Chuyển đến nội dung chính

Tâm lý học Sigmund Freud - lỗi thời song vẫn đầy ảnh hưởng


 Trong cái bài review về The Demolished Man bữa trước, mình có nhắc đến việc thằng này có một số nét khiến nó “lộ tuổi” rất kinh. Trong số đó thì nặng nhất là cách nó gần như xây dựng mọi thứ hoàn toàn trên các thuyết về tâm lý của Sigmund Freud.

Trong trường hợp có anh em nào chưa biết, Sigmund Freud là một nhà thần kinh học người Áo giai đoạn đầu thế kỷ 20. Ông là một trong những gương mặt cực kỳ nổi tiếng của tâm lý học, đề ra khá nhiều giả thuyết cùng ý tưởng với sức ảnh hưởng sâu rộng đến cả ngành suốt một thời gian dài, trong đó nổi nhất là phân tâm học (phương pháp điều trị bệnh lý tâm thần bằng cách tiến hành đối thoại với bệnh nhân và phân tích tâm lý thông qua cuộc trò chuyện ấy). Ông có công cực lớn trong việc biến cả ngành trở thành một môn khoa học nghiêm túc, giúp nó được người đời coi như một trong những trụ cột thiết yếu hình thành nên xã hội hiện đại cũng như mỗi con người.

Tuy nhiên, bất chấp việc Sigmund Freud là một trong những nhà tiên phong lừng danh nhất của ngành, các ý tưởng của ông vẫn mang tính… chém hơi nhiều, hoặc nói văn hoa hơn, chúng “nghệ” quá.

Mặc dù những gì Freud đề xuất nghe có vẻ thú vị và thậm chí còn hợp lý nữa, chẳng hạn nói chuyện tư vấn là phương án tốt nhất để chữa bệnh tâm thần, hay các rối loạn về tâm lý có thể truy ngược về tương tác với bố mẹ lúc còn nhỏ hoặc mâu thuẫn trong tương tác giữa bộ ba Id, Superego, và Ego, chúng bị thiếu nghiêm trọng bằng chứng thực nghiệm. Không ai, kể cả Freud, thiết lập được một cơ sở khoa học nền tảng đủ vững để bổ trợ cho một lượng rất lớn những điều ông nói ra cả, và đến ngay cả học trò của Freud cũng chẳng thể tái thực hiện những thành công lâm sàng của Freud trong chữa trị. Thậm chí, khoa học về sau còn phát hiện ra một số thứ phá ngược ý tưởng của Freud, chẳng hạn một số chứng bệnh tâm thần nảy sinh từ mất cân bằng chất trong não hoặc khiếm khuyết về di truyền. Thế nên dẫu cái nền Freud bày ra vẫn tiếp tục được nghiên cứu, không mấy nhà tâm lý học còn chú trọng mô hình của Freud nữa. Nói một cách nôm na hơn, dân tâm lý học dù vẫn chấp nhận nền tảng rằng tâm trí có hoạt động vô thức này nọ như Freud đề xuất, không ai tin vào cách Freud mô tả về tâm trí nữa.

Dẫu thế, mô hình Sigmund Freud vẫn có sức ảnh hưởng lớn đến hình dung của công chúng về tâm lý, đặc biệt trong nửa đầu thế kỷ 20. Nguyên nhân chủ đạo là, như đã nói đấy, các ý tưởng của Freud nghe “nghệ” kinh khủng, chưa kể còn dính dáng đến những đề tài mang tính cấm đoán như tính dục với quan hệ ruột thịt, thế nên độ ấn tượng của nó cao kinh khủng. Việc ý tưởng của Freud thường xuyên bị nhiều nhà tâm lý học khác mang ra công kích vô tình cũng góp phần làm nó càng thêm nổi như cồn. Kết hợp với việc tâm lý học thời ấy vẫn còn khá non trẻ, chưa có nhiều thứ giúp bổ trợ nghiên cứu như bây giờ, và cái lượng ít ỏi có tồn tại vẫn chưa thẩm thấu được ra ngoài công chúng đại trà do hạn chế về truyền thông và tiếp cận thông tin, Sigmund Freud trở thành bộ mặt của tâm lý học đối với cả một thế hệ. 

Alfred Bester, một con người của thời đại ấy, cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng. Chính thế nên trong The Demolished Man, ông anh đã bê y sì đúc những ý tưởng của Freud ra lắp vào truyện. Tâm lý của con người bên trong truyện được chia ra làm ba lớp là Id, Superego, và Ego, mặc dù chúng không được gọi thẳng tên như vậy. Các nhân vật gặp vấn đề tâm lý chủ yếu là do khi mấy cái trên tương khắc với nhau, từ đấy gây bất ổn đầu óc. Đáng chú ý là các nhân vật trọng tâm của truyện bị áp y sì đúc cái phức cảm Oedipus (đàn ông bị ám ảnh bởi sự cạnh tranh với bố và muốn bem mẹ mình) và phức cảm Electra (phụ nữ bị ám ảnh bởi sự cạnh tranh với mẹ và muốn bem bố mình), và đấy là cội rễ cho mọi vấn đề tâm thần cũng như hành động của họ, bất chấp việc có hàng loạt yếu tố khác cực kỳ hợp lý có thể làm nảy sinh ra những vấn đề ấy. Phương án giải quyết bao gồm chấp nhận nhìn thẳng vào cái phức cảm của mình, và giải quyết xong nó là coi như xong luôn. Thời tác phẩm ra đời thì nghe cũng không đến mức nào đâu, nhưng khi độc giả hiện đại đọc vào, ta sẽ thấy nó rõ ràng đến từ một cái thời đã xưa.

Ngày nay thì ít ai còn vác nguyên mô hình của Sigmund Freud ra lắp vào tác phẩm như The Demolished Man, và nếu có thì cũng tích hợp kèm một số thứ khác để nó nghe đỡ chém, hoặc làm kiểu parody châm biếm nó. Tuy nhiên, tâm lý học của Freud, hoặc ít nhất phiên bản bóp méo của nó, vẫn phần nào ảnh hưởng đến văn hóa đại chúng. Ta có thể thấy điều này thông qua cách nhiều tác phẩm hay để các vấn đề tâm lý khởi nguồn chủ yếu hay thậm chí chỉ duy nhất từ thời thơ ấu, và một khi nhân vật chịu nhìn nhận và giải quyết cái ám ảnh hồi nhỏ đó thì việc chữa trị về cơ bản là xong xuôi. Phân tâm học cũng được đề cao hơi quá đà, với Talk no Jutsu thường có tác dụng mạnh hơn mọi liệu pháp khác, hoặc có khi là phương thức duy nhất cần thiết để chữa lành các lệch lạc tâm thần.

Về ví dụ thì nổi nhất sẽ là Naruto, người đã khai sinh ra cái thuật ngữ Talk no Jutsu, hay như cách gọi gần gũi hơn thì là tuyệt chiêu làm bạn chết cụ thằng phản diện. Mấy thanh niên phản diện của series này hầu như đều có một vấn đề tâm lý thời nhỏ nào đấy, và nó tác động đến toàn bộ nếp nghĩ cũng như hành động của họ. Chính bởi vậy, mỗi lần chiến đấu, các nhân vật chính thường kết hợp đấm đá trâu bò với chưởng mồm, về cơ bản đóng vai trò nhà tâm lý trị liệu cho thằng kia, buộc nó phải quay về đối mặt với chấn thương hồi nhỏ. Nếu nó chấp nhận và vượt qua được cái chấn thương đấy, mọi vấn đề với tà ý của thằng này biến luôn, và trận chiến coi như hạ màn. Nếu nó không vượt qua được thì cái chấn thương đó có thể được dùng để đè bẹp nó, và trận chiến cũng hạ màn chỉ sau cái buổi “tư vấn” ấy.

Một ví dụ khác cũng có thể được nhắc đến là cách nhân vật Lex Luthor được xây dựng trong Batman v Superman. Toàn bộ thế giới quan cũng của đồng chí này đều khởi nguồn từ mối quan hệ giữa hắn và bố mình. Bố của Lẽ hồi nhỏ cực kỳ khắt khe với con mình, đến mức còn đánh đập thanh niên liên miên, từ đấy gây ảnh hưởng rất mạnh đến tâm lý của Lex, và căn cứ vào lời lẽ của hắn trong phim thì gần như như cội nguồn mọi hành động của Lex đều ít nhiều dính dáng đến việc hắn muốn bù đắp cho quãng thời thơ ấu của mình. Ngay cả lòng căm ghét Superman của Lex cũng có khởi nguồn là chẳng có đấng cứu thế nào xuất hiện cứu hắn hồi hắn còn nhỏ.

Nhưng bù lại ta cũng có rất nhiều tác phẩm khám phá các vấn đề tâm lý không dẫn ngược về tít thời nhỏ như thế. Beacon 23 có một anh trực trạm vũ trụ bị khủng hoảng tâm lý cực kỳ nghiêm trọng, nhưng nó khởi nguồn từ chấn thương tâm lý trong quãng thời gian đi lính, phải chứng kiến quá nhiều chết chóc và thương vong, chưa kể còn mặc cảm tội lỗi về một việc đã thực hiện trong giai đoạn đó nữa. Cái sự cô đơn tột độ mà anh này phải chịu đựng tại trạm vũ trụ cũng được khắc họa là một trong những lý do dẫn đến việc anh trở nên lệch lạc đến thế. Tận sau khi đã bị bắt ép đối mặt với sự thật đau thương trong quá khứ cũng như có người bầu bạn rồi, các vết thương ấy của anh ta vẫn không auto biến mất sạch, mà chỉ tạm lắng xuống thôi (ít nhất là cho đến trước khi quả kết ngọt như mía lù thò cái mặt ra 🐧 ).

Cuốn tiểu thuyết The Sparrow cũng là một trường hợp đáng chú ý. Trong truyện này, ta có nhân vật Cha Emilio Sandoz bị tổn thương tâm lý cực kỳ nặng nề. Cũng như anh trạm viên của Beacon 23, đau thương của Sandoz không khởi nguồn từ tuổi thơ, mà nó đến từ quãng đời trưởng thành, khi ông bị ép phải thực hiện một điều hết sức kinh khủng trong lúc đang khám phá hành tinh Rakhat. Truyện kỳ thực cũng sử dụng Talk no Jutsu để chữa cho ông này, với phần gỡ nút kịch tính của truyện liên quan đến việc Sandoz phải thực sự thừa nhận cái chuyện kia đã xảy ra và quay lại đối mặt với nó. Sau khi ông đã đối mặt với sự kiện đấy rồi, Sandoz quả đã trở nên khá hơn, nhưng truyện vẫn thể hiện rằng ông này chưa hề được chữa khỏi, và nhìn nhận mọi thứ chỉ là bước đầu tiên trong một chặng đường rất dài và đầy chông gai mà thôi.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.