Chuyển đến nội dung chính

Fridge Horror - sự ghê rợn đến từ lôgic ẩn


 Sau khi làm cái bài phony-versary về SOMA bữa trước, mình có ngồi chơi lại cái game ấy (trên Youtube 🐧 ). Trong quá trình ngồi xem lại, mình nhận ra rằng nếu cái game này lọc đi cảnh kết và để phần after credits của nó làm cái kết thực, đây sẽ trở thành ví dụ cho một mô típ rất thú vị.

Trước khi bàn về cái mô típ kia thì phải điểm lại một tí về thằng SOMA đã.

SOMA là một game sinh tồn kinh dị, xoay quanh một thanh niên tên Simon. Đồng chí này từng đi scan dữ liệu não, số hóa “linh hồn” của mình. Tầm trăm năm sau, dữ liệu của Simon được cho “đầu thai” vào trong một con rôbốt tại một cơ sở nghiên cứu dưới lòng đại dương, cai quản bởi một con AI điên/ngu (đúng hơn là vừa điên vừa ngu 🐧 ), trong bối cảnh nhân loại về cơ bản đã tuyệt diệt.

Nếu cứ ngồi không một chỗ, Simon hoặc sẽ chết dưới tay con AI và đám đệ của nó, hoặc sẽ chết khi cái cơ sở nghiên cứu kia sụp đổ hay thân thể mình rệu rã, hoặc hóa điên vì phải sống bất tử trong cơ thể một con rôbốt. Hy vọng duy nhất của ông anh là mò đến chỗ một siêu máy tính gọi là ARK, nơi lưu trữ dữ liệu não của tất cả các nhân viên tại cơ sở này, đồng thời có khả năng giả lập một môi trường sống như thật, cho phép bọn họ tiếp tục “sống” ngay cả sau khi cơ sở sụp đổ, và phóng ARK ra ngoài vũ trụ. Sau một hồi loay hoay, Simon rốt cuộc cũng lết được đến chỗ ARK, copy dữ liệu của mình vào đấy, và tống nó ra khỏi Trái Đất.

Nhưng khốn nạn là Simon vẫn ngồi chình ình trong cái cơ sở kia.

Vấn đề là thứ Simon tải vào ARK chỉ là một bản sao dữ liệu tâm trí của mình. Nói cách khác, Simon đã cho một thằng em sinh đôi của mình trốn ra ngoài vũ trụ, trong khi bản thân trơ khấc. Cả game chốt lại với Simon chỉ còn một mình trong bóng tối, chẳng còn đường nào ngoài ngồi chờ chết hoặc hóa điên.

Hồi mới choi, cái kết đầy ấn tượng đấy là thứ duy nhất đọng lại trong đầu mình, nhưng trong lần này, vì đã biết phải chờ đợi điều gì, mình có để ý đến những thứ khác của game hơn, và đã nhận thấy nó có hai cảnh thú vị. Một là khoảng giữa game, ta có một phân cảnh Simon phải chuyển dữ liệu sang thân thể mới, và đã gặp phải tình huống tương tự hồi kết: bản cũ của Simon vẫn còn kẹt trong xác cũ, ngây ngô chẳng biết gì cả, trong khi Simon trong thân xác mới là một thực thể biệt lập hoàn toàn (dẫu xét từ góc nhìn của Simon mới, thanh niên vẫn chính là bản “gốc” như xưa). Cảnh hai xuất hiện ngay sau khi credit của game chạy hết. Trong cảnh này, ta được chứng kiến mọi thứ từ góc nhìn của phiên bản Simon trên ARK, với Simon mới vẫn đinh ninh mình là Simon “gốc,” có điều đã lên đến trên ARK, và được sống trong một thiên đường giả lập, không hề để ý hay quan tâm đến số phận của cái thằng Simon bị bỏ lại.

Giờ nhé, anh em tưởng tượng thử xem nếu giữ nguyên hai cảnh như vậy, và cắt cảnh kết thực của game đi, SOMA sẽ trở thành như thế nào? Nó sẽ trông giống hệt một cái game với kết có hậu, và nếu không nghĩ sâu thêm gì, mọi người sẽ cảm thấy game chốt lại ở một cung bậc vui vẻ. Tuy nhiên, nếu ngẫm lại về cái cảnh Simon copy mình ra xác mới, với Simon cũ vẫn chết kẹt trong cái xác hồi trước, lập tức mọi người sẽ nhận ra một điều rất hãi hùng: cái thằng Simon trên ARK không phải là Simon “gốc.” Nó là một bản sao, với thằng gốc vẫn còn ở im dưới đại dương. Thằng Simon gốc kia đã trải qua bao hiểm nguy, nhưng rốt cuộc trắng tay hoàn toàn, và số phận chờ đợi nó kinh khủng khôn tả.

Nếu SOMA quả thật làm như vậy, độ ấn tượng của nó sẽ giảm khá mạnh, và trở thành ví dụ của một mô típ mang tên Fridge Horror.

Fridge Horror thực chất là một biến thể của Fridge Logic. Fridge Logic chuyên được dùng để chỉ các sự mập mờ hay thậm chí bất nhất về lôgic trong nghệ thuật kể chuyện. Nghe thì có vẻ Fridge Logic giống Plot Hole như đúc (tức lỗ hổng trong cốt), và quả đúng là hai thằng này đôi khi vẫn trùng vào nhau. Tuy nhiên, Fridge Logic vẫn khác với Plot Hole ở điểm nó không nhất thiết phải là một lỗ hổng hay thứ gì tiêu cực cả. Nó chỉ đơn thuần là một lôgic ngầm, không được ai để ý cho đến khi thực sự ngẫm sâu về các thông tin mà tác phẩm đã đưa ra. Chỉ khi tác phẩm khép lại được một lúc rồi thì người ta mới tự dưng vỗ trán, thốt lên rằng, “Ê khoan đã, tại sao A lại như thế?”

Để hình dung rõ hơn, anh em hãy nhìn vào một thứ rất quen thuộc: cái tủ lạnh. Khi mở tủ lạnh ra, bất kể đêm ngày thế nào, mọi người sẽ luôn thấy nó soi sẵn đèn cho mình. Hầu hết mọi người sẽ chẳng để tâm đến việc đó, hoặc cùng lắm chỉ thấy thích thú trước sự tiện lợi nó mang lại, nhưng không nghĩ ngợi thêm sâu xa gì cả. Rồi tự nhiên một ngày đẹp giời, mọi người sực nghĩ về tính năng chiếu đèn của nó, và tự hỏi liệu lúc tủ lạnh đóng, cái đèn trong đấy có bật sáng không (tính mấy tủ lạnh đời cũ, không thấy rõ được cảnh nó tắt đèn khi cửa khép đủ độ nhé). Cơ chế hoạt động của cái đèn không tốt mà cũng chẳng xấu, nó chỉ đơn thuần là một lôgic không mấy ai để ý. Một lôgic ẩn của cái tủ lạnh.

Một cái Fridge Logic.

Fridge Horror về cơ bản cũng chính là Fridge Logic, có điều cái lôgic ngầm mọi người suy ra sẽ mang màu sắc kinh dị. Sự kinh dị ấy không được tác phẩm trực tiếp chỉ ra, và người xem/đọc/nghe phần đông cũng không hề để ý đến nó giữa lúc vẫn còn đang thưởng thức tác phẩm. Nhưng khi quá trình thưởng thức đã kết thúc, và ta nghĩ kỹ hơn về những thông tin nó trình bày cũng như các hệ lụy nảy sinh, ta mới giật mình nhận ra nỗi kinh hoàng tiềm tàng của câu chuyện. Đây có thể là một điều tác giả cố ý cài cắm vào trong tác phẩm, một dạng phần thưởng cho những người muốn đào sâu; hoặc có thể chỉ là một sự tình cờ, một kết luận tiềm tàng có thể rút ra được từ các dữ kiện trong tác phẩm mà bản thân tác giả cũng không ngờ tới.

Lưu ý một điều rằng để trở thành Fridge Horror, nỗi kinh hoàng được nhắc đến cần đáp ứng cả hai tiêu chí sau: A) không được tác phẩm trực tiếp chỉ mặt, và B) phải đủ “tàng hình” để người thưởng thức không nhận ra được một cách nhanh chóng. Khốn nạn một cái là cả A lẫn B đều mang tính chủ quan cực kỳ cao.

Trong trường hợp của điều kiện A, có khả năng những tình tiết bóng gió của tác phẩm sẽ nghe quá rõ ràng với một số người, khiến việc liệu tác phẩm có trực tiếp chỉ mặt nỗi kinh hoàng kia hay không sẽ tùy cách nhìn nhận. Để dễ hình dung, anh em có thể quay về với cái phiên bản cắt kết của SOMA mà mình đã trình bày ở trên. SOMA có nguyên một cảnh cho thấy rất rõ cái hệ lụy kinh khủng của việc copy dữ liệu sang chỗ mới, thông qua cách Simon chứng kiến bản “gốc” của mình nằm bất lực một chỗ, không hề hay biết rằng “mình” thực chất đã “dời nhà” từ lâu rồi. Game thậm chí còn bắt ta trực tiếp nhúng tay vào việc chốt lại số phận của Simon cũ, cho ta quyền lựa chọn bỏ mặc thanh niên nằm đấy trong bóng tối và hóa điên hoặc bị đệ con AI điên đến thịt hộ, hoặc tự tay giết chết Simon. Khi hồi kết “có hậu” xuất hiện, game không hề nhắc lại cảnh kia, nhưng liệu ta có thể nói rằng nó chưa “trực tiếp” chỉ thẳng mặt cái hệ lụy rùng rợn ấy không?

Điều kiện B thì phụ thuộc quá nhiều vào độ tinh ý của người thưởng thức. Có những người ngay từ giữa lúc thưởng thức tác phẩm đã nhìn ra cái lôgic cần suy ra kia trở thành một kết luận mặc định đối với họ. Cũng về với ví dụ chặt kết của SOMA, khi đến phần kết “có hậu,” kiểu gì cũng sẽ có người tức thì nhận ra số phận của Simon chịu trách nhiệm tải dữ liệu lên ARK là gì, bởi lẽ hồi trước từng được game cho xem một cảnh gần như giống hệt rồi còn gì nữa. Trên thực tế, dễ chừng sẽ còn có những người nhìn ra luôn sự kinh dị của cái kết ngay khoảnh khắc cái cảnh “preview” game đưa ra xuất hiện, hay thậm chí còn từ lúc sự thật đằng sau việc Simon thật đã chết và cái thứ ta chơi trong game chỉ là bản copy của anh ta được hé lộ. Do mọi thứ cứ lồ lộ như vậy, việc liệu cái kết có đủ điều kiện làm Fridge Horror hay không vẫn còn chưa chắc được.

Nói tóm lại, lắm khi khó phân định được đâu là Fridge Horror, đâu không phải lắm. Mọi thứ chỉ mang tính ang áng thôi.

Về ví dụ thằng đầu tiên tất nhiên sẽ là SOMA. Và không, không phải bản cụt kết mình đã mô tả đâu. Bản thân cái game SOMA gốc cũng có sẵn một cái Fridge Horror rồi. Trong hồi kết của cái game này, ARK đã được phóng lên vũ trụ, và nó tồn tại dưới dạng một vệ tinh, trôi nổi ngoài không gian. Cái vệ tinh này bất kể có nồi đồng cối đã đến đâu, cũng sẽ có lúc nó xuống cấp và cần bảo trì (vệ tinh ngày ngay được thiết kế để trụ được nhõn 15 năm). Khốn nỗi bây giờ loài người chết sạch rồi, và những “người” duy nhất sống sót chỉ toàn là những dãy số 0 và 1, móc đâu ra ai sang sửa cái vệ tinh đây? Kể cả nếu họ bằng cách nào đấy có thể tác động vật lý lên cái vệ tinh, họ sẽ kiếm đâu ra nguyên liệu thô, cơ sở vật chất để xử lý chỗ nguyên liệu đấy thành linh kiện nào?

Bên cạnh đó, dữ liệu điện tử cũng chỉ có một tuổi thọ rất hạn hữu, tầm vài chục năm là bắt đầu lỗi hoặc nhiễu loạn lung tung hết cả lên rồi. Ngay cả M-DISC, một loại đĩa quang có thể lưu trữ dữ liệu tận ngàn năm (trên lý thuyết thì vẫn, thực tế ra sao thì không ai rõ), cũng sẽ có ngày phải để dữ liệu hư hỏng. Vì toàn bộ chốn thiên đường mà các nhân vật của SOMA (hay ít nhất là bản copy của họ) sinh sống đều là dữ liệu thuần túy, với ngay bản thân họ cũng chỉ là dữ liệu, không hơn không kém, anh em tưởng tượng thử xem chuyện gì sẽ xảy ra khi ổ cứng của ARK bắt đầu xuống cấp? Mà thôi, anh em chẳng việc gì phải tưởng tượng đâu. Philip K. Dick từng làm hộ mọi người việc ấy trong cuốn tiểu thuyết A Maze of Death rồi. Nhìn vào cái tiêu đề, kết hợp với nhìn vào tên ông tác giả, anh em hẳn dư sức hiểu thế giới đó sẽ thành ra thế nào nhỉ?

Một ví dụ anh em có thể nhìn vào là The Call of Cthulhu của H. P. Lovecraft. Bản thân cái truyện ngắn này nó đã kinh dị rồi, nhưng nếu ngẫm kỹ thêm một tí, anh em sẽ nhận thấy nó còn ẩn chứa một tầng Fridge Horror khác, mang tính meta rất cao. Trong câu chuyện, một nhân vật là Francis Thurston có tình cờ khám phá ra bí ẩn về một thực thể tởm lợm có tên Cthulhu. Francis cũng khám phá ra rằng có một giáo phái tôn thờ con quái vật này, và đám đó chịu trách nhiệm cho cái chết của ông bác nhà mình, một người vốn đã tiến quá sát đến sự thật.

Sau khi tìm hiểu được ngọn nguồn sự tình, Francis nhận ra bản thân mình giờ cũng đã biết quá nhiều, và đinh ninh mình rồi sẽ có kết cục như chính ông bác. Và anh em biết còn ai khác cũng biết quá nhiều rồi không? Đó chính là những người đã đọc bản thảo mà Francis để lại, tường trình cặn kẽ mọi thứ về Cthulhu, về cái giáo phái điên loạn ấy, và về cái viễn cảnh đen tối của nhân loại. 

Nói cách khác, chính người đọc giờ cũng đã biết quá nhiều, trong khi, như Francis đã nói đấy, “giáo phái vẫn còn tồn tại.”

Một trường hợp Fridge Horror thú vị khác nằm trong tác phẩm 1984 của George Orwell. Trong truyện, ta có một nhân vật tên là Julia, và cô này cùng người tình là Winston đã bị bắt giữ vì tội phản động, bị tống vào trong Bộ Yêu thương để tra tấn và tẩy não. Vì truyện được thuật lại qua góc nhìn của Winston, ta không biết chuyện gì đã xảy đến với Julia trong cái bộ đấy hết, mà chỉ có thể phỏng đoán rằng cô cũng chịu chung những hình phạt như Winston vậy.

Đến cuối, lúc cả hai đều được “cải tạo” xong và thả ra, đôi bên có dịp gặp mặt nhau, và Winston để ý rằng quãng thời gian ở trong Bộ Yêu thương đã khiến Julia có những thay đổi rõ rệt. Trong số các điểm khác biệt về Julia, có hai tiểu tiết được đề cập đến, ấy là eo của cô đã trở nên đầy đặn và cứng hơn, còn bàn chân thì có vẻ trở nên bè rộng hơn. Chúng nó đều là những chi tiết rất lặt vặt, và không được Orwell bình phẩm thêm gì cả, nhưng nếu tinh ý, anh em sẽ nhận thấy đây là dấu hiệu tiềm tàng cho thấy Julia đã có thai. Kết hợp dữ kiện này với việc Julia từng bị tra tấn theo một kiểu bí ẩn nào đó trong Bộ Yêu thương, việc cái bộ này có một căn phòng luôn chứa đựng nỗi sợ hãi lớn nhất của tù nhân bất kỳ, việc Julia là phụ nữ, anh em đoán thử xem cái thai đấy là thành phẩm của chuyện gì nào? Lẽ đương nhiên, cái thai có thể thuộc về Winston. Nhưng đây là 1984. Anh em nghĩ một khả năng như vậy tồn tại được trong này ư?

Fantasy cũng chẳng kém cạnh gì Sci Fi trong khoản Fridge Horror, và ví dụ đầu tiên trong mảng này mà anh em có thể nhìn vào là bộ truyện Lord of the Rings của J. R. R. Tolkien. Trong truyện, Tolkien có đề cập đến một nhân vật tên là Earnur, vị vua thứ 33 kiêm cuối cùng của Gondor (trước khi Aragorn lên kế vị). Hồi chưa lên ngôi vua, Earnur từng có lần giao chiến với Witch-king xứ Angmar, thủ lĩnh của đám Nazgûl (những vị vua loài người bị Sauron làm tha hóa), và đã suýt giết được hắn. Không may con ngựa ông cưỡi hoảng sợ trước Witch-king, cho hắn cơ hội chạy trốn.

Về sau, lúc Earnur thành vua rồi, Witch-king chơi bài khích tướng, gửi thư thách thức nhà vua ra s̵o̵l̵o̵ ̵m̵i̵d̵ đấu lại với mình. Earnur ban đầu khôn ngoan không nhận, nhưng về sau bị chạm nọc quá nên mất khôn, thế là đã phóng đến Minas Morgul để đấu tay đôi với Witch-king. Kể từ đó, không ai còn thấy tăm hơi Earnur hay đoàn tùy tùng của ông nữa, và ai cũng nghĩ ông đã đơn thuần chết tại Minas Morgul.

Tuy nhiên, nếu đọc The Return of the King, cuốn cuối của trilogy Lord of the Rings, anh em sẽ nhận thấy số phận của Earnur thực chất khủng khiếp hơn hẳn. Trong Trận Cánh đồng Pelennor, Théoden, vua của Rohan, có bị Witch-king đánh bại. Giữa lúc Witch-king định đến giết Théoden, Dernhelm, một hiệp sĩ của Théoden (thực chất là Éowyn, cháu gái Théoden), đã ra chắn đường Witch-king, và đã bị hắn dọa rằng, “Chớ chen vào giữa Nazgûl và con mồi của hắn! Không thì hắn sẽ không kết liễu mi đâu. Hắn sẽ đưa mi đến chốn than van, bên kia mọi tăm tối, nơi xác thịt mi sẽ bị cắn xé, và khối óc teo tóp của mi sẽ trần trụi phơi bày trước Con Mắt Không Mí.”

Nếu đây mà là cách Witch-king đối xử với những ai hắn thấy nghịch mắt, khả năng cao Earnur cũng đã chịu chung số phận như vậy. Ông không chỉ bị giết đơn thuần, mà đã bị quẳng vào một chốn ngục tù hết sức khủng khiếp, với thể xác bị cắn xé, còn tâm trí thì bị tra tấn bởi hiện thân của Sauron. Và nếu phía Sauron tìm cách kéo dài sự sống của Earnur được, hay ít nhất là kéo dài sự tồn tại của linh hồn ông, thì tức là đã gần nghìn năm liền, Earnur cứ bị tra tấn không ngừng nghỉ, cả về thể xác lẫn tâm thần.

Một trường hợp khác cần nhắc đến là cái tựa game Skyrim của Bethesda. Cái game này rải hàng cả đống Fridge Horror trong thế giới của mình, nhưng có lẽ đáng chú ý nhất là một cái làng nhỏ mang tên Rorikstead của nó. Đây chỉ là một cái làng làm nông cực kỳ tầm thường, không có tí gì đặc biệt hết, chẳng có quest nào quan trọng cả (thực ra thì có một cái quest liên quan đến một gã thần điên có tên là Sanguine, nhưng vì gã này khá tưng tửng nên không có gì thực sự trói buộc gã vào với Rorikstead cả).

Tuy nhiên, nếu đi lục lọi thông tin với đồ đạc người dân trong nhà, mọi người sẽ thấy một số điểm khá dị. Rorikstead từng là một nơi khí hậu không phù hợp để làm nông, đất đai nghèo nàn, nhưng chợt một ngày nọ, nó trở nên hết sức phì nhiêu, không vì lý do gì hết. Người duy nhất anh em có thể tra hỏi về nguyên nhân là một lão già tên Jouane Manette, nhưng cứ động đến lý do Rorikstead tự dưng hóa thành một ngôi làng thích hợp trồng trọt thì lão sẽ chối bai bải, bảo là chẳng có bí quyết gì đặc biệt cả. Nhưng nếu theo chân lão đó đi lung tung, anh em sẽ bắt gặp một đứa trẻ con nhờ lão dạy phép thuật, và lão hoảng hốt bảo con bé đừng bô bô cái mồm, không thì lộ chuyện. Trong nhà lão còn có soul gem, một loại đá phép thuật hay được các pháp sư sử dụng để lưu linh hồn các sinh vật mình giết được, và một cuốn sách về Daedra, một dạng ác thần trong thế giới Skyrim.

Để xem nào, một ngôi làng đất đai tự nhiên trở nên màu mỡ, một lão già biết phép thuật và có dụng cụ để giam cầm các linh hồn mình giết hại, chưa kể còn sở hữu sách về ác thần. Anh em hẳn sẽ có thể suy đoán được tiếp thứ gì giúp Rorikstead phát triển nhỉ?

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.