Chuyển đến nội dung chính

Cách lôgic thế giới thực có thể giúp bổ trợ cho các tác phẩm SFF

 Bữa nay mình có tình cờ bắt được một cái clip bàn luận về tập 1 bản chuyển thể Wheel of Time do Amazon thực hiện. Một trong những vấn đề mà clip đả động đến là cái làng Emond’s Field (làng của dàn nhân vật chính), và đây xem chừng là thứ gây tranh cãi mạnh nhất.

Vô số cuộc tranh luận rất nhiệt đã bùng nổ ra bên dưới comment của clip, phần đông xoay quanh cách cách đệ bro Dép khắc họa người dân cùng văn hóa tại đó. Đại đa số đều thấy cái kiểu đa sắc tộc của dân Emond’s Field là hết sức vô lý, bởi vì cái làng này khét tiếng là sống biệt lập gần mấy ngàn năm, chưa kể lại còn rất nghi kỵ người lạ, đến mấy cái làng xóm giềng còn chẳng bằng mặt bằng lòng với nhau. Trong một nơi như vậy, kể cả nếu xuất phát điểm của nó có là đa dạng, đến thời điểm series diễn ra, người dân về cơ bản phải giống nhau như đúc, chứ không thể nhìn như New York bản Trung Cổ được.

Cách người dân xem chừng có tư tưởng khá thoáng, đặc biệt trong việc quan hệ nam nữ, cũng bị chỉ trích rất mạnh. Bởi vì cái cộng đồng này còn quá nhỏ, cực kỳ khăng khít với nhau, nó đúng lý ra phải hình thành một kiểu tư tưởng rất bảo thủ và mang nặng tính thanh giáo thì mới duy trì nổi sự tồn tại của mình. Nhưng ở đây, việc trai gái có thể thoải mái quần nhau và người có gia đình vẫn có thể buông lời lả lơi đều được ngầm chấp thuận. Chuyện đó đi ngược hẳn lại với lôgic.

Và lẽ đương nhiên, trong những cuộc bàn luận như thế luôn có một số thành phần bảo rằng đây là một series Fantasy, thế nên chẳng việc gì phải quá câu nệ mấy cái tiểu tiết đấy. Đã chấp nhận được luân hồi tái sinh với phép thuật âm dương ngũ hành trộn nháo nhào mà chẳng lẽ không bỏ qua được mấy cái như kia?

Việc tại sao mấy cái chém bay nóc nhà tin được mà mấy cái lặt vặt tin không được có liên quan đến Suspension of Disbelief, và nó đã từng được mình động đến rất nhiều rồi (anh em có thể tham khảo bài này nếu chưa biết đến nó: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/08/suspension-of-disbelief-khi-logic-tam.html, cũng như tham khảo ví dụ này về nó: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/08/mot-vi-du-thu-vi-ve-suspension-of.html), thế nên lần này cũng chẳng muốn lôi ra bàn lại để bẻ cái lý lẽ ngớ ngẩn kia làm gì. Thay vào đó, mình xin được giới thiệu với anh em đến với một cái clip cho thấy ngay cả nếu không bị phá Suspension of Disbelief, việc tăng tính “thật” cho tác phẩm SFF vẫn sẽ giúp cải thiện hẳn độ hấp dẫn của nó. Clip đấy là cuộc đọ kiếm ánh sáng do Digital Corridor thực hiện.


Trong trường hợp anh em chưa biết, cách đây ít lâu, Digital Corridor, một công ty chuyên về kỹ xảo, đã tung một đoạn phim ngắn lấy bối cảnh vũ trụ Star Wars lên channel Youtube của mình. Clip xoay quanh hai thanh niên Jedi đấu kiếm với nhau, và để dựng lên clip đấy, Digital Corridor đã kỳ công mời hẳn một chuyện gia kiếm thuật đến để giúp mình dàn dựng cảnh đấu. Và thành phẩm cuối cùng có thể được tham khảo ở bên dưới

Nếu xem clip, anh em có thể thấy nó không có những cái trò bay nhảy và xoay tít thò lò như múa ba lê mà ta vẫn thấy trong các phim Star Wars chính thống. Mọi thứ được làm dựa trên các kỹ thuật đấu kiếm thật, và điều ấy không những không làm giảm độ ấn tượng của cuộc đấu, mà nó còn làm mọi thứ trở nên kịch tính hơn, và các nhân vật trông thiện nghệ hơn hẳn.

Skallagrim, một Youtuber rất nổi tiếng trong mảng lịch sử Trung Cổ Châu Âu, đồng thời còn là một kiếm sĩ HEMA dày dạn kinh nghiệm (tức Historical European Martial Arts, võ thuật cổ Châu Âu), đã làm một clip phân tích về cái phim ngắn của Digital Corridor. Anh em xem ở đây: 


Trong clip, Skallagrim khen ngợi hết lời những gì đội ngũ Digital Corridor đã thực hiện được, chỉ ra những điểm tương đồng với kỹ thuật HEMA của phim, và còn có nguyên một đoạn chỉ trích ngược lại Star Wars, bảo rằng cái kiểu rời xa sự thật trong đánh đấm của nó làm các cảnh hành động trong franchise như kiểu chơi đùa, mất sạch kịch tính.

Dù rằng không có kiếm ánh sáng, Wheel of Time vẫn có thể học được ít nhiều từ triết lý trong cái phim của Digital Corridor. Không phải cứ là SFF thì không thể tận dụng được thực tại. Thế giới thực của ta đã có sẵn rất nhiều lôgic được kiểm nghiệm và chứng minh là đúng đắn, bởi những cái gì đi ngược lôgic đều chẳng thể tồn tại được lâu. Tích hợp những yếu tố lôgic đấy vào thế giới của tác phẩm sẽ giúp củng cố rất tốt cho kịch bản, giúp “ghì” chúng lại một cách vững chãi hơn trong đầu khán giả, và từ đấy họ sẽ càng dễ tin vào những tình tiết xảy ra trong câu chuyện hơn.

Nhưng tất nhiên, dùng lôgic của thế giới thực thì sao kiếm like với retweet của mấy thanh niên tích xanh trên Twitter được 🐧?

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.