Chuyển đến nội dung chính

Xứ Phẳng và tầm quan trọng của việc đưa sách cho đúng người


Hôm nay mình mới được một bạn gửi cho xem một cái review trên Tiki, bàn về cuốn Xứ Phẳng mà Nhã Nam mới phát hành. Bất chấp đây là một cái review rất tích cực về một tác phẩm Sci Fi, nó lại khiến mình có một phen đứng hình không hề nhẹ, bởi vì bạn review truyện đã bảo nó phù hợp cho trẻ con từ lớp 6, lớp 7 đổ xuống, đơn thuần bởi vì nó có thể khơi dậy đam mê với toán học. 

Trên lý thuyết thì nói thế cũng không hẳn là sai, bởi vì đây là một trong những tác phẩm biết ứng dụng toán học theo một cách sáng tạo và hấp dẫn nhất mình từng thấy. Phần toán không có gì là quá nặng nề, chỉ giới hạn ở một số khái niệm hình học căn bản như tam giác cân, tam giác đều, góc nhọn, góc tù,… chưa kể lại còn được đi kèm với những ví dụ minh họa rất trực quan. Bên cạnh đó, chúng nó còn được nhân hóa và chuyển thể thành một câu chuyện thú vị và rất sinh động, giúp mọi thứ trở nên rất dễ ngấm, và có thể sẽ khiến độc giả cảm thấy hứng thú muốn tìm hiểu thêm về lĩnh vực này.

Tuy nhiên, phần toán học thực chất lại không phải là yếu tố chủ chốt thực của tác phẩm này. Trọng tâm cũng như sức hút chính của cuốn sách nằm ở một điểm khác, và đấy chính là nguyên do đặt quyển này vào tay bất cứ ai quá trẻ đều rất nguy hiểm, đặc biệt nếu đó là những thành phần chỉ vừa mới hay thậm chí còn chưa rời khỏi tiểu học như bạn kia đề xuất.

Nếu đã đọc truyện (ai chưa hay biết gì về tác phẩm thì hãy đọc lướt review của mình về nó ở đây để hiểu rõ vấn đề hơn: https://scifivietnam.blogspot.com/2022/06/review-flatland-cua-edwin-abbott-abbott.html), anh em hẳn sẽ nhận thấy đấy về cơ bản chính là Số Đỏ, mỗi tội lấy bối cảnh ở trời Âu thay vì ở Việt Nam. Nó châm chích và đả kích cái xã hội nước Anh thời Victoria một cách rất mạnh mẽ, chế giễu những tư tưởng phân biệt giới tính, phân biệt giai cấp, lạm dụng quyền lực, bài kích khám phá mới,… Chết người ở chỗ là cũng như Số Đỏ, Xứ Phẳng KHÔNG HỀ nói thẳng ra mình đang đùa cợt châm biếm, mà nó cứ viết tằng tằng như thể những gì đề cập đến trong sách là một điều hiển nhiên, một lẽ thường tình của xã hội.

Để hiểu tại sao như vậy lại xấu, anh em hãy nhìn vào ví dụ như thế này: trong truyện, tác giả tả phụ nữ là những đường thẳng, bởi vì như thiên hạ đều đã “biết,” đám đàn bà con gái toàn là phường đầu óc nông cạn, không thể sâu sắc như đàn ông được. Và ngoài ra, một người phụ nữ “đúng chuẩn” phải biết vừa đi vừa ngúng nguẩy mông và phải mồm loa mép giải. Ngoài đó ra thì tác giả còn đặc tả những người dân thuộc giai cấp lao động hoặc thương buôn là những chủng người thấp kém, chỉ có thể là các hình tam giác tầm thường, mãi mãi không lên được ngang hàng đẳng cấp của các hình đa giác khác. Ngay cả nếu đám tam giác có sản sinh được ra tứ giác hay gì, đứa trẻ cũng cần phải được tách ra khỏi bố mẹ của nó, bởi vì một lần nữa, như tất cả chúng ta đều đã “biết,” cái ngữ bần nông đầu óc thiển cận sẽ không thể nào nuôi dạy được một đứa trẻ nên người.

Trong phần ví dụ trên, mình đã vừa nói rõ ngay từ đầu là mọi thứ trong câu chuyện đều được viết ra để mỉa mai châm biếm chứ không phải cổ xúy, chưa kể còn đã để trong ngoặc kép những từ khóa để đánh dấu nó không được nói với nghĩa nghiêm túc, nhưng anh em đọc vào hẳn vẫn có thể thấy cái kiểu nói ấy có thể gây hiểu nhầm cao như thế nào.

Bây giờ mọi người thử tưởng tượng nó được đặt vào trong một tác phẩm không có tí cảnh báo hay chú thích gì hết, và đưa vào tay một đứa trẻ con chưa đủ trải đời để phân biệt được đâu là đùa đâu là thật xem chuyện gì sẽ xảy ra đi. Khả năng rất cao chúng nó sẽ nghĩ sự đời quả thật là như thế, và sẽ dần hình thành các định kiến không hay về chuẩn mực xã hội, sau này sửa rất khó.

Thực tình mà nói, cuốn này không phải là hoàn toàn không cho trẻ con đọc được. Nếu anh em đã đích thân đọc qua tác phẩm một lượt để kiểm tra nội dung, và sẵn sàng dành thời gian đọc cùng con cái để giảng giải và chỉ ra cho chúng nó hiểu rõ bản chất thật của những cái vấn đề bàn đến trong sách thì sẽ chẳng tai hại gì hết, và thậm chí còn khơi được niềm ham thích của bọn trẻ con với toán học hoặc Sci Fi nếu làm khéo. Tuy nhiên, bảo rằng một quyển như thế này có thể đưa thẳng cho trẻ con đọc thì rất không hay. Tương tự như việc Số Đỏ phải đến tận cấp 3 mới được giới thiệu chính thức đến với học sinh, bởi vì nó đòi hỏi một sự cứng cáp nhất định về tư tưởng cũng như phông văn hóa mới thấm được, Xứ Phẳng cũng cần phải được giới thiệu một cách đúng thời điểm, không thể cứ nhắm mắt phang bừa.

***


Bài gốc được đăng trong group Hội thích truyện Sci Fi trên Facebook. Cùng ghé chơi group để thảo luận về bài viết hoặc đọc thêm các bài tương tự, bạn nhé.