quy tụ lại ở Ramah trước khi chuyển về thủ đô, người ta có thể nghe thấy tiếng Rachel khóc thương cho những đứa trẻ của mình.
Bên cạnh việc Rachel xuất hiện cũng vào đúng lúc nhân loại đang gặp cảnh tang thương (mỗi tội trong lần xuất hiện này, Rachel không khóc thương gì cả), ta còn có thể thấy nhân vật có một sự dính líu đến lão Do Thái. Như đã nói ở trên, lão Do Thái từng tự xưng mình tên là Benjamin, và tình cờ thì Benjamin lại chính là đứa con cuối cùng của Rachel. Ngoài đó ra, trong điển gốc, khi Benjamin xuất hiện thì Rachel rời đi, không còn chung “sân khấu” với nhau nữa. Một điều tương tự cũng xảy ra trong A Canticle for Leibowitz, ấy là lúc Rachel xuất hiện, lão Do Thái gần như biệt tăm biệt tích, luôn chẳng thấy xuất hiện gì nữa cả.
Nếu toàn bộ cái mạch về lão Do Thái này chỉ gói gọn trong việc đôi bên là mẹ con, và lão biến mất khi mẹ xuất hiện cho hợp điển thì xàm quá. Nhưng may mắn thay, đấy không phải là tất cả. Còn một điểm nữa về Rachel mà ta cần nhắc đến, ấy là nhân vật này không “chào đời” theo một cách bình thường.
Hãy nhớ, Rachel chỉ là một cục thịt vô tri trên vai một người phụ nữ, và phải tận gần cuối mới bắt đầu có ý thức. Nói cách khác, Rachel không sinh ra thông qua sự hợp nhất giữa nam và nữ, mà sinh ra chỉ từ một bà mẹ mà thôi. Và trong Công giáo có một cái điển cực kỳ nổi tiếng cũng xoay quanh việc một nhân vật được nguyên sinh như vậy: Chúa Jesus ra đời từ Trinh nữ Mary.
Nói cách khác, Rachel chính là Jesus tái sinh trong A Canticle for Leibowitz.
Bây giờ, xâu chuỗi tất cả những điển vừa rồi lại, ta đã có một mạch truyện rất rõ ràng. Lão Do Thái của truyện là một kẻ bất tử, dành cả đời chờ đợi sự tái xuất của Chúa Jesus. Lão lang thang suốt bao thế kỷ, gặp nhiều con người tuyên bố mình là những cột mốc trọng đại sẽ cứu độ cho nhân loại. Tuy nhiên, tất cả những con người ấy chỉ là phù du, chẳng ai thực sự là Đấng cứu độ cả, và thế là lão Do Thái cứ phải tiếp tục sống. Nhưng rồi vào thế kỷ 38, một nhân vật đặc biệt đã xuất hiện. Người ấy không phải là một bậc đế vương như Vua Hannegan, không phải là nhà bác học như Quý giả Taddeo, mà chỉ là một khối thịt đột biến mang tên Rachel. Dẫu thế, Rachel lại sở hữu một điều mà không ai khác trong nhân loại nắm giữ: sự thiện lành tinh khôi. Chính điều này đã biến Rachel thành Đấng cứu độ, và vì Đấng cứu độ đã quay trở lại, hành trình của lão Do Thái đã kết thúc. Lão đã tìm được thứ mình cần tìm, và từ đây không còn phải lang thang nữa.
Và như vậy, chỉ khi biết về mấy cái điển này thì ta mới thực sự hiểu được hành trình của lão Do Thái và về sau là Rachel là thế nào. Kiến thức ấy không thay đổi việc hai nhân vật này về bản chất khá hoang đường và khó hiểu khi được đặt trong bối cảnh của tác phẩm, nhưng ít nhất nó sẽ giúp ta cảm thấy câu chuyện được gói lại gọi ghẽ và mạch lạc hơn, chứ không đến nỗi quá loạn.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓