Chuyển đến nội dung chính

A Canticle for Lebowitz và sự thanh tẩy lịch sử

 Như đã nói trong bài review hồi trưa, A Canticle for Lebowitz chứa đựng rất nhiều theme đáng suy ngẫm. Trong số đó, có một theme gần gũi đến bất ngờ với thế giới ngày nay, ấy là việc tẩy trắng lịch sử.

Trước khi nói cụ thể, mình sẽ điểm qua một số thông tin nền.

A Canticle for Lebowitz lấy bối cảnh là thế giới hậu tận thế, sau khi nền văn minh loài người đã bị hủy diệt bởi một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu diễn ra trong giai đoạn thế kỷ 20 (tức trong thế giới của truyện, Chiến Tranh Lạnh đã không còn “lạnh” nữa). Sự kiện đó về sau được khoác thêm sắc tôn giáo, gọi là Trận Đại Lụt Lửa. Vì vũ khí hạt nhân là sản phẩm của khoa học, một làn sóng bài tri thức dữ dội đã bùng lên. Sách vở các kiểu đều bị đem đi thiêu đốt, và bất kỳ ai có học thức đều bị đám đông hung hãn lùng diệt. Thậm chí về sau, ngay cả những người chỉ cần biết đọc biết viết thôi cũng bị tàn sát. Cơn lên đồng ấy về sau được gọi là Thiểu Hóa, và nó đã khiến kho tàng tri thức nhân loại bị tàn phá rất nghiêm trọng.

May mắn là đám đông kia không diệt được hết tầng lớp tri thức, và vẫn còn đủ người sống sót để dần khôi phục lại mọi thứ, mặc dù hành trình của họ nhọc nhằn vô cùng. Hơn 1000 năm sau, thế giới mới bắt đầu rời bỏ được Kỷ nguyên Đen tối và chập chững bước vào một thời đại Phục hưng mới, với một số học giả Công giáo dần tái khám phá lại những kiến thức xưa, hoặc nhờ tự mày mò, hoặc nhờ nghiên cứu các tài liệu cổ tiền Đại Lụt Lửa. Trong số các học giả thời bấy giờ, lừng danh nhất là Quý giả Taddeo Pfardentrott (gốc là “Thon,” một biến thể của tước “Don” dành cho quý tộc kiêm học giả Tây Ban Nha xưa), về cơ bản là Galileo của tương lai.

Có một dịp, Quý giả Taddeo lặn lội từ Tân Rôma đến tận tu viện gốc của của Dòng Thầy Tu Albert Thánh Leibowitz, nơi có lưu giữ một bộ tài liệu tiền Đại Lụt Lửa rất quý giá, được các tu sĩ tại đấy gọi là Kỷ Vật. Trong quá trình nghiên cứu bộ Kỷ Vật, Quý giả Taddeo mò ra mấy trang giấy với nội dung hết sức khác thường, kể về một chủng người nhân tạo phản lại những đấng sáng tạo của mình.

Nội dung đấy khiến Quý giả Taddeo nảy ra một giả thuyết mới. Ông khăng khăng bảo rằng con người thực chất không phải là… con người, mà là một chủng loài nhân tạo, không phải hậu duệ của nền văn minh thời trước. Nền văn minh tồn tại trước Đại Lụt Lửa được xây dựng bởi một chủng tộc khác, chủng tộc Con Người đích thực. Không lâu trước khi nền văn minh sụp đổ, Con Người đã tạo ra được sự sống, và đó chính là tổ tiên của loài người hiện tại, nhằm phục dịch cho mình. Thiểu Hóa chẳng qua là một cuộc nổi loạn của những kẻ đầy tớ, và Con Người đích thực đã tuyệt chủng trong giai đoạn ấy rồi.

Từ đây, Quý giả Taddeo còn suy rộng ra một số thứ khác nữa. Ông tin đây chính là lời lý giải cho nguyên do loài người ngày nay lại có thể ngu dốt và kém cỏi đến thế, trong khi người xưa lại tài giỏi đến mức xây được chim sắt bay lên tận Thiên Đàng. Nhưng quan trọng nhất, Quý giả Taddeo lập luận rằng vì Kinh Thánh đã tồn tại từ hàng ngàn năm trước khi Diluvium Ignis (Đại Lụt Lửa trong tiếng Latinh) xảy ra, điều ấy đồng nghĩa với việc chỉ chủng tộc Con Người cũ mới là hậu duệ của Adam, còn “con người” thời nay không liên quan đến Adam hết. Thế tức là con người hiện đại không hề mắc Tội Nguyên Tổ, tức họ không hề mắc tội ngay từ khi mới sinh ra, bởi lẽ chỉ con cháu Adam, người đã sa ngã khi ăn trái cấm trong Vườn Địa Đàng, mới có Tội Nguyên Tổ. Nói cách khác, Quý giả Taddeo và đồng loại của mình hoàn toàn trong sạch!

Đúng lúc Quý giả Taddeo đang thao thao thuyết giảng cái thuyết mới của mình cho một số đạo hữu tại tu viện thì Thầy Viện phụ Paulo, cha trưởng của tu viện tình cờ nghe thấy, và ông đã chỉ trích cực kỳ mạnh mẽ cái giả thuyết của Quý giả Taddeo. Thầy Paulo tiết lộ rằng cái mớ tài liệu mà Quý giả Taddeo đọc được thực chất đã được một học giả khác là Boedullus liệt vào hạng mục “có thể là truyện ngụ ngôn hoặc phúng dụ,” khả năng cao chỉ là tàn dư của một vở kịch. 

Và vâng, nếu anh em nào thấy quen quen thì mọi người nghĩ đúng rồi đấy, cái thứ Quý giả Taddeo đọc được và ngỡ tưởng là tài liệu quan trọng chính là vở kịch R.U.R. của Karel Čapek 🐧.

Đáng lẽ chỉ như vậy là đủ để Quý giả Taddeo phải cứng họng rồi, nhưng Thầy Paulo chưa xong. Ông đi sâu hơn, chỉ trích hẳn cái động cơ Quý giả Taddeo đưa ra giả thuyết đấy. Cụ thể, ông bảo rằng: “Vậy ra chúng ta chỉ là tạo vật của các tạo vật thôi đúng không, hỡi Ngài Triết gia? Được tạo ra bởi những vị chúa thấp kém hơn Chúa, và bởi thế hiển nhiên phải khiếm khuyết rồi – và tất lẽ dĩ ngẫu, đó chẳng phải là lỗi của chúng ta đâu. […] Và [điều ấy] sẽ xá được cho ta nhiều tội lắm, phải không nào? Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc nổi dậy chống lại đấng sáng tạo của con người chỉ đơn thuần là một đợt diệt trừ bạo chúa chính nghĩa, chống lại bè lũ hậu duệ gian ác tột cùng của Adam.”

Đến đây Quý giả Taddeo càng ngượng nghịu hơn, và bao biện bằng cái “muh freedumb of speech” huyền thoại, bảo mình có quyền được suy diễn và phỏng đoán. Tuy nhiên, Thầy Paulo một lần nữa lại gạt phắt đi. Ông bảo rằng chẳng có ai cấm Quý giả Taddeo làm vậy cả, vấn đề là ông cần Quý giả Taddeo nhìn lại bản chất hành động của mình. Ông bảo Quý giả Taddeo rằng lạm dụng trí tuệ để phục vụ sự kiêu căng, phù phiếm của bản thân thì cũng chẳng khác nào trốn tránh trách nhiệm. Cụ thể hơn, ông nói: “Ta chẳng cáo buộc gì ngài sất. Nhưng ngài hãy tự vấn điều này đi: Cớ sao ngài lại lấy làm vui sướng khi hấp tấp rút ra một phỏng đoán hoang đường nhường ấy, dựa trên một nền tảng mong manh đến vậy? Cớ sao ngài lại muốn bôi nhọ quá khứ, tới mức lột bỏ cả nhân tính của nền văn minh đi trước thế? Để ngài đỡ phải học hỏi từ những sai lầm của họ ư?”

Mặc dù ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ, cuộc trò chuyện giữa Quý giả Taddeo và Thầy Viện phụ Paulo nghe vẫn hợp thời vô cùng. Nguyên nhân là bởi dạo gần đây, với sự trỗi dậy của chủ nghĩa “giác ngộ” ngu xuẩn tại các nước phương Tây, chúng ta thấy lịch sử rất hay bị thanh tẩy đủ kiểu cho hợp thời. Các giác ngộ viên cứ nhồi bừa phứa đủ thể loại chủng tộc vàng đen nâu vào trong lịch sử những nơi mà sự xuất hiện của họ là hết sức kệch cỡm, và thường toàn dựa trên những bằng chứng mong manh chẳng kém gì mấy trang kịch R.U.R. rời rạc Quý giả Taddeo tình cờ vớ được. Họ lấy những trường hợp ngoại lệ ra và áp dụng đại trà, chỉ vào Bao Công và bảo người da đen sống trong xã hội Trung Quốc cổ là bình thường, lôi việc dân Hy Lạp từng đụng độ dân Nubia ra để bảo tướng lĩnh Hy Lạp cũng da đen nốt, và đủ trò đại loại như vậy.

Một bộ phận những người làm cái trò này thực chất chẳng tin vào cái mớ hổ lốn mình phun ra đâu, mà thực chất chỉ làm thế để ra vẻ ta đây là “thượng đẳng,” cho thấy mình đã giác ngộ chân lý chứ không còn ngu muội như đám bần nông nữa. Cái đám này kể cũng độc hại, nhưng thực ra cũng không đến nỗi nguy hiểm lắm, vì đây chỉ là mấy kẻ đạo đức giả thừa cơ đục nước béo cò thôi. Ngay khi thanh tẩy lịch sử không còn là mốt nữa, họ sẽ đá nó đi luôn, không còn để tâm đến nó, bởi vì ngay từ đầu đã chẳng tin rồi.

Bộ phận còn lại thì nguy hiểm hơn hẳn, vì họ thực sự tin rằng lịch sử tốt đẹp như mường tượng của mình. Ngay cả khi có những bằng chứng phản ngược lại, họ vẫn khăng khăng đòi bẻ lịch sử theo những hướng ngáo ngơ. Có lẽ một phần nguyên nhân chính là vì họ không muốn nhìn nhận sự thực rằng những người trong quá khứ không được đẹp đẽ gì cho cam, không muốn nghĩ tổ tiên mình xấu xí, bởi vì như vậy cũng đồng nghĩa với họ mang dòng dõi xấu xí mất rồi. Tẩy trắng cho tổ tiên cũng chính là tẩy trắng cho chính mình, và loại bỏ lỗi lầm của tổ tiên cũng sẽ giúp họ không phải thẳng thắn nhìn nhận những lỗi lầm thế hệ đi trước từng mắc phải và học hỏi từ đấy. Mấy thanh niên này có lẽ cần được khẩn cấp phát cho vài cuốn A Canticle for Lebowitz, để từ đó nhận ra cái hành động của bản thân tai hại đến cỡ nào.

Mỗi tội với một quyển truyện sặc mùi Công giáo thế này, chắc mấy ông mấy bà kia chỉ cần sờ vào là giãy nảy lên như sờ phải nước sôi ngay 🐧.

Tình cờ thì vừa tuần trước, Metatron, một thanh niên chuyên về lịch sử Trung Cổ Châu Âu, đã có một clip bàn về đúng cái đề tài này. Thanh niên chỉ ra cái sự ngớ ngẩn của việc nhồi nhét đủ những thứ ba lăng nhăng vào trong lịch sử, và thậm chí còn có mấy chỗ gần như nói y nguyên lời của Thầy Paulo. Nếu quan tâm, anh em có thể tham khảo nhé.



***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.