Bữa nay mình mới vớ được cái ảnh này, chế một cái meme trong giới lập trình là AI về cơ bản chỉ bao gồm một nùi câu lệnh If Else chập chung vào với nhau.
Trong trường hợp có anh em nào chưa biết, if else là một dạng lệnh điều kiện cực kỳ căn bản, dùng để thay đổi hành động của các chương trình nếu một điều kiện A nào đó đã được định trước trong “if” xảy ra. Nếu A xuất hiện, các lệnh bên trong if sẽ được thực hiện; ngược lại, nếu không có A, chương trình sẽ nhảy cóc các lệnh trong cái khung if kia, và chuyển sang thực hiện các lệnh trong else.
Ví dụ thế này cho dễ hiểu nhé: giả sử mình muốn viết chương trình điều khiển một con rôbốt, cho nó phản ứng trước động tác giơ tay chào hỏi của mọi người. Một mã lệnh đơn giản sử dụng if else sẽ đại khái thế này:
_____________________
If ($Tay_Chìa_Ra) {
⠀⠀ goto, ChìaTayBắtLấy;
}
Else {
⠀⠀Return;
}
Sub ChìaTayBắtLấy {
⠀⠀// Các hàm điều khiển cánh tay chìa ra bắt
}
_____________________
⠀
Ở đây, con rôbốt sẽ nhìn xem người đối diện có chìa tay về phía mình không. Nếu có, nó sẽ chìa tay bắt lấy tay mọi người. Nếu không, nó sẽ đứng im. Tuy nhiên, làm thế thì mọi hành động chìa tay sẽ đều bị con rôbốt chìa tay ra bắt lại cả, bất kể mọi người chìa kiểu giơ nắm đấm để cụng tay nhau hay chìa bàn tay xòe để bắt. Nhưng may một cái là mình sẽ có thể nhồi thêm một cái lệnh if nữa vào trong cái lệnh if ban đầu, để con rôbốt kiểm tra thêm điều kiện về nắm tay như sau:
_____________________
If ($Tay_Chìa_Ra) {
⠀⠀ If ($Tay_ nắm_đấm) {
⠀⠀⠀⠀goto, CụngTay;
⠀⠀Else {
⠀⠀⠀⠀ goto, ChìaTayBắtLấy;
⠀⠀ }
}
Else {
⠀⠀Return;
}
Sub CụngTay {
⠀⠀// Các hàm điều khiển cánh tay chìa ra cụng
}
Sub ChìaTayBắtLấy {
⠀⠀// Các hàm điều khiển cánh tay chìa ra bắt
}
_____________________
⠀
Bây giờ, con rôbốt sẽ soi xét hai điều kiện: người kia có chìa tay ra không, và nếu có thì chìa nắm đấm hay bàn tay xòe. Tùy trường hợp mà nó sẽ có cách phản ứng khác nhau.
Mọi người có thể tiếp tục nhồi hàng đống mã lệnh như thế vào giữa (của cả if lẫn else), tạo thành một nùi if else kéo dài bất tận và có hàng bao lớp lang. Càng nhiều if else thì sẽ càng bao phủ được nhiều trường hợp, và trên lý thuyết, nếu tụ được đủ nhiều lệnh if else, mọi người sẽ dạy được con rôbốt kia cách phản ứng với mọi thứ trên đời, hết như chính chúng ta vậy. Xin chúc mừng, mọi người đã tạo ra được AI rồi đấy!
Mỗi tội con này là “A lot of If,” chứ không hẳn là “Artificial Intelligence” 🐧.
Dẫu rằng cái trò if, if nữa, if mãi này cực kỳ thiếu hiệu quả và kém linh hoạt trong phát triển AI, mọi người sẽ vẫn có thể dùng nó tạo ra một dạng mô phỏng trí thông minh khá thuyết phục, lừa được đại đa số người thường, thậm chí đáp ứng được một số nhu cầu cơ bản. Trên thực tế, cái trường hợp này cũng hay được đưa ra trong các cuộc bàn luận xung quanh trí thông minh nhân tạo, nhằm xác định xem lằn ranh công nhận một con AI là thông minh phải nằm ở đâu.
Tình cờ thì một phiên bản tương tự như thế đã được sử dụng trong một cuốn Sci Fi mình mới review gần đây. Cơ chế hoạt động của “trí thông minh” đấy chắc dùng thứ gì phức tạp hơn if else thần chưởng, nhưng nguyên lý nền thì nhìn chung giống y sì. Cuốn đó là Blindsight.
Trong Blindsight, ta có một nhóm người bay đến gần một vật thể ngoài hành tinh lạ, có khả năng là tàu vũ trụ. Lúc gần đến nơi, họ chợt nhận được liên hệ từ phía cái vật thể ấy, cho thấy đây là vật có người điều khiển, và họ muốn nói chuyện với nhóm người Trái Đất. Vì đám người ngoài hành tinh kia đã theo dõi các kênh liên lạc của con người một thời gian rồi, họ có thể sử dụng được ngôn ngữ loài người. Nhóm loài người để nhà ngôn ngữ của mình đứng ra trao đổi với bên kia, với hy vọng sẽ bới được thông tin gì đó về mục đích của đám đấy.
Đối với các thành viên không phải dân ngôn ngữ, họ thấy bọn người ngoài hành tinh này ăn nói cực kỳ trôi chảy, thành thạo. Mọi cuộc trò chuyện diễn ra đều rất tự nhiên và hợp lôgic, và bên kia cũng có vẻ muốn tìm hiểu thêm về loài người. Tuy nhiên, cái cô chuyên viên ngôn ngữ chịu trách nhiệm liên lạc thì cực kỳ khó chịu, bởi lẽ cô này không tài nào moi được gì hữu ích từ đám người đối thoại với mình cả. Cô ta thậm chí còn đã ví những gì đôi bên cùng làm chẳng khác nào tái diễn lại cuộc trò chuyện giữa Jesus và Tổng trấn Pilate.
Trong trường hợp có anh em nào chưa biết, Jesus từng có lần bị Pilate hạch hỏi chuyện dân Do Thái có nên nộp thuế cho Caesar không. Nếu Jesus trả lời họ phải nộp thuế theo đúng luật, Người sẽ bị coi là kẻ phản bội lại đồng bào Do Thái, nhưng nếu Jesus nói không được nộp thuế, thì Người sẽ bị coi là làm phản Đế quốc La Mã. Nhận thức rất rõ điều ấy, Jesus đã trả lời rằng cái gì thuộc về Caesar thì hãy trả cho Caesar, còn cái gì thuộc về Chúa thì hãy trả cho Chúa.
Đấy là một lời đáp rất khéo, vừa trên lý thuyết trả lời đúng câu được hỏi, vừa không đẩy bản thân vào thế nhún nhường, vừa giữ được hòa khí với cả đôi bên. Tuy nhiên, xét trên góc độ thông tin, câu trả lời của Jesus chẳng cung cấp được gì hữu ích hết. Nó đúng ngữ pháp, hợp văn cảnh, nhưng về cơ bản vô dụng.
Mới đầu, nhà ngôn ngữ kia chỉ nghĩ bọn này cũng như Jesus, trả lời vòng quanh để ém thông tin, không muốn loài người biết quá nhiều về mình. Xét cho cùng, bản thân cô ta cũng đang làm điều y hệt: lựa từ thật cẩn thận, sao cho nghe có vẻ giống đang chia sẻ về bản thân, nhưng kỳ thực không tiết lộ điều gì đám người ngoài hành tinh này chưa biết hết. Song lúc nói chuyện qua lại một hồi, cô ta bắt đầu sinh nghi. Cô thử “gài bẫy” một số câu, đặt vào trong đấy những từ mang tính mơ hồ về ngôn ngữ. Ví dụ như một cuộc trò chuyện giữa họ diễn ra thế này:
Nhà ngôn ngữ: “Anh em họ của chúng tôi nói dối về cây gia phả, […] kèm cả cháu gái và cháu trai và bọn Neanderthal. Anh em mà nhũng nhiễu là không được.”
Bọn người ngoài hành tinh: “Cho chúng tôi biết thêm về cái cây kia đi.”
Cú pháp của mấy câu nhà ngôn ngữ đấy nói ra chứa đựng mấy điểm mập mờ, khiến nó có thể hiểu theo nhiều nghĩa (cháu gái, cháu trai, và Neanderthal là một phần thông tin mà đám anh em họ kia nói dối về, hay họ là những người đồng lõa nói dối cùng với đám anh em họ? Ở đây nhũng nhiễu anh em là muốn nói đến những người họ hàng mang bản tính nhũng nhiễu, hay chỉ hành động gây nhũng nhiễu cho các anh em?). Đám người ngoài hành tinh sẽ phải hỏi để làm rõ mấy cái này, nếu chúng quả thực muốn móc thông tin từ phía con người.
Nhưng không, chúng hỏi một câu vu vơ về cái cây phả hệ.
Đấy chỉ đơn thuần là một câu hỏi tiếp nối, nhằm kéo dài cuộc trò chuyện, chứ không phải để xác minh thông tin. Căn cứ vào đó, cô chuyên viên ngôn ngữ kia đã đoán ra được bản chất của kẻ mình nói chuyện cùng, và tiếp theo thì chuyện này xảy ra:
_____________________
“Cô chưa đả động gì đến bố mình cả.” Rorschach nhận xét (ghi chú: Rorschach là cái tên tự xưng của nhân vật ngoài hành tinh).
“Đúng rồi, Rorschach à,” Sascha nhẹ nhàng thừa nhận (Ghi chú: Sascha là nhà ngôn ngữ học, hay ít nhất là một tính cách của cô này), hít một hơi…
Và dấn tới trước.
“Vậy mời ông anh bú con c*c lông lá to đùng nhà em đi nhá.”
Cả phòng tức thì im phăng phắc. Bates và Szpindel trợn mắt, miệng há hốc. Sascha ngắt kênh liên lạc và quay mặt về phía chúng tôi, miệng cười rộng toét đến độ tôi cứ đinh ninh nửa đầu của cô ta sẽ rụng phịch xuống.
“Sascha,” Bates thì thào. “Cô điên rồi à?”
“Tôi mà có điên thật thì đã làm sao? Điều ấy không quan trọng. Nó có hiểu tôi đang nói cái quái gì đâu.”
“Hả?”
“Nó thậm còn chẳng hiểu lời lẽ mình phun ra để đáp lại nữa là,” cô nói thêm.
“Gượm hẵng. Chính cô đã bảo… Susan (ghi chú: Susan là một nhân cách khác của cái cô Sascha kia, vì cô này mắc bệnh tâm thần đa nhân cách) bảo rằng chúng không phải là vẹt. Chúng biết các quy tắc.”
Và Susan chợt xuất hiện, trồi lên cầm cương: “Ừ, tôi đã nói thế đấy, và chúng quả nắm rõ luật thật. Nhưng biết so khớp mẫu không đồng nghĩa với thấu hiểu đâu.”
Bates lắc đầu. “Ý cô là cái thứ chúng ta nãy giờ tiếp chuyện… nó thậm chí còn không có trí thông minh ấy à?”
“Ồ, chắc chắn vẫn có khả năng nó thông minh đấy. Nhưng cái kiểu nói chuyện giữa ta và nó chẳng có tí nghĩa lý nào hết.”
“Vậy nó là gì? Hộp thư thoại à?”
“Thực ra,” Szpindel chậm rãi nói, “tôi nghĩ người ta gọi đây là Căn phòng tiếng Trung...”
_____________________
⠀
Căn phòng tiếng Trung mà nhân vật Szpindel đề cập đến ở đây chính là một dạng “A lot of If” được nhắc đến trong phần trên. Nó xuất xứ từ một thí nghiệm tư tưởng do John Searle nêu ra trong một bài báo mang tên Minds, Brains, and Programs, xuất bản trên tạp chí Behavioral and Brain Sciences hồi thập niên 1980. Cụ thể hơn, nội dung cái thí nghiệm này là như sau:
Anh em cứ tưởng tượng rằng mình ở trong một căn phòng đóng kín với một cái khe, và sẽ có một người Trung Quốc bên ngoài tuồn những mảnh giấy viết chữ Trung Quốc vào trong phòng qua cái khe đấy. Mọi người mù tiếng Trung hoàn toàn, và những gì ghi trên tờ giấy nhìn chung chẳng khác nào mấy con giun ngoằn ngoèo vô nghĩa với mọi người. Trên lý thuyết, mọi người sẽ không tài nào hiểu được mẩu giấy đấy chứa đựng cái gì, và sẽ không thể trò chuyện với người ngoài phòng.
Tuy nhiên, khắp xung quanh mọi người là hàng đống hộp đựng các con dấu được dán nhãn riêng biệt, triện đủ mọi chữ Trung Quốc trên đời. Mọi người còn có một quyển cẩm nang ngay bên tay, bên trong là các quy luật rất chi tiết, hướng dẫn mọi người cách xếp các con chữ đấy vào với nhau. Đáng chú ý là quyển cẩm nang không hề giải thích gì về tiếng Trung hết, nó chỉ hướng dẫn mọi người cách nhìn ra các mẫu dạng, và khi gặp mẫu dạng nào thì lấy những con dấu nào và cộp theo trình tự nào thôi.
Ví dụ, nó sẽ bảo là khi thấy mấy “con giun” hình A, B, C, xếp theo trình tự 1, 3, 2, hãy lấy con dấu dán nhãn X, Y, Z, cộp lên giấy theo thứ tự 2, 1, 3, sau đó đưa trả ra ngoài. Mấy cái luật đấy kỳ thực chính là ngữ pháp, và nếu bám theo đúng nó mà làm, mọi người sẽ có thể trò chuyện với người Trung Quốc ở bên ngoài căn phòng một cách rất tự nhiên.
Như anh em có thể thấy, trong suốt cuộc trò chuyện này, mọi người hoàn toàn chẳng hiểu mình đang làm cái gì hết. Nó cũng giống như mọi người lật úp hết mọi mảnh của một bức tranh xếp hình xuống, không nhìn vào hình in trên đấy, mà chỉ xem các đường viền của chúng nó tạo thành các mảng trồi ra thụt vào thế nào, và từ đấy cứ ráp lại với nhau thôi. Mọi người rốt cuộc sẽ ráp được một bức tranh hoàn chỉnh, nhưng hoàn toàn chẳng biết cái bức tranh đó thể hiện điều gì. Điều mọi người làm là xác định mẫu dạng bằng lôgic, sau đó tìm một thứ tương ứng với nó và tuồn ra ngoài, không hơn không kém. Nếu cái quyển cẩm nang hướng dẫn xác định mẫu dạng của mọi người đủ chi tiết và dễ tuân theo, mọi người thậm chí còn sẽ làm anh người Trung Quốc bên ngoài đinh ninh mình đang nói chuyện với một người biết tiếng Trung khác, bởi vì câu trả lời nhận được không có gì bất thường cả.
Và nếu cảm thấy cái này sao mà giống bài thử Turing đến lạ, thì anh em nhìn ra vấn đề rồi đấy: Căn phòng tiếng Trung là ví dụ để Searle phản biện lại cái phép đo độ thông minh mà Alan Turing đã đề ra, chứng minh rằng ngay cả khi máy tính có làm được những việc khiến ta không cách nào phân biệt nổi nó với con người, nó vẫn không thể được coi là “thông minh,” bởi vì tất cả những gì nó làm là bám theo một bộ quy tắc nhận diện mẫu dạng mà làm. Từ đấy, Searle bảo rằng máy tính vượt qua được bài thử Turing kỳ thực chỉ chứng minh nó giỏi mô phỏng trí thông minh, chứ không thực sự sở hữu trí thông minh. Loại AI đấy được ông gọi là “AI yếu,” còn một con AI thực sự thấu hiểu việc mình làm sẽ được coi là “AI mạnh.”
Vậy là anh em biết thuật ngữ chuyên môn dành cho AI phiên bản “A lot of If” là gì rồi đấy 🐧.
Đáng chú ý là một con AI yếu không đồng nghĩa với một con AI vô dụng, và Blindsight cũng chỉ ra rất rõ điều này. Trong trường hợp cuộc trò chuyện giữa nhóm người Trái Đất và con tàu vũ trụ kia, dù phía người ngoài hành tinh không thu được thông tin gì hữu ích, đám bọn chúng vẫn câu giờ được rất lâu, khiến phe Trái Đất cứ lần chà lần chần mãi bên ngoài, không dám xông vào, trong khi bọn ngoài hành tinh thì có thêm thời gian để làm… gì đó. Ngay cả khi nhóm người Trái Đất đã đề ra giả thuyết Căn phòng tiếng Trung và quyết định tiến vào rồi, họ vẫn mấy lần suýt nữa hủy toàn bộ nhiệm vụ, bởi vì cái hệ thống AI đấy nó nhận diện mẫu dạng giỏi phi thường, và đưa ra những lời dọa nạt làm lung lay tinh thần cả đám kinh khủng.
Lúc an toàn vào đến nơi, đội Trái Đất có cơ hội suy ngẫm lại về cái con AI này, và rút ra kết luận là đây là một chiến thuật phòng vệ khá hiệu nghiệm. Có thể con tàu họ đột nhập là một dạng “trứng,” cần thời gian phát triển thêm thì mới tự lực cánh sinh được. Trong lúc nó còn đang dễ bị tấn công như vậy, con AI kia sẽ giả bộ như cái tàu rỗng này rất gì và này nọ, dọa cho mọi thức sống thông minh có thể tò mò đến thọc ngoáy với con tàu bỏ chạy. Nó không đời nào hiểu được hết mọi ngôn ngữ của các nền văn minh trong vũ trụ, nhưng nếu cứ quan sát các quy luật trong ngôn ngữ của nền văn minh sở tại, nó sẽ vẫn xoay xở vẽ ra được một ảo ảnh hết sức chân thực, và sẽ câu được đủ lâu cho cái thứ bên trong con tàu, bất kể đấy có là gì, phát triển toàn vẹn.
Thậm chí, Blindsight còn cho phía loài người có một nhân vật cũng chẳng khác gì một con AI yếu hết, từ đấy khiến ta càng nghĩ sâu thêm về bản chất của trí thông minh, cũng như sự khác biệt giữa AI và loài người. Nhân vật đấy là Siri Keeton, một kẻ bị rối loạn nhân cách chống xã hội (tức “sociopathic”).
Thanh niên này hoàn toàn không có khả năng đồng cảm với bất kỳ ai hết, không cách nào nhận diện nổi cảm xúc của người khác là gì, nhưng vẫn có thể phản ứng rất hợp nhẽ nhờ dựa vào “tô pô” của người ta. Tô pô là là mô hình biểu diễn các cấu trúc liên kết giữa các thành phần trong một hệ thống, và theo cách sử dụng của Siri, tô pô là sự tổng hợp của những cái cau mày, nhếch môi, tông giọng nói, nhịp chớp mắt,… Mỗi một tổ hợp như thế cấu thành một mẫu dạng riêng biệt, và Siri ghép cái mẫu đấy vào với một phương án phản ứng riêng bên trong một cơ” sở dữ liệu” đã được đồng chí này hình thành từ hồi nhỏ đến giờ. Rốt cuộc, dù có chẳng hiểu người đối diện đang cảm thấy cái gì, anh ta vẫn có thể thực hiện đúng những gì người ta kỳ vọng ở mình, như thể ông anh “đồng cảm” được với người khác vậy.
Nói cách khác, thanh niên đã tự xây dựng một hệ thống giống “A lot of If” đến rợn người để hoạt động trong xã hội.
Ngay cả công việc của cái anh này cũng liên quan đến việc sử dụng so khớp mẫu thế kia luôn. Thanh niên là một Synthesist, chịu trách nhiệm quản lý thông tin. Ông anh sẽ quan sát và ghi nhận thông tin do các chuyên gia cung cấp, sau đó “dịch” chỗ thông tin đấy sang một thứ vừa đủ dễ hiểu cho những bên không chuyên khác nghe, trong khi đảm bảo sự thất thoát thông tin chỉ có ở mức tối thiểu. Đáng chú ý là thanh niên chẳng hiểu gì về những thứ mình “phiên dịch” hết, mà chỉ sử dụng thuyết thông tin, xác định các mẫu dạng trong khối thông tin mình nhận được và chuyển dịch chúng nó sang các mẫu dạng tương ứng khác.
Dùng lại cái ví dụ về Căn phòng tiếng Trung bên trên, Siri sẽ là người ngồi trong căn phòng đấy. Chỉ có điều lần này căn phòng sẽ có hai khe, nằm trên hai tường đối diện với nhau. Bên cạnh đó, thay vì các con dấu triện chữ Trung, phòng chứa toàn các dấu triện chữ Thái, và quyển cẩm nang được cập nhật để giúp Siri quy đổi các mẫu dạng tiếng Trung sang mẫu dạng tiếng Thái.
Khi một văn bản tiếng Trung được tuồn vào qua một khe, Siri sẽ tra quyển cẩm nang và xác định mẫu như trước, sau đó lấy các con dấu phù hợp và cộp chúng theo một trình tự như đã định trong sách. Lúc xong xuôi, ông anh mang thành phẩm sang đầu bên kia, và tuồn nó ra ngoài cho một ông người Thái ở đầu bên đấy. Vậy là Siri đã “dịch” thành công một văn bản tiếng Trung sang tiếng Thái, giúp hai con người ngoài phòng giao tiếp hiệu quả với nhau, bất chấp không hiểu gì về cả hai thứ tiếng.
Sự tương đồng giữa Siri và một con AI yếu này đã gợi mở cho khá nhiều cuộc trò chuyện trong Blindsight, xoay quanh việc nếu một con AI có thể mô phỏng trí thông minh một cách điêu luyện đến vậy, việc nó có thông minh thật sự hay không liệu có còn nghĩa lý gì nữa không. Bản thân cái chất “dị” của Siri cũng mấy lần được mang ra bàn luận, với một nhân vật thậm chí còn nói Siri về cơ bản cũng có khả năng đồng cảm như bất kỳ con người “bình thường” nào khác, chỉ có điều ông anh phải đi phiên dịch tô pô hơi lòng vòng một tí thôi. Nhưng nếu kết quả ra giống nhau, phương pháp thực hiện nào có quan trọng gì?
Thật thú vị là thanh niên này lại còn được đặt tên là Siri, tận nửa thập kỷ trước khi một thứ cùng tên cũng hay bị đem ra meme là AI xuất hiện 🐧.
***
Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.
↓