Chuyển đến nội dung chính

Chủ nghĩa Khách quan và sự nguy hiểm của cực đoan hóa


 Ngày hôm trước, mình có làm một bài bàn về phong trào tôn sách lên thành hàng thiết yếu. Việc sách là thứ tối quan trọng với đầu óc và văn hóa nọ kia mới nghe qua sẽ thấy khá kêu và sang mồm, và thậm chí bản chất của nó thực ra cũng rất hợp lý. Vấn đề ở chỗ nó đã bị nâng tầm lên một cách quá trớn, trở thành một tư tưởng sùng bái cực đoan, và nếu đem ra áp dụng thực thì sẽ làm nảy sinh cả đống hệ lụy và vấn đề.

Bài đấy khiến mình tình cờ nhớ lại một cái hệ tư tưởng nghe cũng khá mượt tai, và thậm chí còn hợp lý nữa, mỗi tội mang tính cực đoan rất cao và nếu đem áp vào đời thực thì cũng sẽ bung bét hết cả. Cái tư tưởng đó là Objectivism, tức Chủ nghĩa Khách quan.

Chủ nghĩa Khách quan là một hệ tư tưởng triết học do nhà văn người Mỹ gốc Nga Ayn Rand đề xuất, và được bà truyền bá thông qua cả các tác phẩm văn học hư cấu lẫn những bài tác phẩm triết lý phi hư cấu. Thú vị một điểm là thiên hạ thường hay biết đến Chủ nghĩa Khách quan thông qua các tác phẩm tiểu thuyết của bà hơn, với đặc biệt dân mê SFF chúng ta thì hẳn sẽ chủ yếu biết đến nó thông qua cuốn Atlas Shrugged, mặc dù mấy cuốn tiểu thuyết của Ayn Rand không hệ thống hóa nó (cho lắm). Chủ nghĩa này động đến khá nhiều thứ, nhưng về cơ bản thì có mấy giáo lý chính thế này:

- Thực tại mang tính khách quan: sự tồn tại và bản chất của vạn vật trên đời tồn tại biệt lập so với cách ta nhìn nhận hoặc suy nghĩ về chúng. Nói cách khác, nó sẽ được trải nghiệm một cách trực tiếp thông qua các giác quan của ta, và bất kể có diễn đạt các thông tin thu được thông qua những giác quan của mình như thế nào, ta cũng không thể bẻ cong thứ gì để nó chạy theo ý muốn của mình hết.

-  Lý trí là tất cả: lý trí là thứ duy nhất ta có, đồng thời cũng là thứ duy nhất ta cần để hiểu về thế giới xung quanh mình. Mọi thứ trên đời này đều có thể được luận ra một cách khách quan thông qua quá trình suy luận lôgic. 

- Hạnh phúc của bản thân là tối thượng: cái gì làm cho cuộc đời mình tốt lên là tốt, cái gì làm nó xấu đi là xấu. Từ đây, mỗi con người sẽ xây dựng một bộ quy tắc đạo đức cho riêng mình, giúp tối đa cái lợi của bản thân và giảm thiểu những cái không có lợi. Không một thứ gì khác có thể cấm cản hoặc chỉ đạo hành động của một người ngoài chính bản thân người ấy cả.

Trong số ba giáo lý này, thứ thường được thiên hạ chú ý đến nhất là thằng cuối cùng. Nó cổ xúy một phiên bản chủ nghĩa cá nhân rất cực đoan, nói rằng con người phải sống thật ích kỷ, đặt cái lợi của mình lên trên hết. Các hành động mang tính từ thiện, vị tha, giúp đỡ người khác nói chung đều vô nghĩa và phản lôgic. Chính bản thân Rand khi mô tả vắn tắt về chủ nghĩa của mình cũng đặt cái giáo lý đấy lên trước nhất, tuyên bố rằng Chủ nghĩa Khách quan là “khái niệm về con người dưới dạng một thực thể anh hùng, với hạnh phúc cá nhân là mục đích đạo đức của cuộc đời anh ta, với việc đạt được những thành tích hữu ích là hoạt động cao quý nhất của anh ta, và lý trí là thứ duy nhất anh ta tôn là tuyệt đối.”

Chính từ giáo lý tôn thờ chủ nghĩa cá nhân này, Chủ nghĩa Khách quan đề xuất rằng một xã hội tử tế bắt buộc phải là tôn trọng mọi quyền cá nhân của con người, không sử dụng các nguyên tắc đạo đức hay quy chế cai quản nào để gò ép con người làm trái với lợi ích của bản thân mình cả. Nói cách khác, theo tư tưởng của Chủ nghĩa Khách quan, một xã hội thiên đường sẽ là một xã hội áp dụng chủ nghĩa Tư bản Tự do (Laissez-faire Capitalism).

Hẳn sẽ có không ít anh em cảm thấy khá bùi tai với cái hệ tư tưởng này, bởi lẽ nó cực kỳ đề cao sự tự do, không bị bó buộc bởi bất cứ thứ gì cả. Đặc biệt, bởi vì bản chất đặc thù của đất nước chúng ta, với những truyền thống/kỳ vọng xã hội cũng như cách quản lý của chính quyền mang nặng tính gò bó và thúc ép, Chủ nghĩa Khách quan nghe quả thật như một tư tưởng tuyệt vời. Trên thực tế, nó nghe rất giống một phiên bản lý tưởng hóa của những giá trị cốt lõi của Mỹ: tự do được đặt lên trên hết, lấy cá nhân làm trọng, và thành quả lao động của ai người nấy hưởng. Và anh em cũng biết Mỹ đã phất lên ra sao nhờ những giá trị này rồi đó.

Tuy nhiên, cái chết người của Chủ nghĩa Khách quan, hay ít nhất của cái giáo lý ích kỷ của chủ nghĩa này, là nó đã cực đoan hóa mọi thứ tốt đẹp ấy lên. Và một khi đã rơi vào cái bẫy cực đoan rồi, mọi thứ sẽ trở nên biến tướng, không còn tốt đẹp gì nữa cả. 

Trớ trêu thay, sự cực đoan của Chủ nghĩa Khách quan đã bị chính một giáo lý của nó vả bôm bốp vào mặt. Giáo lý “phản chủ” ấy chính là việc thực tại mang tính khách quan, và không một tư tưởng hay suy nghĩ nào có thể bẻ cong thực tại được cả. Giáo lý ấy mâu thuẫn với Chủ nghĩa Khách quan ở chỗ nào ư? Ở việc hết lần này đến lần khác, mỗi khi đem vào thực tại áp dụng, Chủ nghĩa Khách quan đều chẳng làm được gì ngoài chứng minh sự lệch lạc của chính mình.

Ví dụ đầu tiên là pha tự hủy khét lèn lẹt của Eddie Lampert, chủ tịch chuỗi cửa hàng bách hóa Sears. Lampert vốn là một người theo chủ nghĩa tự do, và rất cuồng Ayn Rand. Sau khi lên nắm quyền điều hành Sears, Lampert đã tái cơ cấu lại hoàn toàn các hoạt động của công ty, điều hành nó theo một triết lý sặc mùi Rand: nếu các lãnh đạo của công ty được quyền hành động một cách ích kỷ, họ sẽ sử dụng lý trí để điều hành bộ phận của mình sao cho tối ưu nhất, và hiệu suất chung sẽ tăng vọt.

Cụ thể, triết lý ấy được thể hiện ra thông qua việc ông anh bổ nhỏ công ty thành ba mươi (sau này là bốn mươi) đơn vị khác nhau. Thay vì hợp tác với nhau như trong một công ty bình thường, các bộ phận như thu mua hàng may mặc, thu mua công cụ, nguồn nhân lực, CNTT, thương hiệu,… về bản chất hoạt động như các doanh nghiệp tự chủ. Mỗi bộ phận đều có chủ tịch, hội đồng quản trị, giám đốc điều hành riêng, và hoạt động theo nguyên tắc tự làm tự hưởng (tức lãi lỗ ra sao tự chịu). Nếu bộ phận may mặc muốn sử dụng các dịch vụ của CNTT hoặc nguồn nhân lực, họ phải ký hợp đồng với bên đấy hoặc tự biết điều đi thuê ngoài, miễn sao cải thiện tối ưu nhất có thể cho đơn vị mình. Điều đó có cải thiện hiệu suất của toàn công ty hay không thì mặc, bởi vì Ayn Rand nói rồi đấy, mưu cầu hạnh phúc cá nhân là ưu tiên tuyệt đối, không cần biết bố con thằng nào khác cả.

Chính sách của Lampert đã biến Sears thành một địa ngục. Toàn bộ doanh nghiệp bị tàn phá bởi các bộ phận phải tranh giành nguồn lực với nhau, đồng thời loay hoay tự cứu lấy bản thân mình. Họ phá hoại và gài bẫy các đơn vị khác để triệt đối thủ; họ giành giật từng không gian quảng cáo trong các cửa hàng, bần cần quan tâm hiệu ứng tổng thể sẽ ra sao với khách mua; họ thậm chí còn bắt đầu bán sản phẩm của các công ty ngoài, cạnh tranh trực tiếp với thương hiệu của Sears, và để chúng ở những vị trí nổi hơn cả sản phẩm của công ty, đơn thuần vì nó có lợi nhuận biên tốt hơn.

Hậu quả là giá trị vốn hóa của Sears đã bay hơi gần phân nửa, phải đóng cửa vô số cửa hàng thực của mình, và Lampert đi vào lịch sử như một trong những nhà điều hành bất tài nhất thế giới. Về sau, trong một bài phân tích tại tờ Salon, Lynn Parramore, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại Viện Tư duy Kinh tế Mới, đã kết luận rằng: “Điều Lampert không nhận ra là con người kỳ thực có khuynh hướng làm việc vì lợi ích chung của một tổ chức. Họ thích phối hợp và cộng tác với nhau, và thường sẽ làm việc hiệu quả hơn khi có chung mục tiêu với nhau. Loại bỏ tất cả những thứ đó đi, và ta sẽ tạo ra một công ty tự hủy diệt chính mình.”

Một ví dụ khác cũng cần phải nhắc đến là các khu tự trị của nước Cộng hòa Honduras. Năm 2009, Honduras xảy ra một cuộc đảo chính, với kết quả là Manuel Zelayam, tổng thống đương thời của Honduras, đã bị quân đội và Tòa án Tối cao Honduras phế truất. Sau đó, phe nắm quyền đã tiến hành nhiều thay đổi đối với pháp luật của đất nước, tạo ra khủng hoảng hiến pháp với hệ lụy kéo dài cho đến tận bây giờ.

Trong số này, điều ta cần đặc biệt chú ý đến là một đạo luật được thông qua vào năm 2013, dẫn đến sự hình thành của các khu thương mại tự do tự trị, do các tập đoàn quản lý thay vì chính phủ. Đây về cơ bản chính là những thiên đường Tư bản Tự do mà Chủ nghĩa Khách quan luôn tung hô, chỉ có điều thay vì tồn tại trên các trang giấy, chúng tồn tại ngoài đời thật. Điều này khiến Honduras thu hút sự chú ý của những người theo Chủ nghĩa Khách quan, và một số người thậm chí còn đã cất công đến tận nơi để tìm hiểu xem cái thiên đường tự do đấy là như thế nào. Trong số đấy có Edwin Lyngar, một phóng viên báo Salon kiêm fan hâm mộ Rand.

Và sau khi từ một vùng tự do kinh tế của Honduras trở về, Lyngar đã cạch mặt hoàn toàn Ayn Rand.

Theo lời kể của Lyngar, các dự án cơ sở hạ tầng công cộng như đường sá bị bỏ mặc đấy, chẳng ai buồn đoái hoài. Nguyên nhân là sang sửa và phát triển cầu đường có lợi nhuận biên không đủ cao để các tập đoàn tư bản buồn đầu tư vào, và việc chúng nó xuống cấp dù cũng gây cản trở cho công tác hậu cần, hậu quả vẫn chưa đủ nghiêm trọng để người ta quan tâm đến. Rốt cuộc, người dân phải tự vác xẻng đi xúc đất hoặc phế liệu trám vào các ổ gà ổ voi, sau đó đứng đầy rẫy bên đường cạnh để xin tiền ủng hộ từ những người lái xe rộng lượng.

Ngay cả ở cấp cá nhân, sự tình cũng chẳng khá khẩm gì cho cam. Vì chẳng có luật lệ gì quản lý, không có lực lượng hành pháp tử tế, người dân được mặc sức lộng hành, thế nên tỉ lệ tội phạm tăng cao ngoài sức tưởng tượng. Ai cũng phải tự lo lấy thân của mình. Chính bởi vậy, ở các vùng tự do kinh tế này, ta sẽ chỉ thấy có đúng hai loại nhà cửa: nhà ổ chuột, và các pháo đài. Gần như mọi ngôi nhà thuộc tầng lớp trung lưu trở lên đều được bao quanh bởi những bức tường đá đầy kiên cố, kèm hàng rào kẽm gai hoặc hàng rào điện ở trên nóc. Một số nhà thậm chí còn thuê các dịch vụ bảo vệ canh phòng nhà mình 24/7. Ngay cả các quán xá cũng phải tự túc việc bảo vệ bản thân, với ví dụ tiêu biểu là một hàng pizza Lyngar ghé thăm, được anh miêu tả là: “Chúng tôi băng qua những bức tường rào có cổng và đi ngang một người đàn ông mặc quần thụng giản dị, kèm một chiếc đai lưng đựng súng lục được đeo xộc xệch quanh eo. Chào mừng bạn đến với thiên đường tự do của Ayn Rand, nơi đến cả một chiếc bánh pizza pepperoni cỡ đại cũng cần bảo vệ vũ trang.”

Một ví dụ khác gắn sát với Ayn Rand và Chủ nghĩa Khách quan hơn là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, thứ được nhiều nhà kinh tế coi là cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng nhất kể từ cuộc Đại Suy Thoái cho đến trước thời chúng ta bị Cô Vy đì. Nó khởi đầu với việc các tổ chức tài chính ở Mỹ cứ cho người có thu nhập thấp vay tiền để mua nhà loạn hết cả lên. Lúc bong bóng nhà đất bùng nổ, chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp bất động sản trở thành một mớ giấy chùi đít, và hàng loạt hệ thống ngân hàng sụp đổ, gây tình trạng đói tín dụng, sụt giá chứng khoán, và thậm chí còn mất giá tiền tệ quy mô lớn. Và vì Mỹ nắm đầu nền kinh tế cũng như tài chính thế giới, đặc biệt ở các khối nước phương Tây, hàng loạt quân đôminô tài chính khác ở các quốc gia phát triển trên toàn thế giới cũng bị thiệt hại nghiêm trọng.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính này, và một trong số đó là việc chính quyền quá lỏng tay với các tổ chức tài chính. Cụ thể hơn, rất nhiều người cảm thấy lỗi này thuộc về Alan Greenspan, Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thứ 13. Thanh niên có những chính sách rất thoáng đối với cho vay thế chấp và hoạt động của ngân hàng, và đã trực tiếp góp phần khiến cho cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra. Hành động đó về sau đã bị chỉ trích rất kịch liệt, với tiêu biểu là Joseph Stiglitz, người từng đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2001. Ông bảo rằng Greenspan “không thực sự tin vào quản lý tiết chế; khi thiên hạ nhận thấy hệ thống tài chính đang vung tay quá trán, (ông ta và những người khác) kêu gọi hãy để mọi người tự quản lý chính mình - một thuật ngữ đầy nghịch lý.” Trong một cuộc điều trần trước Quốc hội năm 2008, bản thân Greenspan cũng phải công nhận rằng tư tưởng thị trường tự do với mức quản lý được hạn chế của mình không được ổn cho lắm.

Sở dĩ đồng chí này làm thoáng tay đến vậy là bởi hồi thập niên 50, Greenspan đã gặp gỡ và trở thành đệ của Ayn Rand, “cải đạo” sang Chủ nghĩa Khách quan. Ông ta thậm chí còn đã đọc Atlas Shrugged và góp ý cho Rand trong giai đoạn tác phẩm còn đang được sáng tác dở, và đã đóng góp một số bài luận cho cuốn Capitalism: The Unknown Ideal của Rand, ủng hộ việc nhà nước nên hạn chế thọc ngoáy vào doanh nghiệp. Xét cho cùng, đâu có ông CEO nào lại muốn tự tay bóp ấy cơ chứ?

Và hậu quả ra sao thì chúng ta biết rồi đấy 🐧.

Và mỉa mai thay, chính Ayn Rand cũng lại là một ví dụ phản ngược lại Chủ nghĩa Khách quan. Trong cuốn Oral History of Ayn Rand, Scott McConnell, người sáng lập bộ phận truyền thông tại Viện Ayn Rand, đã tiết lộ rằng mặc dù ghê tởm các chương trình xã hội của chính phủ, tin rằng thân ai người nấy phải tự lo chứ đừng bú trợ cấp, Ayn Rand đến cuối đời vẫn sử dụng Medicare, chương trình bảo hiểm sức khỏe liên bang của chính phủ Mỹ, để chi trả cho bệnh ung thư của mình.

Hành động này của Ayn Rand đã bị rất nhiều người chỉ trích, bảo rằng nó cho thấy đồng chí này thực chất chỉ là một kẻ đạo đức giả. Bất chấp việc tối ngày rêu rao rằng những người không tự thân vận động và hưởng sự giúp đỡ từ người khác là yếu kém về mặt đạo đức, chưa kể còn tự khiến ý chí lao động của bản thân trở nên thui chột, thanh niên cuối cùng lại ăn bám nhà nước.

Rốt cuộc, Ayn Rand quả đúng như những gì Jerome Tuccille, một người từng có thời ủng hộ Rand nhưng về sau đã bỏ đi vì thấy hệ tư tưởng của bà có quá nhiều vấn đề, từng nói: “Thế giới của Rand chỉ có hai màu đen trắng. Bạn hoặc tốt cả hoặc xấu cả. Thế giới của bà ấy là một biểu trưng hư cấu hay, nhưng nó không ổn khi đặt trong thực tế, xét trên phương diện con người.”

Không chỉ bị thực tại vả mặt và các nhà tư tưởng, triết gia chỉ trích, Ayn Rand và cái Chủ nghĩa Khách quan của bà chị còn mấy phen bị SFF đem ra chế nhạo. Một trong những ví dụ tiêu biểu phải kể đến là bộ truyện Watchmen của Alan Moore.

Cụ thể hơn, trong Watchmen, ta có một nhân vật thám tử tên là Rorschach. Nhìn bề ngoài, có thể ta sẽ thấy Rorschach không hẳn là hình mẫu một người theo Chủ nghĩa Khách quan, bởi lẽ Rorschach chiến đấu chống lại cái ác và bảo vệ cái thiện (tức phần nào theo chủ nghĩa vị tha, thứ mà Ayn Rand ghét kinh tởm). Tuy nhiên, khi đào sâu xuống, ta sẽ thấy thanh niên mang rất nhiều tư tưởng của Ayn Rand. Thanh niên có một cái nhìn cực kỳ trắng đen về công lý, dựa hoàn toàn trên giá trị của cá nhân mình. Đồng chí này không hành hiệp vì muốn giúp gì nhân loại (thậm chí còn từng nói trắng ra rằng nếu nhân loại cầu xin mình hãy cứu lấy họ, gã sẽ trả lời thẳng đuột một chữ “không”), mà sở dĩ đi trừ gian diệt ác vì gã tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, và không muốn bất kỳ ai phải trở thành công cụ cho ai cả. Bên cạnh đó, gã còn đề cao thực tại một cách cuồng tín, luôn muốn sự thật phải được phanh phui, bất kể nó có thể gây ra hậu họa gì.

Trường hợp của Rorschach khá thú vị, bởi vì nó cho thấy cái sức hấp dẫn lệch lạc của Chủ nghĩa Khách quan. Thanh niên gốc được Alan Moore xây dựng dựa trên nguyên mẫu một nhân vật siêu anh hùng khác của DC, ấy là The Question. The Question mang một số tư tưởng thuộc Chủ nghĩa Khách quan, và Steve Ditko, người đã tạo ra nhân vật The Question, cũng là một người khá cuồng Ayn Rand, và Alan Moore muốn dùng Rorschach để chế nhạo cả hai con người ấy, cho thấy sự nguy hiểm của một kẻ thực sự tin vào Chủ nghĩa Khách quan. Rorschach chẳng lấy gì làm tử tế cho cái xã hội của Watchmen cả, và lý do duy nhất gã được coi là người hùng là cái tư tưởng sùng bái chủ nghĩa cá nhân của gã vô tình đã thúc gã đi làm “từ thiện” cho thiên hạ bằng cách bảo vệ quyền cá nhân của tất cả. Nhưng cuối cùng, gã vẫn suýt nữa đẩy toàn bộ nhân loại đến bờ vực diệt vong vì cái niềm tin cố chấp vào giáo lý đề cao thực tại của Chủ nghĩa Khách quan.

Nhưng thật không ngờ, chính cái kiểu bất cần đời và kiên định giữ lấy đức tin của bản thân đã khiến đây trở thành một trong những nhân vật đáng nhớ nhất của series, và rất nhiều người đã quyết định ngó lơ những hệ lụy khủng khiếp mà gã đáng lý đã có thể gây ra nếu không bị ngăn chặn, và việc nếu gã này tồn tại ngoài đời thực, chúng ta sẽ chẳng sung sướng gì đâu.

Một ví dụ thọc ngoáy Ayn Rand và Chủ nghĩa Khách quan của bà nội một cách thành công hơn sẽ là tựa game BioShock, thông qua Thành phố Rapture và người đã tạo dựng ra nó: Andrew Ryan.

Andrew Ryan. Ayn Rand. Nghe cái tên là anh em đã hiểu rồi nhỉ 🐧?

Andrew Ryan có tiểu sử giống y sì đúc Ayn Rand luôn. Cả hai đều từng là một công dân Nga, từng có những trải nghiệm rất kinh khủng với Chủ nghĩa Cộng sản, và về sau đã trốn sang Mỹ. Ryan cũng giống y hệt một nhân vật chính trong tác phẩm của Ayn Rand vậy: một nhà tư bản tài ba, tự tay gây dựng được một cơ đồ khổng lồ, nhưng lại rất bất mãn với chính quyền. Ryan hết sức khó chịu với cách chính phủ Mỹ cứ thọc ngoáy vào công việc kinh doanh của mình, đòi ông ta phải hy sinh vì lợi ích người khác, và cứ liên tục triển khai hàng loạt chương trình xã hội. Ryan cực kỳ căm ghét những kẻ ăn hôi lợi lộc từ công sức người khác, và thầm mơ tưởng về một xã hội nơi tự do cá nhân được đặt lên trên tất thảy. Trên thực tế, Ryan sặc mùi nhân vật chính trong tiểu thuyết của Rand đến mức thanh niên còn có những bài diễn văn cổ xúy Chủ nghĩa Khách quan và chửi chính quyền cũng như chủ nghĩa vị tha nghe khá thuyết phục. Anh em có thể nghe thử một bài ở đây để thấy nó đậm sắc Rand cỡ nào: 


Rốt cuộc, Andrew Ryan đã hiện thực hóa giấc mơ về thiên đường tự do cá nhân của Ayn Rand bằng cách xây dựng Rapture, một thành phố bí mật nằm dưới đáy đại dương, nơi “người nghệ sĩ sẽ không sợ bị kiểm duyệt, các nhà khoa học sẽ không bị ràng buộc bởi những quy chuẩn đạo đức vụn vặt, nơi kẻ vĩ đại sẽ không bị đám hèn mọn cản trở.”

Lúc đầu, thành phố phát triển cực kỳ rực rỡ, nhưng chẳng bao lâu sau, hàng loạt vấn đề đã nảy sinh. Vì có một xã hội theo chủ nghĩa cá nhân thuần túy, áp dụng mô hình kinh tế Tư bản Tự do, nó chẳng có hạn chế gì hết. Người dân Rapture dần bị phân hóa rất mạnh thành hai giai cấp, với một giai cấp bóc lột và lợi dụng giai cấp còn lại theo một cách không thể nào tàn tệ hơn.

Thế rồi một nhân vật tên là Frank Fontaine xuất hiện, lợi dụng sự tự do thái quá của Rapture để điều hành một đế chế tội phạm khổng lồ, khiến xã hội vốn đã lung lay của Rapture ngày một thêm bất ổn và rạn nứt. Ryan ban đầu để im cho Fontaine lộng hành, và thậm chí còn nể phục hắn nữa, bởi ông ta nghĩ Fontaine đại diện cho mọi thứ tốt đẹp về Chủ nghĩa Khách quan. Nhưng cuối cùng, vì xã hội suy thoái quá mạnh, Ryan buộc phải đá đít Fontaine đi và chiếm quyền kiểm soát đế chế của hắn, đồng thời ngày một kìm kẹp quyền tự do của người dân nhằm tái thiết lập trật tự.

Thế là mỉa mai thay, chính Ryan chứ không phải ai khác lại là người đã vi phạm vào lý tưởng của mình, và thậm chí chính sự vi phạm đấy cũng chẳng cứu nổi Rapture. Thành phố ngày một sa sút đi, và rốt cuộc sụp đổ gần như hoàn toàn chỉ 14 năm sau khi mở cửa đón người xuống định cư. Thông qua Andrew Ryan và sự thất bại của Rapture, BioShock đã khắc họa rất sinh động cái sự nhảm nhí trong tư tưởng cực đoan của Ayn Rand, cho thấy nó lệch lạc đến nhường nào.

Nhìn chung, Chủ nghĩa Khách quan của Ayn Rand được xây dựng trên một tiền đề khá tử tế, ấy là sự đề cao bản tính cá nhân của con người. Cái vấn đề nằm ở mức độ của nó. Như một người từng suýt ngộ độc CO2 và về sau đinh ninh rằng con người chỉ nên hít không khí thuần ôxi, không hề hay biết làm vậy sẽ gây quá tải khả năng vận chuyển của hồng cầu và làm bản thân tử vong, Ayn Rand đã để sự chán ghét chủ nghĩa tập thể của mình đẩy bản thân đi quá xa, nhảy thẳng vào một hệ tư tưởng đối lập hoàn toàn với nó nhưng thực ra cũng nguy hại chẳng kém nếu đem áp dụng vô tội vạ vào thực tế. Chẳng có cái gì cực đoan mà lại tồn tại tốt được cả. Gần như mọi quốc gia trên thế giới đều phải sử dụng các hệ tư tưởng hỗn hợp thì mới phát triển được; các quốc gia tư bản đề cao tự do cá nhân vẫn cần những chương trình xã hội cũng như đảm bảo lợi ích chung được để tâm đến; các quốc gia cộng sản/xã hội chủ nghĩa đề cao tính tập thể vẫn cần đảm bảo một số quyền tự do cá nhân và một số tư tưởng tư bản. Một thứ ngả quá mạnh về một bên như Chủ nghĩa Khách quan của Ayn Rand không có chỗ đứng trong thực tại, và chỉ nên được tiếp cận một cách hết sức chắt lọc, hoặc dưới dạng một minh chứng cho sự tai hại của cực đoan hóa mà thôi.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.