Chuyển đến nội dung chính

Chất Sci Fi tiềm ẩn trong The Wheel of Time


 Đâu tầm hôm qua gì đó, Amazon đã tung trailer cho The Wheel of Diversity, tức bản chuyển thể The Wheel of Time, bộ truyện Epic Fantasy đồ sộ của Robert Jordan. Có một bạn đã hỏi mình rằng cái series này có tí Sci Fi gì không hay Fantasy thuần túy thôi. Câu hỏi này xem chừng khá đơn giản, và trông vào cái trailer thì hẳn anh em cũng chẳng khó đoán được câu trả lời là gì.

Và anh em về cơ bản nghĩ đúng rồi đấy, câu trả lời sẽ là không.

Không… hẳn 🐧.

Nguyên do cụ thể là thế này nhé.

The Wheel of Time là một thế giới với lịch sử dài dằng dặc, chia làm nhiều thời đại khác nhau. Một thời đại kéo dài tầm mấy ngàn năm gì đó, và sẽ khởi đầu và kết thúc với một hoặc nhiều thay đổi kinh thiên động địa. Không ai rõ từ thủa khai thiên lập địa đến nay đã có mấy thời đại rồi, nhưng như nền văn minh hiện tại của truyện chính thức ghi nhận thì loài người hiện đã trải qua 3 thời đại, và sắp sửa bước sang thời đại thứ 4. Chúng bao gồm:

Thời Đại Thứ Nhất, kết thúc cả chục nghìn năm trước thời hiện tại của series. Một số di vật của thời đại này vẫn còn lưu lại, nhưng gần như mọi thông tin về nó đã bị thất lạc. Phần đông dân chúng chỉ biết về nó thông qua các giai thoại dân gian do những gleeman (đại khái là người hát/diễn hề rong) kể lại.

Thời Đại Huyền Thoại, tức Thời Đại Thứ Hai, diễn ra trước thời hiện tại của series tầm 4000-5000 năm gì đó. Đây là một thời kỳ nhân loại phát triển rất rực rỡ, với các Aes Sedai (về cơ bản là pháp sư) chế tạo được ra hàng loạt món bảo bối ma thuật mạnh mẽ phi thường. Tuy nhiên, đến cuối kỷ nguyên này, một sự kiện gọi là Sự Tan Vỡ Của Thế Giới (còn gọi là Thời Đại Cuồng Điên), khi saidin, nguồn năng lượng ma thuật mà các Aes Sedai nam sử dụng, bị Dark One (về cơ bản là quỷ) làm vẩn đục, khiến mọi Aes Sedai nam hóa điên và hủy diệt gần như toàn bộ thế giới.

Thời Đại Thứ Ba, hay còn gọi là Thời Đại Tiên Tri, bắt đầu từ lúc Sự Tan Vỡ Của Thế Giới xảy ra (bao gồm quãng thời gian 3 thế kỷ khi các Aes Sedai nam vẫn còn đang tàn phá thế giới), và kéo dài cho đến Trận Chiến Cuối Cùng, hồi kết của toàn bộ series. Nói cách khác, đây chính là thời hiện tại của series. Nó được chia làm ba thời kỳ nhỏ, bao gồm Hậu Tan Vỡ, Niên Đại Tự Do, và Tân Kỷ Nguyên. Series bắt đầu ở giai đoạn cuối Tân Kỷ Nguyên kéo dài từ năm 998 NE (lịch Tân Kỷ Nguyên) cho đến năm 1000 NE.

Ok, vậy mấy cái niên đại này thì liên quan gì đến việc The Wheel of Time là Fantasy hay Sci Fi?

Thế này nhé, nếu đọc về các thời đại này, anh em sẽ thấy mấy thằng được tả kỹ, cụ thể là Thời Đại Thứ Hai và Thứ Ba, nghe sặc mùi Fantasy, với đủ kiểu pháp sư phép thuật ma quỷ này nọ. Và trong suốt series chính, tức Thời Đại Thứ Ba, mọi người sẽ thấy cực kỳ rõ đây thuần túy là Fantasy, không có một tí Sci Fi nào hết. Mọi bằng chứng đều cho thấy đây dứt khoát là một series Epic Fantasy, không thể lệch đi đâu được.

Nhưng rồi ta có cái thằng mập mờ đầu tiên, Thời Đại Thứ Nhất.

Thời đại ấy có Elsbet, Nữ Hoàng Thế Giới, người từng tiến hành chiến tranh với Mosk Khổng Lồ, với cả hai sử dụng những cây thương lửa dài bất tận, có thể chém trúng mọi nơi trên đời. Nó còn có Lương Y Materese, Đức Mẹ Xứ Ind Diệu Kỳ, người từng chữa bệnh cho những người khốn khổ tại một vương quốc tên Ind. Bên cạnh đó, ta còn phải kể đến huyền thoại về Lenn, một dũng sĩ từng cưỡi đại bàng lửa bay lên cung trăng, và Salya, người con gái từng bước đi giữa các vì sao của Lenn. Ta còn có cả những hiện vật trưng bày trong bảo tàng, trong đó có một bộ xương thú với bốn chân mảnh khảnh và một cái cổ cao ngồng, cùng một thứ bàng bạc mang hình ngôi sao ba cánh đặt trong một vòng tròn, làm từ một dạng kim loại chưa ai từng biết đến. Và còn rất nhiều thứ khác từa tựa vậy nữa.

Có thể một số anh em đã bắt đầu thấy mấy cái này quen quen rồi, đặc biệt là phần mấy cái cổ vật. Nguyên nhân là bởi đây toàn là những con người, sự kiện, vật dụng quen thuộc, bị chập chung và bóp méo đi qua lăng kính thời gian. Elsbet là Nữ hoàng Elizabeth II của Anh Quốc, một quốc gia từng có thuộc địa ở khắp mọi miền trên thế giới. Mosk Khổng Lồ chính là Moscow, đại diện cho nước Nga, một bên đối nghịch với Anh (đồng minh của Mỹ), và ngọn thương lửa có thể đánh trúng mọi nơi trên thế giới là tên lửa xuyên lục địa. Lương Y Materese chính là Đức Mẹ Teresa, nữ tu sĩ từng ra tay cứu giúp người nghèo tại Ấn Độ (tức India). Lenn cưỡi đại bàng lửa là John Glenn, người Mỹ đầu tiên bay vòng quay quanh Trái đất, trong khi con đại bàng là Mô-đun Mặt Trăng của tàu Apollo (có biệt hiệu là đại bàng), thứ đã đưa con người lần đầu lên Mặt Trăng. Salya là Sally Ride, người phụ nữ Mỹ đầu tiên bay vào vũ trụ. Con thú cao cổ bốn chân chính là hươu cao cổ. Và cái ngôi sao bạc bên trong vòng tròn là logo của xe Mercedes-Benz.

Nói cách khác, Thời Đại Thứ Nhất chính là thời chúng ta đang sống.

Kết hợp với việc mọi thời đại đều kết thúc với một sự kiện chấn động, chôn vùi thế giới cũ và mở ra thế giới mới, ta có thể luận ra rằng series The Wheel of Time là một thế giới hậu tận thế, sau khi nền văn minh con người đương thời đã tự hủy diệt bản thân (có khả năng là bởi chiến tranh hạt nhân, thế nên mới có chuyện đôi bên đánh nhau bằng “thương lửa”). Cái năng lượng ma thuật mà các Aes Sedai sử dụng có thể chỉ đơn thuần là một dạng năng lượng tương tự như điện, về sau đã được khám phá ra và tận dụng để chế tạo máy móc (tức các bảo vật nhiệm màu mà nay chẳng ai hiểu hoạt động kiểu gì).

Lẽ đương nhiên, The Wheel of Time không phải kiểu Horizon: Zero Dawn hay A Canticle for Leibowitz, hai tác phẩm cũng lấy bối cảnh tương lai hậu tận thế của thế giới thực nhưng trông rõ là Sci Fi, với các thành phẩm của công nghệ khoa học chỉ bị hiểu nhầm là phép thuật, còn đâu chẳng có thần thánh gì hết (ờ thì thằng A Canticle for Leibowitz đúng là có thần thánh thật, nhưng nồng độ phép thuật của nó chỉ cao ngang ngửa Dune là cùng, thế nên không đẩy hẳn nó vào Fantasy được mà cùng lắm chỉ gọi nó là Science Fantasy thôi). Vì có sự tồn tại của The Creator với The Dark One, về cơ bản là chúa với quỷ, với cái năng lượng phép thuật trực tiếp bắt nguồn từ The Creator, thế nên The Wheel of Time về cơ bản vẫn là Fantasy, và nếu xét riêng về trải nghiệm với series, mọi người sẽ chẳng thấy cái chất Sci Fi của nó có tác động gì với câu chuyện cả. Mỗi tội hỏi nó có là Fantasy thuần hay không thì, ờm, còn tùy việc mọi người có nghĩ một tách cà phê pha hai giọt sữa có còn được tính là cà phê đen thuần không nữa 🐧.

Mình từng có lần làm 1 bài bàn về cái kiểu khoa học pha ma thuật cũng na ná thế này, anh em nào quan tâm đến đề tài ấy có thể ngó qua ở đây nhé: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/07/phep-thuat-vs-cong-nghe-lam-nao-e-ap.html.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.