Chuyển đến nội dung chính

Becky Chambers vs Andy Weir - hai tác giả với hai hướng đi khác hẳn nhau

 Nhân thể hồi chiều có bạn nhắc lại tuần lễ SFF của Goodreads, mình lại nhớ đến một bài phỏng vấn thuộc chuỗi bài quảng bá  cho tuần lễ này mà bên Goodreads từng thực hiện với Becky Chambers, tác giả bộ truyện Wayfarers mình mới review hôm trước.

Bản thân cái bài phỏng vấn đó không đào sâu được lắm về Chambers cũng như sự nghiệp của cô, nhưng vẫn để lại được một ấn tượng khá sắc nét với mình. Nguyên do là nó có cấu trúc cực kỳ giống với một bài phỏng tác giả khác mà Goodreads từng thực hiện, ấy chính là Andy Weir, tác giả của The Martian. Và quan trọng nhất, nếu mang hai bài phỏng vấn đấy ra đặt cạnh nhau, ta sẽ thấy Chambers và Weir hình thành một cặp đôi rất thú vị.



Điểm thú vị đầu tiên về cặp đôi này là cách hai người bọn họ khởi đầu sự nghiệp viết lách của mình. Cụ thể hơn, cả hai con người này đều đi lên từ tự xuất bản hết

Trong trường hợp của Becky Chambers, cô gốc là dân quản lý rạp hát. Để dấn thân vào văn chương, hồi năm 2012, Chambers đăng ý tưởng về cuốn tiểu thuyết mình dự định viết lên Kickstarter để gọi vốn cộng đồng. Với chiến dịch gọi vốn thành công, Chambers đã có thể chuyển qua làm việc bán thời gian để có thời giờ sáng tác tác phẩm đầu tay của mình. Khoảng một năm sau, cô đã viết xong cuốn tiểu thuyết đầu tay là The Long Way to a Small, Angry Planet, tác phẩm đầu tiên của series Wayfarers, nhưng quá trình tìm nhà xuất bản chịu nhận bản thảo của mình hơi chật vật.

Thế rồi đến năm 2014, phát chán việc phải chờ đợi, cô quyết định tự xuất bản quyển truyện ấy. Bất chấp việc không có nhà xuất bản truyền thống nào chống lưng, The Long Way to a Small, Angry Planet vẫn hớp hồn được một lượng độc giả khá đông. Danh tiếng của The Long Way to a Small, Angry Planet đã giúp nó tìm được một nhà xuất bản nghiêm chỉnh để in tái bản, đồng thời biến Becky Chambers thành một hiện tượng của làng xuất bản indie. Cô nối tiếp thành công đó với những tập sequel rất ấn tượng, và từ đấy trở thành một gương mặt sáng giá của làng SFF.

Về phần Andy Weir thì thanh niên này có hành trình đi lên lâu la hơn Chambers một tí, nhưng cũng là tự xuất bản nốt. Weir vốn là dân lập trình, nhưng có dành thời gian rảnh viết lách truyện (cả truyện chữ lẫn truyện tranh) để đăng lên web của mình. Mấy mẩu truyện của Weir giai đoạn đầu cũng thu hút được một số người đọc, nhưng không có gì đáng kể lắm. Ngay cả mẩu truyện ngắn The Egg, một tác phẩm đã được đón nhận rất nồng nhiệt của Weir nhờ có ý tưởng nền hấp dẫn, cũng chưa đủ để giúp Weir gầy dựng sự nghiệp văn chương.

Nhưng rồi đến năm 2011, Weir đã đăng lên web một series dài kỳ mới, ấy chính là The Martian. Cũng như với trường hợp The Long Way to a Small, Angry Planet của Chambers, The Martian vốn được Weir định đem đi xuất bản theo kiểu truyền thống, nhưng rốt cuộc bị từ chối. Tiếc rẻ, Weir đăng lên web để thiên hạ đọc free cho đỡ phí, nhưng bất ngờ thay, cái bản thảo “rác” kia lại được ủng hộ một cách hết sức mạnh mẽ, với fan thậm chí còn nằng nặc đòi Weir hãy tự xuất bản truyện dưới dạng ebook. Trước tình hình ấy, Weir chiều ý độc giả đăng truyện lên Amazon, với mức giá chỉ là 99 xu (mức rẻ nhất Amazon cho phép). Sau khi được xuất bản thành ebook, truyện lan truyền đi như vũ bão, trở thành cơn sốt mới của làng Sci Fi, và cũng như The Long Way to a Small, Angry Planet, The Martian chợt được các nhà xuất bản truyền thống săn đón nhiệt tình, và con đường sự nghiệp văn chương của Weir sau đó mở rộng thênh thang luôn.

Mà thú vị thêm cái nữa là không chỉ giống nhau ở việc phải đi tiểu ngạch sau khi phế đường chính ngạch, 2 tác phẩm làm nên tên tuổi cặp đôi này còn cùng nổi bật ở chỗ chúng nó về cơ bản đều là positivity porn. 

Trong trường hợp của The Long Way to a Small, Angry Planet, nó là một phần của series Wayfarers, mà như mình đã nói đấy trong bài review về series ấy, quyển nào trong đó cũng mang sắc phản-Dậu rất đặc trưng. Ngay cả những lúc động đến mấy đề tài tăm tối, The Long Way to a Small, Angry Planet vẫn được Chambers cố gắng bẻ sao cho nghe lạc quan hết mức có thể, khiến cả tác phẩm cứ tràn ngập năng lượng tích cực. Không phải ngẫu nhiên trong bài review, mình đã ví nó với Chicken Soup for the Soul đâu.

The Martian thì cũng tươi rói nốt, nhưng cái kiểu tích cực mà Andy Weir ban tặng cho nó lại hơi khác kiểu của Becky Chamber tí. Sự tích cực của Weir không đến từ giọng văn nhẹ nhàng, mà nó đến từ cái thái độ tưng tửng và lì lợm không đầu hàng nghịch cảnh của câu chuyện. Bất kể chuyện gì xảy ra trong The Martian, dù kinh khủng đến đâu, Weir cũng chẳng dành nhiều thời gian ỉ ôi kể khổ. Ông anh cùng lắm cho nhân vật chửi đổng một hai câu thôi, còn liền sau đó là xắn tay áo lên lao vào giải quyết vấn đề với một thái độ tràn đầy hy vọng, và cái hy vọng đấy cũng lây luôn cả cho người đọc nữa.

Bất chấp mấy sự giống nhau trên, Chambers và Weir không trùng khớp với nhau hoàn toàn. Hai con người này khác nhau ở một điểm to cực kỳ, ấy là thứ họ chọn làm trọng tâm cho câu chuyện.

Trong trường hợp của Becky Chambers, cô này dồn gần như toàn lực vào cho nhân vật, trong khi cốt thì chỉ như một sự gợi ý. Đọc vào tất cả các truyện của cô này, dù có là Hard Sci Fi như To Be Taught, If Fortunate hay gần chạm ngưỡng Fantasy như A Psalm for the Wild-Built hoặc thằng nằm đâu đó ở giữa như Wayfarers, anh em cũng sẽ thấy nhân vật luôn luôn được đẩy lên làm trọng, với giằng xé nội tâm và quá khứ được xây dựng một cách khá đa chiều, dễ đồng cảm. Nhưng khổ nỗi nhân vật lại choán hết toàn bộ mọi thứ, và đọc vào phải căng hết cả mắt lên mới nhìn thấy cái cốt nằm chỏng chơ trong xó nhà. Chính bởi điều này mà một trong những chỉ trích Chambers hay gặp phải là các câu chuyện của cô gần như toàn là phiên bản dài hơn của một bài tập trong lớp viết văn sáng tạo: câu cú các kiểu và nhân vật thì ngon lành đấy, nhưng mải tưởng tượng với để nhân vật dắt tay đi chơi lung tung quá nên quên mất mình phải đi đâu luôn.

Andy Weir thì đi ngược với Chambers. Thế mạnh của ông anh là phát triển cốt, với truyện Weir thường là một chuỗi các sự kiện diễn ra rất chặt chẽ, phát triển kịch tính hồi hộp này nọ, chứ còn nhân vật thì làm ăn khá lôm côm. Đọc truyện của Weir, ta có thể thấy các tình huống và mạch phát triển của câu chuyện được ông anh làm ăn rất chỉn chu và cuốn hút, trong khi nhân vật gần như toàn chỉ đi từ một cái khuôn mà ra. Bản thân Weir cũng nhận thức rất rõ điều này, và đã tự thú rằng: “Một điểm mà tôi cho mình làm rất yếu là tạo chiều sâu và phát triển nhân vật. Ví dụ như The Martian là một câu chuyện với trọng tâm là cốt thuần túy. Suốt toàn cuốn sách, ta chẳng biết gì về Mark Watney hết. Tất cả những gì ta biết về Mark Watney là anh ta thông minh và không muốn chết. Tính cách anh ta chỉ dừng ở đó thôi – ta không biết gì khác về anh ta cả. Ta mù tịt về anh ta, và anh ta không hề thay đổi trong toàn bộ câu chuyện. Anh ta không trở thành một con người tốt hơn. Anh ta không học được một bài học nào hết. Hoàn toàn không. Cả ở cuối lẫn ở đầu truyện, anh ta đều giống y như nhau.”

Style của hai con người này còn được thể hiện qua cách họ triển khai tác phẩm của mình nữa. Lúc trả lời về quá trình viết cuốn A Psalm for the Wild-Built, Becky Chambers đã thể hiện rất rõ sự trọng nhân vật khi bảo rằng nhân vật chính là xuất phát điểm sáng tác của cô, và cô phải tốn cực kỳ nhiều thời gian để xây dựng họ cho tử tế. Nhưng sau khi xong phát thì mấy cái còn lại trôi dễ hẳn luôn. Andy Weir thì khởi nguồn mọi thứ từ một ý tưởng khoa học, và sau đó bịa ra các sự kiện khả dĩ liên quan nó. Ví dụ như trong The Martian, ông anh bắt đầu bằng việc tự hỏi là “Chúng ta sẽ có thể đưa con người lên Sao Hỏa và đưa họ trở lại an toàn kiểu gì đây?” và sau đó cứ lần lượt hỏi thêm cái này hỏng thì sao, cái kia hỏng thì sao, và dần dần chế thành một câu chuyện xoay quanh các vấn đề/giải pháp đó.

Nốt một điểm khá biệt cuối cùng, khi được hỏi về tác giả SFF mình yêu thích, cả Becky Chambers lẫn Andy Weir đều đưa ra 3 tác giả, gọi đó là “thánh ba ngôi” của mình, và mấy con người đó cũng cho thấy luôn hai con người này có thiên hướng khác nhau như thế nào. Về phần Becky Chambers, thần tượng của cô là Ursula K. Le Guin, Margaret Atwood, và Octavia E. Butler, những tác giả viết Sci Fi khá mềm (cả về giọng văn lẫn khoa học) và thường mang thông điệp xã hội cấp tiến. Riêng Andy Weir thì lại thờ Isaac Asimov, Robert A. Heinlein, và Arthur C. Clarke, những đồng chí viết truyện với giọng khá khô, nhân vật hơi ba chấm, nhưng bù lại có cốt và khoa học gần như không thể chê vào đâu được. Trông vào dàn thần tượng như thế, có gì là lạ không khi truyện của Chambers và Weir nó lại thành ra như ta đã thấy?

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.