Chuyển đến nội dung chính

Một lựa chọn ngớ ngẩn trong Rendezvous with Rama và cách cải thiện nó


 Trong bài review về Rendezvous with Rama, mình có nhắc đến việc đây không phải là lần đầu tiên bản thân đọc cuốn này. Nhìn chung thì trong lần đọc này, mình thấy ưng ý với gần như mọi khía cạnh của Rendezvous with Rama hơn hẳn hồi trước, bởi vì đã biết phải tiếp cận nó theo kiểu gì rồi. Tuy nhiên, có một tình tiết trong truyện lần này mình lại không tài nào ngửi nổi, trong khi hồi trước thì lại rất khoái. Tình tiết ấy là một hành động đầy “cao thượng” mà đội ngũ lên thám hiểm Rama đã thực hiện ở gần cuối truyện.

Cụ thể thì sự tình như sau.

Một ngày đẹp trời nọ, Rama, một con tàu vũ trụ khổng lồ, đã chường mặt vào hệ Mặt Trời. Liên hiệp các Hành tinh (tức chính quyền đương thời của toàn bộ nền văn minh loài người) đã nhất trí phái một con tàu tên Endeavour lên đấy thăm dò nó. Trong quá trình thám hiểm Rama, phi hành đoàn Endeavour gặp rất nhiều kỳ quan kỹ thuật mới lạ, nhưng tuyệt không thấy bóng dáng một sinh vật sống nào hết. Rốt cuộc, căn cứ vào các bằng chứng thu được, phía loài người rút ra kết luận rằng Rama là một con tàu hoang. Những người chế tạo Rama chắc đã tính toán nhầm nhọt sao đó, và đã qua đời sạch trước khi con tàu đến được nơi đây, và giờ tàu chỉ đang tự động chạy theo một hành trình đã định sẵn từ trước.

Nói cách khác, Rama về cơ bản là một nấm mồ lớn. Nó có ý nghĩa hết sức to lớn về mặt khảo cổ học với cả nghiên cứu kỹ thuật đấy, nhưng nhìn chung không đại diện cho vấn đề đáng ngại nào hết.

Tuy nhiên về sau, đội ngũ Endeavour lại khám phá ra một số thứ mới, khiến cho giả thuyết trên trở nên lung lay. Họ phát hiện ra rằng trên Rama tồn tại một loạt nhà máy, có thể tận dụng các nguyên liệu cả hữu cơ lẫn vô cơ trữ trong môi trường tàu để chế tạo ra những tạo vật nửa sinh học, nửa cơ học, một đám “biot” (viết tắt của “bio-robot,” tức “rôbốt sinh học”). Lũ biot cũng khá thông minh, nhưng chỉ trong một giới hạn nhất định. Chúng chỉ đủ khôn để thực hiện một số công việc bảo dưỡng tàu linh tinh thôi, đại khái kiểu một phiên bảo máy hút bụi roomba cao cấp ấy, chứ không thể nào là chủ nhân đích thực của Rama được.

Phần đông giới chức trách cũng như các nhà khoa học đều cảm thấy thích thú trước sự hiện diện của lũ biot này, nhưng cũng có một bộ phận nhỏ bắt đầu trở nên bất an. Bọn biot cho thấy Rama hoàn toàn có khả năng tạo ra sự sống, và bất chấp thành phẩm hiện thời nó sản xuất được không thông minh cho lắm, chẳng ai biết công năng của mấy nhà máy đó khủng cỡ nào. Hoàn toàn có khả năng sau khi Rama được bọn biot bảo trì tươm tất rồi, mấy nhà máy kia sẽ bắt đầu cho xuất xưởng những thực thể thông minh hơn, những “người Rama” chính hiệu. Khi ấy, Rama sẽ trở thành một thế lực chính trị mới, và đến lúc này thì chẳng ai có thể nói trước điều gì sẽ xảy ra cả.

Vì tính tới nay, Rama bay theo một quỹ đạo sẽ đưa nó đâm thẳng vào Mặt Trời (hay ít nhất là một điểm sát xịt Mặt Trời), khả năng cao Thái Dương Hệ của loài người là điểm đến cuối cùng của họ. Nếu thế, họ chắc chắn cần một thứ gì đó từ nơi này, và kỳ vọng rằng thứ dân Rama lấy đi sẽ không gây ảnh hưởng gì đến nhân loại, hoặc thậm chí bản thân người Rama sẽ chẳng làm khó gì nhân loại, là sẽ rất ngây thơ. Đây là kết luận mà chính phủ Sao Thủy đã rút ra, và điều đó làm bọn họ lo sốt vó. Biết rằng nếu đem chuyện này ra bàn với Liên hiệp các Hành tinh thì mọt kiếp chẳng làm được gì, Sao Thủy đã quyết định tiền trảm hậu tấu: họ ngấm ngầm phóng một quả tên lửa hạt nhân lên vũ trụ, đón lõng Rama. Nếu Rama có động thái gì đáng ngờ, phía Sao Thủy sẽ kích hoạt quả tên lửa, hủy diệt Rama trước khi có chuyện chẳng lành.

Khi phát hiện ra vụ việc, tất thảy mọi người, cả những người ở nhà lẫn nhóm trên Rama, đều rất bức xúc, nhưng cũng lại lưỡng lự chẳng biết tính sao. Ngoài các khía cạnh quan hệ ngoại giao nhùng nhằng, lý lẽ của phía Sao Thủy cũng không phải không có lý. Dẫu đã thọc ngoáy Rama đủ kiểu, loài người vẫn gần như chẳng biết tí gì về cái con tàu đó hết. Không ai hiểu nó đến đây làm gì, và quan trọng nhất là thực lực ra sao. Nếu đây mà là một con tàu chiến do một chủng tộc có tà ý cử đến thì cả loài người cạp đất ăn vã mất. Có sẵn một con trọng pháo nằm chờ sẵn phòng bất trắc kể cũng an tâm hơn. Mỗi tội người cầm nút kích hoạt lại là Sao Thủy, một bên có truyền thống hơi bồn chồn tí, và cũng không loại trừ khả năng họ sẽ cẩn tắc vô ưu, cho quả tên lửa bắn thẳng vào Rama luôn kể cả nếu không thấy dấu hiệu nguy hiểm nào, và làm phung phí cơ hội ngàn năm có một.

Rốt cuộc, sau một hồi cân nhắc, đội ngũ Endeavour đã quyết định sẽ lén cho người bay ra quả tên lửa đó và vô hiệu hóa nó. Họ tin rằng phía Sao Thủy chỉ đang thần hồn nát thần vía, và nhỡ bên đấy bắng nhắng phá hủy Rama thì sau này nhân loại chắc sẽ muôn đời bị lương tâm cắn rứt mất. Và nhờ tận dụng độ trễ trong việc truyền tin từ Sao Thủy lên quả tên lửa, phía Endeavour đã thành công trong việc biến quả bom đấy thành một cục sắt vụn, đảm bảo không ai lỡ tay làm gì đáng hối hận.

Hồi đọc quyển này lần đầu, mình cũng thấy khá ưng cảnh đấy. Đó là phân cảnh kịch tính nhất trong truyện, mang chất phiêu lưu anh hùng rõ rệt. Nhưng trong lần lại này, khi đọc đến đoạn đấy, mình chỉ nghĩ được trong đầu một điều thế này: “Bruh, ông định rửa lương tâm bằng máu tôi, máu gia đình tôi, máu bạn bè tôi, cùng máu cả tỉ đồng loại khác của cả tôi lẫn chính bản thân ông đấy à?”

Quyết định của phía Endeavour được khắc họa qua một lăng kính rất tích cực. Tác giả Clarke đã cố gắng thêm thắt đủ thứ tình tiết khác để giúp biến hành động phi hành đoàn Endeavour thực hiện trông giống với một việc làm chính nghĩa cao thượng hơn, bao gồm để phía Sao Thủy quả thực đã hấp tấp định tìm cách sử dụng quả tên lửa luôn khi Rama vẫn chưa động thủ gì hết. Nhưng vấn đề là lo lắng của Sao Thủy hoàn toàn có cơ sở. Rama là một dấu chấm hỏi to đùng. Nó đại diện cho một nền văn minh với công nghệ đi trước loài người hàng trăm, có lẽ hàng nghìn năm, và sở hữu một thế giới quan có khi chẳng chung đụng gì với loài người hết. Và khi hai nền văn minh không tương thích chạm mặt, trong đó một thằng ưu việt gấp chục lần thằng còn lại, anh em đoán thử xem chuyện gì sẽ xảy ra? Chừng nào Rama còn tồn tại, chừng ấy sự tồn vong của toàn thể nhân loại còn trong vòng nguy hiểm. Và đánh đổi lấy việc phải sống dưới bóng một cái máy chém tiềm tàng như thế là gì? Là cơ hội nghiên cứu một kỳ quan công nghệ. Vâng, Rama đúng là đẹp và kỳ vĩ thật đấy, nhưng nó không thể nào đáng giá đến độ biện hộ nổi cho việc ném cả tỉ nhân mạng lên chiếu bạc như thế được.

Đáng chú ý là có một cách rất đơn giản để “chữa” tình tiết này: đừng để nó là hành động chỉ thuần túy nhằm bảo tồn một công trình kỹ thuật. Hãy đặt một thứ khác lên bàn cân, một thứ có sức nặng ngang ngửa vận mệnh loài người. Chẳng hạn, nếu Rama chở theo một chủng tộc thông minh nào đó, câu chuyện sẽ khác ngay. Lúc này, một câu hỏi triết lý thú vị sẽ nảy sinh, xoay quanh giá trị sinh mạng của hai dân tộc. Liệu ta có thể nhẫn tâm xóa sổ một giống loài chưa làm gì mình cả chỉ để bảo vệ mạng sống của bản thân không? Câu hỏi này càng khó phân định đúng sai hơn nếu ta cân nhắc đến việc Rama có khi còn chỉ tình cờ đi ngang hệ Mặt Trời của chúng ta chứ chẳng có ý định dừng chân ở đây làm gì hết, và có khi còn chẳng ý thức đến sự tồn tại của con người chứ đừng nói đến chuyện có tà tâm với ta. Với hàng bao sự mập mờ như vậy, quyết định thí mạng đồng bào của phía Endeavour sẽ trở nên dễ cảm thông hơn rất nhiều. Vâng, nó hẳn cũng sẽ gây tranh cãi đấy, nhưng trách thế nào được việc đoàn người trên Endeavour không cam tâm đứng nhìn một tội ác diệt chủng xảy ra, đặc biệt khi có khả năng tội ác ấy xuất phát từ một sự hoang tưởng?

Trên thực tế, từng có một tác phẩm khác áp dụng chính công thức ấy để biện minh cho hành động mang tính bóp ấy nhân loại tương tự, đó là Beacon 23 của Hugh Howey. Trong tác phẩm này, nhân loại đang tiến hành chiến tranh với một chủng tộc ngoài hành tinh hung tợn. Trong một trận giao tranh ác liệt, một đơn vị đã được giao phó nhiệm vụ phá hủy một khu tổ chiến lược của đám người ngoài hành tinh, và sau khi hứng chịu tổn thất nặng nề, một anh lính trong đơn vị đã lết được đến khu tổ đấy. Bằng cách cho nổ khu tổ này, anh ta sẽ giúp phía con người dành được một thắng lợi quyết định. Quan trọng nhất, mục tiêu chiến lược của trận đánh này sẽ được hoàn tất, và đơn vị của anh ta sẽ không còn lý do gì để tiếp tục nghênh chiến nữa. Chỉ với một hành động đơn giản thôi, anh sẽ giúp hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn nhân mạng không cần phải tiếp tục hy sinh nữa.

Nhưng anh ta không làm vậy, không cho nổ khu tổ, quyết định để máu đồng đội tiếp tục chảy.

Bởi vì sao ư?

Vì khu tổ đấy đầy nhóc trứng của đám người ngoài hành tinh, đầy những sinh mạng vô tội thậm chí còn chưa chào đời, và anh ta không thể máu lạnh tàn sát hết bọn chúng.

Đến gần cuối truyện, anh lính từng một lần chùn tay đấy lại phải đối mặt với một quyết định tương tự. Lúc bấy giờ, anh ta đã xuất ngũ, đi trực một trạm tín hiệu không gian, nhằm giúp tàu bè qua lại an toàn. Thế rồi một ngày nọ, một toán người ngoài hành tinh phản động đã liên hệ với anh ta, bảo rằng họ có thể khiến cuộc chiến đẫm máu này ngừng lại. Họ có thể hủy diệt toàn bộ hạm đội của mình, khiến phía mình tay không vũ khí, và buộc phải đi đàm phán hòa bình với con người. Tuy nhiên, không thể để một bên tay không, một bên súng ống lăm lăm ngồi nói chuyện với nhau được, và họ muốn nhờ anh ta giúp. Sắp tới đây, loài người sẽ điều một hạm đội chở 220 triệu lính qua khu anh ta trực. Nếu anh ta tắt máy phát của mình đi, hạm đội con người sẽ va vào thiên thạch và bị hủy diệt. Khi đấy, phe phản động ngoài hành tinh sẽ lập tức triển khai kế hoạch của mình, và hủy diệt hạm đội của bản thân.

Và bây giờ anh trạm viên phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn vô cùng: nghiến răng giết chết mấy trăm triệu đồng bào để đổi lấy cơ hội hòa bình cho bao thế hệ, hay nhắm mắt tha mạng những con người ấy và mặc cho hàng tỉ sinh linh trong vũ trụ chết trong bom đạn đây?

Cả hai tình cảnh anh lính của Beacon 23 lâm phải đều giống hệt bài toán phi hành đoàn Endeavour phải đối mặt trong Rendezvous with Rama. Tất cả đều có quá nhiều điểm mập mờ, và đòi hỏi phải lựa chọn giữa việc đe dọa tính mạng đồng bào và phục vụ một mục đích (có khả năng) cao cả hơn. Tuy nhiên, trường hợp của Beacon 23 dễ chấp nhận hơn gấp bội, vì giá trị đạo đức được đặt lên hai bên bàn cân của lựa chọn mang tính tám lạng nửa cân rất cao, dẫn đến việc anh lính chọn đáp án nào cũng chẳng trách được. Rendezvous with Rama thì lệch hẳn về một phía, khiến cho ta thấy rất rõ đâu là đáp án chuẩn rồi, và việc đoàn Endeavour không chọn cái đáp án đấy trông rất thối.

Thật đáng tiếc là Beacon 23 ra đời sau Rendezvous with Rama phải ngót nghét nửa thế kỷ, không thì Clarke đã có nguyên mẫu để nhìn vào rồi.

Mà thật ra, với cái kiểu dồn toàn lực buff phần khoa học cho truyện của Clarke, Beacon 23 có tồn tại hay không chắc cũng chẳng khiến ông anh thay đổi cách tiếp cận đâu 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.