Chuyển đến nội dung chính

Ninth House và Wonder Woman - 2 tác phẩm bị bóp vì chạy theo thị trường


 Trong cái bài review Ninth House ngày hôm trước, mình có nhấn cực kỳ mạnh vào tầm 20 trang gần cuối của nó, bảo rằng nó bóp câu chuyện mạnh kinh khủng.

Tình cờ thì đây không phải là lần đầu tiên mình bị một tác phẩm SFF cho ăn một vố ‘muh subvert expec-tay-shun kiểu này. Cách đây tầm mấy năm, cũng từng có một tác phẩm khác làm một điều gần như giống y xì đúc, và cũng đã tự làm tổn hại nghiêm trọng bản thân với một quyết định rất ngáo ngơ ở phút chót.

Thanh niên đó là Wonder Woman.

Wonder Woman thì hẳn anh em đại đa số đều đã xem rồi, nhưng phòng trường hợp có ai chưa biết, đây là một bộ phim siêu anh hùng lấy bối cảnh năm 1918, và theo chân hành trình của một chiến binh Amazon có tên Diana (tức Wonder Woman). Suốt cả đời mình, Diana sống trên một hòn đảo biệt lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài, và những gì cô biết về cuộc đời toàn đến từ những mẩu truyện thần thoại Hy Lạp mẹ kể. Thế rồi một ngày nọ, cô hay tin thế giới bên ngoài đang vướng vào một cuộc chiến đẫm máu, ấy chính là Thế Chiến I. Đinh ninh thủ phạm chính là thần chiến tranh Ares, Diana rời đảo, những mong sẽ tìm thấy Ares và tiêu diệt hắn, từ đấy giúp thế giới chấm dứt cảnh binh lửa.

Trong suốt bộ phim, cái niềm tin vào sự tồn tại của Ares cũng như vai trò của hắn đối với cuộc chiến mà Diana mang trong đầu liên tục bị đem ra đặt nghi vấn, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp. Tuy nhiên, Diana vẫn giữ vững niềm tin đó, bởi cô dứt khoát không thể tin con người lại có thể tàn nhẫn với nhau đến vậy. Diana nhất mực tin rằng loài người vốn là tốt đẹp và trong sáng, chỉ có điều đã bị Ares làm tha hóa mà thôi, và tiếp tục kiên quyết tìm kiếm bằng được Ares để cứu rỗi con người.

Dần dần, Diana tìm thấy một nhân vật rất khớp với các tiêu chí về Ares. Kẻ đấy là Erich Ludendorff, một viên tướng của quân đội Đức. Sau một cuộc chiến ác liệt với lực lượng Ludendorff, Diana đã dồn được lão vào đường cùng, và cô đã xoay xở giết được lão.

Nhưng sau đó không có gì xảy ra cả.

Cuộc chiến vẫn tiếp diễn, con người vẫn điên cuồng chém giết, vũ khí hủy diệt hàng loạt vẫn được chất lên máy bay. Cái chết của Ludendorff không làm thay đổi bất cứ một điều gì hết.

Đến đoạn này, Diana bắt đầu phải chấp nhận một khả năng vô cùng nghiệt ngã: không có Ares nào ở đây hết. Mọi tội ác tởm lợm cô chứng kiến từ trước đến nay, những đứa trẻ bị giết hại vô cớ, đồng loại điên cuồng tàn sát lẫn nhau, tất cả đều do con người tự tay làm hết. Con người không hề thánh thiện, mà họ ẩn chứa tà ác trong linh hồn.

Cái theme cảnh ấy muốn truyền tải thực ra đã rải sẵn trong suốt phim rồi, nhưng đây là lúc nó phát tác toàn bộ công lực. Cái cảnh này đã chính thức lật mặt thằng trùm cuối mà bộ phim đã ngấm ngầm xây dựng rất kỹ càng ngay từ đầu, có điều ngụy trang nó dưới những kẻ tướng tá và bác học điên. Thằng trùm đấy là… không ai cả. Chiến tranh nằm trong bản chất con người. Con người chính là chiến tranh. Không có một ác thần nào đứng đằng sau giật dây những sự man rợ này hết, không có một “công tắc” nhiệm màu nào để làm cuộc chiến chấm dứt.

Ngay tức thì, xung đột của bộ phim đã trở nên lý thú gấp bội. Diana, một nhân vật về cơ bản có sức mạnh vô địch, giờ lại phải đối mặt với một địch thủ không chỉ đơn thuần vượt tầm của cô, mà nó còn hoàn toàn nằm ngoài hệ quy chiếu của mọi khả năng cô nắm giữ. Cô không thể đấm chết bản chất con người, không thể dùng sức mạnh thánh thần của mình để trấn áp sự hủy diệt. Đến đây, Diana sẽ vừa phải đối mặt với một khủng hoảng nội tâm, xoay quanh sự đổ bể niềm tin của mình, vừa phải nghĩ cách giải quyết vấn đề hiển nhiên trước mắt là cuộc chiến đang diễn ra, kèm cả vấn đề về lâu về dài là chiến tranh xuất phát từ sự độc địa cố hữu của nhân loại.

Mình vẫn còn nhớ như in hồi xem cái phân cảnh hội thoại khi Diana ngộ ra điều trên. Tính đến trước cảnh đó, mình mới chỉ thấy Wonder Woman là một phim siêu anh hùng vừa ý thôi, chứ chưa thấy có gì đáng nói lắm. Nhưng cái cảnh này đã lập tức đẩy cao độ hứng thú của mình lên hẳn, và phim bắt đầu lấn sang lãnh thổ “tuyệt hay” rồi. Thứ nhất, nó gợi cho mình nhớ đến một trong những cuốn truyện tranh siêu anh hùng mình rất thích, ấy là Superman: Peace on Earth, với Superman phải đi giải quyết nạn đói toàn cầu; thứ hai, và đây mới là mấu chốt, vấn đề Diana hiện phải đối mặt thú vị gấp vạn lần bất kỳ con quái vật CGI nào, có tiềm năng khép lại cả phim với một thông điệp sâu lắng.

Nhưng đúng vài phút sau, tự nhiên Ares chường mặt ra.

Cho đến tận hôm nay, mình vẫn không thể nào tin nổi Warner Bros lại có một quyết định đần độn đến như vậy. Mặc dù vẫn cố níu giữ một xíu cái theme về bản chất con người tiềm ẩn sự xấu xa, Ares vẫn chuyển trục xung đột về thành một màn đấm nhau cục súc, với CGI lởm bắn tóe loe. Và sau khi Ares bị đánh bại, bởi vì tất nhiên là phản diện CGI trong phim siêu anh hùng thì phải thế rồi, cuộc chiến cũng kết thúc luôn. Lính Đức với lính Anh ôm nhau hớn hở, con người lại là anh em, lại tốt đẹp. Nó vừa cliché, vừa nhạt nhẽo, vừa hủy hoại công sức gần hai tiếng đồng hồ xây dựng thông điệp của bộ phim. 

Nhục nhất kể cả nếu chấp nhận vụ hủy theme và cliché, quyết định để Ares làm phản diện chính vẫn chẳng bớt phần ngu si. Thanh niên này là một nhân vật nhạt thếch, không có bất cứ một đầu tư gì ngoài một hai cảnh lấy lệ, và thò mặt vào cảnh cuối một cách rất khiên cưỡng. Ngay cả nếu cần phản diện để đấm nhau kiểu trâu chó, phim cũng đã có một nhân vật khác rất phù hợp, ấy là Maru.

Đây là một nhà bác học điên, một phản diện người khác đã được phim đầu tư xây dựng khá ổn bên cạnh Ludendorff. Con mụ này đã phát triển được một loại khí làm tăng khả năng vật lý của người ngửi, và thứ khí này đã được chứng minh là đủ sức giúp Ludendorff ít nhiều đấu lại được với Diana. Nếu bên làm phim quả thực thèm nhồi cảnh đấm nhau vào lúc chốt như thế, họ hoàn toàn có thể cho mụ ấy tự chơi đồ của mình, hoặc dưới dạng một phiên bản ổn định/tinh khiết hơn hoặc với một liều lượng nguy hiểm hơn, để từ đấy gây nhiều khó khăn hơn cho Diana, thay vì bị hạ gục trong một phút như Ludendorff. Đây thậm chí còn có thể dùng làm tiền đề rất tốt để lồng phim vào với cái vũ trụ DC chung, vì thứ khí Maru hít về sau có thể được diễn giải là tiền thân của venom, một chất thuốc tăng lực được một phản diện rất nổi khác trong vũ trụ DC có tên là Bane sử dụng.

Nhưng vì đây là Warner Bruh, thế nên họ đã quyết định treo đầu dê bán thịt chó, đổi phản diện ở phút chót chỉ để gây sốc rẻ tiền và nhồi nhét bắn nổ bùm chéo.

Ninth House cũng dính phải vấn đề y chang Wonder Woman. Trong suốt chiều dài truyện, Ninth House lồng ghép rất hay cái theme phép thuật đúng là nhiệm màu đấy, nhưng nó không “nhiệm màu.” Nó chỉ là một công cụ thuần túy, không hơn không kém, và không thể khiến con người mặc định tốt lên. Con người dù có phép thuật hay không thì cũng vẫn là con người, vẫn dễ bị hỷ nộ ái ố làm sa đọa, vẫn dựng lên những hệ thống cho phép những kẻ có địa vị trong xã hội dí ấy vào luật lệ, trong khi dân đen thấp cổ bé họng dù có tài ba ra sao thì cũng chẳng thể ngoi đầu lên nổi nếu không “chịu chơi.”

Cái kết của Ninth House, hay đúng hơn là phần ta những tưởng là kết của nó, là một sự phát triển tiếp tục của cái theme ấy. Và cũng như Wonder Woman, nó hứa hẹn một xung đột nằm ngoài hệ quy chiếu tài năng của nhân vật chính. Siêu năng lực nhìn thấy ma của nhân vật chính, công cụ đã hỗ trợ rất đắc lực cho cô trong suốt câu chuyện, sẽ chẳng giúp gì được cô cả. Vâng, đúng là có một thằng phản diện chình ình trước mặt cô đấy, nhưng địch thủ của cô kỳ thực không phải là kẻ hung thủ đang bị cô lật mặt đâu. Nó là cả một cái hệ thống vô hình và thối nát đằng sau, hoặc sẽ giúp hung thủ thoát tội nhẹ tênh, hoặc sẽ đảm bảo không sớm thì muộn sẽ có một kẻ khác xuất hiện và làm đúng những cái chuyện hung thủ đã làm. Đây không phải là một vấn đề có thể đối đầu một cách trực diện được, và nhân vật chính giờ sẽ phải đương đầu với một thứ mình không thể đơn thuần thách ra solo mid.

Nhưng cũng như Wonder Woman, tự nhiên một thằng Ares chường cái mặt vào.

Thằng trùm cuối của Ninth House giống Ares kinh khủng. Đồng chí đó cũng là một nhân vật rất nhạt, không được phát triển nhiều và chẳng mấy khi tương tác với các nhân vật, nhưng lại điềm nhiên bước vào và sút một nhân vật ấn tượng hơn ra ngoài. Và không chỉ dừng lại ở mỗi cướp chỗ của nhân vật thú vị hơn, Ares bản Ninth House còn tiện thể xua hết các theme chủ đạo của tác phẩm ra đứng chầu rìa nữa chứ. Vâng, nó cũng giữ lại chút ít thứ liên quan đến sự tăm tối của lòng người, và một phần theme liên quan đến hệ thống thối nát vẫn tiếp tục được triển khai sau khi Ares bị đánh bại đấy. Nhưng  trọng tâm của xung đột chốt hạ rốt cuộc vẫn cứ là một màn “pháo hoa” CGI không phải lối. Nó rất lạc quẻ với những gì diễn ra trước đó, và làm loãng mất theme cốt lõi của tác phẩm.

Đến khổ Ninth House với Wonder Woman. Chúng nó đáng lẽ đã có thể thụi cho độc/khán giả những cú đấm nốc ao nhớ đời, nhưng rốt cuộc lại tung toàn những đòn kết liễu chẳng xi nhê vào đâu, chỉ vì cả hai đều cố… thụi độc/khán giả theo nghĩa đen. Epic cũng có cái hay của epic đấy, nhưng đôi khi, tất cả những gì một tác phẩm phải làm để bứt phá lên một tầm cao mới là ghìm bản thân lại, và để câu chuyện chảy trôi một cách thật “tầm thường.”

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.