Chuyển đến nội dung chính

Review Làn Sóng Thứ Năm của Rick Yancey (viết bởi Cáo Biển Non Xanh)


Tác giả: Rick Yancey. Dịch giả: Ashley Nguyễn, Ace Lê

Thể loại: Phiêu lưu mạo hiểm, giả tưởng, hậu Tận Thế, dành cho tuổi thiếu niên

Mức độ ưa thích: 8/10

.

.

Làn Sóng Thứ Nhất: Bóng tối.

Làn Sóng Thứ Hai: Hồng thủy.

Làn Sóng Thứ Ba: Đại dịch.

Làn Sóng Thứ Tư: Kẻ Chặn Tiếng.

Làn Sóng Thứ Năm là gì?

Cô gái 16 tuổi một tay cầm con gấu bông cũ rách bụi bặm, tay kia cầm khẩu súng M16 đứng giữa khung cảnh hậu Tận Thế đổ nát tan hoang. Chỉ tưởng tượng thôi Biển cũng phần nào hình dung được mức độ đau thương của hình ảnh ấy, nhưng không hiểu sao Biển còn cảm thấy hình ảnh ấy thật đẹp, thật nên thơ và kiên cường.

Cassiopeia Marie Sullivan lẽ ra là một thiếu nữ bình thường với gia đình nhỏ êm ấm gồm cha, mẹ và em trai Sammy; là một nữ sinh bình thường ở trường trung học với bạn bè và một chàng hot boy mà cô thầm để ý. Cuộc đổ bộ và xâm chiếm của bọn Ngoại Nhân đã khiến dân số thế giới giảm từ 7 tỷ người xuống còn vài trăm ngàn, chia tách và phá vỡ tất cả mọi điều quanh Cassie, quăng cô vào một thế giới hỗn mang tàn bạo nơi cô phải tự sinh tồn trong rừng, phải giữ khư khư khẩu súng bên cạnh ngay cả khi đang ngủ, và không có giấc ngủ nào của cô còn được yên ổn nữa. Khi đang di chuyển chậm rãi với tất cả sự thận trọng, tại cửa ngõ vào một thành phố lớn, cô bị một Kẻ Chặn Tiếng bắn trúng.

130 trang đầu chưa hấp dẫn lắm, lẽ ra với thể loại phiêu lưu mạo hiểm + cốt truyện về hậu Tận Thế thì bầu không khí trong sách phải rất căng thẳng hồi hộp nhưng Biển cảm thấy dường như cách viết chưa đủ “độ chín” (xin lỗi tác giả vì nhận xét này), nhưng từ trang 130 trở đi thì mọi thứ dần thay đổi, truyện trở nên cuốn hút hơn, thôi thúc độc giả đọc một mạch đến cuối, rồi vừa luyến tiếc vừa tò mò với cái kết. “Làn sóng thứ 5” là cuốn đầu trong loạt truyện ba cuốn khoa học viễn tưởng của tác giả Rick Yancey về người ngoài hành tinh. Cuốn 2 là “Biển vô tận” (The Infinite Sea) và cuốn 3 là “Ngôi sao cuối cùng” (The Last Star) vẫn chưa được Nhã Nam xuất bản tiếng Việt. Tiki có bán cuốn 2 còn Fahsa bán cuốn 3, cả hai đều là phiên bản tiếng Anh. Đánh giá cá nhân của Biển thì bộ này có vẻ hay hơn bộ ba Gene Atlantis (tác giả A.G.Riddle).

Nói đến sự xâm lược của người ngoài hành tinh, “Làn sóng thứ 5” cũng khiến Biển nhớ đến những bộ phim thảm họa và phim về ET Biển từng xem, đặc biệt liên tưởng đến bộ ba cuốn “Dị chủng”, “Tàn thế” và “Đêm vĩnh hằng” Biển đọc gần đây. Bối cảnh hậu Tận Thế dường như là nguồn cảm hứng bao la cho các nhà văn và biên kịch. Bộ “Dị chủng” là tiểu thuyết trinh thám kinh dị khoa học viễn tưởng viết cho người lớn nên mức độ tàn khốc vượt hơn bộ “Làn sóng thứ 5” – vốn hướng đến đối tượng độc giả tuổi thiếu niên. Tuy vậy, cuốn “Làn sóng thứ 5” vẫn có sự cuốn hút riêng, gợi liên tưởng đến các bộ fantasy của tác giả Cassandra Clare mà Biển đã – đang mê mẩn.

Câu chuyện trong “Làn sóng thứ 5” sẽ được ưa thích bởi các độc giả chú trọng phần tình cảm lãng mạn hơn phần trinh thám và phiêu lưu mạo hiểm, vì diễn biến đúng kiểu các độc giả nữ mong muốn: nữ chính xinh đẹp dũng cảm, vượt qua đau thương để tồn tại, dù mất niềm tin nhưng không đánh mất trái tim lương thiện, gặp nạn và được cứu bởi một anh chàng đẹp trai như thần Apollo có đôi bàn tay ấm áp dịu dàng và khả năng chiến đấu thần sầu quỷ khốc khiến Ethan Hunt cũng phải ngậm ngùi nhận thua. Những yếu tố tình cảm đậm chất tiểu thuyết hư cấu đã góp phần làm dịu đi cốt truyện vốn nhiều bạo lực và lẽ ra đong đầy sự vô vọng. Ngoài ra, thỉnh thoảng vào những giây phút căng thẳng đến phát khóc (như đang băng bó cho người bị thương nặng) thì tác giả chêm vào vài câu hài hước tỉnh rụi khiến Biển không thể không bật cười. Viết truyện mà tác động được đến cảm xúc của người đọc thì coi như tác giả đã khá thành công rồi.

Chi tiết khiến Biển ấn tượng là phép so sánh mà tác giả sử dụng: Lấy một thanh sắt cao gấp đôi và nặng gấp ba lần tòa nhà Empire State rồi giơ lên lơ lửng trên bầu trời, thả nó xuống một trong những đường nứt gãy giữa các mảng kiến tạo (là các lớp đất đá cấu tạo nên vỏ Trái Đất), nó sẽ rơi xuống “với một lực lớn gấp một tỷ lần so với quả bom đã rơi xuống Hiroshima” và tạo nên động đất + sóng thần đủ lớn để xóa sổ hết các thành phố lớn, đồng nghĩa với xóa sổ nền văn minh loài người.

Trong truyện này nói rằng một trong những đặc điểm của việc bị người ngoài hành tinh xâm chiếm là tiếng Rền – tiếng ồn từ cuộc sống hiện đại của loài người – hoàn toàn biến mất, Trái Đất như trở lại thời Đồ Đá. Tuy hiểu rằng Tận Thế là một chuyện kinh khủng không ai mong muốn (phải không, hay còn tùy kiểu tận thế nào?) nhưng Biển cho rằng mình thích việc tiếng Rền bị biến mất. Càng có tuổi, Biển càng mơ ước một không gian sống yên tĩnh, không bị tràn ngập ánh sáng và tiếng ồn, nhưng nếu vẫn muốn sinh hoạt trong môi trường vô cùng tiện lợi của đô thị lớn thì không thể mơ tưởng hão huyền đến sự yên tĩnh được.

Bìa sách được thiết kế dựa trên hình thật trong bộ phim chuyển thể từ cuốn sách này, Biển thắc mắc sao không đưa cả hai hot boy trong truyện vào bìa để hình cuốn hút hơn 😉 Sách được dịch thuật ổn, tuy hai người dịch nhưng vẫn có sự nhất quán. Phần trình bày đẹp, không có lỗi chính tả hoặc lỗi in ấn, cỡ chữ to đúng kiểu Biển thích. Tuy đối với mọt trinh thám như Biển thì cuốn này hơi nhẹ nhàng nhưng vì cốt truyện hay nên nếu hai cuốn tiếp theo được xuất bản tiếng Việt thì Biển nhất định sẽ mua đọc.

(Sea, 24-11-2019)

Bản nhạc thích hợp để nghe khi đọc truyện này:

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.