Chuyển đến nội dung chính

Review Gene Atlantis của A. G. Riddle (viết bởi Cáo Biển Non Xanh)


 Tác giả: A.G.Riddle. Dịch giả: Lê Minh Đức

Thể loại: Trinh thám, khoa học viễn tưởng

Đánh giá: Đọc được

Katherine Warner là bác sĩ đứng đầu Trung tâm nghiên cứu và điều trị cho trẻ em tự kỷ tại Jakarta (Indonesia). Ngày nọ, khi kết quả thí nghiệm cho thấy cô đã đạt được bước đột phá trong công việc của mình thì Trung tâm nghiên cứu bị tấn công, hai đứa trẻ bị bắt cóc, bản thân cô không những không được bảo vệ mà còn bị cảnh sát xem như nghi phạm. David Vale là trưởng đơn vị Jakarta thuộc tổ chức Tháp Đồng Hồ - một tổ chức chống khủng bố phi chính phủ hoạt động hiệu quả nhất trên toàn thế giới. David và nhóm người ít ỏi của anh đã phát hiện một âm mưu khủng bố toàn cầu, đe dọa sẽ tiêu diệt hàng triệu nhân mạng. Kate Warner và David Vale có liên quan gì đến nhau và họ có thể làm gì để cứu chính mình đồng thời vãn hồi cục diện tăm tối này của loài người?

Sách khổ lớn và dày 590 trang, bìa vô cùng đẹp, lẽ ra phải là một ấn phẩm đem lại 130% mãn nguyện nhưng vì cách viết chưa được hấp dẫn lắm nên thú thật là Biển có chút thất vọng. Phần mở đầu và vài chục chương đầu khiến Biển nghĩ đến sự kết hợp giữa tiểu thuyết Dan Brown, tiểu thuyết Harry Dolan và bộ phim G.I.Joe. Thay vì những đoạn viết về biểu tượng và tôn giáo như trong sách của Dan Brown thì “Gene Atlantis” chứa đựng rất nhiều kiến thức hàn lâm về di truyền học và tiến hóa. Có lẽ vì không hiểu rõ những đoạn đó, thêm nữa là chúng thường được chèn vào giữa các cuộc đối thoại rất dài khiến Biển không đọc nổi, đành phải lướt. Dù có bị chê cười thì Biển cũng phải nói rằng tuy rất nghiêm túc tập trung nhưng đọc hơn nửa quyển sách mà Biển vẫn chưa hiểu rõ nó đang nói về vấn đề gì 🙁

“Loài người là kẻ sát nhân hàng loạt kinh khủng nhất mọi thời đại. Con thử nghĩ mà xem: chúng ta được lập trình để tồn tại. Ngay cả tổ tiên xưa kia của chúng ta cũng bị thôi thúc bởi bản năng này, đủ để nhận ra rằng người Neanderthal và người Hobbit là những kẻ thù nguy hiểm. Có thể họ đã giết hàng chục loài khác trong họ Homo. Và cái di sản đáng hổ thẹn đó đã tồn tại đến tận ngày nay. Chúng ta tấn công bất kỳ thứ gì khác biệt, bất kỳ thứ gì chúng ta không hiểu, bất kỳ thứ gì có thể thay đổi thế giới, môi trường của chúng ta, giảm bớt cơ hội sống sót của chúng ta. Phân biệt chủng tộc, chiến tranh giai cấp, phân biệt giới tính, Đông đấu với Tây, Bắc đấu với Nam, tư bản và cộng sản, dân chủ và độc tài, Hồi giáo và Thiên Chúa giáo, Israel và Palestine, tất cả đều là những mặt khác nhau của cùng một cuộc chiến: cuộc chiến vì một loài người đồng nhất, kết thúc mọi khác biệt giữa chúng ta. Đó là cuộc chiến chúng ta đã bắt đầu cách đây rất lâu và đã chiến đấu từ đó đến giờ”.

Yếu tố trinh thám – hành động trong truyện cũng đủ ly kỳ hồi hộp nhưng còn nhiều điểm vô lý. Đây là một câu chuyện khoa học giả tưởng nên độc giả phải sẵn sàng chấp nhận những sự kiện khác biệt và vượt xa lẽ thông thường. Tuy nhiên, xét về chất giả tưởng thì cá nhân Biển cho rằng “Gene Atlantis” không cuốn hút bằng “Cuộc thám hiểm vào lòng đất”của Jules Verne hoặc “Trạm tín hiệu số 23” của Hugh Howey. ____  Diễn tiến truyện được đan xen giữa hiện tại và quá khứ, đôi lúc đoạn quá khứ được viết khá dài, lại xen lẫn thêm “quá khứ của quá khứ” khiến câu chuyện hơi bị loãng.

Tính cách nhân vật được miêu tả vừa giống người bình thường vừa có tính chất “anh hùng”: nam chính can đảm + hài hước trong cả những tình huống oái ăm nguy hiểm nhất; nữ chính tuy cũng giỏi giang nhanh nhẹn nhưng vẫn là một nữ bác sĩ yếu đuối không được đào tạo gì về kỹ năng chiến đấu. Khi đọc hết chương 25, Biển có một phút mặc niệm cho tất cả những người dũng cảm đã hy sinh để bảo vệ hòa bình thế giới. Nghe thì có vẻ mông lung xa vời nhưng ai đọc cuốn này sẽ hiểu Biển muốn nói gì. Ở đầu truyện khắc họa một hình ảnh người thi hành công vụ ở Jakarta rất tồi tệ và quan liêu, không biết liệu cuốn này có được bán ở Indonesia không..

Cuối sách có phần nhắn gửi của tác giả, đọc xong thấy thông cảm và muốn viết review ca ngợi thêm một chút nhưng Biển chỉ có thể viết những gì mình nghĩ chứ không thể tự dối lòng. So với bộ sách Dị Chủng – Tàn Thế thì Biển thấy “Gene Atlantis” không lôi cuốn bằng và chắc sẽ không mua những quyển tiếp theo của bộ này.

(Sea, 24-10-2018)

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.