Chuyển đến nội dung chính

Trình Tâm và một số nhân vật "xẻ đôi" fan trong SFF

 Bài về Tử Thần Sống Mãi của một bạn hồi sáng nay làm mình nhớ đến việc cuốn này sở hữu một điểm rất nổi trội so với 2 phần còn lại của series. Điểm ấy chính là nhân vật của nó.

Cụ thể hơn, chẳng một cuốn nào trong trilogy lại có nhân vật với khả năng chẻ đôi cộng đồng fan mạnh như cái thằng Tử Thần Sống Mãi này.

Và kẻ cầm rìu bổ đôi cộng đồng không ai khác ngoài Trình Tâm, nhân vật chính của truyện.


Thanh niên Trình Tâm trong truyện được viết theo một kiểu rất dễ gây ức chế. Đồng chí không phải là hạng ngớ ngẩn gì cho cam, nhưng gần như mọi hành động chị hai thực hiện trong truyện đều mang sắc thiếu não. Cái cô này liên tục đưa ra những quyết định sai lầm, để lại đủ thứ hậu quả khủng khiếp cho nhân loại. Dù việc bóp ấy đồng loại thực ra cũng chẳng có gì mới với series cả, và ta đã từng gặp một số nhân vật ở các tập trước về cơ bản cũng có những hành động tương tự (*khụ*Diệp Văn Khiết*khụ*), Trình Tâm đã đẩy mọi thứ lên tận một cấp độ mới. Cô gần như chẳng phải trả giá gì cho cái hành động của mình hết, và cứ mỗi khi gặp chuyện xem chừng có vẻ giống nghiệp quật thì cùng lắm chỉ sau vài chương là lại được người khác chạy theo chữa cháy cho ngon lành hết cả. Thậm chí, có đôi chỗ thanh niên trông như thể còn được cả vũ trụ o bế đến tầm vô lý, được tưởng thưởng cho cái hành động của mình, trong khi hàng loạt người xứng đáng hơn chẳng nhận được gì cả.

Nhưng cái khả năng dí nớ vào nghiệp của Trình Tâm vẫn chưa ngứa thịt bằng một nét khác của thanh niên, ấy là cô nàng cực kỳ bị động trong câu chuyện. Trình Tâm đứng đực mặt một chỗ, chẳng chủ động làm gì hết mà để tất tần tật mọi thể loại nhân vật khác trên đời đứng ra hard carry câu chuyện, sau đó chỉ phản ứng khi được người khác mang kết quả dâng đến tận mồm. Cũng có mấy lần cô có những đóng góp quan trọng, nhưng đóng góp ấy được cô thực hiện gần như trên danh nghĩa một dạng công cụ, một thứ bàn đạp để những nhân vật chính thực sự khác sử dụng. Anh em cứ tưởng tượng cô này như cái cờ lê ấy: hữu dụng thì đúng đấy, nhưng chỉ nếu được đặt vào tay một anh thợ thôi.

Và trong một thế giới đầy rẫy những anh thợ giỏi như Thomas Wade với La Tập, trông cảnh câu chuyện cứ chăm chăm bám đít một cái cờ lê mang tên Trình Tâm trong quá trình nó bị quẳng từ trên bàn xuống dưới đất xong lại nhét vào hộc tủ trước khi được lôi ra và trao Huân chương Lao động hạng Nhất thì bảo thiên hạ không điên tiết sao được?

Chính vì hai cái yếu tố này mà Trình Tâm đã làm fan series Tam Thể chia làm hai phe khá rõ rệt. Một phe coi cô như một cái bị thịt của câu chuyện, một kẻ yếu đuối, ích kỷ, phi lý trí, và sau đó được tưởng thưởng một cách rất bất công. Phe còn lại thì coi cô như đại diện cho nhân tính tốt đẹp của con người, mỗi tội sinh ra trong một cái vũ trụ quá tàn độc nên không thể làm ăn được gì và phải chịu một số phận như nàng Kiều.

Việc nhân vật làm cộng đồng fan đứng về hai phía đối lập với nhau như kiểu Trình Tâm thế này không phải chuyện hiếm. Chỉ đếm riêng trong cái làng SFF nhà ta thôi là đã ra được hàng đống ví dụ rồi.

Thanh niên đầu tiên phải kể đến là bộ truyện The Expanse, cũng giống Tam Thể ở điểm có một thanh niên nhân vật chính với cơ hội đấm đít độc giả là 50:50. Đồng chí ấy chính là James Holden.

Bro này như kiểu một anh chàng bị lậm kiếm hiệp ấy, luôn muốn hành hiệp trượng nghĩa theo một cách sặc mùi sách giáo khoa, kể cả khi làm vậy là cực kỳ ngu đần, bất kể có xét theo bình diện nào. Ông anh còn được bonus thêm quả combo hợm đời + đạo đức Hàng Mã, tin rằng cái quan điểm đạo đức của mình là đúng chuẩn, và khiên cưỡng gò ép thế giới phải khớp vào với nó, tỏ thái độ khinh mạn với các nhân vật khác nếu họ làm gì đó không khớp với ý niệm của bản thân về liêm chính, bất chấp sau này hay thậm chí là trước đó chính mình cũng làm điều tương tự. Đến tác giả còn nói họ viết Holden vì muốn cho thiên hạ thấy nếu trong party có một thằng paladin thật thì sẽ khó chịu đến cỡ nào cơ mà. Bởi vậy nên dù nhiều người thích cái kiểu hiệp sĩ hiện đại của Holden, có không ít người chỉ muốn sút cổ ông anh này ra ngoài một khoang chốt khí

Tiện nhắc đến đạo đức giả, sẽ thật thiếu sót nếu không đề cập đến series Animorphs. Trong truyện, nhân vật gây chia rẽ fan mạnh nhất có lẽ sẽ là Cassie.

Cassie về cơ bản như con lai của Trình Tâm và Holden ấy, mang trong đầu một tư tưởng đạo đức nhân ái hơi bị yếu mềm, và rất hay áp đặt cái tư tưởng đấy lên người khác (mặc dù không đến nỗi nặng như Holden). Đã có rất nhiều trường hợp quan điểm đạo đức của Cassie dẫn thanh niên này thực hiện những hành động mà nói nhẹ nhất cũng phải là khó hiểu, gây nguy hiểm cho tính mạng của các thành viên trong đội và thậm chí còn cả nền văn minh loài người. Một lượng không nhỏ fan của series Animorphs cảm thấy Cassie về cơ bản là một kẻ đạo đức giả và thích ra vẻ thanh cao, trong khi phần còn lại thì coi nhân vật này như trái tim của cả tác phẩm và là thứ giữ cho đội Animorphs không để mất nhân tính của mình.

Nhân thể nhắc đến chuyện chiến tranh vũ trụ và người ngoài hành tinh xâm lăng, một ví dụ khác cũng đáng được nhắc đến là vũ trụ StarCraft. Vì bản chất xám nhòe nhòe của mình, cái vũ trụ này không thiếu nhân vật gây tranh cãi, nhưng đáng chú ý nhất có lẽ sẽ là Judicator Aldaris.

Aldaris là một lãnh đạo cấp cao của dân tộc Protoss, và rất tin tưởng vào giá trị truyền thống của dân tộc mình. Ông anh làm việc đầy tận tâm, luôn làm những gì mình nghĩ là tốt nhất cho vận mệnh dân tộc, kể cả khi phải nghiến răng liên minh với một nhánh dân Protoss khác vốn bị các giáo lý truyền thống coi là dị giáo, hay thậm chí còn là kẻ phản quốc. Khổ nỗi ông anh đã có một phen làm fan bùng nổ khi Aldaris phát hiện ra đồng minh của mình đã bí mật bị kẻ địch thâm nhập và thao túng. Thay vì ngồi nói chuyện cho ra ngô ra khoai hay làm gì đó hợp tình hợp lý hơn, Aldaris đùng phát chơi trò cực đoan, tụ quân nổi dậy luôn. Hành động này khiến các đồng minh chưa bị thao túng của Aldaris rất ngơ ngác, chẳng hiểu cái gì xảy ra cả, và đã năm lần bảy lượt tìm cách điều đình và thuyết phục ông anh bình tĩnh lại và giải thích đầu đuôi sự việc xem ra sao, nhưng Aldaris vẫn lì lợm dùng chiêu bài khủng bố. Cuối cùng cái cuộc làm phản của Aldaris chẳng giải quyết được gì cả. Quân của ông anh bị đập tan tác, và bản thân Aldaris cũng chết tức tưởi trong khi chưa kịp tiết lộ bản chất vụ việc cho ai, và để đồng minh vẫn bị kín đáo thao túng như trước. Rất nhiều người coi hành động này của Aldaris là ngu xuẩn, được thúc đấy bởi sự cuồng tín/phân biệt chủng tộc đến mù quáng, và từ đấy ghét bỏ luôn. Song cũng không ít người thông cảm cho thanh niên này, bảo rằng ông anh hành động như vậy cũng có phần đúng vì ai mà biết được các đồng minh của mình có cùng một giuộc với nhau không đâu mà ngồi bàn bạc?

Tiện nhắc đến game, Batman: Arkham Knight cũng có một trường hợp nhân vật ngứa thịt đáng chú ý. Nhân vật ấy chính là người đã cung cấp tựa cho cái game này: Arkham Knight.

Ngay từ cái danh tính của mình, Arkham Knight đã xẻ đôi cộng đồng fan ra rồi. Thanh niên được đội ngũ phát triển tung hê như một nhân vật mới toanh, và cứ úp úp mở mở bóng gió về bản chất thật của hắn. Khốn nỗi cái bí mật đội phát triển cứ tìm cách giấu mãi ấy lộ không thể tả được nếu đã quen thuộc với cái lore của Batman, và rất nhiều fan cảm thấy khó chịu với cái kiểu tâng bốc quá lố đấy, trong khi một lượng không nhỏ thì chẳng nghĩ nó có gì quá quắt cả, kể cả khi đã biết sẵn danh tính Arkham Knight. Và ngay cả khi bỏ qua mấy thứ meta bên ngoài đấy, Arkham Knight trong game cũng gây tranh cãi nốt. Thanh niên có cái kiểu hành xử hết sức edgy và emo, chưa kể còn có mấy hành động sặc mùi phản diện Bond trong khi đáng lẽ phải biết rất rõ không nên làm trò ngu đần như vậy. Phân nửa số người chơi chẳng thể nào chịu đựng nổi cái kiểu này, và chỉ muốn thanh niên cút khỏi câu chuyện thật sớm, trong khi nửa còn lại thì lại thấy thích thú trước cái câu chuyện nền của Arkham Knight, và cảm thấy thanh niên hành xử như vậy cũng không có gì quá lắm.

Và nhân nhắc đến nhân vật gây chia rẽ fan vì một yếu tố meta, ta có thể nhảy qua Fantasy và nhìn vào series Harry Potter. Cụ thể hơn là nhìn vào nhân Dumbledore.

Lúc ban đầu thì Dumbledore không gây chia rẽ gì lắm, với gần như toàn thể cộng đồng fan đều rất yêu quý ông cụ này. Nhưng cũng như mọi rắc rối trong vũ trụ Harry Potter, điều ấy gần như thay đổi chỉ sau một đêm khi J. K. Rowling mở mồm ra. Đùng một hôm, Rowling tuyên bố Dumbledore là người đồng tính, và giang hồ lập tức dậy sóng. Một bên cảm thấy cái tình tiết này chẳng bổ trợ được gì cho câu chuyện, và đây chỉ như một chiêu trò rẻ tiền để câu kéo sự chú ý, và từ đấy chuyển sang ghét luôn cả Dumbledore, coi nhân vật này như đại diện cho sự trục lợi cộng đồng LGBT đầy lộ liễu. Bên còn lại thì tin rằng dù đúng là nó chẳng liên quan đến câu chuyện, nó cũng chẳng làm hại gì câu chuyện cả, và đặc biệt chẳng có lý gì để ghét một nhân vật chỉ vì tác giả có những phát biểu ngáo.

Witcher cũng là một series đáng được nêu ra, bởi vì trong này có khá nhiều nhân vật mang tính 50:50 về khoản thích ghét. Một trong số đó là Hoàng đế Emhyr var Emreis, phản diện chính của series.

Thanh niên này ban đầu chỉ kiểu một tên vua hung ác nuôi mộng bành trướng tiêu chuẩn mà ta hay gặp trong các tác phẩm Fantasy Trung Cổ, với fan hoặc chẳng mấy quan tâm (bởi vì cái mô típ này quả thực nhàm lắm rồi), hoặc chỉ đại khái là ghét vừa vừa thôi, chứ cũng chẳng có gì nghiêm trọng lắm. Nhưng rồi đến cuối series, danh tính thực của cha nội này được hé lộ, và đây là lúc xúc cảm của fan bắt đầu bị cực đoan hóa, chia phe rõ ràng. Nguyên do là bởi danh tính của Emhyr var Emreis phá hỏng hình ảnh của một nhân vật rất thú vị trong tuyển tập truyện ngắn hồi trước, và thậm chí còn làm ảnh hưởng đến cả bài học đạo đức về việc đừng trông mặt mà bắt hình dong trong câu chuyện đó luôn. Kết hợp với việc nội bộ fan vốn đã chia rẽ rất mạnh về chất lượng của mấy phần tiểu thuyết so với tuyển tập truyện ngắn ban đầu, chưa kể còn cộng thêm cái sự tởm lợm trong kế hoạch của Emhyr var Emreis cũng như cách xung đột với bro này bị giải quyết theo một kiểu gần như lãng xẹt, nhân vật bắt đầu trở nên có lắm anti-fan vô cùng, trong khi một lượng đông không kém thì lại tin rằng cái này thực ra rất ăn khớp với bản chất đen tối của Witcher, và cảm thấy ấn tượng trước cách Emhyr var Emreis gầy dựng sự nghiệp của mình gần như từ con số không, thế nên ra sức bảo vệ ông anh trước anti-fan. 

Mấy ví dụ trên là các trường hợp khá tiêu biểu cho việc nhân vật có thể gây chia rẽ cộng đồng fan như thế nào. Mà chính ra mấy ví dụ mình lấy hãy còn khá "lành" đấy, bởi nó toàn kiểu nhân vật dính tạ về nhân cách với IQ thôi. Nếu động vào các nhân vật gây tranh cãi do hủy ship của thiên hạ thì nội chiến giữa fan mới thực sự là máu me. Xin tạm dừng ở mấy thanh niên bên trên thôi nhé, chứ kể loang vào mảng đấy nữa thì chắc anh em đào công sự dưới comment mất 🐧.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.