Chuyển đến nội dung chính

Review Băng Hoả Trường Ca của George R.R Martin (viết bởi Hải Stark)


 Tên gốc: A Song of Ice and Fire

Tác giả: George R.R Martin

Thể loại: Fantasy

🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌕🌗🌑

8,5/10

====

TL,DR

====

Epic fantasy với thế giới được xây dựng khá chi tiết. Xoay quanh chiến tranh, chính trị và mưu kế, rất rất nhiều mưu kế

====

CỐT TRUYỆN/VĂN PHONG

====

Khá là khó để tóm gọn cốt truyện của ASOIAF trong vài câu, bởi vì nó rất phức tạp. Tuy nhiên, nói một cách tối giản nhất thì cốt truyện của bộ này được xây dựng từ hai tuyến truyện lớn nhất: tuyến truyện bên phía lục địa Westeros và tuyến truyện bên phía lục địa Essos. Tuyến Westeros thì phân làm hai mạch truyện lớn: cuộc chiến giành quyền lực ở Bảy Vương Quốc và cuộc chiến chống Ngoại Nhân ở miền cực bắc. Tuyến Essos thì tập trung chủ yếu vào hành trình phục quốc của Daenerys Targaryen (cơ bản thế) và những tranh chấp tại vùng đất đó. Mỗi tuyến truyện lớn sẽ lại được cấu thành bởi hàng loạt tuyến truyện nhỏ hơn của các nhân vật. Chúng đan xen vào nhau, kể câu chuyện theo nhiều góc nhìn khác nhau. Nhờ đấy mà cái cốt của ASOIAF trở nên cực kỳ phức tạp và chi tiết. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến một trở ngại không hề nhỏ với những người mới tìm đọc: nó quá phức tạp, rối rắm và nếu không theo được mạch truyện thì sẽ dẫn đến tình trạng không thể nắm bắt được chuyện gì đã và đang xảy ra. Cơ mà nếu qua được cú sốc nhiệt này rồi thì anh em sẽ được tận hưởng một trong những bộ epic fantasy có cốt truyện được chăm chút kỹ nhất (kỹ đến mức gần chục năm rồi chưa ra được tập 6).

Ờ thì đúng là ASOIAF chưa ra hết thật, nhưng khối lượng tuyến truyện và chi tiết cài cắm do Martin cài vào suốt 5 tập đã xuất bản cùng vài cuốn ngoại truyện khác cũng đủ cho fandom phân tích rã họng đến Tết. Bản thân mình cũng đã cả viết cả biên dịch trên dưới 20 bài phân tích các kiểu về ASOIAF mà cũng chỉ chạm đến chút ít bề mặt của nó thôi. Nên là trong lúc đợi Gió Mùa ra (theo như Martin thề sống thề chết là trong năm nay) thì anh em đọc phân tích của fandom chắc cũng đủ đấy.

Văn phong của ASOIAF mình nghĩ khá dễ đọc và thực sự nếu có thể anh em nên đọc bản gốc. Bản dịch Việt không đến nỗi nào nhưng nó cũng không phải là tốt cho lắm. Trở ngại khi đọc bộ này không phải văn phong mà như mình đã nói ở trên, mà là dễ bị sốc nhiệt bởi hàng chục tuyến truyện đan xen vào nhau. Cơ mà đọc ASOIAF cũng có cái rất hay là ở kiểu dẫn chuyện của nó. Martin viết bộ này theo kiểu góc nhìn nhân vật, nên là mỗi chương sẽ do một nhân vật làm dẫn chuyện. Cái hay của kiểu viết này là ta được tiếp cận câu chuyện ở nhiều góc nhìn khác nhau. Ngoài ra, nhờ thế mà anh em cũng sẽ dễ đồng cảm được với nhân vật hơn và chứng kiến nhân vật thay đổi cũng hay ho hơn. Cơ mà mình nghĩ cái khuyết điểm của lối viết này sẽ nằm ở việc độc giả có thể bỏ qua hoặc đọc lướt những chương do nhân vật mình không thích dẫn. Bản thân mình là một ví dụ khi mình toàn đọc lướt, chủ yếu để nắm tình tiết mỗi khi đến chương của Daenerys do không thích con bé này lắm.

Ờ nhưng bù lại những chương do nhân vật mình thích dẫn thì lại đọc rất kỹ, nhờ thế mà hiểu hơn về bản thân nhân vật đó cũng như mạch truyện đang theo dõi.

====

Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI

====

Martin là một fan của Tolkien, cho nên việc xây dựng thế giới giả tưởng của ông cũng chịu ảnh hưởng phần nào từ Chúa Nhẫn. Đúng ra thì ảnh hưởng đó chỉ tồn tại ở việc "chân thực hoá thế giới" và một vài yếu tố kỳ ảo như rồng hay phép thuật, còn lại thế giới của Martin mang đậm chất hiện thực. ASOIAF chịu ảnh hưởng rất nhiều từ lịch sử thật sự, chủ yếu là lịch sử châu Âu nói chung và lịch sử Anh nói riêng (cái lục địa Westeros literally là Anh Quốc lộn lại). Một vài sự kiện lớn truyền cảm hứng cho ASOIAF có thể kể đến như Cuộc chiến Hoa Hồng, Chiến tranh Trăm Năm, Cuộc vây hãm Constantinople,... Bởi thế nên anh em sẽ thấy thế giới của ASOIAF đậm chất hiện thực, gần giống lịch sử ngoài đời và rất rất tàn bạo với đủ loại mưu kế chính trị, xung đột chiến tranh. Yếu tố fantasy trong truyện có, nhưng rất ít và hiện tại chưa ảnh hưởng lớn đến các tuyến truyện (cơ mà sure kèo nó sẽ là yếu tố gần như chủ đạo để kết truyện, bởi vì mối nguy lớn nhất trong truyện là đám Ngoại Nhân). Cái thế giới của Martin cực kỳ trần trụi, tàn bạo, không dung thứ với bất cứ ai nên có thể nhiều lúc anh em còn sẽ thấy kinh tởm trước những tội ác và thảm kịch mà cuộc chiến trong truyện đem tới. Với lại Martin cũng chả thèm nói nhẹ nói tránh đi tẹo nào mà còn khắc hoạ chân thực và kỹ đến phát khiếp, nên anh em đừng trông mong gì màu hồng trong thế giới hỗn loạn của ASOIAF.

Mặt xây dựng thế giới của Martin đương nhiên cũng là điểm sáng. Nó chưa đến mức khủng bố như Chúa Nhẫn, nhưng cũng chi tiết đến phát sợ. Cũng có những truyền thuyết, có những chủng tộc khác nhau, tuy nhiên phần mà Martin đầu tư nhất là lịch sử. Thật sự luôn, Martin viết sử cho thế giới này cực kỹ, nhất là lịch sử của vương triều Targaryen kỹ đến mức ra hẳn hai cuốn sách chỉ để kể về triều đại này (mỗi quyển ngót nghét 500 trang). Cho nên ngoài việc nhai hết các mạch truyện của 5 tập gốc thì anh em cũng nên ngó qua vài quyển ngoại truyện để hiểu hơn về lịch sử thế giới giả tưởng này, bởi vì Martin viết kỹ và hay vl, như đọc sử thật ngoài đời. Cơ mà cũng vì lo chăm chút mấy cái ngoài lề kinh quá nên mãi chưa xong được mạch truyện chính. Dự định ban đầu của Martin lúc viết bộ này chỉ là 3 tập, nhưng rồi lỡ... bôi ra lắm tuyến quá nên nâng lên thành 6 tập và rồi cuối cùng chốt hạ là 7 tập, dù rằng bao giờ chúng ta được sờ vào tập 6 và 7 thì chịu.

====

KẾT

====

ASOIAF là một bộ epic fantasy khổng lồ, và theo mình thì là một trong những bộ fantasy lớn nhất kể từ Chúa Nhẫn. Hơn thế, ASOIAF sở hữu một mạch truyện cực kỳ cuốn hút, tuy khá là phức tạp và điên rồ, dàn nhân vật đa chiều và những ai thuộc nhóm chính đều được xây dựng cực hay. Ngoài ra, Martin cũng rất chăm rải hint, cài cắm các chi tiết nhỏ để tạo nên những diễn biến khó lường và thả sức cho fandom suy đoán, phân tích, đưa ra giả thuyết các loại và cãi lộn từ ngày này sang ngày khác (nói thật đấy, vì kể cả việc cho các nhân vật... ăn uống gì trong truyện cũng có ẩn ý hết). Nếu anh em chưa đọc hay chưa xem bản chuyển thể Game of Thrones của HBO, hãy đọc ngay. Còn nếu xem rồi mà chưa đọc, hãy cũng cứ đọc từ đầu để biết bản chuyển thể là một thứ đbgr đến như thế nào, nhất là 4ss cuối.

P/S: Chăm chút cho thế giới giả tưởng là thế, nhưng có một chi tiết nhỏ khá buồn cười trong cách Martin đặt tên các lục địa. Cái lục địa phía Tây thì tên là Westeros, lục địa phía Đông là Essos, lục địa phía Nam là Sothoryos. Bởi thế nên fandom bộ này mới ưu ái giúp Martin đặt nốt tên cho toàn bộ thế giới giả tưởng này theo tinh thần ấy là... Planetos. Vâng, rất dễ hiểu.

P.P/S: STANNIS LÀ VỊ VUA ĐÍCH THỰC CỦA WESTEROS, ĐẤY LÀ SỰ THẬT KHÔNG AI CÓ THỂ CHỐI CÃI.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.